Ngày ấy chúng tôi đi

Nguyễn Khắc Phụng

CPSC_logoLúc chiến cuộc miền Nam bắt đầu leo thang sau vụ khiêu chiến ở Vịnh Bắc Việt (ngày 2 tháng 8 năm 1964)(1) và trong khi miền Nam đang hỗn loạn với các vụ đảo chánh trong buổi giao thời giữa hai nền Cộng Hòa, ngày ấy chúng tôi đi.

17 tháng 9, 1964, Ngày ấy chúng tôi đi, năm mươi năm về trước. Nguồn: NKP
17 tháng 9, 1964, Ngày ấy chúng tôi đi, hơn năm mươi năm về trước. Nguồn: NKP

Chúng tôi đi, mang theo một trọng trách mà người khác trao cho mình: xuất ngoại để học cái hay của xứ người, để mai sau về phục vụ cho đất nước. Trong thâm tâm, chúng tôi cũng hiểu như vậy, nhưng trong ngày ấy chúng tôi thật sự không quan tâm. Những nỗi vui buồn lẫn lộn đã che lấp những mộng tưởng xa xôi. Ra đi, chúng tôi phải bỏ lại sau lưng những người thân mà chúng tôi không biết có còn gặp lại hay không, bỏ lại những kỷ niệm đầu đời, êm đềm trong cảnh thanh bình của miền Nam. Trong hành trang, chúng tôi cố gói ghém một vài bản nhạc, một vài hình ảnh thân yêu (để mỗi khi nhớ nhà lại mở ra xem, hát nghêu ngao cho vơi nỗi buồn ly hương trên đất khách). Ra đi, chúng tôi náo nức vì sẽ được dịp ra xứ người với một niềm hãnh diện lớn lao (được chọn làm đại diện cho xứ sở), vì sẽ được sống bốn năm ở trời xa mà không phải lo nghĩ đến chuyện tiền bạc, an sinh. Chúng tôi là nhóm sinh viên thuộc chương trình Colombo(2), du học tại Canada. Thắm thoát mà chúng tôi đến đây đã tròn năm mươi năm.

Trái: Hành lang danh dự trường Petrus Ký Nguồn: OntheNet. Phải: Ts. Nguyễn Đạt Xường trước công thức thuốc Celiptium. Nguồn: (2)
Trái: Hành lang danh dự trường Petrus Ký Nguồn: OntheNet. Phải: Ts. Nguyễn Đạt Xường trước công thức thuốc Celiptium. Nguồn: (2)

Con đường đưa chúng tôi đến xứ sở (Canada) này bắt đầu từ nhiều năm về trước. Riêng tôi thì ngày đó là ngày Giáo Sư Nguyễn Đạt Xường(3), người cựu học sinh trường Petrus Ký, người phụ tá Giáo Sư Bửu Hội, ghé thăm trường cũ, đứng giữa hành lang rộng lớn, trao vài lời nhắn nhủ đến lũ học trò nhỏ bé chúng tôi. Đứng ở sân trường nhìn lên, tôi cảm phục ông là người nổi tiếng, thành công và ước ao có ngày tôi sẽ đứng ở đó để nói những lời nhắn nhủ với những đứa học trò bé nhỏ sau này (một điều mà tôi chưa bao giờ và có lẽ không bao giờ thực hiện được). Trong hoàn cảnh khốn khó của một gia đình nghèo, đông con, tôi biết ước mơ đó chỉ là một mơ ước hão huyền. Nhưng, từ đó tôi bắt đầu nuôi mộng và trông cậy vào học bổng du học ở một ngày mai. Tuổi dậy thì thúc đẩy thể xác tôi, và mộng ước du học thúc đẩy tinh thần để cho tôi kết thúc chương trình trung học với kết quả rất khả quan. Công tâm mà nói thì những kỳ thi Tú Tài thời bấy giờ rất khó với ba đợt thi (môn chánh, môn phụ, vấn đáp) và “rớt Tú Tài, anh đi Thủ Đức” (và sau này không biết có trở về nguyên vẹn từ chiến trường hay không). Cho nên, đậu được Tú Tài với điểm cao, chúng tôi thấy đã có trong tay điều kiện cần cho việc xin học bổng du học. Điều kiện đủ là phải có đủ khả năng sinh ngữ để theo học ở trường đại học bên xứ người và trường bên ấy chịu nhận mình.

