Tập Cận Bình không phải là Joseph Stalin

Michael McFaul | Trà Mi

Cách suy diễn lịch sử lười biếng đã làm Washington chệch hướng chiến lược Trung Hoa.

CS Trung Hoa “như nó là” không do một Stalin mới cai trị. Khăng khăng nói khác đi sẽ không thay đổi thực tế đó và sẽ cản trở việc thiết lập một chính sách tinh vi, thành công của Hoa Kỳ nhằm kiềm chế, ngăn chặn và đối đâu với CS Trung Hoa về lâu về dài.

Chủ tịch CS Trung Hoa Tập Cận Bình tại Bắc Kinh, tháng 10 năm 2019, Nguồn: Thomas Peter / Reuters

Trong một loạt diễn văn vào mùa hè này, giới chức cao cấp trong chính quyền của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã coi Hoa Kỳ và CS Trung Hoa là đối thủ trong một cuộc Chiến tranh Lạnh mới. Phát biểu với Cơ quan Thương mại Arizona vào tháng 6, Cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ Robert O’Brien đã so sánh trực tiếp Chủ tịch CS Trung Hoa Tập Cận Bình với nhân vật độc tài Liên Xô khi Chiến tranh Lạnh bắt đầu:

“Hãy biết rằng, Đảng Cộng sản Trung Hoa là một đảng theo chủ nghĩa Marxist-Leninist. Tổng Bí thư Tập Cận Bình tự coi mình là người kế nhiệm Josef Stalin.”

Robert O’Brien

Một tháng sau tại California, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Michael Pompeo đã có bài phát biểu về ông Tập có thể như bài diễn văn mà Tổng thống Harry Truman đã nói về Stalin. Ông Pompeo nói:

“Tổng Bí thư Tập Cận Bình là người thực sự tin tưởng vào ý thức hệ toàn trị đã phá sản, ý thức hệ của Tập cho thấy ước mơ của ông ta trong nhiều chục năm về chủ nghĩa cộng sản Trung Hoa ở vị trí bá chủ toàn cầu.”

Michael Pompeo

Lặp lại ý tưởng của giới hoạch định chính sách của Mỹ vào đầu Chiến tranh Lạnh, Pompeo đã coi cuộc chiến với ông Tập và Đảng Cộng sản Trung Hoa (ĐCSTH) là một cuộc chiến mà cuối cùng chỉ một bên có thể chiến thắng:

“Nếu thế giới tự do không thay đổi. . . Cộng sản Trung Hoa chắc chắn sẽ thay đổi chúng ta.”

Michael Pompeo

Và ông viết lại trên twitter:

“CS Trung Hoa đang nỗ lực để tiêu diệt tự do trên toàn thế giới.”

Michael Pompeo

Trên thực tế, Truman đã có một bài phát biểu trước Quốc hội tương tự vào ngày 12 tháng 3 năm 1947, thiết lập Học thuyết Truman. Cảnh báo về mối đe dọa cộng sản, Truman tuyên bố:

“Vào thời điểm hiện tại trong lịch sử thế giới gần như mọi quốc gia đều phải lựa chọn giữa những cách sống khác nhau. Sự lựa chọn đó thường không phải là sự lựa chọn tự do. Một lối sống dựa trên ý muốn của đa số, và được định hình bằng những thể chế tự do, chính phủ đại diện, bầu cử tự do, bảo đảm quyền tự do cá nhân, tự do ngôn luận và tôn giáo, và tự do, ngoài vòng áp bức chính trị. Cách sống thứ hai dựa trên ý muốn của thiểu số áp đặt lên đa số. Nó dựa vào khủng bố và áp bức, một báo giới và những đài phát thanh bị kiểm duyệt; bầu cử xếp đặt trước và đàn áp các quyền tự do cá nhân. Tôi tin rằng chính sách của Hoa Kỳ phải nhằm hỗ trợ các dân tộc tự do đang chống lại âm mưu nô dịch hóa của các nhóm thiểu số có vũ trang hoặc do những áp lực từ bên ngoài.”

