Thế hệ chúng tôi đã hết thời rồi!

Nguyễn Văn Lục

Năm 2020 đã qua, đánh dấu bằng hai biến cố biến động mang tính lịch sử với đại dịch Covid 19 và cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vô tiền khoáng hậu.

B.C. đã có hơn 1.000 người chết vì COVID. Nguồn: News 1130

Biến cố thứ nhất tạm gọi là thiên tai do trời làm. Đã gây cho mất mát cho rất nhiều người vì sự ra đi của người thân. Cá nhân tôi ghi nhận một vài cái chết của người quen biết như bác Minh Võ, phu nhân của bác sĩ Trần Ngọc Ninh, và mới đây nhất, ca sĩ Lệ Thu. Mỗi người ra đi là một mất mát không đền bù được. Nhưng giữa cái chết và cái sống, dù là vô thường đi nữa, nó vẫn tiềm ẩn một niềm hy vọng: rồi sẽ qua đi. Bởi vì một lẽ đơn giản, người ta không thể oán hận ông Trời.

Nhưng biến cố bầu cử Mỹ, tạm gọi là nhân tai, mặc dù chỉ giới hạn ở người Mỹ và số phận nước Mỹ lại có tầm ảnh hưởng lên toàn thế giới có phần lấn át cả đại dịch Covid 19. Nhiều người Mỹ, và có một thiểu số người Việt trong nước, và nhất là người hải ngoại gốc Việt từ nhiều nơi đã buồn, đã tức giận, đã chia cách bạn bè, đã mất ăn mất ngủ vì nó.

Rào lưới sắt cao gần 3m quanh đường phố thủ đô Washington DC sau khi Những người ủng hộ Tổng thống Donald Trump đã về thủ đô Hoa Kỳ vào ngày 5-6 tháng 1 để cổ vũ cho những tuyên bố vô căn cứ của ông về gian lận bầu cử. Ảnh: T.J. Kirkpatrick/The New York Times:

Trong khi có bao nhiêu người chết ở Mỹ vì Covid ở Mỹ và trên thế giới, họ vẫn thản nhiên như vô cảm, và như thể không liên quan gì đến họ. Đó là một hiện tượng quái đản. Dù sau này sự thể ra sao. Có thể chỉ còn trông chờ vào một thế hệ sẽ qua đi và để lớp trẻ lớn lên… Chúng sẽ không gánh nặng một quá khứ mà chúng thực sự đứng ngoài. Nhất là chúng là người gốc Việt nơi khác, tự chúng không thấy phải quan tâm đến về việc nội bộ của nước Mỹ.

Đó là một điều suy đi nghĩ lại, tra vấn mình, nhiều khi khó giải thích và đến không hiểu được về thái độ cuồng tín, điên dại, nhất là sau ngày 6 tháng 1.

Ngày này là một vết nhơ của lịch sử Hoa Kỳ vì đây là một cuộc bạo động không phải tự phát mà có tính toán, có tổ chức mà một phần có sự chủ động đương nhiên TT Trump trong đó những kẻ bạo động có chủ đích thanh toán phó tổng thống Mike Pence, đảng Cộng hòa, và Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi, đảng Dan chủ.

Rất may, điều đó đã không xảy ra.

Một thòng lọng trên giá treo cổ tạm thời khi những người ủng hộ Donald Trump tụ tập bên ngoài Điện Capitol. Ảnh: Andrew Caballero-Reynolds / AFP / Getty Images

Nhưng trong nhóm bạo động nhận thấy có dựng tạm bợ một bục gỗ, một cột gỗ bắt chéo bằng một khúc gỗ và một giây thừng dùng cho việc treo cổ. Nó là một biểu tưởng khó quên nhắc nhở tôi đến bức hình của bọn cực đoan Ku Klux Klan ( KKK) với lá cờ của Nam quân thuở nào. Bức hình này gợi nhớ lại cuộc nội chiến Nam-Bắc xảy ra cách đây gần hai thế kỷ với việc thua cuộc cuộc của miền Nam. Trớ trêu thay, việc buôn bán nô lệ lại xảy ra tại bang Georgia kể từ đó dân da đen được giải phóng.

