Bia Mộ – Chương 3 (Kết)

Trưng Vương

Chương 3 – Phong trào chống cất giấu lương thực tanh mùi máu (Phần Kết)

Bí thư công xã Tống Sỹ Cửu tới đại đội sản xuất Tản Pha đốc thúc việc trưng thu, đội trưởng đại đội sản xuất ở đây nói với anh ta, “Ở bên dưới đội quả thực không còn lương thực nữa.”

Bí thư Tống liền phê bình đội trưởng, “Anh như thế này là có tư tưởng phái hữu, anh xem vấn đề đơn giản quá!” Đội sản xuất này đã triệu tập tổng cộng 4 lần để tổ chức phong trào chống cất giấu lương thực lẫn điều tra thất thoát, có 4 đội trưởng đội sản xuất đều bị phê bình, 3 đội trường bị đấu tố trên hội nghị, 24 trưởng nhóm cũng đều lên thớt, trong đó có 19 người bị đấu tố. Đại đội sản xuất này bị gán cho tội cất giấu 24 vạn cân lương thực, nhưng khi nghiệm thu thì không thu được hạt thóc nào.

Tháng 9 năm 1999, lão nông dân Từ Văn Hải ở thôn Cao Dầu Phường xã Phòng Hồ huyện Hoài Tân (ông từng làm kế toán cho đội sản xuất vào năm 1958) nói với tác giả cuốn sách về tình hình lúc đó: “Đem cán bộ của đội sản xuất tập trung lại Trương Lý để họp, mục đích là để báo sản lượng thu hoạch, nếu không báo thì sẽ được “huấn luyện tập thể”, bị phê bình, đấu tố, đánh đập. Kết quả là nói ra chỗ này có một kho thóc, chỗ kia có một kho đậu tương. Mà đã báo ra thì phải giao nộp lên trên, có thời gian cụ thể. Để thoát khỏi việc bị đày đọa, chúng tôi cũng phải nói láo, báo tin tức giả. Sang ngày thứ hai thì tôi trực ở bên cạnh máy điện thoại của đội sản xuất, 10 giờ thì chuông điện thoại reo, trong điện thoại hỏi, “lương thực đã chuyển qua tới chưa?” Tôi nói “đang cho đóng bao.” Vào 12 giờ lại có điện thoại: “Tại sao lương thực vẫn chưa tới?” tôi nói “lương thực đang trên đường vận chuyển.” Sau đó lại có điện thoại thúc giục nữa, tôi nói “tôi là kế toán, không biết gì cả.” Tới buổi tối lại tập trung cán bộ mở cuộc họp, nếu không nói dối sẽ bị đánh đập. Vì sợ bị đánh đập mà nhiều người nới tin giả.

Nỗi nhục lớn của Trung Cộng Nguồn ảnh: Victo Ngai/TNYT (14/11/2012)
Nỗi nhục lớn của Trung Cộng
Nguồn ảnh: Victo Ngai/TNYT (14/11/2012)

