Đại dịch COVID-19: Cuộc chiến toàn cầu giữa con người và thiên nhiên

Nguyễn văn Lục

Thế giới nay đã phải đối diện một khủng hoảng toàn cầu vì đại dịch. Nó có thể là biến cố lớn nhất trong thời đại chúng ta. Những quyết định của các chính quyền sau này sẽ định hình tương lai diện mạo của mỗi nước về sự thành bại trong việc chống đại dịch.

Nhưng tên thực của cuộc khủng hoảng này là gì? Như trong một bài viết trước đây, Lẽ Trời và Lẽ Người, tôi vẫn tâm niệm đây là cuộc chiến giữa người và thiên nhiên. Thật vậy, một con virus thường nhỏ hơn một vi khuẩn (bacterium) nhưng lại có thể làm cho con người điêu đứng nhiều mặt! Sức mạnh khủng khiếp của nó là lây.

Vi khuẩn kích thước khoảng 1000nm. Có thể quan sát vi khuẩn bằng kính hiển vi thường. Virus nhỏ hơn (từ 2 đến 5 lần), kích thước khoảng 20-400nm. Chỉ có thể thấy virus bằng kính hiển vi điện tử (Scanning electron microscope, SEM). Nguồn: OntheNet

Thói quen đeo mặt nạ ở châu Á (ngăn bụi bậm vì không khí ô nhiễm) là 1 trong rất nhiều yếu tố giúp các nước như Nam Hàn Nhật Bản sớm chận được sự lây lan của COVID-19. Theo giáo sư George Gao, giám đốc trung tâm kiểm soát và phòng ngừa bệnh dịch của Trung Hoa, “Không đeo mặt nạ để tự bảo vệ mình chống lại con coronavirus là một ‘lỗi lầm lớn.’” (Le Monde 31/3/2019)

Cách chọn lựa nào là tốt nhất để đối đầu với COVID-19?

Cho đến giờ phút này, đầu tháng Tư, 2020, chưa có thuốc chủng ngừa mà cũng chưa có thuốc chữa bệnh một cách chính thức hiệu quả. Hơn 10 ngàn người đã chết tại Ý và 7000 người chết tại Tây Ban Nha. Những con số này chỉ là tạm thời mà nó còn thay đổi từng ngày. Và cứ thế nhân rộng lên toàn thế giới.

Nhưng tự hỏi, đại dịch này nó dạy cho chúng ta bài học gì? Có thể đó là điều quan trọng nhất sau đại dịch.

Có thể chúng ta đều bình đẳng trước đại dịch. Có thể chúng ta đều kết nối với nhau và thứ gì ảnh hưởng trên một người thì cũng ảnh hưởng trên người khác. Ranh giới các quốc gia đều “phi thực” vì virus không cần sổ thông hành để qua biên giới. Nó nhắc nhở chúng ta cuộc sống thì ngắn ngủi mà điều chính yếu là giúp đỡ lẫn nhau. Nó có thể mang đến một sự kết thúc hoặc một khởi đầu mới. Và nó được gửi đến để nhắc nhở chúng ta về những bài học quan trọng mà chúng ta dường như đã quên và chỉ có chính chúng ta quyết định xem lần này chúng ta có chịu học không?

Bill Gates, một tỉ phú và là một người làm việc thiejn nguyện từ lâu, cho rằng việc cách ly toàn diện từ 6 đến 10 tuần là giải pháp tối ưu để cứu vãn nhiều sinh mạng. Không có biện pháp nửa vời. Có hai thế giới phải chọn lựa. Nếu chúng ta vẫn tiếp tục đi ăn nhà hàng, tiếp tục mua nhà mới và không cần biết đến xác người nằm chết bên góc đường thì chết thôi. Đại dịch này cũng sẽ giúp chúng ta chuẩn bị cho đại dịch khác. (“Bill Gates on Covid-19” Best case Scenario is six to ten weeks of total Isolation”. Alexandra Sternlicht Forbes Staff.)

Sức mạnh của nó là lây thì phải cách ly thôi.

Đại dịch này nói cho cùng, có sự hợp tác của con người văn minh. Tự nó, con virus không có chân, không có cánh. Nó không đi đâu dược. Nó lơ lửng chút, rơi xuống, rồi tàn. Nhưng nếu nó rơi vào con người, nhất là bàn bàn tay thì nó có thể đi xa hàng 15 ngàn cây số và hơn thế nữa, đi khắp nơi trên thế giới, chỉ trong một ngày. Càng văn minh, càng có phương tiện di chuyển, virus càng trở thành mối đe dọa.

