Khoa Học Phương Tây và Triết Học Phương Đông (3)

Kiều Tiến Dũng

emcThành hay bại, chưa ai biết trước được, nhưng ta biết chắc chắn một điều là nếu nước mất nhà tan thì ta chỉ có thể tự trách mình, và con cháu chúng ta sẽ đời đời nguyền rủa cha ông chúng.

 Bất Biến và Tuyệt Đối

Khi vua Ptolemy hỏi nhà toán học Euclid coi có con đường dễ dàng nào để mình học toán hay không, thì Euclid trả lời rằng: “Thưa bệ hạ, không có con đường nào dành riêng cho hoàng gia để dễ thấu hiểu toán học cả.” Cũng vậy, không có con đường bằng phẳng nào để đi đến sự thật, dù là qua khoa học hay qua triết lý. Vì thế, trong bài viết này, chúng ta phải đi qua một số khái niệm quan trọng trong việc bàn về cái tương đối và tuyệt đối, cái chuyển dịch và bất biến.

**
Diễn tiến của một hiện tượng, hay của một biến cố đã xảy như thế nào đương nhiên là tùy vào sự ghi nhận và trình bày của người quan sát. Cái khách quan ngoài kia dường như phải được quan sát, trình bày qua một sự chủ quan. Nhưng đây không thể là loại chủ quan bị chi phối bởi tâm lý hay kinh nghiệm của người quan sát, nếu không thì khoa học đã không có cái sức mạnh, và sự hấp dẫn của nó.

Đẹp nhiều hay đẹp ít, hay ngay cả không đẹp, dĩ nhiên là tùy người đối diện (nếu người này dám to gan chê ai là xấu!) Nhưng khoa học không thể chấp nhận được cái chủ quan này. Khoa học cần một phương cách toán học để chuyển đổi một cách khách quan những cái quan sát với nhãn quang khác nhau.

Trong vật lý có những hệ quan sát đặc biệt gọi là hệ quán tính, trong đó người quan sát hoặc là đứng yên hoặc là chuyển động với một vận tốc đều trên một đường thẳng, nhưng không phải chịu áp lực của một lực nào từ bên ngoài. Đứng yên hay chuyển động đều là tương đối: B chuyển động đối với A, thì A phải là chuyển động ngược chiều đối với B.

Và với cái được gọi là định luật khách quan thì điều tất yếu là định luật này phải thể hiện như nhau dù với những nhãn quan khác nhau. Do đó các các quan sát viên khác nhau mới có thể thống nhất và đồng ý với nhau. Còn không thì như cái đẹp, xấu không thể trở thành một định luật khi mà mỗi người lại nhìn sự việc một cách khác nhau.

Trong cái biến chuyển của góc nhìn lại là cái bất biến của định luật, của sự thật về hiện tượng được khảo sát đó.

**
Ngay với cùng một quan sát viên thì cái gọi là định luật cũng phải bất biến với thời gian và không gian.

Đã gọi là một định luật khoa học thì nó phải được kiểm chứng đúng trong ngày hôm nay, hay hàng ngàn năm về trước, hay trăm năm về sau. Một định luật khoa học thì phải được xác nhận tại Úc này, hay tại Việt Nam, hay trên một thiên thể cách đây hàng triệu năm ánh sáng.

Đó là cái bất biến trong sự dịch chuyển của không gian hay thời gian. Vật lý lại cho ta những định luật bảo toàn khởi nguồn từ các bất biến này: cái bất biến (invariances) trong sự biến chuyển được thể hiện cụ thể qua sự bảo toàn của những khối lượng đo lường được.

Từ sự bất biến của các định luật cơ học trong sự dời chuyển không gian, ta có được sự bảo toàn của cái gọi là xung lượng (conservation of momentum). Nôm na, một vật có khối lượng càng lớn, vận tốc càng lớn thì xung lượng càng lớn. Và để thay đổi xung lượng của một vật nặng đang di chuyển với vận tốc nhanh ta phải cần một lực lớn mạnh. Áp dụng trực tiếp của quy luật bảo toàn xung lượng là việc phóng các hỏa tiển. Khi các khí đốt vọt ngược ra phía sau đuôi hỏa tiển, nó tạo ra một xung lực hướng về phía sau. Để bảo toàn xung lực thì phần đầu hỏa tiển phải bắn về phía trước để có một xung lực cân bằng.

