Quyền lực mềm của Trung Hoa

Colum Lynch | DCVOnline

Bắc Kinh đã âm thầm gieo hạt giống tại Liên Hiệp Quốc và một loạt các tổ chức quốc tế khác bằng chính công dân từ Hoa lục, thu hút nhiều ảnh hưởng hơn ngay cả khi Washington đang rút lui một cách thiếu suy nghĩ.

Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc António Guterres gặp Chủ tịch Trung Hoa Tập Cận Bình trong Diễn đàn Hợp tác Trung Hoa-Châu Phi tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh vào ngày 3 tháng 9 năm 2018. Nguồn: ANDY WONG/AFP VIA GETTY IMAGES

Tuần này, Trung Hoa tăng cường đàn áp báo chí và các lực lượng ủng hộ dân chủ khác ở Hong Kong, cho thế giới thấy chân dung thật của Bắc Kinh là một siêu cường đàn áp và bắt nạt. Nhưng tại trụ sở Liên Hiệp Quốc, Trung Hoa vẫn được xem như một quốc gia kiểu mẫu.

Bắc Kinh đang đầu tư hàng chục triệu đô la cho các sứ mệnh gìn giữ hòa bình và hòa giải quốc tế, tăng cường hỗ trợ ngoại giao cho các sáng kiến ​​phát triển bền vững và y tế toàn cầu, đồng thời kêu gọi công dân Trung Hoa theo đuổi cuộc đời phục vụ tại Liên Hiệp Quốc và các tổ chức quốc tế khác. Trái ngược với Hoa Kỳ, quốc gia nợ Liên Hiệp Quốc hơn 1 tỷ USD lệ phí chưa trả, Trung Hoa đã thanh toán hóa đơn đúng hạn và đầy đủ. Với việc chính quyền Trump đang đẩy nhanh việc rút lui khỏi Liên Hiệp Quốc và các cơ quan đa phương khác, chính phủ Trung Hoa đang ở thế tấn công.

Đại dịch đã mang đến cho Trung Hoa cơ hội hiếm có để thể hiện những lợi ích được cho là của chế độ cai trị độc tài vào thời điểm mà quốc gia dân chủ hàng đầu thế giới đang lúng túng và Tổng thống Mỹ Donald Trump đang rút lui khỏi trật tự quốc tế mà Mỹ đã xây dựng để quản lý thế giới. Nhưng một số người tin rằng Trung Hoa đã bỏ lỡ một cơ hội lịch sử để thúc đẩy sự nghiệp lãnh đạo thế giới vì phản ứng ban đầu bí mật và manh động đối với loại virus bắt nguồn từ thành phố Vũ Hán của Trung Hoa, và bằng cách sử dụng đại dịch như một cơ hội để củng cố việc kìm kẹp Hong Kong, phô trương cơ bắp ở Biển Đông và Đài Loan, và đụng độ với lực lượng Ấn Độ ở biên giới hai nước.

Elizabeth Economy, một chuyên gia về Trung Hoa tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, cho biết:

“Bắc Kinh đang bị tấn công trên trường thế giới và Liên Hiệp Quốc đã cho họ một nơi trú ẩn an toàn. Từ Tân Cương đến Hong Kong cho đến Huawei, quan điểm của những quốc gia tiên tiến đang chống lại Trung Hoa.”

Elizabeth Economy

Elizabeth Economy  nói tiếp, nhưng bên trong Liên Hiệp Quốc, Trung Hoa vẫn được đánh giá cao, cho Bắc Kinh một cơ hội nhỏ để nâng cao uy tín của họ. Bà nói:

“Với sự vắng mặt trong vai trò lãnh đạo của Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc, Bắc Kinh cũng có một sân chơi tương đối rõ ràng. Trung Hoa cuối cùng sẽ phải đối mặt với thực tế khi đại dịch lắng xuống và cuộc điều tra quốc tế bắt đầu. Vì vậy, tôi tưởng tượng rằng nó đang làm việc hết sức để chứng tỏ tư cách ‘thực sự là một nước tốt’.”

Elizabeth Economy

Đối với Bắc Kinh, Liên Hiệp Quốc là một không gian an toàn: một văn hóa quan liêu, gia trưởng, do những công chức quốc tế vận hành; họ chịu ảnh hưởng các quốc gia nhiều quyền lực, dù đó là Trung Hoa, Ả Rập Saudi hay Hoa Kỳ — dù những nước đó có hành vi tồi tệ đến thế nào. Ở đỉnh điểm của đại dịch, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Tedros Adhanom Ghebreyesus, có thời gian để đọc những diễn văn trong lễ tốt nghiệp qua mạng cho các trường đại học hàng đầu của Mỹ và Trung Hoa, kể  cả trường cũ của Chủ tịch Tập Cận Bình.

