Chuyện chiếc cầu tăm và phân biệt chủng tộc ở Mỹ

Trương Nguyện Thành

Câu chuyện xảy ra với tôi cách đây 40 năm trước và từ đó đến nay tôi chưa hề nói với ai kể cả người trong gia đình.

Chiếc cầu tăm. Nguồn: Thanh N. Truong

Trong lúc tranh luận với ông Biden, ứng viên tổng thống từ đảng Dân Chủ, TT Trump truyền đạt thông tin cho nhóm cực đoan white supremacy Proud Boys ‘stand back and stand-by’ như mệnh lệnh của cấp chỉ huy ‘lui về và chờ lệnh tôi’. White supremacy là một nhóm người da trắng tin rằng người da trắng hoàn hảo về mọi mặt kể cả thông minh hơn tất cả chủng tộc khác. Những cảm xúc của 40 năm về trước ùa về và tôi quyết định nói ra mặt trái của xã hội Mỹ về phân biệt chủng tộc ngày hôm nay.

Khi mới qua Mỹ tôi phải học lại một năm trung học vì không biết tiếng Anh và cũng không có một tài liệu minh chứng trình độ học vấn nào trong người. Gần cuối học kỳ mùa đông năm ấy (1981), thầy lớp Vật lý đưa cho mỗi học sinh hai hộp tăm và một ống keo dán bảo mỗi hs làm một cái cầu với khoảng trống tối thiểu là xx inches. Sau đó sẽ có một cuộc thi coi cầu nào có sức chịu nặng cao nhất. Tất cả mọi công việc xây dựng cầu phải làm trong lớp và không được đem về nhà.

Tất cả các bạn trong lớp háo hức bắt tay vào việc xây dựng mô hình cầu. Còn tôi thì vào thư viện lấy hết tất cả các sách nói về cầu, tôi đem về lớp ngồi xem từng cái cầu và suy nghĩ về những yếu tố cần thiết để có cây cầu vững mạnh. Tư duy này sau này tôi mới hiểu từ câu nói của TT Lincoln ‘Cho tôi 6 tiếng để đốn cái cây thì tôi bỏ 4 tiếng để mài rìu’. Sau hai ngày phần lớn các bạn trong lớp đã xong hơn nửa còn tôi thì chưa bắt đầu. Các bạn chọc ‘Ủa, bạn không biết làm sao à chứ sao không thấy bạn làm gì cả?’ Tôi chỉ cười. Đến ngày thứ 3 tôi mới lấy viết chì vẽ kiểu trên tờ giấy và vẽ đường cong mẫu cho hai cột ngang dưới chính. Nhờ có bản vẽ với kích thước thật 1:1 nên tôi hoàn tất cầu tăm cũng khá nhanh chóng.

Buổi thi đấu bắt đầu, tất cả cầu tăm được dán số được chưng ở hành lang trường dẫn đến phòng ăn trưa để tất cả hs trong trường bầu chọn chiếc cầu được thiết kế đẹp nhất. Cuối ngày khi đếm phiếu, cầu tôi được giải ‘đẹp nhất’. Ngày hôm sau thi đấu kỹ thuật. Các thẻ tạ 5 và 10 lbs được để lên cầu đến khi nó gãy. Các bạn háo hức thử cầu của mình nên tôi thử chót. Đến lượt tôi thì cầu chịu nặng nhất là 90 lbs. Khi cầu tôi lên 100 lbs thì ai cũng trầm trồ. Tôi như nín thở khi để tạ lên. 105, 110, 115, 120, 125, 130, 135, 140 lbs tôi thấy cầu bắt đầu run và bung một cây chống ngang nhỏ ở dưới đáy. Tôi nói thầy ‘Em không muốn thử nữa. Đủ thắng rồi và em muốn giữ nó làm kỷ niệm.’ Thầy OK và nói với cả lớp kỷ lục xưa này của lớp là 120 lbs và tôi đã phá kỷ lục vượt lên trên 140 lbs (vì cầu chưa gãy). Hôm đó tôi vui lắm ôm hai giải cups về khoe cha mẹ nuôi.

Vài ngày sau đó trên báo của trường có một bài bình luận nặc danh đưa ra một thuyết âm mưu ‘Để một đứa tị nạn từ Việt Nam, tiếng Anh thì không biết, kiến thức thì cũng không mà có thể đạt được cả hai giải vật lý và phá kỷ lục xưa nay bởi 20 lbs là điều không thể. Điều đó chỉ có thể xảy ra là người đó ‘cheat’, lừa đảo hay gian lận bằng cách nào đó mà chưa phát hiện được mà thôi’. Khi vào lớp Lý, một bạn đưa bài cho tôi đọc. Thầy hôm đó rất giận, mắng các bạn rất nhiều, tôi không rõ hết (vì tiếng Anh còn kém) nhưng đại khái ‘Các em thấy bạn Thành biết bỏ thời gian chuẩn bị, biết nghiên cứu, biết ngồi tính toán và thiết kế, các em đã không có làm điều đó. Kết quả cuộc thi quá rõ ràng như thế… các em thua thì cũng nên thua một cách lịch thiệp (‘loose gracefully’)…’ Trường tôi nằm ở miền Bắc tiểu bang Minnesota ở một khu vực đồng quê khá hẻo lánh và đa số là người da trắng. Trong trường chỉ có một vài đứa da màu là con nuôi của những gia đình Mỹ trắng và tôi là một trong số đó. Lớp Lý của tôi có một số bạn thật là hoàn hảo, học giỏi, chơi thể thao giỏi, chơi nhạc cụ cũng giỏi, chẳng những thế mà còn đẹp trai đẹp gái nữa và theo tôi biết từ các bạn khác thì họ là con của những nhà giàu trong khu phố nhỏ.

