Quà Tết Trump tặng cho Trung Hoa

Minxin Pei | Trà Mi

Nếu có ai đang ăn mừng quyết định của Donald Trump giết viên tướng Ba Tư (Iran) Qassem Suleimani, thì người đó đó là Chủ tịch Trung Hoa Tập Cận Bình. Dù sao thi căng thẳng leo thang với Iran sẽ khiến Mỹ mất tập trung vào việc cạnh tranh với Trung Hoa, giống như các vụ tấn công 11/9 đã diễn ra cách đây một thế hệ.

Tay bắt, mặt mừng. Nguồn: Thomas Peter/Pool/Getty Images

CLAREMONT, California – Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, quyết định ra lệnh ám sát Qassem Suleimani, nhân vật chỉ huy quân đội quyền lực nhất của Iran, đã làm dấy lên nỗi ám ảnh, mặc dù vẫn còn xa, về cuộc chiến toàn diện giữa Hoa Kỳ và Cộng hòa Hồi giáo. Chỉ có một kẻ thắng cuộc trong hoàn cảnh này: Trung Hoa.

Cuộc tấn công bằng máy bay không người lái đã giết chết Qassem Suleimani không chỉ đưa Mỹ và Iran đến bờ vực chiến tranh; nó phơi bày cho tất cả mọi người thấy sự hỗn loạn của việc hoạch định chính sách đối ngoại của Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump. Đa số người Mỹ cho rằng sự kiện này đã khiến Mỹ trở nên kém an toàn hơn và sự bất tài do nhóm của Trump phô diễn cho thấy họ có thể đúng.

Với sai lầm mới nhất của Trump, lịch sử có thể không lặp lại, nhưng nó chắc chắn cũng theo vần điệu. Khi George W. Bush bắt đầu nhiệm kỳ tổng thống vào tháng 1 năm 2001, các cố vấn  bao thủ mới của ông đã xác định Trung Hoa là mối đe dọa lâu dài lớn nhất đối với Hoa Kỳ. Vì vậy, chính quyền của ông đã gắn nhãn cho Trung Hoa là một “đối thủ cạnh tranh chiến lược” và bắt đầu làm việc để ngăn chặn đối thủ của nước Mỹ từ Châu Á.

Vào tháng 4 năm 2001 –  cùng tháng một máy bay do thám của Hải quân Hoa Kỳ đã vô tình va chạm với một máy bay chiến đấu của Trung Hoa khi đang làm công tác giám sát thường xuyên trên Biển Đông – Mỹ tuyên bố bán vũ khí cho Đài Loan mặc cho những phản đối của Trung Hoa. Quan hệ song phương đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ khi bình thường hóa quan hệ ngoại giao Mỹ-Trung vào năm 1979.

Mọi thứ thay đổi vào ngày 11 tháng 9 năm 2001, khi Hoa Kỳ bị quân khủng bố tấn công trong vụ khủng bố chết nhiều người nhất trong lịch sử. Chính quyền Bush trở nên bận tâm với việc trả thù al-Qaeda – một mục tiêu dẫn đến quyết định thảm khốc là xâm lăng Iraq hai năm sau đó – đến nỗi chính quyền Mỹ đã quên tất cả nỗi ám ảnh xa xôi của một siêu cường châu Á.

Chỉ ba tháng sau ngày 9/11, chính quyền của Tổng thống Bush đã phê chuẩn việc Trung Hoa gia nhập vào Tổ chức Thương mại Thế giới và nền kinh tế Trung Hoa đã chuyển mình phát triển. Năm 2000, sản lượng kinh tế của Trung Hoa đã lên tới 1,21 nghìn tỷ đô la – ít hơn 12% GDP của Mỹ. Vào cuối nhiệm kỳ thứ hai của Bush, năm 2008, GDP của Trung Hoa đã đạt 4,6 nghìn tỷ đô la – hơn 31% của Mỹ. Ngày nay, GDP của Trung Hoa đứng ở mức khoảng 65% mức của Hoa Kỳ.

Theo nghĩa này, Trung Hoa có được “điều kỳ diệu về kinh tế” của họ nhờ vụ tấn công khủng bố 11/9 – hay chính xác hơn là phản ứng thảm khốc của chính quyền Bush. Hai mươi năm sau, kể từ bây giờ, chúng ta cũng có thể nói tương tự như vậy về vụ ám sát Suleimani.

