Giáo Hội Thiên Chúa giáo Hong Kong trên đà bị xóa sổ?

Nguyễn Văn Lục

Cảm nhận thứ ba của tôi khi đọc bài này là sự thản nhiên hầu như vô cảm của cộng đồng người Việt tại hải ngoại. Các cơ quan truyền thông của họ chỉ nhằm xiển dương một tổng thống bệnh hoạn và vô đạo. Nhất là những người tự xưng là tín đồ Thiên Chúa giáo. Không một dòng, một chữ nào nhắc đến số phận Thiên Chúa giáo có nguy cơ bị xóa sổ ở Hong Kong.

Hồng y Trần Nhật Quân – Joseph Zen cùng một số nhà tranh đấu khác trong một cuộc biểu tình đòi dân chủ cho Hồng Kông năm 2014. REUTERS/Bobby Yip/File Photo

Cơn thử thách của giáo hội Trung Hoa tại Trung Hoa lục địa

Cách đây gần ba năm vào ngày thứ hai 30/01/2018, hồng y Trần Nhật Quân (Joseph Zen), giám mục địa phận Hong Kong đã công bố một lá thư ngỏ, phản đối việc Vatican thay thế một giám mục người Hoa do chính tòa thánh bổ nhiệm, bằng một giám mục do chính quyền Bắc Kinh chọn lựa. Vị giám mục 86 tuổi đã công khai khai chỉ trich chính sách xích lại gần với chính quyền Hoa lục của tòa thánh.

Theo bài “Một hồng y lên án Vatican ‘‘bán đứng’’ Giáo Hội cho Trung Quốc” của tác giả Trọng Thành đăng trên RFI tiếng Việt ngày 31/02/2018, tóm lược sau đây:

Trong thư ngỏ, giám mục Trần Nhật Quân đã nêu ra trường hợp của giám mục Trang Kiến Viên (Zhuang Jianjian) đang làm việc tại tỉnh Quảng Đông và giám mục Trần Nhật Quân cho biết đã trực tiếp nói chuyện với giáo hoàng Phan Xi Cô về trường hợp giám mục Quảng Đông trong tháng giêng này.

Theo trang mạng AsiaNews[1], vị giám mục 88 tuổi ở Quảng Đông đã được một nhà ngoại giao cao cấp của Vatican đề nghị nghỉ hưu, để dành chỗ cho một giám mục ở Hoa lục được chính quyền Bắc Kinh bổ nhiệm mà không được Vatican chính thức cho phép. Giám mục được Bắc Kinh hậu thuẫn là ông Hoàng Bính Chương (Huang Bingzhang) vốn bị giáo hội rút phép thông công năm 2011.

Giám mục Trần Nhật Quân đã đặt câu hỏi: “Phải chăng Vatican đang bán đứng giáo hội công giáo tại Trung Hoa cộng sản cho chính quyền? Ông tự trả lời: “Chắc chắn là như vậy.”

Và đồng thời muốn cảnh báo dư luận là “chính quyền cộng sản Trung Hoa cộng sản đang thiết lập các quy định mới nghiêm ngặt hơn để giới hạn tự do tôn giáo”.

Trong nội bộ Vatican có hai luồng quan điểm đối lập nhau trong những năm gần đây. Luồng thứ nhất với nhân vật chủ chốt là ngoại trưởng của tòa thánh, hồng y Pietro Parolin cho rằng cần phải mềm dẻo với hy vọng chính quyền Trung Hoa cộng sản dành nhiều tự do hơn cho người công giáo. Luồng thứ hai phản đối mạnh cho rằng Bắc Kinh không thực sự tiến bộ trong lĩnh vực này.