Rất may cho chúng tôi vì lúc bấy giờ có nhiều nước muốn giúp đỡ kỹ thuật cho Việt Nam qua các chương trình học bổng do Nha Kế Hoạch quản lý. Chương trình có nhiều học bổng nhất là chương trình Colombo ở các xứ New Zealand, Australia, Canada và Nhật Bản. Trong bốn xứ đó, hai nước dùng Anh ngữ, một nước dùng song ngữ Anh-Pháp và nước còn lại dùng Nhật ngữ (một thứ tiếng cần rất nhiều thời giờ để học thông thạo hầu theo kịp các bạn đồng môn bản xứ). Sự chọn lựa nên học ở xứ nào, do đó không khó. Nhóm du học ở New Zealand và Australia là nhóm sinh viên có khả năng thông thạo Anh ngữ cao nhất vì họ phải qua một kỳ thi sát hạch Anh ngữ gay go. Họ cũng là nhóm rời Việt Nam sớm nhất để kịp học vào mùa Thu ở Nam bán cầu (cuối tháng ba). Nhóm còn lại như chúng tôi đành phải xin du học ở Canada mà từ trước đó chỉ nhận sinh viên theo học bằng Pháp ngữ ở các trường đại học ở tỉnh Québec. Mặc dầu chúng tôi xong Tú Tài II vào mùa hè 1963, chúng tôi không thể rời Việt Nam trước cuối hè 1964 vì các trường đại học ở Canada xét đơn xin nhập học vào các tháng đầu năm (1964).

Khi được Nha Kế Hoạch báo tin vui (rằng chúng tôi được chọn trong chương trình Colombo, du học ở Canada), nhóm chúng tôi đinh ninh mình sẽ học ở bên đó bằng Pháp ngữ và mọi người cố gắng trau dồi khả năng nói và viết tiếng Pháp. Vào thời bấy giờ, học sinh ở bậc trung học đều phải học cả hai ngoại ngữ Anh và Pháp, nhưng được chọn một sinh ngữ chính và sinh ngữ còn lại là sinh ngữ phụ (với hệ số thấp hơn khi thi Tú Tài). Nhờ vậy, mặc dầu tôi và một số bạn khác chọn Anh ngữ làm sinh ngữ chính, chúng tôi không gặp nhiều khó khăn khi phải theo học các lớp trau dồi Pháp ngữ (ít ra cũng dễ hơn học tiếng Nhật rất, rất nhiều). Chúng tôi không thể chỉ học tiếng Pháp suốt ngày trong khoảng thời gian chờ đợi tin được trường ở Canada chính thức chấp nhận; và năm đó chúng tôi đều ghi danh theo học năm đầu ở một trường đại học như Đại học Khoa học, hoặc Cao đẳng Kỹ thuật Phú Thọ, …

Bạn học Plan Colombo 1964: tiếng Pháp (trái), tiếng Anh (phải). Nguồn: NKP.
Sài Gòn 1964: Bạn học Plan Colombo Plan 1964, tiếng Pháp (trái), tiếng Anh (phải). Nguồn: NKP.

Vào thời điểm bấy giờ sách giáo khoa ở bậc đại học phần lớn đều bằng tiếng Pháp và thậm chí có nhiều môn được giảng dạy bằng tiếng Pháp (mặc dầu giáo sư là người Việt và sinh viên phải viết bài thi bằng tiếng Pháp). Ngày ấy chúng tôi nào biết rằng những gì chúng tôi học ở trường đại học năm đó đã giúp chúng tôi rất nhiều sau này khi chúng tôi “học lại” năm đầu ở Canada (học cứ như chơi, làm các sinh viên bản địa thán phục hết mình!)

