Cười người hôm trước

Caubay

Ca dao tục ngữ người mình có nhiều câu chứa đựng sự khôn ngoan, kinh nghiệm được đúc kết qua thời gian. Cái túi khôn ấy tuy bình dân mà lắm khi thấm thía vô cùng!

Một trong các câu ấy mà Cậu Bảy càng về già càng tâm đắc, hay nói nôm na là “ngộ” ra. Ấy là câu:

“Ai ơi chớ vội cười nhau;
Cười người hôm trước hôm sau người cười.”

Nguồn: OntheNet

Câu này khuyên phàm ở đời thì không nên bộp chộp, nông nỗi mà phán xét ai. Việc đời hơn thua, đúng sai thì đến khi đậy nắp quan tài mới hòng tính sổ được. Hòng thôi chớ cũng chưa chắc; nhiều người chết đã lâu mà sự phán xét thành bại hôm nay hãy còn tranh cãi.

Trở lại với Cậu Bảy, hồi nhỏ tính khí ngang tàng, việc đời chưa thấu nên hay dương dương, tuy không đến nỗi khinh người lố bịch nhưng cũng thường tự hào ta đây bản lĩnh. Nam nhi chi chí mà, cái gì đúng thì thôi chớ sợ thằng Tây nào.

Nhớ hồi ấy trong xóm có anh Ba Lô — ảnh thứ ba mà mần nghề đạp xích lô nên gọi là Ba Lô chớ không phải lính tráng gì — tính tình thiệt thà hiền lành lắm, chỉ có tội rất sợ chị Ba. Hằng ngày anh đi đạp xích lô kiếm tiền; chị Ba chỉ việc ở nhà sinh con, xem cải lương và… quản lý tiền bạc. Mỗi sáng chị Ba cho anh một khoản tiền vừa đủ cơm nước, trà đá, thuốc lá và đến tối về thì anh thành khẩn khai báo thu nhập, cả số cút xe trong ngày và giao nộp không thiếu một xu. Mọi việc chi thu mua sắm, phải quấy đều do chị Ba quyết định.

Thế mà trong nhà anh cũng lắm khi lục đục, cơm không lành canh không ngọt, tiếng quát tháo vang rền cả xóm. Dĩ nhiên là chị Ba quát tháo chớ ai. Nhiều tối anh Ba sang nhà ngồi bệt dưới đà cửa, rút bao thuốc rê ra vấn thuốc hút rồi than với bà già Cậu Bảy:

— Con vợ tui nó ác quá bác ôi! Nó không cho tui ăn.

Những lúc ấy bà già Cậu Bảy thường đem cho anh bát cơm và an ủi. An ủi gì thì Cậu Bảy không nhớ hết, chỉ nhớ rằng mình thường nhìn anh Ba với cặp mắt vừa thương hại vừa khinh thường. Cái anh Ba này thiệt chướng! Đàn ông con trai vai u thịt bắp thì… già đòn non lẽ chớ có đâu yếu ớt thế kia. Có không có thì thôi chớ tội gì… Chê cười anh Ba như thế cũng bởi lúc ấy Cậu Bảy còn trẻ người non dạ. Chắc anh Ba phải có lý do để nhịn chị Ba. Hoặc sợ vợ là tính bẩm sinh trời cho. Hoặc anh Ba thương con, thương vợ, không muốn cửa nhà gây gỗ ồn ào mãi, hoặc có lý do thầm kín nào đó mà khi ấy Cậu Bảy làm sao biết được. Với hùng khí của tuổi mới lớn, Cậu Bảy không thể hiểu được anh Ba và cũng không bao giờ nghĩ có ngày mình… hiểu.

Ấy là việc đời, như cụ Nguyễn Du nói, đoạn trường ai có qua cầu mới hay. Đến đây thì cô bác đừng vội cười Cậu Bảy cũng cùng hội râu quặp như anh Ba. Dù cũng không dám khẳng khái vỗ ngực xưng tên ta đây chẳng sợ ai, sống ở Mỹ có vợ mà còn hiên ngang thì hoặc là nói phét, hoặc phúc ba đời. Việc này Cậu Bảy có đề cập đến trong truyện “Quảng Nam hay cãi”, cô bác nào thương thì tìm xem. Nhưng chuyện anh Ba là chuyện nhỏ, chỉ nhằm giúp vui khi nói về đề tài “Ai ơi chớ vội cười nhau…”

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu Pew

Nay đi vào vấn đề.