Phần nội bộ Trung Hoa cộng sản thì người Thiên Chúa gáo chỉ với 12 triệu dân vào năm 1951 và không có quan hệ ngoại giao, chia làm hai phe. Một bên là “Hiệp hội công giáo yêu nước” với chức sắc do Bắc Kinh tuyển chọn. Bên kia là giáo hội phi chính thức với các vị giám mục do tòa thánh bổ nhiệm. Nhưng kể từ năm 2013, giáo hoàng Phan xi cô thi hành chính sách cải thiện quan hệ với Trung Hoa cộng sản. Trong những tháng gần đây Vatican và Bắc Kinh chuẩn bị nhằm thừa nhận một số giám mục do Bắc Kinh lựa chọn.

Hết phần tóm lược.

Giáo hội Thiên Chúa giáo ở Hong Kong đang chịu áp lực của Bắc Kinh muốn đóng cửa cơ quan truyền giáo không chính thức của họ ở ngoại ô Kowloon của Hong Kong.

Nhưng phiên bản ấy nay lại được tái xuất hiện một lần nữa sau hơn nửa thế kỷ. Lần này tại Hong Kong. Bài của tác giả Greg Torode do Trà Mi dịch, nhan đề “Nữ tu sĩ bị bắt, Bắc Kinh đàn áp giáo hội ở Hong Kong” đăng ngày 31 tháng 12 trên DCVOnline.net

Theo bài báo nói trên, dấu hiệu đầu tiên là hai nữ tu sĩ về thăm nhà tại lục địa đã bị nhà cầm quyền Bắc Kinh bắt giữ là điều bất thường, mặc dầu sau đó đã được thả.

Nhưng theo nguồn tin của các vị cao cấp của hàng giáo phẩm nói với Reuters rằng Bắc Kinh đang muốn mở rộng quyền kiểm soát trong giáo phận bằng cách áp dụng ở Hong Kong một thỏa thuận đã có hiệu lực hai năm trước đây ở đại lục với tòa thánh, mặc dầu Hong Kong không nằm trong thỏa thuận vì tính cách bán tự trị của thành phố.

Tuy nhiên, các giới chức giáo hội có thẩm quyền ở Hong Kong đã được thông tin từ đại lục, ai là người được Bắc Kinh ủng hộ để đảm nhận vai trò giám mục sau này.

Cũng theo Greg Torode, trước sức ép của Bắc Kinh, Hồng y John Tong, người đứng đầu giáo phận Hong Kong đã kêu gọi các linh mục địa phận không đưa ra những bài giảng mang tính chất chính trị.

Hồng Y John Tong, người đứng đầu giáo phận Hong Kong, đã kêu gọi các linh mục địa phương không đưa ra những bài giảng mang tính chất chính trị. REUTERS/Tony Gentile

Hồng y Tong, 81 tuổi cũng đã kiềm chế tiếng nói của Ủy Ban Công lý và Hòa Bình, một cơ quan nhân quyền trong giáo phận có truyền thống tự do chính trị và tôn giáo.

Hồng Y Tong đã thành lập một Ủy ban được gọi là Curia gồm 4 người đã kiểm duyệt một tuyên bố về quan hệ Trung Hoa cộng sản-Vatican do Ủy ban công bố. Họ đã xóa phần nói đến James Su Zhinni, giám mục của Bảo Định, người đã bị chính quyền Trung Hoa bắt giữ 20 năm trước ở Hoa Lục và được coi là một người anh hùng đối với nhiều người trong giáo hội. Số phận của ông đến nay vẫn không được rõ.

Cũng theo bài báo nói trên, Hồng y Joseph Zen, nguyên giám mục Hong Kong nói với Reuters trong một bài trả lời như sau:

Chúng tôi đang ở đáy vực — Không còn quyền tự do ngôn luận nữa. Tất cả những điều này là bình thường ở đại lục. Chúng tôi đang trở nên giống như bất cứ thành phố nào khác ở Trung Hoa”

Hồng y Joseph Zen

Ngoại trừ Hồng Y Zen nay đã 88 tuổi, tất cả trong giới lãnh đạo Giáo Hội, các linh mục địa phương hay giáo dân được phỏng vấn cho bài báo đều từ chối nêu tên. Zen đã nói với Reuters:

“Đối với bất kỳ từ nào bạn nói, nhà chức trách có thể nói rằng: bạn đang vi phạm luật an ninh Quốc gia.”