Các định luật cơ học cũng không thay đổi với sự xoay tròn trong không gian; vì các hiện tượng vật lý không thay đổi khi phòng thí nghiệm phải xoay quanh trục xoay của trái đất. Từ sự bất biến đó ta có được sự bảo toàn của cái gọi là xung lượng góc (conservation of angular momentum). Chính nhờ cái quy luật bảo toàn xung lượng góc này ta mới có thể đi xe đạp mà không té.

Từ sự bất biến của các định luật cơ học trong sự dịch chuyển thời gian, ta có được sự bảo toàn của năng lượng (conservation of energy). Đây là một quy luật bảo toàn quan trọng, khẳng định rằng sự ra đi của cái hiện hữu không phải là chung cuộc. Nó sẽ lưu lại dấu tích, hậu quả nào đó.

**
Vào cuối thế kỷ 19, các phương trình điện từ trường của James Maxwell được ra đời. Vấn đề ở đây là các phương trình này lại biến dạng, trở thành khác nhau trong các hệ quan sát quán tính Newton khác nhau. Chẳng lẽ các hiện tượng điện từ trường lại khác nhau đối với các quan sát viên khác nhau? Nhưng đấy không phải là những gì ta thấy trong thực tế! Do đó, chỉ có thể kết luận là cơ học Newton là sai!

Nhưng sai như thế nào và lấy gì để thay thế Thuyết Cơ Học Newton thì nhân loại đã phải chờ đợi bậc kỳ tài Albert Einstein đưa ra Thuyết Tương Đối Hẹp vào năm 1905.

Thuyết tương đối _ Albert Einstein. Nguồn: www.andrew-hines.com
Thuyết tương đối – Albert Einstein. Nguồn: www.andrew-hines.com

Thuyết này chỉ dựa vào ba nguyên lý: một là các định luật vật lý (kể cả cơ học và điện từ trường) phải như nhau trong các hệ quan sát quán tính khác nhau; hai là vận tốc ánh sáng đều nhanh như nhau đối với tất cả các hệ quan sát này; và cuối cùng là không một vật thể nào có thể truyền đi nhanh hơn vận tốc ánh sáng!

Những hệ quả toán học của Thuyết này lại vô cùng quái dị, hầu như không thể chấp nhận được, vì một vài bản chất được coi như tuyệt đối trước kia nay bổng trở thành tương đối.

Với Thuyết Tương Đối, hai sự kiện xem ra xảy ra cùng lúc đối với quan sát viên A lại có thể xảy ra cái trước cái sau đối với B! Một vật di chuyển càng nhanh thì nó lại càng ngắn lại; và khi nó đạt được vận tốc ánh sáng thì nó không còn kích thước gì nữa (dọc theo chiều di chuyển)! Thời gian đối với một vật di chuyển càng nhanh thì càng dài ra, đến lúc nó đạt được vận tốc ánh sáng thì thời gian ngừng trôi hẳn!

Không gian và thời gian nay không còn là hai thực thể hoàn toàn riêng biệt và tuyệt đối nữa. Chúng đã trở thành hai mặt của cùng một thực thể.

Năng lượng và khối lượng, cũng vậy, nay không còn cách biệt nữa mà lại tương đương với nhau qua cái phương trình bất hũ E=mc2. Từ khối lượng có thể sinh ra năng lượng, đấy chính là nguyên tắc tạo ra sức mạnh của những trái bom nguyên tử.

Có lẽ không phải là quá lời khi có người cho rằng vào thời điểm ấy chỉ có ba người trên thế giới, kể cả Einstein, là hiểu được Thuyết Tương Đối. Cho đến ngay ngày hôm nay, tất cả những hệ quả quái dị của Thuyết Tương Đối đều đã được xác nhận chính xác.