Nhưng, đến đầu năm 1964, Nha Kế Hoạch báo tin rằng chương trình Colombo muốn thử nghiệm bằng cách gởi một nhóm sinh viên Việt Nam qua Canada học bằng tiếng Anh và ai chọn Anh ngữ làm sinh ngữ chính sẽ được xếp vào nhóm này. Vậy là chúng tôi một nửa theo mẹ Âu Cơ tiếp tục học tiếng Pháp, một nửa còn lại theo cha Lạc Long học tiếng Mỹ (vì lúc bấy giờ đã có nhiều người Mỹ sang Sài Gòn). Nha Kế Hoạch móc nối với Toà Đại Sứ Mỹ ở Sài Gòn để chúng tôi được học miễn phí ở Hội Việt Mỹ chung với các anh chị sắp sửa du học ở Hoa Kỳ trong chương trình USAID. Lúc bấy giờ chúng tôi đi học mà cứ như “chạy sô”, tranh thủ giữa các lớp ở Hội Việt Mỹ và các lớp trong trường đại học. Và cứ như vậy chúng tôi từ từ lên lớp ở Hội Việt Mỹ và cuối cùng thi đậu chứng chỉ MTELP (tương đương với chứng chỉ TOEFL). Sau khi Nha Kế Hoạch gởi kết quả thi MTELP sang Canada, chúng tôi được University of Ottawa chính thức nhận và từ đó chúng tôi trở thành nhóm sinh viên Việt Nam đầu tiên học bằng tiếng Anh trong chương trình Colombo ở Canada! Tất cả đều như đã được xếp đặt sẵn cho chúng tôi và chúng tôi không có quyền chọn lựa (hoặc sửa đổi trong bốn năm học sau này).

Hình trên: Tabaret Hall Đại học Ottawa những năm 1960. Hình dưới: Bãi đậu xe nay đã là sân cỏ xanh rì. Nguồn: http://thesustainabilitree.blogspot.ca/ & www.gazette.uottawa.ca
Hình trên: Tabaret Hall Đại học Ottawa những năm 1960. Hình dưới: Bãi đậu xe nay đã là sân cỏ xanh rì. Nguồn: http://thesustainabilitree.blogspot.ca/ & www.gazette.uottawa.ca

Mừng vui chưa được bao lâu thì nhiều người trong nhóm bị một tin sét đánh sau khi chụp hình phổi ở văn phòng Bác sĩ Lý Hồng Chương: nodules pulmonaires, một lý do đủ để Canada từ chối không cho visa nhập cảnh! Giấy tờ của cuộc khám nghiệm sẽ được trao cho phái đoàn Canada (lúc này có trụ sở trong khuôn viên của Uỷ Hội Kiểm Soát Đình Chiến trên đường Lý Thái Tổ). Nhưng, nhân viên của Bác sĩ lại có “nhã ý” báo tin riêng cho chúng tôi (và chúng tôi không biết thực hư như thế nào vì không biết cách kiểm chứng kết quả này có thực sự là kết quả chụp hình phổi của mình hay không!) Chúng tôi “năn nỉ” họ đừng gởi kết quả đó cho phái đoàn Canada và xin chụp hình phổi thêm một lần nữa. May cho chúng tôi là khi chụp hình phổi lần thứ nhì thì các vết nám trong phổi đã không cánh mà bay. Đây là bải học đầu đời của chúng tôi để biết “chuyện phải quấy” khi làm giao dịch ở Việt Nam.