Với tư cách một người Việt Nam, tôi còn đặc biệt lưu ý đến một số cựu quân nhân quân lực VNCH trước đây chiến đấu dưới lá cờ Việt Nam Cộng Hòa. Lá cờ vàng ba sọc đỏ có mặt trong đám dân chúng bạo động trên hành lang và xung quanh Quốc hội Mỹ ngày 6 tháng 1. Họ không tự hỏi xem đám cực đoan da trắng làm bạo động có coi họ là người của họ hay không, hay da vàng hay đen gì thì cũng vẫn chỉ là da mầu. Đó là nỗi nhục riêng của những người đứng vói đám người nổi loạn, đừng bắt tôi chia xẻ với họ.

Những kẻ khủng bố bạo loạn ủng hộ Trump đã dùng gậy sắt và hơi cay để tấn công tiến chiếm Điện Capitol. Tung bay trong đám phiến loạn là lá cờ vàng ba sọc đỏ. Ảnh: Lev Radin/Pacific Press/LightRocket via Getty Images

Họ quên rằng lá cờ ấy từng ngạo nghễ trên cổ thành Quảng Trị mà thật sự chỉ còn là đống gạch vụn. Đã bao nhiêu binh sĩ VNCH, đặc biệt là Thủy Quân Lục Chiến đã để thân xác ở chiến trường vì lá cờ ấy. Đặc biệt, như trong bài ‘Huế Tôi và Mậu Thân‘  của Trung tá Nguyễn Văn Phán, tiểu đoàn trưởng Thủy Quân Lục Chiến kể lại, bao người đã hy sinh để chiếm lại Cửa Sập mà kỳ đài chỉ còn lại dấu đạn lỗ chỗ.

16 tháng 9 năm 1972 là ngày 6 quân nhân của Tiểu đoàn 6 Thủy Quân Lục Chiến (Lữ Đoàn 258) sau khi đuổi giặc, đã dựng lại quốc kỳ miền Nam VNCH nền Vàng 3 sọc Đỏ trên bờ thành phía Tây cổ thành Quảng Trị (cùng lúc các binh sĩ thuộc Tiểu đoàn 3 Thủy Quân Lục Chiến thuộc Lữ đoàn 147 cũng đã làm lễ dựng cờ phía Đông của cổ thành). Ảnh: OntheNet

Nghĩ lại, sự hy sinh ấy thật cao cả. Càng nghĩ như thế, càng cảm thấy nhục nhã khi có người lợi dụng lá cờ ấy trong mục đích đê tiện và nhỏ nhoi. Nếu nói đây là một nỗi nhục cho những ai đã một thời là người dân miền Nam đã một thời sống và chiến đấu dưới lá cờ thì đó thì đây là một nỗi nhục khó tha thứ cho những ai lợi dụng nó. Nhiều chiến binh VNCH chiến đấu dưới bóng cờ vàng ba sọc đỏ và bỏ minh vì nó. Sau này, cơ quan FBI sẽ truy lùng và luật pháp Hoa Kỳ và sẽ lên án những kẻ đó. Đó việc của người Mỹ, còn phần của chúng ta, người Việt Quốc Gia thì sao?

Tôi xin để cho những kẻ đồng lõa với tội ác và vấy nhơ lịch sử cờ vàng trả lời trước dư luận. Hiện nay, tôi chưa nghe thấy một lời hối hận từ phía những người Việt Nam phò Trump lên tiếng. Họ im lặng bởi vì có lẽ lá cờ ấy chỉ dùng trong các cuộc sách động, các cuộc xuống đường đủ loại, và đặc biệt dùng trong lễ phủ cờ như một vinh dự bất xứng.

Lá cờ ấy chỉ có ý nghĩa cho những ai chết vì nó ngoài mặt trận để bảo quốc an dân.

Nếu người Mỹ có bài học về cuộc nội chiến Nam-Bắc thì người miền Nam Việt Nam cũng có cuộc thảm sát tổng thống Ngô Đình Diệm vào năm 1963 mà phần đông bọn phản tướng đều là sĩ quan xuất thân từ chế độ thuộc địa Pháp. Ông Diệm không tránh khỏi một số lỗi lầm của một người lãnh đạo. Nhưng cái sai lầm lớn nhất của ông là tin tưởng vào đám sĩ quan từng phục vụ thực dân đưa đến thảm trạng cả ba anh em cùng gia đình bị sát hại.