Dr.Tedros Adhanom , GĐ WHO, đọc diễn văn trong lễ tốt ngiệp tại Trường Kinh tế và Quản lý Đại học Thanh Hoa của Trung Quốc (Tsinghua SEM), (Jun 21, 2020)

Trong khi số công dân Mỹ làm việc tại Liên Hiệp Quốc ít hơn so với công dân Trung Hoa, Bắc Kinh đang giành được vị thế, ủng hộ việc đưa người Trung Hoa vào các vị trí cấp cao và cấp thấp.

Mùa hè năm ngoái, Trung Hoa đã qua mặt Hoa Kỳ trong cuộc tranh cử vào vị trí cao nhất tại Tổ chức Nông Lương (FAO), nhắm đến các khu vực có nhiều phiếu bầu, gồm cả châu Phi, để tạo lợi thế áp đảo với ứng cử viên được Hoa Kỳ hậu thuẫn. Năm ngoái, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc António Guterres đã bác bỏ sự phản đối của Hoa Kỳ đối với việc ông bổ nhiệm một nhà ngoại giao Trung Hoa làm đặc phái viên cho khu vực Đại Hồ  của châu Phi, một bổ nhiệm thực địa cấp cao thật hiếm hoi đối với một công dân Trung Hoa. Trong khi đó, Trung Hoa đang tìm cách đặt để công dân Trung Hoa vào tầng trệt của các tổ chức quốc tế. Vào năm 2018, nhiều công dân Trung Hoa, tất cả 612 người, đã thực tập tại Liên Hiệp Quốc, nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác, theo một báo cáo của Liên Hiệp Quốc về tình trạng nhân viên. Hoa Kỳ, nơi có trụ sở của cơ quan thế giới tại Manhattan, chỉ có 460 người.

Theo dữ liệu theo dõi của Viện Lowy, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Australia , nỗ lực đó không chỉ giới hạn ở Liên Hiệp Quốc. Trong năm qua, Trung Hoa đã làm lu mờ Mỹ với 276 vị trí ngoại giao ở nước ngoài, nhiều hơn Hoa Kỳ gấp 3 lần. Michael Fullilove, giám đốc điều hành của Viện Lowy cho biết

Quay lưng với thế giới tự do. Nguồn: Brookings

“Đối với Đảng Cộng sản Trung Hoa, Donald Trump đã đưa ra một cơ hội lịch sử: một nhân vật lãnh đạo của thế giới tự do, nhưnng không tin vào thế giới tự do và không muốn lãnh đạo thế giới này.”

Michael Fullilove

Nhưng cách giao tế thô bạo của Trung Hoa — dù ở những khu vực gần nhà, như đàn áp ở Hong Kong hoặc xa hơn, chẳng hạn như việc nước này áp đặt các lệnh cấm thương mại đối với Úc vì họ đã đề nghị mở cuộc điều tra quốc tế về nguồn gốc của đại dịch coronavirus — đã làm suy yếu cơ hội phù du của Hoa lục để lợi dụng cơ hội Trump rút Hoa Kỳ lui khỏi vai trò lãnh đạo thế giới. Fullilove nói

“Trung Hoa đang đánh mất cơ hội đó — và đến tháng 11, người Mỹ có thể sẽ đưa ông Trump trở lại Tháp Trump.”

Michael Fullilove

Kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc ba mươi năm trước, Trung Hoa đã từ từ mở rộng vai trò của họ tại Liên Hiệp Quốc, điều động binh sĩ tới các sứ mệnh gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc vào thời điểm Hoa Kỳ đang giảm bớt sự tham gia của họ. Ngày nay, Trung Hoa có nhiều lính đội nón màu xanh lam của Liên Hiệp Quốc, hơn 2.500 người, nhiều hơn bất kỳ thành viên nào trong số bốn thành viên thường trực khác của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Nhưng phần lớn lực lượng mũ xanh của Trung Hoa đóng một vai trò thụ động cho đến lúc gần đây, do đó Mỹ và các đối tác châu Âu, đặc biệt là Anh và Pháp, vẫn là nhưng thanh viên đặt ra các ưu tiên an ninh của Liên Hiệp Quốc.