**
Dĩ nhiên, trong cái tương đối lại hàm chứa cái tuyệt đối. Cái khẳng định “Mọi sự việc đều tương đối” tự nó là một khẳng định mâu thuẫn. Vì nếu cái khẳng định đó là đúng thì chính nó cũng phải là tương đối, và do đó cái khẳng định đó không còn là đúng nữa mà chỉ là một khẳng định mang tính chất tương đối!

Trong Thuyết Tương Đối của Einstein, cái tuyệt đối chính là vận tốc ánh sáng. Không một vật thể nào có thể vượt qua cái vận tốc tuy rất nhanh nhưng vẫn hữu hạn của ánh sáng. Kế nữa, vận tốc ánh sáng đều có giá trị đo lường như nhau đối với tất cả các quan sát viên (quán tính).

Đây là điều khác với kinh nghiệm hàng ngày của ta. Thí dụ, nếu ta đứng bên lề nhìn một chiếc xe chạy qua với vận tốc 60km/giờ, thì ngồi trên xe đạp với vận tốc 20km/giờ chiếc xe hơi kia đối với ta lại chỉ có một vận tốc là 40km/giờ (tức là lấy lấy 60 trừ đi 20). Bây giờ thay thế chiếc xe hơi bằng tia sáng, thì phải chăng tia sáng đối với ta trên xe đạp sẽ truyền đi với vận tốc chậm hơn so với khi ta đứng yên (vì đã phải bị trừ đi 20km/giờ)? Đây là đúng hay sai?

Câu trả lời là sai! Dù đứng yên hay ngồi trên xe đạp để đo vận tốc ánh sáng thì giá trị đo được cũng sẽ cùng như nhau, ánh sang không chậm đi một khắc nào! Tại sao như vậy? Tại vì sự thật khách quan ngoài kia nó là như vậy!

Vận tốc là gì? Chẳng qua nó chỉ là khoảng cách không gian chia cho nhịp đập thời gian. Nếu vận tốc ánh áng đối với quan sát viên A đứng yên cũng là cái vận tốc đối với B chuyển động thì điều đó chỉ có thể xảy ra nếu: đối với A, cái thước đo khoảng cách của B bị rút ngắn lại và cái đồng hồ của B phải chạy chậm lại. Vừa đủ ngắn, vừa đủ chậm để khi B dùng cái thước đó để đo khoảng cách không gian và cái đồng hồ đó để đo nhịp thời gian thì tỷ số của chúng trong việc đo lường vận tốc sẽ cho B một con số của vận tốc ánh sáng y hệt như con số A đã có!

Một vật di chuyển càng nhanh thì do đó nó lại càng ngắn lại; thời gian đối với một vật di chuyển càng nhanh thì do đó lại càng dài ra. Không gian và thời gian trở thành tương đối, và quyện lẫn vào nhau. Tất cả cũng vì cái tiền đề về sự bất biến, về cái tuyệt đối của vận tốc ánh sáng trong Thuyết Tương Đối.

**
Kinh Dịch cũng đã nhấn mạnh rất nhiều về không gian và thời gian qua cái gọi là vị và thời.

Chữ Dịch trong Kinh Dịch không phải chỉ có một nghĩa duy nhất là “mọi việc rồi phải đổi thay.” Chính cái định luật “mọi việc rồi phải đổi thay” trong ngoặc kép này lại không thể thay đổi –vì nếu chính nó đã thay đổi thì nó lại không còn giá trị của một định luật nữa.

Thật ra cái gọi là Dịch trong Kinh Dịch lại bao gồm ba thể loại khác nhau: biến dịch (thay đổi), bất dịch (không bao giờ đổi thay), và giản dịch (thực chất đơn giản của mọi thực thể). Vì biến dịch, cho nên có sự sống. Vì bất dịch, cho nên có quy luật, trật tự của sự sống. Vì giản dịch, nên con người có thể qui tụ mọi biến động sai biệt thành những quy luật để tổ chức đời sống xã hội, để hiểu về thiên nhiên.

Hơn thế nữa, Bất Dịch trong Kinh Dịch còn muốn nhắn gởi là ngoài những định luật bất di bất dịch lại còn có một Bản Thể tuyệt đối trong vũ trụ.

Cái triết lý Dịch này được thể hiện và minh họa trong Kinh Dịch qua 64 biểu đồ ngay từ khi loài người chưa có chữ viết. Sau đó, nhiều học giả đã diễn dịch và bàn rộng thêm vào.