Cho nên, diệt đại dịch cách hay hơn cả là về nhà. Nhà ai người nấy ở. Hãy chọn một trong hai: Rest at Home, hay Rest in peace!

Chính vì thế, trong đại dịch này, người giầu, người có tiền là chính phạm. Chúng ta đều bình đẳng trước nạn dịch. Chúng ta đều bình đẳng trước cái chết. Nhìn những cỗ quan tài để trong lòng một nhà thờ ở miền Bắc nước Ý thật đau lòng, nhưng cho thấy cái chết không phân biệt một ai. Đại dịch này thử thách con người về nhiều mặt vừa thử nghiệm, vừa như thách đố.

Dĩ nhiên là cơn bão tàn phá của đại dịch sẽ một ngày nào đó qua đi. Như những nạn đã qua đi. Thật vậy, nhiều trận đại dịch đã xảy ra trong quá khứ. Nhân loại sẽ tồn tại. Phần đông chúng ta sẽ sống còn trong đó có thể có bản thân người viết bài này. Trận đại dịch này không nên lý đến số tử vong, vì nó không đáng kể, nếu không nói ít so với dịch cúm hoặc bất cứ thứ dịch nào khác xảy ra trước đây như trận dịch năm 1918 mà số chết lên đến 50 triệu người.

Tuy nhiên, đại dịch lần này cho biết một điều là: thời gian quyết định chống dịch càng sớm càng ngăn ngừa được dịch lây lan. Sớm một tuần khác sớm hai tuần, khác sớm một tháng.  Sự so sánh ấy cho thấy rõ sự khác biệt giữa Ý và Đài Loan.

Sự lây lan nay hầu như toàn thế giới. Ảnh hưởng của đại dịch liên quan phân nửa số cư dân trên trái đất. Đấy là điều chưa từng xảy ra trước đây. Có thể là ba tỉ người và có thể là hơn thế nữa. Nếu trong tương lai có một tỉ 1.3 dân Ấn Độ mắc nạn. Ấn Độ nghèo hơn nước Tàu, có 70 triệu dân sống cùng cực. Dùng những biện pháp triệt để thì số dân Ấn Độ chết trước hết vì đói thay vì chết vì dịch.

Xếp hàng mua rau ở Ấn Độ. Nguồn Facebook

Sẽ có nhiều người sẽ chết vì đói trước khi chết vì dịch. Như Việt Nam, như Tàu, như Ấn Độ.

Dân số đông như nước Tàu tránh sao khỏi vừa chết đói, vừa chết dịch. Cho đến lúc này, Ân Độ chưa bị virus tàn phá. Mới có 81 người nhiễm bệnh với một người chết. Ấn Độ đã có những biện pháp triệt để như đóng của biên giới. Hàng triệu người Ấn Độ sống khắp nơi trên thế giới không được hồi hương. (Coronavirus: avec 1.3 milliard d’habitants, L’Inde sur ses regards. AFP, Vendredi, 13 mars, 2020)

Và rồi còn Phi Châu nữa? Nghĩ đến mà run sợ. Nó có tính cách toàn cầu thì giải pháp đề ra cũng phải toàn cầu, với những giải pháp triệt để liên Quốc gia. Phải có sự chia sẻ giúp đỡ về phương diện kỹ thuật khoa học toàn cầu và sự liên kết toàn cầu.

Thế giới ngày hôm nay. Không một quốc gia nào có thể nói, nước tôi tồn tại một mình. Không có cái tinh thần “Đèn nhà ai nhà đó sáng”. Chính sách tự cô lập, bài ngoại và tẩy chay không tin tưởng tại một số nước hiện nay là một mối đe dọa lớn. Đó là những nhận thức hẹp hòi, không tưởng và lỗi thời.

Phải có cái tinh thần một vùng, một nước nào đó bị tai ương là một đe dọa cho toàn thể nhân loại. Nhiều người nhân dịp này vỗ tay tán thưởng nhân khi thấy nước Tàu bị nạn..Nay thì nước đã đến chân. Đổ cho ai bây giờ?