Dưới thời ông Tập, lên nắm quyền vào năm 2012, Trung Hoa và từ đó đã tìm cách đóng một vai trò quyết đoán hơn. Vào tháng 9 năm 2015, ông Tập đã cam kết trước Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc sẽ bố trí 8.000 quân Trung Hoa trong sứ mệnh gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc và thành lập quỹ 1 tỷ USD để hỗ trợ chủ nghĩa đa phương cũng như các chương trình hòa bình và phát triển của Liên Hiệp Quốc. Trung Hoa đã sử dụng quyền phủ quyết 10 lần trong Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc kể từ năm 2011, hợp tác với Nga để ngăn chặn một loạt nghị quyết về Syria.

Hoa lục đã đầu tư tài chính nhiều hơn vào Liên Hiệp Quốc, vượt qua Nhật Bản với tư cách là nước đóng góp tài chính lớn thứ hai, sau Hoa Kỳ. Nó cũng đã chi tiền cho các quỹ thiện nguyện. Mỗi năm, Trung Hoa rót hàng chục triệu đô la vào hai quỹ. Một là cơ quan do Vụ Kinh tế và Xã hội của Liên Hiệp Quốc điều hành và do một cựu nhân viên ngoại giao Trung Hoa lãnh đạo trong hơn một chục năm, hỗ trợ Sáng kiến ​​Một Vành đai Một Con đường của Trung Hoa cùng với các Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên Hiệp Quốc. Hai là quỹ do văn phòng của Guterres diều hành, phân phối hơn 10 triệu đô la mỗi năm cho các công tác gìn giữ hòa bình và hòa giải, gồm hơn 350.000 đô la cho văn phòng của đặc phái viên vùng Đại Hồ ở châu Phi, do một công dân Trung Hoa lãnh đạo. Liên Hiệp Quốc đã thuê một cựu nhân viên Bộ Ngoại giao Trung Hoa để giám sát quỹ.

Từ nhiều năm qua, công dân Trung Hoa không có đại diện đủ tại Liên Hiệp Quốc. Năm 2017, Trung Hoa chỉ có hơn 1.100 nhân viên làm việc trong hệ thống của Liên Hiệp Quốc, xếp hạng 24 trong số tất cả các quốc gia thành viên và chỉ bằng khoảng 1/5 số nhân viên Mỹ. Nhưng vào năm 2016, ông Tập đã thề sẽ tăng cường“đội ngũ quan chức quốc tế của Trung Hoa để hỗ trợ sự tham gia của Trung Hoa vào việc quản trị toàn cầu” như Courtney Fung và Shing-hon Lam, các học giả tại Đại học Hong Kong, nói với Foreign Policy qua email.

Nghiên cứu của Courtney Fung và Shing-hon Lam đã thấy rằng số công dân Trung Hoa tại các cơ quan của Liên Hiệp Quốc — gồm FAO, do một công dân Trung Hoa lãnh đạo và WHO, đã phải đối phó với cáo buộc từ Washington là thiên vị Trung Hoa — ít nhất đã tăng gấp đôi trong mười năm qua. Tại New York, Vụ Kinh tế và Xã hội được nhiều đại biểu phương Tây xem như một công ty con hoàn toàn thuộc vào Bộ Ngoại giao Trung Hoa.

Trong nỗ lực thúc đẩy sự đại diện của Trung Hoa tại Liên Hiệp Quốc và các tổ chức quốc tế khác, các trường đại học Trung Hoa đã cổ động các lớp học ngoại ngữ và mở các khóa học cũng như cấp học bổng cho sinh viên muốn học về các tổ chức quốc tế. Fung và Lam viết,

“Theo [Bộ] Giáo dục, những ứng viên xin học bổng này phải đáp ứng các phẩm chất cơ bản và các tiêu chuẩn cụ thể, kể cả lòng yêu nước đối với Tổ quốc.”

Vào tháng 5, Hội đồng Học bổng Trung Hoa, nơi cung cấp học bổng của chính phủ cho sinh viên du học, nhấn mạnh sự quan tâm của họ trong việc mở rộng hỗ trợ cho công dân Trung Hoa trong các cơ quan của Liên Hiệp Quốc, tuyên bố trong một bài báo rằng họ đã thiết lập quan hệ đối tác với 9 cơ quan của Liên Hiệp Quốc để tuyển dụng thực tập sinh và nhân viên cấp thấp. Sự tham gia của Trung Hoa vào các chương trình này vẫn còn giới hạn  so với các nước kỹ nghệ hóa phát triển như Đức, Đan Mạch và Pháp, những quốc gia này đã cung cấp hàng trăm chuyên gia cấp thấp. Theo một nguồn tin ngoại giao, Hội đồng Học bổng Trung Hoa đã đặt mục tiêu 400 công dân Trung Hoa tham gia chương trình. Fung và Lam viết

“Trung Hoa đã muộn vào cuộc chơi tăng cường số  công dân quốc gia của họ vào các cấp bậc của hệ thống Liên Hiệp Quốc.”

