Bài học Chiến tranh lạnh

Lưu Hiểu Ba | Hồ Như Ý dịch

…Tác giả là tác giả hoạch định chính sách tầng cao nhất của chính phủ (Bộ trưởng Quốc phòng) trong thời kỳ Chiến tranh Việt Nam, ông đã có đầy đủ sự dũng cảm để nhìn vào lịch sử khi tiến hành một cuộc chiến sai lầm với những sai lầm về thời gian, địa điểm cũng như sai lầm trong quyết sách

Cảm nghĩ khi đọc “Nhìn lại Chiến tranh Việt Nam” từ trong tù

Robert McNamara, “In Retrospect: The Tragedy and Lessons of Vietnam”, Times Books; First Edition edition (April 1995)

Điều làm tôi ngạc nhiên về bộ sách này không phải vì những câu chuyện về sự thật lịch sử, mà là bởi sự thẳng thắn và khiêm nhường của tác giả Robert McNamara, sự thẳng thắn chân thật độc đáo chỉ có ở người Mỹ đó, đã được thể hiện hết sức đầy đủ qua những câu chuyện hồi ức mang tính tự suy xét và phê phán bản thân. Bản thân tác giả là tác giả hoạch định chính sách tầng cao nhất của chính phủ (Bộ trưởng Quốc phòng) trong thời kỳ Chiến tranh Việt Nam, ông đã có đầy đủ sự dũng cảm để đối mặt nhìn vào lịch sử khi tiến hành một cuộc chiến sai lầm với những sai lầm về thời gian, địa điểm cũng như sai lầm trong quyết sách, ông cũng đã có những phê phán đối với bản thân khi tiến hành đưa ra những quyết sách, thông tin sai lầm của chính phủ Hoa Kỳ cũng như sai sót của bản thân.

Từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai, Hoa Kỳ chắc chắn là quốc gia hùng mạnh nhất trên hành tinh với danh xưng “Kim Nguyên đế quốc”. Người khởi xướng và bảo vệ mạnh mẽ nhất đối với các giá trị của chủ nghĩa tự do, với tư cách là lãnh tụ của thế giới tự do, Hoa Kỳ coi việc thúc đẩy mở rộng những lý niệm chính trị và sắp xếp chế độ của chủ nghĩa tự do trên thế giới là một bộ phận quan trọng nhất của lợi ích quốc gia. Vì vậy, một mặt Hoa Kỳ tích cực tham dự vào công cuộc tái thiết kinh tế của Châu Âu và Châu Á sau chiến tranh, giúp đỡ nước Đức và Nhật Bản bước lên con đường tự do dân chủ, từ đó thu được nguồn lực đạo nghĩa làm cho người ta thán phục; mặt khác lại toàn lực chống lại sự bành trướng và mở rộng của cộng sản toàn trị trên quy mô toàn thế giới, trước sau tham gia vào Chiến tranh Triều Tiên, đối đầu ở Eo biển Đài Loan và Chiến tranh Việt Nam, thắng lợi ở hai cuộc chiến đầu tiên đã khiến cho Hoa Kỳ đánh giá sai cục diện, thế là, Chiến tranh Việt Nam đã trở thành cơn ác mộng của Hoa Kỳ.

Đầu tiên, Chiến tranh Việt Nam là biểu tượng cho sự đối đầu, cạnh tranh giữa hai tập đoàn chính trị lớn, hai loại chế độ xã hội trong Chiến tranh lạnh. Hoa Kỳ căn bản không phải là tác chiến đối với Bắc Việt Nam, mà là tác chiến với đối thủ là phe cộng sản toàn trị đứng đầu là Liên Xô. Hoa Kỳ thất bại là bởi vì họ đã đánh giá thấp mức độ tham dự của hai cường quốc cộng sản là Liên Xô và Trung Quốc; thậm chí là ngay cả sau khi Trung Quốc và Liên Xô đổ vỡ quan hệ, thì cả hai vẫn tiếp tục toàn lực ủng hộ Bắc Việt chống lại Hoa Kỳ. Cho đến khi Chiến tranh Việt Nam đi đến mức độ tiến không có lối thoát, thì chính phủ mới cầm quyền của Nixon mới quyết định từ bỏ Nam Việt Nam và bắt tay với Trung Quốc chống lại Liên Xô.