Trong lúc số người chết đói ngày càng nhiều, đám cán bộ không nghĩ tới chuyện cứu người, lại cứ muốn làm thế nào để hoàn thành chỉ tiêu trưng thu trên giao xuống. Huyện Hoàng Xuyên hoàn thành không tốt nhiệm vụ, trên tỉnh ủy yêu cầu viết một báo cáo. Trong báo cáo ngày 30 tháng 10 năm 1959 của huyện ủy Hoàng Xuyên cho rằng nguyên nhân khó khăn của việc trưng thu lương thực, đầu tiên là chỉ đạo đường lối cũng như chỉ đạo tư tưởng của huyện ủy và đảng ủy công xã chưa được chuẩn xác, việc đấu tranh trên cơ sở 2 con đường lựa chọn chưa thực sự mang tính quyết liệt, còn chưa có tính lâu dài và thiếu sự nhận thức đúng đắn, còn thiếu sự hiểu biết sâu sắc cũng như chưa hết lòng về tư tưởng, còn mang hơi hướng tư bản chủ nghĩa ở nông thôn. Tiếp đó là bên trong đảng còn có một bộ phận cán bộ có tư tưởng ngả sang phái hữu, trở thành nguy hiểm cho việc trưng thu lương thực, biểu hiện của nó chính là không thừa nhận việc được mùa. Nguyên nhân thứ ba tác phong cán bộ làm việc còn chưa đi sâu đi sát, không nắm bắt được điểm cụ thể, không chu đáo. Báo cáo này đề nghị thông qua việc triển khai phong trào học tập giáo dục chủ nghĩa xã hội, qua các buổi biện luận để trưng thu lương thực. Kỳ thật lúc viết báo cáo này, huyện Hoàng Xuyên người chết đầy đường rồi, do đó báo cáo này chỉ viết ra giấy nhưng không được nhắc tới triển khai.

Tuy nhiên Tỉnh ủy Hà Nam lại rất thích báo cáo này, còn cho phổ biến toàn tỉnh vào ngày 17 tháng 11, đề xuất cần phải tổ chức đợt nhập kho lương thực mới, tạo ra điểm cao thành tích mới. Làm thế nào để đạt tới điểm cao bây giờ? Trong đoạn đầu đề bản báo cáo phổ biến ra toàn tỉnh của huyện Hoàng Xuyên, tỉnh ủy có viết: “Tỉnh ủy cho rằng bản báo cáo này rất tốt, nhắc tới tình hình rất cụ thể, không những đề cập tới những nguyên nhân cụ thể của tình trạng trưng thu không đạt chỉ tiêu yêu cầu, mà còn là một tài liệu chuẩn bị rất tốt cho phong trào giáo dục cán bộ về việc bảo vệ tính đúng đắn cho con đường chung trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Công xã Đào Lâm thuộc huyện Hoàng Xuyên, bếp ăn đã ngừng từ lâu, xã viên chịu đói cũng không chịu nới lỏng việc trưng thu, ngược lại còn thắt chặt hơn. Trên huyện nói ở bên dưới có lương thực, nếu không nộp lương thực lên, ban ngày đừng xem nhà ăn nổi lửa nấu cơm, ban tối ăn cơm khô, làm cho cán bộ tìm kiếm lỗ hổng, điều tra cất giấu sản phẩm khi nào tìm được thóc nộp lên mới thôi. Đội sản xuất Dương Lâu thuộc đại đội Ngô Tập giữ lại 25 cân thóc giống “Nê Ba Tô” cũng phải mang đi nộp để hoàn thành chỉ tiêu trưng thu. Giữa huyện, công xã hầu như mỗi ngày đều mở hội họp qua điện thoại đốc thúc tiến độ, tổ chức phê bình, yêu cầu kiểm điểm những đội trưởng không hoàn thành nhiệm vụ. Có những bí thư đội sản xuất khi nghe nói tới mở hội nghị điện thoại đều sợ tới mức đầu gối run cầm cập. Đội sản xuất Hà Pha vì công việc chống cất giấu lương thực, tra tìm nơi giấu, làm bánh xe nên cán bộ luân lưu trực ban, làm một hơi hội nghị cán bộ 10 ngày 10 đêm để vận động, biện luận, tự báo cáo lương thực cất giấu, sau đó đi nghiệm thu lương thực, nghiệm thu không có hạt thóc nào lại đi vận động, lại biện luận, lại tự báo cáo. Cuối cùng đem hết toàn bộ số lương thực cất giấu trong các đám cỏ của đội, tìm ra được hơn 3000 cân lương thực.