Số là vài ba năm trước trong “Nhóm thân hữu cựu học sinh Trần Cao Vân Tam kỳ”, vốn cũng như các hội đoàn ái hữu khác, họp mặt định kỳ hai năm một lần. Bên lề “đại hội toàn cầu” thì cũng có nhóm bạn trẻ hơn họp nhóm. Trong thư mời họp của nhóm ấy có ra điều kiện “Không được nói chuyện chính trị và tôn giáo.” Sỡ dĩ có cái điều kiện ngặt nghèo ấy là do anh bạn tổ chức đứng hai chân. Ủa lạ he! Người chớ phải chó đâu mà đứng bốn chân. Đứng hai chân là do anh chân trong chân ngoài. Chân ngoài thì làm Việt kiều. Tị nạn Cộng sản không thì không biết chứ anh ta chọn làm Việt kiều Mỹ chứ không Việt kiều Nga hay Tàu; mà Việt kiều Mỹ thì hầu hết là tị nạn Cộng sản. Không tị nạn Cộng sản thì qua Mỹ kiếm bơ thừa canh cặn à? Còn chân trong thì anh làm ăn với bọn Cộng sản. Làm ăn gì không biết nhưng thấy anh khoe hình nhận bằng khen từ thủ tướng Phúc nghẹo. Dĩ nhiên đứng hai chân như thế thì khi co chân trong anh thành Việt kiều Mỹ ưa chuộng tự do, khinh ghét độc tài; khi co chân ngoài thì anh là doanh nhân yêu nước, có đóng góp thiết thực cho công cuộc xây dựng Chủ nghĩa Xã hội của Đảng quang vinh. Vì đó là chuyện chính trị nên… cấm nói!

Còn chuyện tôn giáo sao lại cấm? Nếu mọi người biết tôn trọng tín ngưỡng kẻ khác, trao đổi trong tinh thần tương ái nhằm học hỏi các giáo lý tốt đẹp thì càng tốt chớ hà cớ gì cấm? Chỉ có bọn giáo điếm và Cộng sản mới khích bác chìa rẽ tôn giáo mà thôi.

Nghĩ như thế nên khi nhận được thiệp mời này thì Cậu Bảy nộ khí xung thiên. Nửa đêm nhảy lên… Facebook chửi cho một trận. Dùng cái “vốn tự có” của dân Quảng Nam là hay cãi, ưa lý luận, Cậu Bảy đeo kính làm mặt nghiêm hỏi tại sao lại không được nói chuyện chính tri? Quan tâm đến chính trị bây giờ là điều thiết yếu của mọi công dân trước cảnh quốc phá gia vong, là bổn phận và trách nhiệm cao hơn hết mọi thứ tình cảm khác… Họp bạn để làm gì? Chỉ để ăn nhậu hát hò nhảy nhót, khoe giàu, khoe con thôi sao? Không được!

Nghe Cậu Bảy lý luận rất có lý và đầy khí thế như vậy nên các bạn “trẻ’ ấy xin lỗi, thanh minh và không kêu gọi tổ chức rầm rộ nữa. Còn họ im lìm ăn nhậu với nhau mà không nói chuyện chính trị tôn giáo thì Cậu Bảy mù tịt. Nói nào ngay thì lúc ấy Cậu Bảy cũng thấy chút nhẫn tâm vì em út bạn bè quen biết cũng nhiều trong ấy chứ đâu phải chỉ vài kẻ hai hàng. Tuy có chút… tâm tư nhưng không hề hối tiếc hay thông cảm mà tự tin mình hoàn toàn đúng. Bây giờ nhìn lại, thấm thía qua câu ca dao trên và thấy xấu hổ. Xấu hổ không phải vì mình sai trong quan điểm mà vì nay mình cũng lâm vào hoàn cảnh như họ mà đành… bó tay.