Harry Truman, 12 tháng 3 năm 1947

Ba năm sau, vào tháng 4 năm 1950, Truman thông qua một văn kiện chính sách bí mật gọi là NSC-68, đưa ra chiến lược của ông nhằm ngăn chặn chủ nghĩa cộng sản trên toàn thế giới. Các đoạn trong tài liệu đó nghe giống như những bài phát biểu của Pompeo và O’Brien một cách kỳ lạ:

“Liên Xô, không giống như những nước có tham vọng bá chủ trước đây, sống động hóa do một sự cuồng tín mới, phản đề với chính chúng ta và tìm cách áp đặt quyền lực tuyệt đối của họ lên cả thế giới. Do đó, xung đột và hậu quả đã nổi lên ở khắp nơi, về phía Liên Xô, bằng các phương pháp bạo lực hoặc bất bạo động phù hợp với các mệnh lệnh vì hiệu quả. . . Các vấn đề mà chúng ta phải đối phó rất quan trọng, liên quan đến sự hoàn thành hoặc hủy diệt không chỉ nền Cộng hòa này mà còn cả nền văn minh thế giới.”

Chính quyền Trump dường như có ý định phục hồi tinh thần này trong những đối đáp với CS Trung Hoa — đúng vậy, bằng một loạt các biện pháp trừng phạt đối với giới chức của ĐCSTH và Hong Kong, cấm kỹ thuật và ứng dụng của CS Trung Hoa, trục xuất các nhà báo và sinh viên Trung Hoa, và đóng cửa tòa lãnh sự CS Trung Hoa ở Houston dường như được thiết kế một phần để thúc đẩy Chiến tranh Lạnh với Bắc Kinh. Nhờ công lao của họ, Pompeo, O’Brien và những viên chức khác của Hoa Kỳ công nhận rằng sự trỗi dậy của CS Trung Hoa sẽ là thách thức định hình đối với chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ trong thế kỷ này. Họ cũng đúng khi nhấn mạnh rằng sự cạnh tranh giữa Hoa Kỳ và CS Trung Hoa không chỉ về quyền lực mà còn về ý thức hệ: Hoa Kỳ là một nền dân chủ (mặc dù ngày càng có nhiều khiếm khuyết); CS Trung Hoa là một chế độ độc tài đã trở nên chuyên quyền hơn dưới thời ông Tập. Và giống như Hoa Kỳ và Liên Xô trong Chiến tranh Lạnh, cả hai nước đều sử dụng nhiều phương tiện truyền thông, viện trợ kinh tế và kỹ thuật, các liên minh chính thức, quan hệ với các đảng phái chính trị, hoạt động bí mật, và trong trường hợp của Hoa Kỳ, đôi khi thậm chí can thiệp bằng quân sự để nâng cao ý thức hệ của họ.

Nhưng liệu Tập có thực sự là người thừa kế của Stalin, như O’Brien đã tuyên bố và như nhưng viên chức Hoa Kỳ khác nghĩ? Cơ sở để so sánh hai người như vậy không vững chắc. Có lẽ Tập và các đồng chí của ông ta thực sự muốn chinh phục toàn thế giới và thay thế tất cả các nền dân chủ bằng những chế độ độc tài theo chủ nghĩa Mác-Lê-nin — Tôi không đủ chuyên môn để phán đoán ý định của họ cũng như không nắm được thông tin tình báo mật. Có thể ông Tập đã búng tay đồng ý với một chiến lược bí mật, giống như Truman đã làm khi ký NSC-68, xây dựng một kế hoạch lớn để áp đặt các chế độ độc tài cộng sản ở khắp mọi nơi và thống trị thế giới. Nhưng như chính ông Pompeo lập luận, Washington nên “hành động không dựa trên những gì các nhân vật lãnh đạo CS Trung Hoa nói, mà dựa vào cách họ hành xử.”

Và đó là chỗ mà sự tương đồng với Stalin không còn nữa.