Một nguyên nhân thất bại khác đó là chính quyền Nam Việt Nam được Hoa Kỳ ủng hộ lại yếu đuối và từ chối cải cách tự do dân chủ. Sự hỗn loạn về tình hình chính trị của Nam Việt Nam cũng như sự đọc tài, tham nhũng của chính phủ đã khiến cho nó trở thành một A Đẩu[1] không cách nào đứng vững trên đôi chân mình; mục tiêu chiến lược của Hoa Kỳ khi dựa vào chính quyền Nam Việt Nam đối kháng lại chính quyền Bắc Việt và cả khối cộng sản đã không thể thực hiện được. Tác giả nói:

“Sách lược ‘đường vĩ tuyến 38’ tương tự như Chiến tranh Triều Tiên đã thất bại ở Việt Nam; chiến tranh ở Việt Nam không cách nào hình thành nên được cục diện giống như ở Đông Đức Tây Đức, Nam Bắc Triều Tiên hai chính quyền, hai loại chế độ cùng tồn tại trong hòa bình như vậy. Trừ phi vào thời điểm đó Hoa Kỳ cam tâm mạo hiểm có thể gây ra Chiến tranh thế giới lần thứ ba, vứt bỏ chính quyền Nam Việt Nam, trực tiếp phát động tấn công trên mặt đất đối với Bắc Việt Nam, thì còn có khả năng giành chiến thắng trong cuộc chiến này. Nhưng mà, nguy cơ dẫn tới bùng phát Chiến tranh thế giới thứ ba, lại khiến cho Hoa Kỳ chỉ dám nhìn mà không dám bước tới.”

Robert McNamara

 Chính bởi vì tình cảnh tiến thoái lưỡng nan, cưỡi lưng hổ khó xuống như vậy, chính phủ Hoa Kỳ không cách nào đưa ra được phương thức giải quyết có hiệu quả, chỉ có thể đem cuộc chiến kéo dài một cách miễn cưỡng, cho tới khi hoàn toàn đánh mất sự ủng hộ của dư luận trong nước. Trong tình trạng bế tắc của cuộc chiến cũng như chính quyền Nam Việt Nam hoàn toàn không có một động thái tích cực nào, càng là thanh thế mạnh mẽ của phong trào phản chiến đang dâng cao ở trong nước, cũng như dưới áp lực của dư luận, tổng thống mới nhậm chức của chính phủ Hoa Kỳ xem như đã đưa ra một quyết đoán đúng đắn: không thể không rút quân khỏi Việt Nam.

Bài học lớn thứ hai được tổng kết trong cuốn sách là sự ảnh hưởng tiêu cực của ác ma Chiến tranh lạnh đối với thế giới. Mặc dù ngày nay khi nhìn từ góc độ giải thể của Liên Xô, sự đối đầu trong Chiến tranh lạnh vẫn là có thành quả tích cực, nhưng mà, chiến thắng vào cuối thế kỷ 20 của chế độ tự do trước chế độ toàn trị đã không thể nào che đậy hết được những ảnh hưởng tiêu cực của Chiến tranh lạnh. Hậu quả thảm khốc mang tính thảm họa của Chiến tranh lạnh gây ra không thua kém so với Chiến tranh thế giới thứ hai, những tiêu hao của cải cùng tài nguyên tổng hợp của xã hội từ việc chạy đua vũ trang cùng những tổn thất về  sinh mạng và tinh thần bởi sự đối đầu về ý thức hệ khiến cho toàn thế giới phải bỏ ra một cái giá rất đắt. Tác giả đưa ra một giả thiết:

“Nếu như không có chiến lược ngăn chặn của chủ nghĩa tự do trước chủ nghĩa cộng sản, chính quyền cộng sản toàn trị có lẽ sẽ không phải lúc nào cũng nằm trong trạng thái lo sợ bị lật đổ; không có loại sợ hãi này thì sẽ không thực thi nền chuyên chính tàn bạo đối với bên trong như vậy; Liên Xô cũng sẽ không nhất định đưa xe tăng tiến vào Warszawa, Budapest, Praha trong những năm giữa thập niên 1950 và cuối thập niên 1960, cũng như trần trụi duy trì cục diện đối đấu giữa hai trận doanh Đông Tây của Chiến tranh lạnh.”