Theo nhiều cách, cuộc tấn công mới nhất của Trung Hoa, đặc biệt là sự vận động lấy phiếu bầu của nhưng nước đang phát triển, là sự trở lại với chiến lược của Mao Trạch Đông vào những năm 1950, khi Cộng hòa Nhân dân non trẻ nhận được sự ủng hộ của các chính phủ châu Á và châu Phi để thúc đẩy chương trình nghị sự của mình. Đầu tư trực tiếp của Trung Hoa vào châu Phi, chiếm 54 phiếu trong Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, đã tăng đáng kể trong thập kỷ qua, từ 75 triệu USD năm 2003 lên 5,4 tỷ USD năm 2018, vượt qua Hoa Kỳ vào năm 2014. Bruce Jones, giám đốc Dự án về Chiến lược và Trật tự Quốc tế tại Viện Brookings hỏi và giải thích,

“Tại sao người Mỹ lại bị chơi trội như vậy? Trung Hoa phát huy ảnh hưởng của mình không phải bằng cách tài trợ cho ban bí thư mà vì họ là một đối tác phát triển lớn với đa số các nước ở châu Á, châu Phi và châu Mỹ Latinh. Tất cả họ đều biết rằng sẽ có một cái giá phải trả nếu họ chống lại Trung Hoa.”

Bruce Jones

Đặc biệt, châu Âu đã chú ý đến những cảnh cáo của Washington về các hoạt động bất chính của Trung Hoa. Anh Quốc đã cấm công ty  viễn thông khổng lồ Trung Hoa Huawei tham dự vào mạng 5G của họ và Liên minh châu Âu vừa tăng cường sàng lọc đầu tư của Trung Hoa, vừa lên án việc Trung Hoa áp đặt luật an ninh quốc gia mới hạn chế nghiêm trọng các quyền tự do ở Hong Kong. Điều đó có thể làm giới diều hâu đối với Trung Hoa trong cùng vành đai kỹ nghệ phấn khởi — nhưng quan điểm của Châu Phi và Châu Á rất khác nhau.

Jones nói: “Giới diều hâu ở Mỹ muốn nghe là Trung Hoa đang tự làm hại mình, nhưng điều đó phức tạp hơn thế.”

Dù vậy, Bắc Kinh đang phản công. Vào tháng 7, Phái đoàn Trung Hoa tại LHQ đã xuất bản một tập sách dài 43 trang — “Điều gì sai và điều gì đúng về các vấn đề nhân quyền liên quan đến Trung Hoa” — để phản đối những chỉ trích về hành động của họ ở Hong Kong, việc bắt giữ hàng loạt người Ughur ở Tân Cương, và vai trò của họ trong việc ngăn chặn thông tin về sự lây lan của coronavirus. Michel Duclos, một cựu quan chức ngoại giao cấp cao của Pháp tại Institut Montaigne, gần đây đã viết,

“Trung Hoa đã phát động một cuộc phản công quốc tế. Nó đã tận dụng lợi thế nhanh chóng thoát khỏi cuộc khủng hoảng vì đại dịch để giới thiệu mô hình quản trị của họ ở nước ngoài, với sự pha trộn giữa sự quyến rũ và sự tàn bạo không nao núng.”

Michel Duclos

Ông nói thêm:

Chủ tịch Trung Hoa Tập Cận Bình đứng giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Belarus Alexander tại hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải năm 2018. Ảnh: EPA-EFE

“Cuộc tấn công ngoại giao công khai mạnh mẽ này có thể mang lại nhiều kết quả khác nhau. Nhưng điều khiến chúng tôi chú ý là ý định cố hữu của Trung Hoa nhằm củng cố một khu vực họ có ảnh hưởng hoặc sự kết hợp các khu vực theo chủ nghĩa xin-cho: Châu Phi, toàn bộ khu vực ở Châu Âu, một số quốc gia Trung Đông, Trung Á, [và] Con đường Tơ lụa.”

Michel Duclos

Tác giả | Colum Lynch là một nhà báo, nhân viên thâm niên của Foreign Policy. Twitter: @columlynch

© 2020 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”


Nguồn: Xi Jinping Is Not Stalin | Michael McFaul | Foreign Affairs | Aug 14, 2020.