Hoàn cảnh ấy là bây giờ khi anh em bạn bè thân thiết gặp nhau, không Cậu Bảy thì bạn bè cũng đưa ra điều kiện, hiểu ngầm hay công khai, là không nói chuyện Trump! Ủa lạ he! Vì sao lại cấm nói về một ông tổng thống xứ này? Từ hồi ông Oa sinh tơn áo vải khởi binh lập quốc đến nay đã hơn hai trăm năm thì tổng thống hay các vị dân cử, kể cả tài tử diễn viên đều là đề tài trà dư tửu hậu, thiên hạ đem ra bằm mắm chớ cấm kỵ cái mốc khô gì? Hơn nữa chuyện Trump cũng là chuyện liên quan đến các vấn đề về an ninh, nhân quyền không riêng cho Mỹ mà cho cả thế giới và Việt Nam nữa chớ? Anh em mình cùng chiến tuyến, cùng lý tưởng là tranh đấu cho một xã hội tự do, văn minh, tôn trọng nhân quyền, chống lại mọi sự láo lừa, gian xảo độc tài như Cộng sản mà sao lại cấm nói?

Câu trả lời chắc ai cũng hiểu. Sinh nhật đám giỗ mà nói chuyện Trump không khéo chén bát bay vù vù! Đề cập tới Trump thì dễ mất anh em, bạn bè mà mất nhiều chớ không phải ít. Mấy ai dám vượt qua sự mất mát ấy? Lập luận của sự “tránh né hèn kém” ấy là

“Thôi đi, Trump xa lắc xa lơ, nói gì cũng chả rụng cộng lông chân của ổng thì việc gì mình vì ổng mà cãi vả, chửi bới nhau! Vô duyên ớn!”

Thật ra thì không có việc bảo vệ lẽ phải nào là vô duyên. Vấn đề là ta không đủ can đảm để trả giá cho việc ấy. Thôi thì chọn giải pháp ít “tốn kém” nhất là hồn ai nấy giữ. Gặp nhau thì “No Trump” là kế vẹn toàn vậy.

Trở lại với các bạn cựu học sinh Trần Cao Vân trên đây, bây giờ Cậu Bảy vẫn “kiên định” lập trường của mình nhưng có mòi… mở lượng từ bi hơn. Kiên định vì tránh nói chuyện chính trị trong cộng đồng Người Việt hải ngoại là chiêu bài của nhà cầm quyền Cộng sản, là thi hành nghị quyết 36. Mở lượng từ bi vì hiểu rằng biết đâu các bạn lại vướng vào hoàn cảnh của Cậu Bảy hôm nay, có bạn bè anh em quá thân thiết mà không thể bỏ được. Trump dĩ nhiên khác Cộng sản, nhưng niềm tin hay sự cuồng tín thì không có biên giới.

Cho hay rằng trên đời này không có gì là bất biến. Những điều nom ra dễ ợt mà không phải dễ làm. Như anh Ba Lô, cứ nhìn bề ngoài, anh khỏe mạnh, làm ra tiền thì hà cớ gì phải sợ vợ? Như anh Việt kiều sống xứ tự do, tiền bạc rủng rỉnh thì hà cớ gì gò mình câm miệng? Cậu Bảy cũng không ra ngoài lẽ đời ấy. Thành ra bài học trong câu ca dao tục ngữ bên trên là điều rất hay.

“Ai ơi chớ vội cười nhau;
Cười người hôm trước hôm sau người cười.”

Trong trường hợp Cậu Bảy, cái “hôm sau” ấy có thể mất nhiều năm. Nhiều năm và những cơ duyên như lấy vợ hay Trump thành tổng thống mới ngộ ra được.

San Diego, 5-23-2020.

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net


Nguồn: Thiêm Võ | CƯỜI NGƯỜI HÔM TRƯỚC | Facebook, 23 Tháng 5, 2020. DCVOnline minh họa bổ túc.