Tôi đọc lại cuốn truyện La Peste của văn hào Albert Camus, xuất bản năm 1947, sao có một sự trùng hợp đến độ ngạc nhiên của 70 năm về trước và bây giờ. Dĩ nhiên ở một kích cỡ nhỏ của một tỉnh Oran nào đó của nước Algérie, một thuộc địa của Pháp. Mọi người đi từ ngạc nhiên, coi thường về một số con chuột chết rồi lan rộng đến độ lây lan sang người để rồi đi đến chỗ con người bị rơi vào tình trạng cô độc, rồi bị cách ly. Ai trách nhiệm? Ai bắt đầu? Không đổ cho ai được? Từ một con chuột chết lúc ban đầu tại cầu thang nhà bác sĩ Rieux lên đến 6000 rồi 8000 con chuột chết trong một ngày. Chuột có mặt khắp nơi, chết tại cung điện, ngai vàng đến hang cùng ngõ hẻm. Trước nạn dịch, mỗi người tự chọn một thái độ cho riêng mình. Như trong hoạt cảnh mô tả cơn hấp hối của một đứa trẻ. Mọi người đau lòng trong nỗi bất lực đến cái chết không tránh được. Điều đó nó cũng chứng tỏ con người bình đẳng trước cái chết. Trích đoạn:

“On s’apercevait maintenant que ce phé nomène dont on ne pouvait encore ni préciser l’ampleur, ni déceler l’origine avait quelque chose de menacant (…) Le 28 avril, cependant, Ransdoc annoncait une collecte de 8000 rats environ et l’anxiété était à son comble dans la ville. On demandait des mesures radicales, on accusait les autorités et certains qui avaient des maisons au bord de la mer parlaient déjà de s’y retirer.”

Camus. La peste 27. Gallimard, juin 1947, trang 27.

(Người ta đã nhận ra hiện nay là người ta chưa có thể xác định được tầm lan rộng của nó, cũng như không thể phát hiện ra nguồn gốc của nó xem ra có điều gì đó đang đe dọa (…) Tuy nhiên, ngày 28 tháng tư, Ransdoc đã cho hay là đã thu nhặt được khoảng 8000 con chuột và nỗi lo sợ nay đã lan tràn ra trong khắp thành phố. Người ta yêu cầu phải có những biện pháp triệt để, người ta nhân đó cũng tố cáo các giới chức trong thành phố và một số người có nhà ở khu dọc bờ biển nói đến chuyện dọn đi.)

Một nhà sử học danh tiếng, trẻ tuổi, sinh năm 1976, gốc Do Thái, tác giả cuốn sách:  Sapiens. A brief history of humankind, 2015 đã có một nhận định sâu sắc như sau

“People all over the world share life-and-death interest not to given the coronavirus such an opportunity. And that means that we need to protect every person in every country. In the 1970s huamanity managed to defeat the smallpox virus because all people in all countries were vaccinated against smallpox. If even one country failed to vaccinate its population, it could have endangered the whole of humankind, because as long as the smallpox virus exited and evolved somewhere, it could always spread again everywhere.”

Yuval Noah Harary. In the Battle against Coronavirus, Humanity lacks Leadership. March 15, 2020)

Làm thế nào để so sánh và đánh giá sự tiến triển và lan tràn của Covid-19 trên toàn thế giới?

Có lẽ đây là cơ hội hiếm hoi để có thể đánh giá mỗi quốc gia trong việc ngăn chặn đại dịch Covid-19 tùy thuộc vào quyết định của mỗi chính quyền. Và nếu diễn tả sự tiến triển ấy qua các biểu đồ lên xuống của mỗi vùng, người ta có thể suy ra cách quản lý trận dịch của mỗi quốc gia nay đã lây lan đến 200 nước tùy thuộc vào nhiều yếu tố như địa lý, dân số, nước giàu nghèo. Nhưng theo thiển ý, có hai yếu tố cơ bản: Sự can thiệp tức thời càng sớm càng tốt với những biện pháp triệt để. Thứ hai là sự hợp tác giữa dân chúng và chính quyền mà tôi gọi là thứ văn hóa-kỷ luật của người dân.

Theo cơ quan OMS/WHO, một người bị lây nhiễm  Covid-19 có thể lây nhiễm sang người khác theo cách tính là 1,4 đến 2,5 người khác. Rồi cứ nhân lên như thế, mức độ lây nhiếm sẽ phát triển mau chóng trở thành hàm số mũ. Có nghĩa là phải mất ba tháng, nó mới đạt được con số 100.000 người. Nhưng sau đó, nó chỉ cần 12 ngày thì có thể đạt được con số 300.000 người nhiễm virus.