Thái độ này của cán bộ huyện, cán bộ công xã là do lãnh đạo cấp trên mà ra, cũng là kết quả mà thể chế chính trị độc tài mà ra. Sau khi sự kiện Tín Dương xảy ra, trong đoạn báo cáo kiểm tra của uyện ủy Hoàng Xuyên viết ngày 3 tháng 6 năm 1960 có viết: “Cách nghĩ của chúng tôi là dùng trăm ngàn phương cách để hoàn thành chỉ tiêu nhiệm vụ trưng thu được giao, giữ vững ngọn cờ đỏ biểu dương trong 3 năm trưng thu của huyện Hoàng Xuyên. Sau khi thực hiện được 60% chỉ tiêu thì việc thực hiện trưng thu rất khó khăn, đảng ủy địa khu liền tổ chức hội họp qua điện thoại, chúng tôi xếp hạng 3 từ dưới lên. Chúng tôi không phân biệt rõ ràng ranh giới của việc thực sự cầu thị với thành phần cơ hội phái hữu, tính nghiêm trọng của chủ nghĩa cá nhân, liền mắc từ sai lầm này tới sai lầm khác, không dám nói thật, sợ rằng đem sản lượng báo thấp đi, là phủ nhận đại nhảy vọt, phủ nhận được mùa lớn, sợ bị đem ra đấu tố, bị chụp cho cái mũ “thành phần cơ hội chủ nghĩa”. “Làm quan là phục tùng mệnh lệnh cấp trên, cấp trên vừa ý thì quan lộ rộng thênh thang, nếu quan trên không vui thì tiền đồ ảm đạm. Cho nên chỉ chăm chăm làm vừa ý quan trên mà bỏ mặc sinh tử trăm họ cũng là điều tất yếu. Để làm vui lòng quan trên thì phải bằng mọi giá làm cho cấp dưới hoàn thành chỉ tiêu, cứ trên ép xuống dưới, càng đi xuống thì càng bất chất thủ đoạn. Đánh người là biện pháp thường dùng nhất.”

Công việc trưng thu lương thực ở Tức Huyện cũng rất tàn nhẫn. Vào đầu tháng 11, các nhà ăn không thể nổi lửa tiếp, dưới tình hình người chết đói hàng loạt đang lan rộng, việc chống cất giấu, tăng trưng thu vẫn được tiến hành. Bí thư thứ nhất của công xã là Tiền Khánh Hoài, dưới sự lãnh đạo của anh ta với 10 đội sản xuất mỗi ngày vào lúc 12 giờ đêm liền tổ chức họp báo cáo, nếu là đội hoàn thành trưng thu thì xếp ở 3 vị trí cuối cùng, đang đêm tổ chức đấu tố. Theo thống kê của 8 đại đội, số cán bộ bị đấu tố của các đại đội là 22 người, cán bộ tiểu đội là 39 người, các tổ trưởng là 44 người, bị đánh chết tại đương trường có 1 người, bị đánh trọng thương sau đó chết là 7 người. Đối với những cán bộ dám nói sự thật thì đều chụp cái mũ “phủ nhận thành tích” “phần tử phái hữu” rồi tiến hành đấu tố tàn bạo. Cán bộ đảng đại đội sản xuất Diệp Trang là Lưu Bỉnh Trí nói là không có lương thực, không thể hoàn thành được chỉ tiêu trưng thu, liền bị mang ra đấu tố ngay tại đương trường, có 4 người nâng tứ chi của họ Lưu lên giống như nâng con lợn, rồi ném xuống sàn, máu mũi chảy ròng ròng, lưng thì bị thương. 40 năm sau, khi tôi tới Tức Huyện gặp gỡ nhân chứng, các lão nông dân cao tuổi ở đây còn nhớ vị bí thư họ Tiền này. Lão nông này nói, Tiền Khánh Hoài vốn là phó bí thư, khi bí thư công xã là Hùng Vĩnh Khoan lên huyện họp, để họ Tiền ở lại tiếp tục tìm lương thực cất giấu, anh ta mang theo 10 cán bộ (trưởng ban an ninh vũ trang của công xã cùng những người khác) tiến hành tìm kiếm hết đại đội sản xuất này tới đại đội sản xuất khác, gặp chỗ nào có lương thực liền mang đi, tìm kiếm được cả hơn vạn cân lương thực, cho nên anh ta “có thành tích chính trị” liền được thăng chức từ phó bí thư lên chức bí thư đại diện ngang chức bí thư.