Ông Tập gần giống với Stalin nhất trong cách ông cai trị đất nước của mình: ông có thể sẽ nắm quyền trong nhiều chục năm và đã tạo ra một sự sùng bái nhân có thể gây ấn tượng với cả những người trong ban tuyên giáo của Stalin. ĐCSTH dưới thời ông Tập điều hành một chế độ độc tài tàn bạo và áp bức. Chế độ đó ngăn cản các quyền tự do cá nhân, giam cầm những người bất đồng chính kiến ​​và các đối thủ, đồng thời đã đưa vô số người Uighur và các dân tộc thiểu số khác vào những trại tù cải tạo, nơi mà một số chuyên gia đã coi là diệt chủng văn hóa. Nhưng kỹ thuật mới mang lại cho đảng cộng sản những công cụ theo dõi và kiểm duyệt mà nhiều chế độ cộng sản thời Chiến tranh Lạnh chỉ có thể mơ ước. Nhưng “Xi-ism” vẫn không phải là chủ nghĩa Stalin. Chế độ của Stalin độc tài hơn nhiều trong việc kiểm soát mọi khía cạnh của đời sống công dân Liên Xô. Stalin cũng giết hàng triệu người và bỏ tù hàng triệu người khác, chỉ có Hitler và Mao là đối thủ về độ tàn bạo của Stalin. Xi không được xếp vào danh sách này.

Người dân CS Trung Hoa được hưởng quyền tự chủ về phúc lợi kinh tế của chính họ cao hơn nhiều so với công dân Liên Xô trong những ngày đầu của Chiến tranh Lạnh — một sản phẩm của nền kinh tế mở hơn, định hướng thị trường và hội nhập toàn cầu của CS Trung Hoa. Trên khía cạnh này, sự so sánh thậm chí không giống nhau chút nào.

Washington không nên bỏ phí thời gian hơn để cố gắng ngáng chân đối thủ và cần dùng nhiều thời gian hơn để cố gắng trở thành một lực sĩ giỏi hơn.

Tội ác của Josep Stalin nhiều người Nga ngày nay vẫn mù mờ. Nguồn: theday.co.uk

Nhìn vào chính sách đối ngoại, và sự không giống nhau lại càng rõ hơn nữa. Stalin đã công khai tuyên bố mong muốn của ông ta về một cuộc cách mạng cộng sản toàn cầu, hy vọng tạo ra một mạng lưới các quốc gia xã hội chủ nghĩa dưới sự cai trị của Moscow — và đó không chỉ là lời nói suông. Trong những năm đầu của Chiến tranh Lạnh, những Hồng quân, sĩ quan tình báo và đảng viên Đảng Cộng sản của ông đã ráo riết áp đặt chủ nghĩa cộng sản trên khắp Đông Âu. Ông đã viện trợ cho Đảng Cộng sản Trung Hoa của Mao và bí mật yểm trợ  những người cộng sản ở Hy Lạp, khuyến khích các lực lượng quân sự ủy nhiệm trong Chiến tranh Đại Hàn và yểm trợ các cuộc đảo chính trên khắp thế giới. Ông giải thể Quốc tế Cộng sản, hay Comintern, vào năm 1943, khi liên minh với Hoa Kỳ và Anh trong Thế chiến thứ hai, nhưng ông thay thế nó bằng một liên minh Đảng Cộng sản toàn cầu khác, Cominform[1], vào năm 1947.

Ngược lại, ông Tập đã không dàn dựng việc lật đổ bất kỳ chế độ nào. Hong Kong có thể xem là gần như vậy nhất, nếu xét đến những hành động đàn áp Bắc Kinh đang mở rộng ở đó. (Bắt giữ chủ công ty, chủ báo Hong Kong Jimmy Lai (Lê Trí Anh) vì bị cáo buộc đã “thông đồng với các thế lực nước ngoài”, như Bắc Kinh đã làm hôm thứ Hai, chính là những gì mà bọn côn đồ của Stalin ở Đông Âu đã từng làm.)