Hồng y Joseph Zen

Bài báo trên còn đưa ra nhận xét là trong các cuộc biểu tình chính trị của dân chúng Hong Kong. Vào ngày 30/6 khi chính quyền Trung hoa cộng sản áp đặt luật an ninh Quốc gia khiến bất cứ điều gì mà Bắc Kinh coi là lật đổ, ly khai, khủng bố hoặc thông đồng với các lực lượng nước ngoài có thể bị phạt tù chung thân… Từ đó một số nhà hoạt động dân chủ hàng đầu mà một trong những người đó là ông trùm truyền thông Jimmy Lai đã bị buộc tội là thông đồng với các lực lượng nước ngoài. Theo Reuters thì người Thiên Chúa giáo ở Hong Kong là một thách thức nghiêm trọng đối với quyền lực của đảng này.

Còn ở Hoa lục bộ máy hành chính của chính phủ qua nhiều thập kỷ đàn áp đã kìm hãm được hoạt động tôn giáo và sự lung lay của Vatican, đẩy một cách hiệu quả phần lớn sinh hoạt của giáo hội vào sinh hoạt bí mật.

Trong số những khuôn mặt linh mục được coi là được Bắc kinh thầm lặng ủng hộ có lm. Peter Choy, 61 tuổi.. Một số linh mục cho hay ông giữ kín tiếng trong các cuộc biểu tình chống chính phủ năm 2019 khi tình hình bất ổn leo thang..

Nhiều người Thiên chúa giáo lại đánh giá cao giám mục phụ tá Joseph Ha sẽ là một lựa chọn được ưa chuộng ở Hong Kong. Ông được đánh gíá cao hơn Choy qua các cuộc biểu tình năm ngoái, ông dẫn đầu một cuộc cầu nguyện công khai cho hòa bình và cố gắng làm trung gian hòa giải giữa cảnh sát và người biểu tình trong một cuộc bạo động tại Đại Học Bách Khoa của thành phố..

Một viên chức Vatican ở Rome nói với Reuters giáo hội biết rằng Bắc Kinh không muốn một ai đó ở vị trí quá cấp tiến.

Choy và Ha đều từ chối trả lời phỏng vấn.

Để kết thúc phẩn bài viết của Greg Torode do Trà Mi dịch, có lẽ lời nhận xét của Hồng y Zen là đáng luu ý hơn cả. Khi ông lo ngại Vatican có thể không đủ can đảm để chống lại Trung Hoa cộng sản trong cuộc tuyển chọn giám mục. Zen nói:

“Họ sợ chọc tức hoặc làm mất lòng chính quyền Bắc Kinh nên mọi người đều biết rằng vị giám mục tương lai của Hông Kông cần phải nhận được sự chúc phúc từ Bắc kinh. Chúng tôi hy vọng họ có can đảm để bổ nhiệm một chủ chăn tốt cho giáo phận của chúng rôi thay vì chỉ định một người nào đó sẽ chỉ là một công chức được chính quyền Bắc kinh lựa chọn.”

Hồng y Joseph Zen

Ông nói tiếp:

“Tôi không biết quý vị vẫn có thể nghe thấy giọng nói của tôi trong bao lâu nữa. Vì vậy xin hãy cầu nguyện cho chúng tôi.”

Hồng y Joseph Zen

Cảm nghĩ của người viết sau khi đọc “Nữ tu sĩ bị bắt, Bắc Kinh đàn áp giáo hội ở Hong Kong”

Cảm nghĩ chợt đến như gợi lại một quá khứ trước 1954 của giáo hội miền Bắc khi chia đôi đất nước. Giáo hội miền Bắc, đặc biệt tổng giáo phận Hà Nội trở thành đơn độc mà người ta thường gọi là Giáo Hội sau bức màn tre, hoặc giáo hội thầm lặng. Một số tu sinh sau này trở thành linh mục chui của một giáo hội hầm trú. Những vị Hồng y như Trần Nhật Quân (Joseph Zen) và nhất là số phận dành cho giám mục Quảng Đông nhắc nhở người ta nghĩ đến số phận dành cho Hồng y Trịnh Như Khuê.