Tức Huyện trong phong trào chống cất giấu lương thực đã áp dụng những hình phạt tàn nhẫn vô nhân đạo với các thành phần bị chụp mũ, bị đấu tố: trói lại rồi treo lên xà nhà đánh đập, xông vào giật tóc, còn có cả hình phạt là “đậu tương rang muối” (đậu tương bỏ vào chảo rồi dùng lửa nhỏ rang không dầu cho chín).

Trong quá trình điều tra tôi còn phát hiện ở các tỉnh như Sơn Đông, Cam Túc cũng áp dụng hình phạt này trong các phong trào chống cất giấu lương thực. Vào tháng 8 năm 2000, tôi có tới thăm một vị lão cán bộ cũng từng bị hình phạt rang, đảo đậu tương ở huyện Thông Vị tỉnh Cam Túc. Ông ấy đã giới thiệu cho tôi về hình phạt này: có nhiều người thực hiện hình phạt, bọn họ đứng thành một vòng tròn, những người bị đảo (có thể một người hoặc nhiều người) đứng ở giữa, những người đứng ở 4 phía sẽ đẩy người ở giữa từ bên này qua bên kia, bên kia qua bên này, cứ thực hiện qua lại như thế, người bị đảo sẽ bị ngã xuống đất, sau khi ra lệnh cho người ta đứng dậy rồi tiếp tục bị đẩy, cho tới khi nào người đó không thể đứng đậy được thì bị đẩy ra ngoài, một số người bị bệnh tim mạch thì sau khi bị trò này hành hạ thì tử vong. Tỉnh Tứ Xuyên gọi hình phạt này là “rửa củ khoai trong tay”.

Theo thống kê trong phong trào chống cất giấu lương thực, Tức Huyện có 1065 người bị đánh chết, bị bức tử, trong đó bị đánh chết tại đương trường có 226 người, có 306 người bị đánh trọng thương sau chết có 360 người, tự sát có 479 người. Có 29 cán bộ cơ sở bị đánh chết, bị đánh tàn phế có 46 người. Theo thống kê của 9 đại đội sản xuất thuộc công xã Phòng Hồ, có 29 cán bộ đánh chết 91 nông dân. Bí thư chi bộ đại đội sản xuất là Vương Tâm Nguyệt tự tay đánh qua hơn 150 người, phó bí thư Chu Bỉnh Đường chỉ cần nhìn thấy người là rút thắt lưng ra đánh, đánh qua 44 người, số người bị đánh chết chưa có thống kê. Bí thư đoàn của đại đội sản xuất là Vương Phượng Tài đánh tổng cộng 36 người, theo như phản ánh của quần chúng, anh ta đánh chết 16 người nhưng anh ta chỉ thừa nhận có 3 người.

Vào mùa đông năm 1959, Công xã nhân dân số một toàn quốc là Công xã Tra Nha huyện Toại Bình (tên cũ vốn là Công xã Vệ Tinh), bí thư nhiệm kì thứ hai đảng ủy công xã Quách Thư Chí (bí thư nhiệm kì thứ nhất là Trần Bỉnh Dần được cấp trên tổ chức thành đại biểu đại diện cho hợp tác xã nông nghiệp Tra Nha Trung Quốc sang thăm và giao lưu Ấn Độ) khi nhận nhiệm vụ thì lương thực bị trưng thu sạch, anh ta đang rầu rĩ vì lo lắng không biết lấy đâu ra lương thực để ăn, thì nhận được điện thoại của bí thư địa khu là Lộ Hiến Văn, Lộ bí thư mang theo nộ hỏa nói:

“Vấn đề lương thực trước mắt với hai con đường đấu tranh đang rất quyết liệt, mày sống tao chết. Vụ mùa bội thu là tồn tại khách quan, là sự thật, không thể không thừa nhận được. Công xã nhân dân Tra Nha Sơn nổi tiếng toàn quốc, là nơi toàn thế giới biết tên, làm sao lại để phát sinh vấn đề ầm ĩ về lương thực được? Đây là đấu tranh hai con đường, cần phải đánh dẹp những phần tử gây rối loạn công cuộc đấu tranh. Việc cất giấu lương thực là chuyện phổ biến, đa số là diễn ra dưới sự lãnh đạo của tầng lớp cán bộ, bọn chúng giấu lương thực từ trên trời xuống tận dưới đất, từ sườn núi cho tới bờ song, từ trong rừng ra ngoài bìa rừng, đây là nguyên nhân chủ yếu tạo nên hiện tượng thiếu hụt lương thực, cho nên cần phải triển khai công tác đấu tranh với bè lũ cực hữu, bè lũ phá hoại vụ thu, không được mềm tay, cần phải đấu tranh mạnh mẽ, đem lương thực bị cất giấu ra. Ngày mai, huyện Toại Bình các anh cần phải tổ chức hội nghị báo cáo tin vui tìm lương thực, báo cáo với đảng ủy địa khu. Nếu không sẽ bị khép vào tội vi phạm nguyên tắc kỉ luật của tổ chức đảng để xử lý.”

Dưới mệnh lệnh của Lộ Hiến Văn, bí thư huyện ủy Toại Bình là Thái Trung Điền lật đật đi tớI công xã nhân dân Tra Nha Sơn, nói với Quách bí thư: “Họp! triệu tập cuộc họp ba cấp cán bộ! nhanh lên!” Rất nhanh sau đó, toàn bộ cán bộ của đại đội sản xuất cũng như cán bộ các đội sản xuất toàn công xã đều có mặt ở khoảng sân đằng trước trụ sở. Lời nói bọn họ rất là nghiêm trọng: “Chúng ta phải hạ quyết tâm, xác định mục tiêu bằng mọi giá phải moi được lương thực cất giấu ra, không chừa một góc chết nào. Cần đấu tố cứ đấu tố, cần bắt giữ cứ bắt giữ, không được nương tay, càng không được dao động kiểu đàn bà. Ai bao che cho họ, đem đấu tố luôn một lượt”. Sau đó phân tổ thảo luận, tự báo mức giao nộp lương thực.