Giống như Bush, khi Trump vào Nhà Trắng, chính quyền của ông đã nhanh chóng dán nhãn hiệu cho Trung Hoa là đối thủ địa chính trị hàng đầu của Mỹ và áp dụng chính sách đối đầu, minh chứng bằng một cuộc chiến thương mại, mặc dù đã có một thỏa thuận “giai đoạn 1”, nhưng vẫn chưa được giải quyết. Trên thực tế, Trump đã hồi sinh cuộc cạnh tranh quyền lực lớn – tập trung phần lớn vào việc kiềm chế Trung Hoa – là nguyên tắc tổ chức chính sách đối ngoại của Mỹ.

Sau đó, Trump đã cho giết Suleimani và mọi ánh mắt đều hướng về Iran. Nếu cuộc xung đột tiếp tục leo thang – ngay cả khi nó không xẩy ra  chiến tranh toàn diện – Mỹ rất có thể sẽ chuyển hướng các nguồn lực quan trọng để đối đầu với Cộng hòa Hồi giáo, và, như sau ngày 9/11, chuyển đối sách với Trung Hoa về phía sau trong chính sách đối ngoại.

Đối với Chủ tịch Trung Hoa Tập Cận Bình, việc tận dụng sự thay đổi này sẽ đòi hỏi một phản ứng được hiệu chỉnh cẩn thận. Các sự kiện diễn ra ở Trung Đông mang đến cơ hội chiến lược đầy hấp dẫn cho Trung Hoa. Nhưng, như Xi có thể nhận ra, tốt nhất là ông tuyên bố ủng hộ Iran – và tiếp tục gian lận nhập cảng dầu Iran, bất chấp các lệnh trừng phạt của Mỹ – nhưng tránh kích động Trump, bằng cách cung cấp vũ khí cho Iran.

Nhưng, ngay cả khi Trung Hoa hạn chế tham gia, nó không thể hoàn toàn thoát khỏi sự chú ý. Sức mạnh ngày càng tăng của Trung Hoa – và sự quan tâm của người Mỹ trong việc be bờ nó – sẽ góp phần vào bài toán chiến lược của cả hai bên trong cuộc xung đột Mỹ-Iran.

Iran đã tuyên bố thỏa thuận hạch tâm năm 2015, Kế hoạch hành động toàn diện chung (JCPA) đã chết, tuyên bố rằng chương trình hạch tâm của họ giờ đây sẽ “không có giới hạn nào trong sản xuất, gồm cả khả năng tăng chất đồng vị uranium-235” Nếu giới lãnh đạo IIran tin rằng Mỹ sẽ cố tránh phạm phải những sai lầm chiến lược tương tự như Bush, gồm cả đối sách với Trung Hoa, họ có thể chọn cách trả đũa táo bạo hơn.

Về phía Hoa Kỳ, những nhân vật có đầu óc tỉnh táo hơn ở Washington chắc chắn sẽ ủng hộ một phản ứng đo lường đối với bất kỳ sự trả đũa nào của Iran, nhất là để tránh mất chú ý đến những thách thức của Trung Hoa. Nhưng tính toán của chính Trump bị thúc đẩy phần lớn bởi mong muốn của ông ấy là tạo ra hình ảnh một “kẻ mạnh” trước cử tri trước cuộc bầu cử tổng thống tháng 11 này (đúng y như những gì Trump đã cáo buộc người tiền nhiệm Barack Obama là đã lên kế hoạch – mở cuojc chiến với Iran – vào năm 2011). Và chung quanh ông ta có nhiều kẻ nịnh hót thiếu kinh nghiệm hơn là nhũng cố vấn có trình độ.

Mười bảy năm trước, Bush đã chọn tham gia vào một cuộc chiến tranh ở Trung Đông, bên cạnh việc làm hoa tổn một số lớn máu và kho báu của Hoa Kỳ, đã làm hỏng nỗ lực kiềm chế Trung Hoa. Trump vẫn có thể tránh phạm sai lầm tương tự. Nhưng với mỗi dòng tweet không kiềm chế – ví dụ, đe dọa tấn công các địa điểm văn hóa của Iran (tội ác chiến tranh) nếu nước này trả đũa –  cơ hội mà sự tỉnh táo chiến lược dường như đang nhỏ đi và Xi hy vọng năm mới sẽ phát triển xán lạn hơn.

Minxin Pei (Bùi Mẫn Hân) là Giáo sư Chính phủ tại Claremont McKenna College và là thành viên cao cấp không thường trú tại Viện German Marshall của Hoa Kỳ.

© 2020 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net


Nguồn: Trump’s Gift to China | Minxin Pei | Project Syndicate | Jan 8, 2020.