Thiên Chúa giáo như một thách thức và một chướng ngại vật cho tiến trình xã hội hóa tôn giáo của cộng sản và lần lượt loại bỏ những thành phần linh mục trí thức và tiến bộ của Giáo phận Hà Nội. Trường hợp Lm Nguyễn Văn Vinh, bị bắt đi tù đầy lên trại Cổng Trời và bỏ xác tại đây. Một số Lm khác như Nguyễn Minh Thông cũng bị 23 năm tù và quản chế, lúc được thả chỉ còn là phế nhân. Số phận dành cho Lm Phạm Hân Quynh, du học Pháp tình nguyện về Hà nội trước 1954, bị quản chế tại Hải Phòng trong nhiều năm.

Lm Pham Hân Quynh, sau 20 năm sống Đức tin dưới chế độ cộng sản miền Bắc đã viết bài Sống Đức tin dưới chế độ cộng sản vào năm 1974. Bài này do ông Nguyễn Mạnh Hà, bộ trưởng kinh tế dưới thời Việt Minh còn lưu giữ và cho phổ biến trên Diễn đàn Forum như một nhân chứng sống. Ông cũng được coi là người 55 năm sống ngược dòng.

Khâm sứ Dooley, đại diện cho tòa thánh Vatican cuối cùng cũng bị trục xuất vào năm 1959.

Cảm nhận thứ hai là Giáo Hội Thiên Chúa Giáo ở Hoa Lục dưới thời Mao Trạch Đông đến nay đã bị nghiền nát, nhào nặn, bị điều kiện hóa một cách có hệ thống đến trở thành một thứ giáo hội nhà nước ở bất cứ nơi nào trên đất Trung Hoa. Giáo hội trở thành thuần hóa như một đàn cừu. Trường hợp như GM James Su do sự giam giữ quá lâu ở tỉnh Hồ Bắc mà số phận của ông chưa bao giờ được chính quyền giải thích. Ông trở thành biểu tượng anh hùng dưới mắt nhiều người. Phạm trù an ninh quốc gia là nguyên cớ cho những vụ đàn áp và bắt bớ ở Đại lục. Tỉ dụ khác, giám mục do nhà cầm quyền Bắc Kinh chọn lựa và chỉ định.

Ở Việt Nam xem ra cởi mở hơn một bực. Giáo hội chỉ định và tuyển bổ bổ nhiệm một giám mục, nhưng vẫn cần có sự ưng thuận của nhà cầm quyền. Việt Nam hiện nay cũng có một đại diện Vatican thường trú, mặc dầu chưa có ngoại giao chính thức. Tình hình giáo hội Thiên chúa giáo nói chung ở Việt Nam có sự thuận hảo nhìn từ bên ngoài. Nhà thờ được xây cất, hoặc sửa chữa tại nhiều giáo phận. Số chủng sinh được đào tạo làm linh mục gia tăng và không còn hiện trạng Lm chui, mặc dầu phẩm chất chưa hẳn bảo đảm. Giáo dân tự do đi nhà thờ mà không bị ngăn cấm. Tuy nhiên ngoài khuôn viên nhà thờ, các sinh hoạt xã hội, văn hóa, giáo dục còn có nhiều giới hạn.

Về chính trị thì giáo hội hoàn toàn giữ khoảng cách và không có tiếng nói. Mọi lên tiếng để bênh vực hay phản đối đều dè dặt, tránh đụng chạm và được coi là chống đối lại chính quyền. Mọi đòi hỏi như các vụ đòi đất của giáo hội trong trường hợp Thái Hà Ấp có sự ủng hộ của TGM Ngô Quang Kiệt trước đây đã bị dập tắt. TGM Ngô Quang Kiệt đã phải rút lui vào bóng tối. Đấy là một bài học để cảnh cáo các vị chức sắc khác.