Đơn vị căn bản của các biểu đồ được gọi là “hào,” một vạch ngang hoặc liền khúc (để biểu hiện dương tính) hoặc đứt khúc (để biểu diễn tả âm tính). Đây cũng có thể coi là 1 hay 0 trong hệ số nhị phân được Leibniz khám phá ra vào thế kỷ 17. Hệ số này tương đương với hệ thập phân với các số từ 1 đến 10 ta thường dùng. Hệ nhị phân ngày nay được dùng trong các máy điện toán vì nó tương ứng với hai trạng thái “mở,” “đóng” của mạch điện.

Ba vạch hào chồng lên nhau thành một quái; tổng cộng có 8 quái (bát quái). Hai quái chồng lên nhau thành một quẻ hay trùng quái; cả thẩy có 64 quẻ. Để bàn về biến đổi ta cần có khái niệm thời gian; cái “động” của thời được biểu hiện trong một quẻ qua cái thứ tự từ đi dưới lên trên của 6 hào trong một quẻ. Cái “tĩnh” được diễn dịch qua các vị trí tương dối của các hào.

Xét về phương diện tĩnh thì là vị trí được đắc vị hay không (trung và chính), xét về phương diện động thì là cập thời hay không cập thời. Cái đúng sai, tốt xấu của một biến cố trong không gian và thời gian đều là tương đối. Đúng hay sai đều không hơn được cái trung, chính của vị; và cái cập, hay bất cập của thời.

**
Triết học đông phương cho rằng trong mọi hiện tượng, thực thể đều có chứa đựng hai tính chất âm và dương: nam-nữ, bạn-thù, yêu-hận, sinh-tử, v.v. Nay với sự hiểu biết từ Thuyết Tương Đối, ta cũng có thể coi những khái niệm đối xứng với nhau như không gian-thời gian, năng lượng-khối lượng cũng là những cặp âm dương trong cùng một thực thể.
Về mặt cấu trúc thì không có gì hoàn toàn âm hoặc hoàn toàn dương; và trong âm luôn có dương, trong dương luôn có âm. Âm dương là tương đối.
Về diện quan hệ thì âm dương tuy tính chất tương phản nhưng cũng tương ứng, tương cầu (tìm nhau), tương giao (gặp nhau). Có tương giao mới tương ma (cọ xát nhau), tương thôi (xô đẩy nhau), tương thể (thay thế, bổ túc nhau) để tương thành (giúp nhau tự hoàn thành).

Âm dương là cái cửa của Dịch, với hai quẻ Càn và Khôn (thuần dương và thuần âm) là hai quẻ mở đầu và quan trọng nhất của Kinh Dịch. Cái mãi biến dịch trong mọi hiện tượng, thực thể là do sự tương tác không ngừng nghỉ của hai tính chất âm dương luôn hiện hữu. Âm và dương là hai mặt của đồng tiền. Và một khi đi đến tột cùng hữu hạn nào đó thì một mặt sẽ suy thoái để cho mặt kia khởi sắc.

**
Tóm lại, có cái này thì mới có cái kia, và có cái này thì cái kia mới làm tròn được nhiệm vụ của nó trong vũ trụ. Đấy cũng là cái Lão Tử nhắn nhủ:

“Hữu vô tương sinh
Nan dị tương thành
Trường đoản tương hình
Cao hạ tương khuynh
Âm thanh tương hoà
Tiền hậu tương tuỳ”
(Đạo Đức Kinh)

Lão Tử đích đạo đức kinh đệ nhị chương. Nguồn: http://blog.udn.com/grace127/7611762
Lão Tử đích đạo đức kinh đệ nhị chương. Nguồn: http://blog.udn.com/grace127/7611762

Có-không cùng sinh, khó-dễ cùng thành, dài-ngắn cùng hiển, cao-thấp cùng tựa, giọng-tiếng cùng hoà, trước-sau cùng theo. Thậm chí khi nói tới cái đẹp là đã cùng xuất hiện ‎ý niệm xấu; khi nói tới cái lành là đã so đo với ý niệm dữ rồi.
**
Từ cái đồng thuận lấy dị biệt mà luận; từ cái dị biệt lấy cái đồng nhất để qui về.