Bí thư chi bộ đảng của đại đội sản xuất Thắng Kiều là Cao Đức, đi tham gia hội nghị chống cất giấu lương thực ở huyện 3 ngày liền thì bị dọa cho phát bệnh, nằm ở nhà uống thuốc được mấy hôm, đang có chuyển biến tốt. Nghe được thông báo gọi anh ta đi họp, lập tức lại căng thẳng trở lại. Anh ta nghe nói được phân công lưu lại thảo luận về các biện pháp tìm lương thực chôn giấu, lại bị căng thẳng, trước mắt tối sầm lại, ngã ngay ra nền nhà, sùi cả bọt mép, trong lúc mê sảng nói lảm nhảm: “không có thóc… thật sự là không có thóc…không có thóc…” mọi người xúm lại khiêng anh ta vào phòng, lúc đó toàn thân vẫn đang run lên. Có một vị kế toán của tiểu đội sản xuất tên là Bao Căn bị xem la đối tượng đột phá trọng điểm, bắt đầu bị đem ra đấu tố. Bao Căn chịu không nổi những đòn đánh đấm của mọi người, liền nói anh ta và đội trưởng đội sản xuất là Chu Toại Bình có cất giấu 500 cân lương thực. Chu Toại Bình ngay lập tức trở thành đối tượng bị đấu tố. Anh ta xem thường hành động mềm yếu của Toại Bình, đứng ngẩng đầu ưỡn ngực giữa đám đông. Sau một trận đòn đấm đá của đám đông, họ Chu nằm dài trên đất, liền bị người ta nắm tóc lôi dậy, có người mang tới một cái ghế dài, đem một chân của Chu để lên trên ghế theo thế võ “Kim Kê độc lập”, chưa đợi tới lúc Chu đứng vững lại có người tới đá ngã chiếc ghế, Chu lại nằm lăn ra đất. Đám người lại xông lên đánh đập anh ta một trận, đánh xong lại lấy ghế bắt anh ta thực hiện “Kim Kê độc lập”, lại bị đánh cho máu me đầy mặt mà vẫn chưa thừa nhận việc chôn giấu lương thực. Thế là họ lại dùng một sợi dây thừng nhỏ trói Chu lại, dây thừng nhỏ siết vào cơ bắp, da thịt xong lại treo dây lên cây, kéo một cái thì họ Chu bị treo lên lơ lửng. Không đầy hút một điếu thuốc thời gian, Chu Toại Bình mồ hôi to như hạt đậu chảy ròng ròng xuống đất, sắc mặt chuyển dần sang màu xám như gan lợn. Chu Toại Bình bắt đầu nói với giọng cầu xin, “Thả tôi ra, tôi nói, tôi nói hết”. Những cán bộ tham gia hội nghị này của đại đội sản xuất đều nhìn thấy tấm gương của họ Chu, liền chen nhau báo lên trên: chỗ này giấu bao nhiêu vạn cân thóc, chỗ kia giấu bao nhiêu cân đậu tương. Hội nghị ba cấp cán bộ đạt được thắng lợi lớn, huyện ủy huyện Toại Bình báo cáo tin mừng lên cho đảng ủy địa khu Tín Dương: trong 3 ngày đã tìm được tới 45900 cân lương thực bị cất giấu (23 tấn). Sau hội nghị, bắt đầu đi tìm lương thực theo chỉ dẫn báo cáo của mọi người, một kg cũng không tìm thấy.

Tháng 12 năm 1959 là thời gian mà có nhiều người chết đói nhất. Tỉnh ủy Hà Nam vẫn không quên phải hoàn thành nhiệm vụ trưng thu. Phó bí thư tỉnh ủy là Tống Trí Hòa trong báo cáo nộp cho tỉnh ủy ngày 4 tháng 12 có đoạn viết: “tình hình sản xuất ở nông thôn rất tốt”, đang dần hình thành nhận thức đúng đắn về đấu tranh giai cấp, nhấn mạnh phải dựa vào đa số bần nông và trung nông, phát động sự hăng say lao động ở quần chúng. Một bộ phận các huyện (Tân Thái, Thượng Thái, Nhữ Nam) có tiến độ trưng thu nhanh, đã hoàn thành chỉ tiêu, một số nơi khác thì lại có tiến độ chậm, tới hôm nay mà tình hình vẫn còn kém. Anh ta cho rằng nguyên nhân chưa hoàn thành chỉ tiêu trưng thu có 3 loại: một là do được mùa, nhiệm vụ trưng thu không được xem trọng, tầng lớp cán bộ cơ sở tồn tại vấn đề về tư tưởng, hai là vấn đề về tư tưởng, cũng có vấn đề về tác phong công việ, ba là nỗ lực trong công việc nhưng sức sản xuất thấp. Anh ta cho rằng “phàm là những đại đội sản xuất và những phân đội có bần nông và trung nông chiếm đa số, nắm quyền lãnh đạo thì sẽ hoàn thành nhiệm vụ trưng thu, cũng như sắp xếp được cuộc sống cho các xã viên. Phàm là đại đội sản xuất nào mà trng nông phú hào chiếm quyền lãnh đạo, có vấn đề nghiêm trọng về con đường tư tưởng tư bản chủ nghĩa thì việc cất giấu lương thực diễn ra nghiêm trọng, không cố gắng hoàn thành chỉ tiêu trưng thu, cũng không an bài tốt cuộc sống cho xã viên, bởi vì lí do thật sự của việc cất giấu lương thực chính là làm cho nhà ăn tập thể không thể tiếp tục hoạt động được”.