Robert McNamara

Giả thiết này của tác giả có thể đưa tới rất nhiều phê phán, bởi vì ông ta đã làm mờ đi sự thật căn bản về sự tàn bạo mang tính thể chế của chủ nghĩa toàn trị. Nhưng tác giả là một trong số thành viên của nội các hoạch định chính sách của chế độ tự do, thì sự tự phản tỉnh nghiêm khắc và đối đãi đầy thiện ý như vậy, thực sự làm cho tôi rất khâm phục.

Chiến tranh lạnh không chỉ gây ra những tổn thất to lớn về sinh mạng và vật chất, càng là tạo thành những làn sóng khủng bố đỏ và khủng bố trắng về tinh thần cho nhân loại. Sự thịnh hành của Chủ nghĩa McCathy trong thập niên 1950 đã tạo nên một làn sóng sợ hãi trong xã hội tự do ở Hoa Kỳ không thua kém với cuộc đại thanh tẩy trong xã hội chuyên chế. Loại hành vi ngu xuẩn dùng ý thức hệ để xác định thân phận người khác, tước đoạt quyền lợi và nhân phẩm thậm chí là sinh mạng của người khác, thực sự là một trang sử đáng xấu hổ trong lịch sử loài người. Nó thậm chí có thể còn đáng sợ hơn so với bạo lực với cái cớ lợi ích quốc gia là tối cao.

Trong Chiến tranh lạnh, ba cường quốc của thế giới là Liên Xô, Trung Quốc và Hoa Kỳ đều đã phải trả giá đắt. Mười một bài học kinh nghiệm được tác giả tổng kết ở cuối cuốn sách xứng đáng được các lãnh tụ chính trị trên thế giới suy nghẫm. Dưới cái giá phải trả to lớn như vậy, nếu như kết quả cuối cùng của Chiến tranh lạnh không phải là sự sụp đổ của tập đoàn chủ nghĩa toàn trị Phương Đông, mà là có những kết quả khác, vậy thì Chiến tranh lạnh chỉ là hành vi ngu xuẩn, gây ra trăm cái hại mà không có lợi.

Đã tự bao giờ, những người thuộc tầng lớp ra quyết sách trong cao tầng Đảng Cộng sản Trung Quóc có thể viết ra được những dòng chữ tự phản tỉnh như vậy?

Nguyên nhân dẫn tới sự kết thúc của thể chế chủ nghĩa cộng sản vốn được duy trì bằng lưỡi lê và dối trá, chính là nằm ở sự phản nhân bản của nó. Bất luận là nền văn hóa và thể chế ra sao, nếu như không nhận được sự đồng thuận tự phát đến từ nhân bản và tâm linh của con người, đều không cách nào tồn tại lâu dài. Những lời dối trá về một xã hội Utopia[2] và bạo lực chỉ có thể duy trì trong nhất thời. Sự tan ra của hệ thống Liên Xô và Đông Âu, dân chủ hóa ở Đài Loan và Hàn Quốc [Đại Hàn], mặc dù cũng có những nguyên nhân từ bên ngoài thúc đẩy, nhưng về căn bản là đến từ sự tự giác yêu cầu thay đổi từ bên trong. Không phải là người Mỹ làm tan rã hệ thống cộng sản toàn trị, mà là sự phản nhân bản của chế độ này cuối cùng đã khiến nó phải tự sụp đổ. Khi mà chế độ toàn trị hủy hoại và làm xói mòn nhân bản đến mức ngay cả những đảng viên cộng sản cũng không còn tin tưởng vào tính chính danh và hợp pháp của nó, thì sự tự tan rã của nó là không thể tránh khỏi.

Quá trình dân chủ hóa Trung Quốc cũng tương tự như vậy. Hiện tại, chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc đang ở trong quá trình tự mình tan rã như vậy; sự kết thúc của Chiến tranh lạnh đã cung cấp một môi trường quốc tế tốt đẹp cho tiến trình này; điểm mấu chốt chính là sự chân thành và nỗ lực của chính chúng ta. Vai trò của Hoa Kỳ và các quốc gia Phương Tây chỉ bất quá là động lực thúc đẩy, là hình mẫu, thuyết phục và can dự cần thiết từ bên ngoài mà không thể là một áp bức mạnh mẽ hữu hiệu. Bất kể thế nào, một Trung Quốc cởi mở đang có sự thay đổi mạnh mẽ, ý muốn của người dân cùng xu thế phát triển của thế giới cùng áp lực của xã hội quốc tế, tất cả đều thúc giục Trung Quốc chỉ có thể tiến về phía dân chủ hóa.