Những ngày kế tiếp là những ngày háo hức chuẩn bị hành trang: mua valise, may quần áo, mua quà mang theo … và đi chào từ giả bạn bè, họ hàng thân thuộc. Trong những giờ phút rảnh rỗi chúng tôi chia nhau thành nhóm dạo chơi và chụp hình thành phố Sài Gòn. Đó là kỷ niệm cuối cùng ở Sài Gòn, ở rất lâu với chúng tôi, mãi cho đến khi chúng tôi trở về thăm nhà lần đầu gần ba mươi năm sau. Những chuyện làm trong những ngày cuối cùng ở Sài Gòn thi nhau đến tới tấp: đổi tiền mang theo (mỗi người được đổi tối đa 600 Mỹ kim với giá chính thức khoảng 30 đồng ăn 1 Mỹ kim), đóng dấu visa xuất cảnh trong passport ở Nha Cảnh Sát Công An, dự tiệc tối ở nhà hàng nổi Mỹ Cảnh do ông Anderson, đại diện phái đoàn Canada, thết đãi. Ngày ấy chúng tôi rất vui với cách thết đãi của phái đoàn Canada và lần đầu giật mình vì thấy mình không còn là người học trò bình thường nữa mà đã là một người đại diện cho Việt Nam ở Canada trong phạm vi nhỏ bé của sinh viên du học. Vừa vui, vừa hãnh diện nhưng cũng vừa lo ở trong lòng, không biết mình có làm tròn phận sự hay không.

Chúng tôi được thông báo sẽ đáp máy bay đi Hong Kong chiều chúa nhựt 13 tháng 9 và chúng tôi hăng hái đến Nha Kế Hoạch nhận vé máy bay, rồi về nhà chờ đợi. Sáng ngày đó radio báo tin cho hay Sài Gòn đang có chính biến, buổi trưa có tin phi trường Tân Sơn Nhứt đóng cửa. Chúng tôi phân vân và nôn nóng không biết nhóm chúng tôi có thể ra đi vào chiều hôm ấy được hay không. Cuối cùng chúng tôi đánh liều đi vào phi trường dọ hỏi, và sau cùng biết chắc chắn phi trường tạm thời phải đóng cửa, chúng tôi đành lủi thủi trở về nhà. May cho chúng tôi là lần “đảo chánh” lần đó chỉ nhằm “biểu dương lực lượng” nên tan biến mau. Ngày thứ hai 14 tháng 9, phi trường mở cửa trở lại và chúng tôi lục tục đi lấy vé máy bay mới và xin gia hạn visa xuất cảnh. Những ngày chờ đợi chuyến bay lần này làm chúng tôi như bị lửa đốt: không biết có còn gặp khó khăn gì nữa không, trễ học bên Canada càng nhiều nếu chúng tôi càng phải chờ đợi thêm.

Cuối cùng chúng tôi ra đi thực sự, chiều ngày thứ năm 17 tháng 9. Trời Sài Gòn nóng gay gắt, lòng chúng tôi cũng gay gắt, se thắt khi biết sắp sửa chia tay bạn bè, người thân trong một chuyến đi mà chúng tôi không biết ngày về. Lấy vé chỗ ngồi trên máy bay xong xuôi, chúng tôi kéo nhau ra sân bay chụp tấm hình cuối cùng ở Sài Gòn, cạnh chiếc phi cơ của hảng Cathay Pacific. Trên sân thượng là bạn bè, người thân đang vẫy tay chào từ biệt. Dưới đất là một nhóm sinh viên đang nôn nóng lên máy bay để biết rằng mình thực sự mình rời Việt Nam. Ôi, buồn vui lẫn lộn, trong những giờ phút cuối cùng ở Sài Gòn, những giây phút mà chúng tôi giữ trong lòng suốt đời. Hình ảnh thân thương của cha, của mẹ, của anh em ngày đó là những hình ảnh mà chúng tôi không bao giờ tìm lại được trong cuộc đời này. Buổi chia ly ngày đó ngỡ chỉ là lần tạm biệt, đâu ngờ rằng cuối cùng lại thành lần từ biệt đớn đau!