Điều tôi muốn nhắc ở đây là sau khi thảm sát ông Diệm, đám tướng lãnh này đã để cho dân chúng vào hôi của, giấy tờ hồ sơ vứt bứa bãi trên sàn nhà y hệt như bọn bạo động vào chiếm một phần điện Capitol. Đó là một cuộc nổi loạn ở Mỹ dường như lặp lại một trang sử VNCH làm cho những người như tôi thấy buồn.

Cũng cần nói thêm là sau ngày bầu cử tổng thống Mỹ, tôi có dại dột viết một bài nhan đề, Nói với thế hệ chúng tôi như một lời tự nhắn nhủ chinh mình và nhất là nhắm đến các bạn bè đủ thành phần mà tôi coi là cùng thế hệ. Phần lớn là quân, dân, cán, chính miền Nam trong nước, và nhất là người gốc Việt đang ở hải ngoại, lớp tuổi từ 70 trở lên. Nói chung, tất cả chúng tôi đều có cảm nhận như người thua cuộc phải bỏ nước nước ra đi bằng đủ mọi cách. Đó là mất mát quá lớn không lấy gì bù đắp được.

Tuy nhiên, tất cả chúng tôi không trừ đều cố gắng hội nhập vào xứ người. Một phần không nhỏ đã tạo dựng được một gia đình bằng trí óc, sức lao động của chính mình. Nhất là tạo dựng cho con cái được ăn học đến nơi đến chốn. Hãy cho họ được một chút tự hào về điều ấy như bù lại những mất mát đã qua. Nhiều người còn cảm thấy may mắn là nhờ cuộc bỏ nước ra đi mà con cái họ được trở thành chuyên viên kỹ thuật hay chuyên viên các ngành y, nha, dược do được cha mẹ hỗ trợ và khuyến khich.

Tuy nhiên, đó chỉ là những thành tựu cá nhân của từng người mà không biểu trưng cho cả cộng đồng. Thực tế cho thấy người Việt di cư, từ trình độ học vấn đến tiền của đều thua kém các săc dân khác như Tàu, Nhật, Đại Hàn, Ấn Độ. Cùng lắm được xếp hạng trên Lào và Cambodia.

Bài Nói với thế hệ của chúng tôi chẳng nhưng không đem lại một kết quả chia xẻ tích cực nào cho người viết bài mà còn tạo ra một hậu quả rất tiêu cực. Mất thêm một số khá đông bạn bè, quen biết. Gần như chẳng còn ai. Anh chủ bút DCVOnline đã có lần nói như xoáy vào ruột,

“Nay anh chỉ còn mấy người bạn để chuyện trò, trao đổi.”

Mà thật sự như vậy đến đôi khi không dám bắt điện thoại, vì sợ đụng chạm. Cuộc bầu cử này của nước Mỹ đã xé nát cộng đồng người Việt ở nước ngoài, vốn đã chia rẽ, đố kỵ như một thứ văn hóa, càng trở nên bi kịch hơn nữa. Vợ chồng cãi cọ, cha con bất đồng, bạn bè dù là thân thiết cũng tuyệt giao, chặt cầu.

Lãnh đạo tôn giáo như Đạt Lai Lạt Ma, Giáo hoàng Phan Xi cô đã lên tiếng, hoặc phê phán vụ bạo động ngày 6 tháng 1 ở Điện Capitol, đều không được những người phò Trump đếm xỉa đến.

Sự mất mát ấy khiến tôi không còn mấy bạn bè để trao đổi. Mặc dầu sau bài viết, tôi có nhắn với nhiều bạn bè là thái độ của tôi rất là rõ rệt. Tôi tôn trọng ý kiến của những người khác chính kiến với tôi.

Và một số người trong đám họ vẫn tiếp tục gửi bài, phần lớn là cóp nhặt những thông tin từ nhiều nguồn phần lớn là thiếu chính xác nếu không nói đó là những fake news, tin vịt, với những lời phỉ báng, nhục mạ rất hạ cấp, không cần phải trích ra đây thêm bẩn.