Chúng ta thấy được, cảm được và hiểu được các sự kiện ở xã hội loài người, trong vũ trụ bao la là nhờ vào sự tương phản, đối xứng giữa cái âm và dương trong mọi hiện tượng. Đó là sức mạnh của sự phân giải.

Khoa học, toán học và triết học không những phân tích vấn đề dựa trên những khác biệt biểu kiến, mà còn tổng hợp vấn đề từ những khác biệt này để đi tới những định luật tổng quát.

**
Các tính chất tự nó không quan trọng bằng, và cần được bổ túc bởi những mối liên hệ với nhau. Sự thể hiện những mối liên hệ này qua thời gian là nền tảng của biến dịch.

Nhưng biến dịch không phải diễn tiến một cách ngẫu nhiên, hổn độn. Cái quả đã được định từ trước phần nào ở ngay cái nhân. Do đó, cái nhân này lại là một hằng số trong cái biến đó.

**
Biến dịch là cái lý vô thường, bất dịch là cái tâm đại ngã của nhà phật.

“Thành, trụ hoại, không:” không có vật gì thường tồn vĩnh cửu hay có thể ở mãi trong một trạng thái nhất định. Heraclitus, một triết gia Hy Lạp cổ, cũng đồng ý là “Không ai có thể tắm hai lần trên cùng một dòng sông,” vì dòng nước cứ mãi đổi thay từng khoảnh khắc. Tuy nhiên, nhà phật còn có thể đi xa hơn nữa để cho rằng: “Cùng một con người không thể bước hai lần vào cùng một dòng sông; vì cái gọi là con người kia cũng chỉ là một dòng chảy của thân và tâm, không bao giờ giữ được sự giống hệt như nhau dù chỉ trong hai khoảnh khắc liên tiếp”.

Nhưng ngược lại, tàng ẩn trong cái thường xuyên biến đổi của dòng sông lại là cái bản chất, cái tánh bất dịch của nước, của người. Trong cái biến luôn có cái không đổi, trong cái tương đối phải hàm chứa sự tuyệt đối.

**
Không có một cấu trúc nào ở đời là hằng cửu. Ngay trong những giây phút tối đen tận cùng nhất của dân tộc, chúng ta biết rằng rồi nó sẽ qua. Nhưng bình minh sẽ không tự nó mà đến. Một ngày mai sáng lạn cần phải có nhân tố, cần phải có sự hy sinh của chính chúng ta ngày hôm nay. Nếu không thì rồi cũng sẽ có sự đổi thay, nhưng đó sẽ lại là sự thay đổi trong sự diệt chủng một dân tộc, trong việc xóa tên trên bản đồ một đất nước. Cái bài học Tây Tạng, Bách Việt vẫn còn đó.

Việt Nam không thời nào là thiếu những người dù biết là khó khăn, nhiều khi là bất khả thi, nhưng vẫn dấn thân đóng góp cho đại cuộc. Phần nhiều lịch sử sẽ không biết họ là ai, và họ cũng không cần lịch sử ghi danh. Nhưng chắc chắn những đóng góp đó dù ít dù nhiều sẽ là những cái nhân cho các diễn tiến trong mai sau.

Có thay đổi nào mà đã không có những cái nhân nằm sẵn trong sự việc trước đó, tạo thành nhịp cầu giữa cũ và mới? Có ai đoạn tuyệt hoàn toàn được với quá khứ? Những đóng góp, hy sinh của người dân Việt ngày hôm nay sẽ tiếp nối cái hào hùng, bất khuất của dòng giống tiên rồng.

Thành hay bại, chưa ai biết trước được, nhưng ta biết chắc chắn một điều là nếu nước mất nhà tan thì ta chỉ có thể tự trách mình, và con cháu chúng ta sẽ đời đời nguyền rủa cha ông chúng.

Melbourne, Úc Châu
Tháng 6, 2013

Bài 1; Bài 2; Bài 4.


Nguồn: Bài đã phát thanh do Hồn Việt Radio gởi đến DCVOnline.net