Nhưng câu hỏi về chủ quyền làm mờ đi sự tương đồng. Bắc Kinh cũng đã đầu tư nhiều công sức vào việc tuyên truyền ý thứ hệ của họ, hầu hết đều trái ngược với chủ nghĩa tự do và dân chủ, đồng thời cung cấp các kỹ thuật theo dõi sát và viện trợ kinh tế để duy trì chế độ chuyên quyền ở những nước khác. Nhưng ông Tập vẫn chưa hề kích động một cuộc đảo chính, một cuộc nổi dậy vũ trang, hay một cuộc xâm lăng nền dân chủ và cài đặt chế độ cộng sản. Không có gì cho thấy rằng ông ta tìm cách lật đổ nền dân chủ Mỹ. (Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tỏ ra táo bạo và quyết liệt hơn nhiều ở mặt trận đó.) Và mặc dù Ban Công tác Mặt trận Thống nhất – một trong những cơ quan chính có ảnh hưởng của ĐCSTH ở nước ngoài – bảo đảm sự nghiên cứu cẩn thận, chặt chẽ, những nỗ lực của Ban Công tác Mặt trận Thống nhất nhằm xuất cảng hệ thống chính quyền CS Trung Hoa xem có vẻ yếu kém và không hiệu quả so với những chiến thuật của Liên Xô. Quảng bá hình ảnh tích cực về CS Trung Hoa của Tập, hoặc tuyên bố những lợi ích kinh tế từ mô hình phát triển của họ không giống như việc xâm lăng các nước khác hoặc cung cấp súng AK-47 và bệ phóng tên lửa Katyusha cho quân du kích cộng sản. Nếu ông Tập và các đồng chí của ông ta thực sự đang cố gắng quảng bá chủ nghĩa Mác-Lê-Mao trên toàn thế giới, thì họ đang làm việc đó rất tệ.

Cs Trung Hoa như nó là

Truman và chính quyền của ông đã phản ứng chính đáng trước các cuộc xâm lược của Liên Xô bằng cách vận động để be bờ chủ nghĩa cộng sản. Xác tín rằng “thất bại của các thể chế tự do ở bất kỳ đâu cũng là thất bại ở mọi nơi”, như NSC-68 đã nói, Truman và các tổng thống kế tiếp trong thời Chiến tranh Lạnh đã xây dựng những liên minh lâu dài, xây dựng một trật tự quốc tế tự do kéo dài hàng nhiều chục năm và tạo ra một mạng lưới các cơ quan chính phủ và các tổ chức phi chính phủ dành riêng cho việc cổ súy dân chủ. Nghiên cứu những thành công này có thể rút ra được những bài học quý giá về cách đối phó với CS Trung Hoa ngày nay.

Nhưng Hoa Kỳ cũng có lúc phản ứng thái quá và đơn giản hóa quá mức, coi mọi phong trào cánh tả và giải phóng dân tộc là kẻ thù cần phải đánh bại.

Cách suy nghĩ đó đã góp phần vào một số thái độ thái quá tồi tệ nhất của Mỹ trong Chiến tranh Lạnh, gồm cả chủ nghĩa McCarthy, “khoảng cách hỏa tiễn” hư cấu, Chiến tranh Việt Nam và việc ủng hộ những chế độ độc tài cánh hữu tàn bạo, kể cả chế độ phân biệt chủng tộc ở Nam Phi.

Sự thờ ơ hiện nay của chính quyền Trump đối với chế độ độc tài cộng sản ở Việt Nam là một điểm đập vào mắt

Tống hống Donald Trump ở Hà Nội (Tháng 2, 2019). Saul Loeb/AFP/Getty Images.

Và Chiến tranh Lạnh thực sự không lạnh; các học giả David Holloway và Stephen Stedman ước tính có 20 triệu người đã chết từ năm 1945 đến năm 1989 trong 130 cuộc chiến, đa số là kết quả của sự cạnh tranh giữa các siêu cường. Việc nhầm lẫn Tập với một Stalin mới có thể khiến Hoa Kỳ lặp lại những sai lầm đó.