Một hôm trong lớp Lý, tôi xin phép được đi vệ sinh. Chừng một phút sau thì tôi thấy một số (4) bạn trong lớp (trong nhóm hs hoàn hảo) cũng vào phòng vệ sinh. Một bạn to lớn (dân chơi football) đứng dang tay dang chân chặn cửa không cho tôi ra trong khi ba bạn còn lại bắt đầu la hét vào tai tôi hoặc đưa mặt sát vào mặt tôi la hét.

– Thằng ngu xuẩn kia mày tưởng mày thông minh lắm hả. Mày là một thằng ngu xuẩn, tiếng Anh thì không biết nói, mày từ những cái chòi tranh vách đất mà tao thấy trên TV. Vậy mà mầy nghĩ mày thông minh hả…

– Mày hãy về lại cái chòi của mày đi. Ở nước Mỹ này không welcome mày và cũng không có gì cho mày. Cút về Việt Nam đi đồ khốn.

Tôi van xin cho tôi đi ‘Please, let me go’ nhưng tên to con đã dùng thân cản cửa ra vào và còn hét vào mặt tôi ‘Tụi tao đang nói chuyện với mày đấy, mày có biết không thằng ngốc’. Chúng liên tục chửi bới và tôi phải đứng yên chịu trận. May quá tiếng chuông reo hết tiết đã cứu tôi. Trước khi bỏ đi chúng còn hăm dọa ‘Mày mà báo cáo với trường thì chúng trao sẽ treo cổ mày như mấy thằng da đen đấy’.

Tôi không phải là người thông minh. Nhưng mỗi lần nhìn vào cái cầu tăm này tôi có thêm động lực để phấn đấu vượt qua mọi khó khăn và quyết tâm để lại dấu ấn ở những nơi tôi học hay làm để những người theo chủ nghĩa white supremacy phải suy nghĩ.

Đại học, bằng cử nhân với danh dự (honors) ngành hóa cộng với 4 ngành phụ Toán, Lý, Công Nghệ Thông tin, và xác suất thống kê. Có 6 bài báo nghiên cứu khoa học quốc tế trong đó hai bài là tác giả chính và một bài viết với sư tổ (sư phụ của sư phụ) John Pople (Chemistry Nobel prize winner năm 1998). Kỷ lục này tôi không biết có ai ở đó phá chưa. Tuy nhiên tôi nghĩ rất khó đấy vì trung bình một luận án Tiến sĩ có bốn bài báo quốc tế.

Cao học, được vào Tiến sĩ dự bị chỉ sau 4 quarters (sớm nhất từ trước đến lúc ấy). Lúc ấy tôi đã có hai bài báo quốc tế với GS hướng dẩn rồi. Luận án ra trường TS với 16 bài báo quốc tế, 90% là tác giả chính. Kỷ lục này theo tôi biết đến nay ở khoa này vẫn chưa ai phá vỡ.

Ở ĐH Utah, thăng chức từ Assistant Prof lên Associate Prof trong 5 năm với danh sách 40 bài báo quốc tế. Thăng chức từ Associate Prof lên Full Prof cũng trong 5 năm với danh sách 100 bài báo quốc tế. Hai kỷ lục này thì từ khi tôi thăng chức Associate Prof cho đến nay gần 25 năm chưa ai trong khoa phá vỡ.

Khi ông Trump bảo nhóm Proud Boys ‘stand-back and stand-by’ đã thể hiện ông ta là thủ lĩnh của nhóm White Supremacy. 40 năm sống ở Mỹ, chưa khi nào mà tôi thấy xã hội Mỹ phân rẽ tồi tệ như 3-4 năm qua và ông Trump trong cương vị Tổng Thống chỉ đổ dầu thêm vào lửa. Qua trải nghiệm của năm đầu sống ở Mỹ, tôi trở nên rất nhạy bén nhận ra những người kỳ thị chủng tộc. Tôi có thể nói rằng ông Trump là một người theo chủ nghĩa White Supremacy, kỳ thị người da màu và không xứng đáng là một tổng thống của một nước hùng mạnh nhờ vào đa dạng chủng tộc. Tuy thế tôi vẫn cầu mong cho ông chóng khỏi bệnh dịch COVID-19. Tôi nghĩ ông sẽ chóng khỏi thôi vì với ông nó chỉ là một bệnh cảm bình thường không có gì phải quan ngại!

Tôi biết rất nhiều bạn Việt Nam ủng hộ ông Trump vì ông ta chống TQ. Nhưng tôi sẽ bầu ông ra khỏi ghế TT trong tháng sau. Bầu cử lần này không phải để bầu một người vào vị trí ứng cử mà để truất phế người đang ngồi ở vị trí đó.

Tác giả | Thanh N. Truong  là giáo sư Hóa học tại đại học Utah

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”


Nguồn: Thanh N. Truong | CHUYỆN CHIẾC CẦU TĂM VÀ PHÂN BIỆT CHỦNG TỘC Ở MỸ | Oct 4, 2020, Facebook.