Tuy nhiên Tống Trí Hòa cũng nói giúp được nông dân 2 câu “những địa phương này trước mắt không nên chỉ đơn thuần là trưng thu lương thực, cần phải toàn lực xoay chuyển chế độ phân phối, thu xếp cuộc sống tốt cho các xã viên… nếu như tiếp tục cưỡng chế trưng thu, sẽ dẫn tới nguy cơ thoát li khỏi quần chúng nhân dân.”

Ở đại đội sản xuất Lý Yển Loan thuộc công xã Thành Quan huyện Quang Sơn, khẩu phần ăn của nông dân, lẫn thóc giống, thức ăn cho gia súc đều bị trưng thu hết sạch cả, các bếp ăn tập thể đều ngừng nổi lửa hết cả. Sau khi các bếp ăn ngừng hoạt động, cán bộ của đại đội sản xuất còn đề ra “ba điều kỉ luật”: nhà ở của các xã viên không được phép có đụn khói bốc lên, không được đào rau dại, không được chạy trốn đi nơi khác. Cán bộ tổ chức một đội tuần tra gồm 12 người, đi kiểm tra lục soát nhà xã viên 3 ngày một lần. Trong số 25 đảng viên của đại đội sản xuất thì có 21 người từng đánh người, tới nỗi các xã viên gọi văn phòng của đại đội là “Diêm Vương Điện”. Toàn đội sản xuất vốn có 346 hộ, có 39 hộ chết đói không còn người nào, nhân khẩu của đội vốn có 1496 người, chết 555 người trong đó có 490 người chết do đói, bị đánh chết có 55 người, 10 người bị bức tử, có 438 người bị đánh đập dã man.

Báo cáo sau sự kiện Tín Dương của tỉnh ủy Hà Nam có viết: “Cán bộ cỡ đại đội sản xuất trở lên trong toàn khu vực có khoảng 5 vạn người, số vi phạm kỷ luật đảng có không dưới 50%, lúc đó chuyện đánh người trở thành phổ biến thành dịch, hàng ngàn hàng vạn người bị đánh tới chết, bức tử, đánh thành tàn phế; tuyệt đại đa số các đội sản xuất đều có nhà ngục và trại giam giữ cải tạo, bắt người không kể lý do, đánh người trở thành dịch.”

© 2013 DCVOnline

1 Comment on “Bia Mộ – Chương 3 (Kết)

  1. Việc tận thu lương thực làm cho nông dân chết đói này xảy ra vào thời kỳ 1959, là thời kỳ Bước Tiến Nhảy Vọt. Mao Trạch Đông đưa ra các ý kiến lạ lùng về canh tác làm cho nông nghiệp bị thất thu, sản lượng xuống thấp. Thống Chế Bành Đức Hoài gửi thư cho Mao nói ra những cái sai của Bước Tiến Nhảy Vọt. Sau này đến 1964, Mao phát động Cách Mạng Văn Hóa trả thù những người chỉ trích mình đã bắt giam Bành Đức Hoài đánh què chân, bỏ tù trong tình trạng tồi tệ dở sống dở chết trong nhiều năm rồi mới chết. Một chế độ lúc nào cũng đề cao nông dân, với một đảng đa số đảng viên là nông dân, Mao xuất thân từ gia đình nông dân, phú nông, nhưng cũng không bảo đảm là những người lãnh đạo lo lắng cho đời sống nông dân mà vẫn xảy ra chuyện tận thu lương thực làm nông dân chết đói.