Cũng nên xem thêm “Chung cuộc COVID-19 sẽ ra sao? Năm bước đơn giản”, Amir Attaran/Trà Mi. DCVOnline.net. April1-2020” để hiểu biết một cách khoa học, chính xác và bài bản hơn,

Cho nên, càng hành động mau chóng, kịp thời thì mức độ lây nhiễm còn có thể trong tầm kiểm soát. Căn cứ vào thời gian can thiệp của chính quyền mỗi nước, người ta có thể có những biểu đồ thị khác nhau của từng vùng. Biểu đồ bị sẹp đi hay kéo dài là tùy vào mỗi nước.

Vài trường hợp tiêu biểu cho cả nhóm

So sánh vài tỉ lệ bệnh nhân chét vì COVID-19 ở châu Á, châu Âu, châu Mỹ và châu Úc.Nguồn: CDC

Trường hợp Đài Loan | Đài Loan có thể được coi như một gương mẫu điển hình cho các nước khác. Đài Loan cũng có thể tiêu biểu cho Singapore, Hong Kong, v.v.

Đài Loan chỉ cách xa lục địa Trung Quốc 110 cây số. Mật độ dân số Đài Loan lại rất cao 649 người/trên một cây số vuông so với Thụy Điển (25 người/km2) hay Đan Mạch (134 người/km2). Mật độ dân số càng lớn, cơ nguy lây lan dịch bệnh càng lớn.

Nhưng Đài Loan có một lợi thế địa lý rất quan trọng giống như Nhật là nó là một hải đảo riêng biệt với nước Tàu.  Một biên giới đường bộ như Việt Nam với Tàu, với Lào và Cao Miên là một bất lợi không lường được. Tôi vẫn không thể mường tượng được với hơn 10 cổng ở biên giới với  Tầu với hàng 4-5 ngàn xe vận tải qua lại mỗi ngày, hàng chục ngàn người đến hàng trăm ngàn người qua lại bằng đường bộ, máy bay. Việc kiểm soát và cách ly là chuyện vượt tầm hiểu biết của một suy nghĩ bình thường? Không một bệnh nhân nào bị nhiễm virus nào ở những cổng biên giới? Hỏi chỉ để hỏi, sự thật thế nào rồi ra cũng sẽ biết.

Cái lợi thế kế tiếp cho thấy Đài Loan là một nước giàu, đứng thứ 21 về GDP đầu người. Nước Pháp thứ 28 theo Quỹ Tiền tệ Quốc Tế (ước tính năm 2019). Hệ thống bảo vệ sức khỏe cho người dân được coi là hoàn hảo, đứng thứ 9 theo sự xếp hạng hàng năm của tổ chức Bloomberg vào năm 2018. Lợi thế này cho phép Đài Loan có thể có những biện pháp triệt, tốn kém để mà không làm suy sụp nền kinh tế của họ.

Nhưng Đài Loan, vì gần với Hoa lục nên đã thu nhận được những tin tức sớm nhất do những liên hệ với người lục địa. Chỉ cần một cú điện thoại là xong. Những tin tức thu lượm sớm và chính xác đã giúp Đài Loan có những quyết định nhanh chóng và kịp thời.

Ngay từ 31 tháng 12 khi được tin có “bệnh phổi Vũ Hán” nguồn gốc chưa rõ, Đài Loan đã tăng cường sự kiểm soát biên giới. Ngày 23 tháng giêng, một ngày sau khi Vũ Hán ra lệnh cách ly thì Đài Loan đã bãi bỏ mọi chuyến bay đến từ Vũ Hán. Và đến ngày 5 tháng hai đã không cho bất cứ ai không phải người Đài Loan đến từ lục địa và ngay cả Hong Kong và Ma Cao.

Nước khác có chung biên giới với Trung hoa lục địa là Bắc Hàn đã ra lệnh đóng của biên giới ngày 22 tháng giêng. Và nước láng giềng thân cận nhất là Việt Nam. Việt Nam cũng đã ngưng các chuyến  bay vào ngày 23 tháng giêng với Vũ Hán. Và 4 ngày sau đóng của biên giới.

Cũng có cái may cho Đài Loan là phó tổng thống Đài Loan, ông Chen Chien-jen là một nhà Dịch tễ học nên đã có được những biện pháp thích ứng kịp thời. Những biện pháp cho những ai vi phạm việc cách ly với sự trừng phạt lên đến 30.000 euros.