Chiến tranh lạnh kéo dài 40 năm. Phần lớn thời gian đó, chiến thắng là điều không chắc chắn. Để có thể thành công trong một cuộc cạnh tranh thậm chí còn dài hơn, Washington phải chẩn đoán chính xác mức độ nghiêm trọng của mối đe dọa và điều chỉnh những nỗ lực nhằm be bờ và răn đe Bắc Kinh cho thích đáng. Sự so sánh sai trong Chiến tranh Lạnh đã gây thiệt hại cho cả hai nỗ lực này. Washington không nên chi hàng nghìn tỷ để chế tạo vũ khí hạch tâm, hỏa tiễn và vũ khí không gian. Mỹ không nên rơi vào chiến tranh ủy nhiệm. Và quan trọng nhất, Mỹ không nên rơi vào một cuộc đối đầu trực tiếp với CS Trung Hoa. Giới hoạch định chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ phải tự kiềm chế phản xạ theo dõi mọi hành động của CS Trung Hoa trên khắp thế giới, giống như Truman tin rằng ông phải làm như thế đối với Stalin. Lối suy nghĩ này đã buộc các nhà chiến lược thời Chiến tranh Lạnh của Hoa Kỳ phải cam kết gấp đôi và gấp ba với cuộc chiến bi thảm, không cần thiết ở Việt Nam. Ngày nay, người Mỹ biết rằng họ không cần phải kiềm chế chủ nghĩa cộng sản ở Việt Nam để đánh bại Liên Xô.

(Tiện đây tưởng cũng nên nhắc lại, người Đông Âu – người Ba Lan, người Nga, người Ukraine và nhiều người khác – đã đóng vai trò trung tâm trong việc đánh bại chủ nghĩa cộng sản Liên Xô và kết thúc Chiến tranh Lạnh, chứ không phải người Mỹ.)

Nói cách khác, không bao giờ ngừng đặt vấn đề và đánh giá mối đe dọa. Liệu tự do và dân chủ có thực sự bị tấn công trên toàn thế giới nếu Lào hoặc Rwanda nhập cảng dụng cụ Internet do CS Trung Hoa sản xuất hay không? Hoặc thể giớ sẽ sụp đổ nếu CS Trung Hoa phát triển các dự án trong Sáng kiến Một ​​Vành đai Một Con đường ở Ghana hoặc Ý hay không? Mọi công dân CS Trung Hoa ở Hoa Kỳ có nên bị coi là gián điệp hay không? Bằng cách cố gắng kiềm chế CS Trung Hoa ở mọi nơi, Washington có thể làm suy yếu việc be bờ ở những khu vực mà lợi ích an ninh quốc gia quan trọng của chúng ta thực sự đang bị đe dọa. Và như Chiến tranh Lạnh đã cho thấy, thành công sẽ phụ thuộc không nhỏ vào khả năng cải thiện ở nội đia Hoa Kỳ — để thúc đẩy đổi mới và R & D cũng như đầu tư vào giáo dục, y tế, cơ sở hạ tầng và dân chủ. Washington cần mất ít thời gian hơn để cố gắng qua mặt đối thủ và dành nhiều thời gian hơn để cố gắng trở thành một lực sĩ giỏi hơn.

Trích lại lời ông Pompeo, Hoa Kỳ phải hiểu CS Trung Hoa “như nó là,” chứ không phải như một số người ở Washington muốn nó như thế nào. Chính quyền Trump chắc chắn muốn một thấy một nhân vật lãnh đạo theo chủ nghĩa Stalin phụ trách ở Bắc Kinh, nếu chỉ để huy động và đoàn kết người Mỹ chống lại ông ta. Nhưng CS Trung Hoa “như nó là” không do một Stalin mới cai trị. Khăng khăng nói khác đi sẽ không thay đổi thực tế đó và sẽ cản trở việc thiết lập một chính sách tinh vi, thành công của Hoa Kỳ nhằm kiềm chế, ngăn chặn và đối đâu với CS Trung Hoa về lâu về dài.

© 2020 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”


Nguồn: Xi Jinping Is Not Stalin | Michael McFaul | Foreign Affairs | Aug 10, 2020.

[1] Cục thông tin cộng sản quốc tế (1947 1956)