Phi cơ cất cánh, rời không phận Sài Gòn, rồi rời không phận Việt Nam. Từ trên cao nhìn xuống chỉ thấy đất, chỉ thấy trời; còn đâu ánh mắt người thương. Tự nhiên mắt chúng tôi cay và ngày ấy chúng tôi đi, năm mươi năm về trước.

Sài Gòn 1964, chỉ thấy đất, chỉ thấy trời; còn đâu ánh mắt người thương. Nguồn OntheNet
Sài Gòn 1964, chỉ thấy đất, chỉ thấy trời; còn đâu ánh mắt người thương. Nguồn OntheNet

Nguồn: Nguyễn Khắc Phụng, Ngày ấy chúng tôi đi, Trang “Nhóm sinh viên Plan Colombo 1964”, Saturday, July 19, 2014.
DCVOnline minh họa và chú thích.

(1) 15:05 ngày 2 tháng 8, 1964 Khu trục hạm USS Maddox (DD-731) đang ở vị trí cách bờ chừng 18 hải lý và cách Hòn Mê chừng 10 hải lý thì bị 3 ngư lôi đĩnh Bắc Việt mang số T-333, T-336 và T-339 tiến tới gần. Hạm trưởng John J. Herrick ra lệnh bắn 3 quả pháo cảnh cáo. Ngư lôi đĩnh Bắc Việt tiếp tục tiến gần và tấn công bằng ngư lôi nhưng không trúng mục tiêu. Pháo từ Tàu Maddox và của 4 phản lực cơ F8 Crusaders từ hàng không mẫu hạm USS Ticonderoga (CVA-14) đã bắn cháy 1 và gây thiệt hại nặng cho 2 ngư lôi đĩnh của Bắc Việt. Trận hải chiến dài 22 phút trước khi phi cơ F8 đến tiếp viện. (Nguồn: Lt. Commander Pat Paterson, US Navy, The truth about Tonkin, Naval History Magazine – February 2008, Vol. 22, No. I).
(2) Chương trình học bổng dài hạn trong Kế hoạch Colombo bắt đầu từ 1951 và chấm dứt cho Việt Nam Cộng Hòa ngày 2 tháng 7, năm 1976. Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam rút lui khỏi Kế hoạch năm 1978 và xin làm thành viên lâm thời trong khoảng 2001-2003 và đến 2004 mới trở thành một trong 27 quốc gia thành viên chính thức. Canada đã không còn là thành viên của Kế hoạch Colombo từ năm 1992. Nguồn: Wikipedia.org
(3) Ông là một trong những nhà nghiên cứu gốc Việt được trao tặng nhiều giải nhất ở Pháp. Hai lần ông là Lauréat của Hàn lâm viện Quốc gia Y khoa (giải Bergonié 1953 và giải Marchoux 1963), hai lần Lauréat của Hàn lâm viện Khoa học (giải Bariot-Faynot 1955 và giải Mounier de Saridakis 1972), Lauréat của Cơ quan Pháp quốc về Khảo cứu Y khoa (giải Rosen về Ung thư học 1975). Cũng năm 1975, ông được trao tặng Huy chương bạc CNRS và Huy chương bạc Danh dự của Hội Khuyến Thiện. Ông được trao tặng huân chương Tư lệnh Quốc công (Commandeur de l’Ordre National du Mérite) ngày 25 tháng 11 năm 1982 cho nhhuwsng công trình về hóa học pháp liệu, đặc biệt cuộc tổng hợp thuốc Celiptium; trước đó ông đã được trao tặng huân chương ấy ở mức Sĩ quan (Officier de l’Ordre National du Mérite) năm 1971. Đồng thời với huân chương Quốc công, ông cũng được trao tặng huân chương Hiệp sĩ Y tế (Chevalier de l’Ordre de la Santé publique) năm 1955. (Nguồn: Võ Quang Yến, Nhà khoa học Nguyễn Đạt Xường (1914-2006), Một tấm gương sáng cho thanh niên. Trang Chim Việt Cành Nam, Mùa Xuân 2007, bổ túc 2009.)