(Trích tóm lược bài viết của Jean-Yves Heurtebise. “Coronavirus: ce que révèle le “modèle” taiwanais”, https://asialyst.com/).

Nhưng có thể chúng ta còn quên một điều. Sự ngăn chặn được sự lây lan của virus là tinh thần kỷ luật và trách nhiệm cao của Đài Loan mà tôi tạm gọi là Văn Hóa-kỷ luật. Điều ấy cũng được áp dụng một cách triệt để tương tự của Singapor, Đại Hàn và Nhật Bản.

Trường hợp Nhật Bản | Nước Nhật lúc đầu tỏ ra chậm chạp trước nạn dịch. Nhất là trong việc giải quyết chiếc du thuyền Diamond Princess ở hải cảng Yokohama. 700 hành khách và thủy thủ đoàn bị nhiễm dịch, trong đó có 7 người chết.

Chính phủ Abe Shinzo có thể làm cho tình trạng lây nhiễm trở nên trầm trọng hơn so với Đài Loan có một chính sách nhanh chóng và quyết liệt ngay từ đầu, nhờ đó đã tránh được tình trạng lây tràn của dịch coronavirus. Tuy nhiên, ngay từ trung tuần tháng hai, một vài ngày trước khi nạn dịch bùng nổ ở Ý (65 tuổi trở lên: 21,69% (nam 5,817,819/nữ 7.683.330, 2018 est.)) đồ thị phát triển của virus ở Nhật rõ rệt là chậm hơn ở Âu Châu, 22 người chết tính đến ngày 15 tháng ba, mặc dầu dân số Nhật có tỉ lệ người già nhiều nhất thế giới (65 tuổi trở lên: 28,38% (nam 15,655,860 / nữ 20,146,914, 2018 est.) https://www.indexmundi.com/)

Được thế nhờ vào những biện pháp gì?

Nước Nhật đã đề ra những biện pháp triệt để — mặc dầu có trậm trễ — như hủy bỏ mọi lễ hội công cộng, đóng cửa các bảo tàng viện, khu giải trí như Disneyland từ cuối tháng hai, khuyến khích các công ty cho nhân viên nghỉ bệnh, hoặc làm việc tại nhà, hoặc thời gian co dãn để tránh tình trạng nghẹt xe tàu. Nhưng biện pháp triệt để nhất là cho học sinh, sinh viên nghỉ học trong suốt tháng ba. Nhiều người đã phản đối quyết định này. Nhưng nay thì mọi người thấy là quyết định trên là đúng vì đã ngăn chặn được nạn dịch lan tràn.

Tokyo – 18 tháng 5 năm 2019: Lễ hội Sanja Matsuri ở Asakusa, Tokyo, Nhật Bản. Nguồn: OntheNet

Nhưng không ai có thể phủ nhận là tinh thần kỷ luật của người Nhật được thử thách trong những biến cố như thế này. Người ta cũng không quên là người Nhật có thói quen văn hóa giữ gìn vệ sinh cá nhân như rửa tay và nhờ đó làm chậm tiến trình  gây bệnh. Họ không thường che miệng bằng khẩu trang, (nhưng dùng mạt nạ trong đại dịch) và chào hỏi thì cúi đầu thay vì bắt tay hoặc ôm hôn.

Dân Nhật đeo mặt nạ đi bộ qua ngõ Nakamise tại Asakusa ở Tokyo, vào ngày 20 tháng 3 năm 2020. Ảnh AP/Koji Sasahara.

Chính trong sự khủng hoảng dịch bệnh này người ta mới khám phá ra những giá trị tinh thần của một xã hội hậu Khổng Tử của người Á Đông cho thấy cái lợi ích của nó. Giống như Đại Hàn với ba yếu tố nổi bật: Tính hiệu quả triệt để. Hàng 300.000 xét nghiệm. Mỗi ngày từ 15.000 đến 20.000. Kỷ luật và sự đoàn kết. Phải chăng những kết quả thành công của Đại Hàn có nên để các nước khác theo gương?

Cái tinh thần trọng kỷ luật ấy đã giúp từ chính phủ trung ương đến địa phương cho thấy được tính hiệu quả trong việc khám phá ra các ổ dịch bệnh và được cách ly một cách tức thời và không cho phép sự lan tràn ra khắp nơi.