Nói chung, giáo hội Thiên Chúa giáo coi như đã bị thuần hóa và mọi chống đối hầu như hiếm hoi. Những vụ chống đối đòi tự do Ngôn luận nay thuộc giới truyền thông báo chí phát động.

Như mới đây nhất, trong một vụ án xử tại thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 5-1- 2021. Tòa án đã dựa theo điều 1bộ luật hình sự, quy kết tội tuyên truyền, đánh phá nhà nươc để xử phạt ba nhà báo Độc Lập: Phạm Chí Dũng 15 năm tù, ba năm quản chế; Nguyễn Tường Thụy, phó chủ tịch Hội Nhà Báo Độc Lập Việt Nam (HNBĐLVN) 11 năm tù, 3 năm quản chế; Lê Minh Tuấn, biên tập viên Việt Nam thời báo.org với 11 năm tù, ba năm quản chế. Đó là những bản án bất công, nặng nề bị dư luận lên tiếng phản đối.

Giáo Hội im lặng như một thứ đồng lõa. Tôi tin rằng dưới chế độ cộng sản thì ở Bắc Kinh, ở Hong Kong hay Việt Nam cũng chỉ là những phiên bản sao chép mà số phận như lời thú nhận của Hồng y Zen: Tôi không biết quý vị vẫn có thể nghe giọng nói của tôi trong bao lâu nữa. Vì vậy xin hãy cầu nguyện cho chúng tôi.

Cảm nhận thứ ba của tôi khi đọc bài này là sự thản nhiên hầu như vô cảm của cộng đồng người Việt tại hải ngoại. Các cơ quan truyền thông của họ chỉ nhằm xiển dương một tổng thống bệnh hoạn và vô đạo. Nhất là những người tự xưng là tín đồ Thiên Chúa giáo. Không một dòng, một chữ nào nhắc đến số phận Thiên Chúa giáo có nguy cơ bị xóa sổ ở Hong Kong. Họ đã quên căn cước tỵ nạn cũng như lý lẽ sống còn đến việc họ phải nước bỏ nước ra đi. Sau nhiều năm sống ở xứ người càng cho thấy họ làm thất vọng nhiều người về cách ứng xử, sự thiển cận đến độc doán và đần độn nhiều mặt. Càng xấu hổ hơn nữa, một số không nhỏ đã có sự tôn sùng mù quáng và điên dại để ủng hộ một vị tổng thống với hội chứng tâm thần và có thể bị Hạ viện Hoa Kỳ đưa ra luận tội một lần nữa vì tội ‘xúi giục nổi loạn’. Tồi tệ hơn nữa, họ đã dùng lá cờ vàng ba sọc có mặt trong cuộc biến động bạo lực trong ngày 6-1 tại Hoa Thịnh Đốn. Vết nhơ lịch sử này làm sao xóa được.

Những kẻ khủng bố bạo loạn ủng hộ Trump đã dùng gậy sắt và hơi cay để tấn công tiến chiếm Điện Capitol. Tung bay trong đám phiến loạn là lá cờ vàng ba sọc đỏ. Ảnh: Vox/Lev Radin/Pacific Press/LightRocket via Getty Images

Tôi thật sự thấy xấu hổ khi đọc bài viết về Hong Kong của GregTorode do Trà Mi dịch. Xin kính cẩn nghiêng mình trước lòng can đảm anh hùng của các vị lãnh đạo tinh thần của Hong Kong trước âm mưu xóa sổ Thiên Chúa giáo tại thành trì cuối cùng của Thiên Chúa giáo, tại ngoại ô Kowloon (Cửu Long). Mong ơn trên phù trợ họ.

© 2021 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”


Nguồn: DCVOnline biên tập, minh họa và chú thích.

[1] www.asianews.it, trang báo mạng cho tín hữu Ki-tô giáo, hoạt động từ 01/11/2003, trụ sở đặt ở Italy