Từ 28 tháng 12 năm 1996 đến 2 tháng 1 năm 1997

© 2019 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net


Nguồn: DCVOnline biên tập, minh họa và phụ chú.

Lược dịch những trang 321-323 trong cuốn “Retrospect: The Tragedy and Lessons of Vietnam” (1995) của Robert S. McNamara:

  1. Chúng ta đã đánh giá sai – và từ đó –  chúng ta vẫn sai về ý định địa chính trị của đối phương … và chúng ta đã phóng đại những nguy hiểm đối với Hoa Kỳ do hành động của đối thủ.
  2. Chúng ta đã xét người dân và giới lãnh đạo của miền Nam Việt Nam theo kinh nghiệm của chính mình… Chúng ta hoàn toàn đánh giá sai các lực lượng chính trị ở Việt Nam.
  3. Chúng ta đánh giá thấp sức mạnh của chủ nghĩa dân tộc đã thúc đẩy họ chiến đấu và chết vì niềm tin và giá trị của dân tộc.
  4. Sự đánh giá sai lầm của chúng ta cả về bạn với thù, phản ảnh sự thiếu hiểu biết sâu sắc của chúng ta về lịch sử, văn hóa và chính trị của người dân trong khu vực, và tính cách và thói quen của những người lãnh đạo của họ.
  5. Chúng ta đã thất bại – và từ đó – vẫn không nhận ra những hạn chế của các quân cụ, lực lượng và học thuyết quân sự hiện đại, kỹ thuật cao. Chúng ta cũng thất bại trong việc điều chỉnh chiến thuật quân sự của mình với nhiệm vụ giành được tim óc của mọi người ở một nền văn hóa hoàn toàn khác.
  6. Chúng ta đã thất bại trong việc lôi kéo Quốc hội và người dân Mỹ vào một cuộc thảo luận và tranh luận có đầu đuôi và thẳng thắn về những ưu và nhược điểm của việc tham gia quân sự ở một mức độ lớn… trước khi bắt đầu hành động.
  7. Sau khi đã bắt đầu vào cuộc, và các sự kiện không lường trước được đã buộc chúng ta phải thay đổi kế hoạch, chúng ta không giải thích đầy đủ về những gì đang xảy ra và tại sao chúng ta lại làm những việc đã làm.
  8. Chúng ta đã không nhận ra rằng cả người dân và giới lãnh đạo của chúng ta đều không toàn trí toàn thức. Phán quyết của chúng ta về những gì thuộc về lợi ích tốt nhất của người khác hoặc quốc gia nên được đưa vào thí nghiệm thảo luận mở trên các diễn đàn quốc tế. Chúng ta không có quyền được Chúa ban cho để định hình mọi quốc gia theo hình ảnh của chúng ta hoặc như chúng ta chọn.
  9. Chúng ta đã không tuân thủ nguyên tắc hành động quân sự của Hoa Kỳ chỉ nên được thực hiện cùng với những lực lượng đa quốc gia được cộng đồng quốc tế hoàn toàn ủng hộ (và không chỉ đơn thuần là để làm đẹp mặt).
  10. Chúng ta đã không nhận ra rằng trong các vấn đề quốc tế, cũng như trong các khía cạnh khác của cuộc sống, có thể có những vấn đề không có giải pháp ngay lập tức… Đôi khi, chúng ta có thể phải sống với một thế giới không hoàn hảo, không gọn gàng.
  11. Gốc rễ của nhiều sai lầm này là chúng ta không thể tổ chức những cấp bậc hàng đầu của ngành hành pháp để giải quyết hiệu quả các vấn đề chính trị và quân sự cực kỳ phức tạp.

[1] Lưu Thiện 劉善(207 – 271), thụy hiệu là Hán Hoài đế, tiểu tự A Đẩu, là vị hoàng đế thứ hai và cũng là cuối cùng của nhà Thục Hán dưới thời Tam Quốc trong lịch sử Trung Quốc.

[2] Utopia là một cộng đồng hoặc xã hội gần lý tưởng hoặc hoàn hảo trên mọi mặt. Thuật ngữ “Utopia” lần đầu tiên được Sir Thomas More sử dụng trong cuốn sách cùng tên “Utopia” của ông (bằng tiếng Latin,) trong đó miêu tả mô hình xã hội trên một hòn đảo giả tưởng ở Đại Tây Dương. “Utopia” thường xuất hiện với một chủ đề tách biệt trong văn học giả tưởng.