Và tính đến nay là đầu tháng tư, ở tại Tokyo, mặc dầu các xe điện ngầm không đông đúc như thường ngày, nhưng xem ra đời sống sinh hoạt của người Nhật đang dần trở lại mức bình thường. Nhiều khu vực ít chịu ảnh hưởng của dịch đã cho phép học sinh trở lại trường học.

(Trích tóm lược Antoine Roth, “Le Japon face au coronavirus : un mois après le début de la crise”, Autour du Japon | Le blog de Antoine Roth, ngày 15 tháng 3- 2020.)

Một phụ nữ, đeo mặt nạ sau khi  coronavirus (COVID-19) bùng phát, ngồi trên tàu điện ngầm ở Tokyo, Nhật Bản ngày 7 tháng 3 năm 2020. Ảnh chụp ngày 7 tháng 3 năm 2020. REUTERS / Edgard Garrido / File photo Reuters

Tác giả Mélanie Meloche-Holubrowsky trong loạt bài “Comment se compare la progression de la COVID-19 à travers le monde?” cũng cho rằng người Nhật có thói quen áp dụng khái niệm cách ly xã hội như một truyền thống. Nhiều người Nhật có thói quen cúi đầu vái nhau ở một khoảng cách vài thước mà không bắt tay.

Việc đứng cách xa chào nhau và việc đeo khẩu trang thường xuyên khi ra ngoài đường là một trong những yếu tố giúp một số nước Á Châu giảm thiểu được số người mắc bệnh COVID-19.

Phải chăng đã đến lúc cái văn hóa bắt tay và ôm hôn của người Tây Phương đã đến lúc phải thay đổi?

Trường hợp Hoa Kỳ | Hoa Kỳ đang tạo mối lo ngại cho tổ chức OMS/WHO, bởi vì số lượng người nhiễm dịch trở thành cao nhất, vượt cả nước Tàu và Ý.

Người ta biết rằng, nước Mỹ đã quá trậm trễ trong việc xét nghiệm trên toàn nước Mỹ. Có thể quá bận tâm vào vào mục tiêu thương mại hay cuộc tranh cử, TT Trump đã cố tình coi nhẹ mức trầm trọng của nạn dịch khi ông phát biểu vào ngày 28/2 rằng:

“Một ngày nào đó nó sẽ biến mất như một phép mầu.”

(“It’s going to disappear. One day, it’s like a miracle, it will disappear.”

Donald Trump

Theo tờ Financial Times, ngày 27 tháng 3 trong bài: Donal Trump’s chaotic crisis, bản dịch tiếng Việt, Binh Bong Bot. Mỹ đã dẫn đầu các nước về ca nhiễm bệnh. Số xin trợ cấp thất nghiệp là 3,3 triệu người.

Ngày 17 tháng 3, thống đốc tiểu bang California mới ra lệnh: Shelter in place. Trễ quá chăng?

Ngày 19 tháng 3, chuyện chống nhiễm trở thành tâm điểm của nhiều tiểu bang. Nhiều biện pháp đã được đề ra nhằm mục đich hỗ trợ cho 158 triệu người Mỹ có thể mất việc.

Tổng thống Trump thì vẫn liên tiếp đưa ra nhiều tuyên bố trấn an qua mặt bác sĩ Anthony Fauci, người đứng đầu Viện Dị ứng và các bệnh Truyền nhiễm Quốc Gia.

Cho đến hiện nay thì số ca nhiễm của Hoa Kỳ đứng đầu thế giới. Những tiên đoán số tử vong do những chuyên viên hàng đầu của nước Mỹ như Anthony Fauci là từ 100.000 ngàn đến 200.000 là điều có thể xảy ra. TT. Trump xem ra bắt đầu tỏ ra khiêm tốn và dè dặt hơn.

Tôi thật sự muốn nhìn xem nước Mỹ sẽ chủ dộng và ra khỏi đại dịch này như họ đã từng chiến thắng và lãnh đạo thế giới trong những biến cố lịch sử trước đây. Tôi cầu mong như vậy.

Phần tôi, ở Canada, đất nước đã cưu mang tôi, mặc dầu cũng đã có những tính toán vụng về, chậm trễ và thiếu chuẩn bị cũng sẽ thoát khỏi nạn đại dịch này với một hậu quả nhẹ nhàng hơn nước Mỹ.