Tôi vẫn ghi nhận mà kiềm chế, im lặng, chịu đựng. Mà sự im lặng ấy đuợc coi như một sự khuất phục. Tôi tự chọn lựa viết những bài khác không liên quan gì đến chịnh trị như Giao cảm giữa Đất-Trời-NgườiĐi tìm lại giá trị con người trong những hoàn cảnh bất hạnh.

Nhưng những trò chơi bạo lực chữ nghĩa ấy vẫn tiếp tục trôi dạt vào trang thư của tôi như những đám lục bình rác thải bất kể lễ chuyển giao quyền lực, tổng thống Mỹ nhậm chức sẽ xảy ra trong nay mai. Họ vẫn tin và mong rằng sẽ có bạo động mà sự bạo động ấy còn có thể dẫn đưa đến một thứ nội chiến.

Trang LinkedIn của ông Christopher Stanton Georgia. Nguồn: LinkedIn

Sự hoang tưởng hầu như vô hạn đến điên rồ không hiểu được. Người Mỹ da trắng điên rồ đã là một lẽ, vì đó là lý lẽ đời họ. Như trường hợp ông Christopher Stanton Georgia có nghề nghiệp vững chắc, có tài sản, có gia đình vợ con êm ấm. Ông đã có mặt tại hiện trường như nhiều người khác. Ông không xông xáo vào điện Capitol như những kẻ bạo động. Lúc ấy vào khoảng 7g15 tối, sau giờ giới nghiêm – 6g tối. Nhóm của ông được mời về, ra khỏi vùng cấm vào trước quốc hội. Ông không chịu ra về. Cảnh sát làm bắt tạm giam. Xâm nhập vùng cấm vào là một khinh tội, ông Georgia có thể chỉ lãnh án tối đa 180 ngày tù và 1000 đô la phạt vạ. Đến ngày thứ Bảy, 9 tháng1,  không biết nghĩ gì, ông đã dùng súng lục tự sát. Câu chuyện của ông là một sự phi lý đến cực điểm, khó lý giải.

(Trái) Hình cuộc bạo loạn Capitol và (Phải) ảnh của ông Phạm Đình Tâm, cựu nhân viên cảnh sát Houston đã được xác định là người đàn ông bị buộc tội trong cuộc bạo loạn ở Capitol. Ảnh: Getty/KPRC 2

Rất may chưa có người Việt nào cầm cờ vàng bị bắt để phải hành động như ông Georgia! Đến nay, người gốc Việt duy nhất bị nhận diện trong đám nổi loạn ngày 6 tháng 1 ở Quốc hội và phải xin nghỉ việc là một cựu cảnh sát viên có 18 năm thâm niên ở Houston. Ông Phạm Đình Tâm bị chính cảnh sát trưởng Art Acevedo, sếp của ông, nhận diện trên Facebook và yêu cầu nghỉ việc. Dù dùng thời gian riêng, ông Tâm đã tham gia với đám bạo động, bịt mặt xâm nhập vào Quốc hội. Ông Acevedo tin chắc cựu nhân viên của ông sẽ bị truy tố ra tòa. Ông Tâm cũng lên tiếng yêu cầu báo giới tôn trọng sự riêng tư của gia đình ông.

Tôi vẫn chờ đợi xem sự thể sẽ như thế nào, bạo động hay nội chiến ở Mỹ sẽ xảy ra đúng như lời đe dọa, tiên đoán của những người phò Trump hay không.

Nghĩ lại mình, tôi tự thú nhận là người đã hết thời rồi. Thế hệ của tôi, rơi rớt còn lại bao nhiêu người. Ngồi một mình đếm dối, tôi nhận thấy chỉ trong năm 2020, tôi mất đi khoảng 40 người bạn đã ra đi về miền viễn cảnh không bao giờ gặp lại. Nếu kể thêm những người quen biết xa gần, nghe tiếng thêm vài chục người nữa.

Tuổi vàng bên con, cháu. Nguồn: The Economist.com

Thế hệ của chúng tôi đã sống một thời, và sẽ không còn bao lâu nữa.

© 2021 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”


Nguồn: DCVOnline biên tập và minh họa