Phần Việt Nam, số người nhiễm virus (do chính quyền công bố) chưa tới số ngàn và không có người chết. Có thể do khả năng kiểm soát tuyệt vời như kiểm soát truyền thông tại các nước độc tài?

Ở bình diện cá nhân, liên lạc với bà con quen biết, họ cũng không cho biết được tin tức gì khác hơn. Bên cạnh đó, vào 31-4, đại sứ Mỹ tại Hà Nội, ông Kritenbrink đã có lời tuyên bố rất khích lệ:

Nguồn: Tòa Đại sứ Mỹ tại Việt Nam/Facebook

“Chính phủ Việt Nam đã rất xuất sắc khi đương đầu với đại dịch Covid-19 và vẫn đang tiếp tục chủ động, hợp tác minh bạch trong việc chống dịch.”

(Video được đăng tải trên Facebook của đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội).

Tuy vậy, Vũ Đức Đam, phó thủ tướng Việt Nam, lại nói,

“Nếu chiến đấu với COVID-19 là một cuộc chiến, thì chúng tôi đã thắng vòng đầu, nhưng không phải đã thắng toàn bộ cuộc chiến vì tình hình có thể rất khó lường.”

Mark A Ashwill, “Vietnam: An outlier in the coronavirus epidemic and HE?”, 14 March 2020

Mark A Ashwill, “Vietnam: An outlier in the coronavirus epidemic and HE?”, 14 March 2020

Nhưng cũng vào không giờ đầu tháng tư, thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ra lệnh cách ly trong 15 ngày. Đóng cửa biên giới với Lào và Campuchia. Quyết định này cho thấy hiện thực trạng nạn đại dịch ở Việt Nam như thế nào.

Đôi dòng kết luận

Điều tôi tin chắc là thế giới sẽ có một sự khác biệt sau nạn đại dịch. Sẽ có một sự thay đổi khung hình và diện mạo thế giới.

Nước Mỹ qua việc quản lý trận đại dịch này tỏ ra có nhiều kém cỏi, nếu không nói là bất lực, thiếu khả năng lãnh đạo. Ít lắm cho thấy sự rối loạn và sự quan ngại về sự không chắc chắn của hệ thống chính quyền, việc thiếu chuẩn bị trong việc đối đầu với đại dịch.

Tư thế của Hoa Kỳ trong các thập niên vừa qua về mặt đối ngoại và đối nội cho thấy Hoa Kỳ qua các chính phủ đã điều hành một cách xuất sắc tạo ra chẳng những sự giàu có của cải cho nước Mỹ mà còn là niềm tin tưởng, sức mạnh mềm của nước Mỹ mà mỗi quyết định có tầm ảnh hưởng toàn cầu. Từ ngày tính phân cực, cục bộ, chủ nghĩa tự cô lập, “nước Mỹ trên hết” đã giảm thiểu hay ngay cả thay thế tư cách lãnh đạo của nước Mỹ trên toàn cầu. Thay thế sự lãnh đạo ấy thì sẽ có kẻ khác nổi lên? Trước hết là có sự giàn xếp, tính toán hơn thiệt sự kết nối tùy theo quyền lợi một đất nước. Một thế giới đa cực mà mỗi nước hành xử theo quyền lợi riêng của mình.

Nước Tàu, sau vụ Vũ Hán cũng không còn là nước Tàu trong những tham vọng “một vành đai một con đường”. Sự mất tin tưởng và thù ghét Tàu, sau vụ đại dịch là một trong những mất mát và thất bại lớn nhất của Tàu. Lợi thế về hàng hóa rẻ sẽ có những tính toán chuyển hướng, xoay trục kinh tế mà phần thiệt là ảnh hưởng đến nền kinh tế của Tàu không tránh khỏi.

Tôi chỉ mong con người trong thế kỷ 21 này có một trí nhớ đủ bền vững về kiếp nạn đại dịch này. Nếu chúng ta không thay đổi cách sống, cách làm ăn, giảm bớt lòng tham lam thì rất có thể một đại dịch khác lại xảy ra.

Cuộc chiến giữa thiên nhiên và con người xem ra là một thử thách, một bài học hay một giải thoát cuối cùng tùy thuộc vào con người ứng xử với thiên nhiên, hòa hợp và tôn trọng thiên nhiên như thế nào?

Hẳn là diện mạo thế giới trong tương lai sẽ không phải như ngày hôm nay!

© 2020 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net


Nguồn: DCVOnline biên tập và minh họa