Minh Võ: “Thần tượng Hồ Chí Minh”?

Trần Phong Vũ

hcm4Ông còn đặt họ Hồ vào bối cảnh lịch sử đích thực không tô vẽ, không thêm thắt trong từng biến cố, từng giai đoạn mà đương sự đã kinh qua, và dĩ nhiên không trốn đựơc trách nhiệm đối với những hệ quả tàn hại mà quốc gia, dân tộc phải gánh chịu.

Nguồng Tủ sách Tiếng Quê Hương.
Nguồng Tủ sách Tiếng Quê Hương.

Vai trò truyền thông và trách nhiệm bứng gốc “thần tượng Hồ Chí Minh”

(Nhân đọc bản thảo cuốn sách mới của Minh Võ, một tác giả đã gắn bó cả đời với truyền thông đại chúng)

Tác giả Minh Võ, với những tác phẩm như “Sách Lược Xâm Lăng Của Cộng Sản”, “Ngô Ðình Diệm, Lời Khen Tiếng Chê”, “Phản Tỉnh Phản Kháng, Thực Hay Hư?”, “Ai Giết Hồ Chí Minh” vừa trao cho chúng tôi bản thảo tác phẩm thứ năm của ông. Ðó là cuốn “Hồ Chí Minh, Nhận Ðịnh Tổng Hợp”. Theo ông thì bản thảo cũng như tựa đề vẫn còn ở thời kỳ đang hoàn chỉnh và Tủ Sách Tiếng Quê Hương đang tiếp tay làm công việc biên tập với hy vọng ấn hành kịp vào Mùa Thu năm nay.

Ðây là một tác phẩm đồ sộ về cả hai phương diện hình thức lẫn nội dung. Về hình thức, sách dày khoảng ngót 1000 trang và sẽ được in thành hai tập. Về nội dung, những suy tư sâu lắng của tác giả được tổng hợp từ quan điểm, nhận định và ý kiến của hơn 70 nhân vật và ngót 100 tác phẩm ngoại ngữ cũng như Việt ngữ mang danh tính của những tác giả thời danh. Tác giả không viết bằng tiếng Việtcó William J. Duiker, Jean Lacouture, Pierre Brocheux, David Halberstam, Bernard Fall, Jean Sainteny, Tưởng Vĩnh Kính, Douglas Pike, Joseph Buttinger, Robert Shaplen, Michel Tauriac, P. J. Honey, Phillip B. Davidson, Ellen Hammer, Daniel Ellsberg, Dennis J. Duncanson, v.v. Các tác giả người Việt gồm Hồng Hà, Phùng Thế Tài, Nguyễn Khắc Huyên, Bùi Xuân Quang, Tôn Thất Thiện, Ðinh Trọng Hiếu, Ðằng Phương Nguyễn Ngọc Huy, Nguyễn Thế Anh, Chính Ðạo, Kiều Phong Lê tất Ðiều, Hoàng Quốc Kỳ, Nguyễn Thuyên, Việt Thường, Trần Văn Giàu, Hoàng Văn Hoan, Sơn Tùng, Hoàng Tùng, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Thị Bình, Bùi Tín, Nguyễn Minh Cần, Vũ Thư Hiên, Cựu Hoàng Bảo Ðại, Nguyễn Phương Minh (Ðỗ Thái Nhiên), Trần Gia Phụng, Ðỗ Mạnh Tri… kể cả Trần Dân Tiên, bút hiêu của chính Hồ Chí Minh viết để tự ca tụng mình mà cho mãi tới những năm sau này mới được bạch hóa.

Tác giả Minh Võ

Tác giả minh Võ (2007). Nguồn: OntheNet
Tác giả minh Võ (2007). Nguồn: OntheNet

Trước tháng Tư năm 75, Minh Võ là sĩ quan cấp tá trong quân lực Việt Nam Cộng Hòa, phục vụ tại Nha Chiến Tranh Tâm Lý Bộ Quốc Phòng. Sau đó ông được giao phụ trách đài phát-thanh Tiếng Nói Quân Đội. Năm 1960 ông được biệt phái ngoại ngạch phục vụ tại Nha Vô Tuyến Truyền Thanh với chức vụ trưởng phòng Bình Luận. Qua chương trình trao đổi nhân sự, ông cũng từng được gửi qua Luân Ðôn làm việc tại đài BBC trong hai năm. Ngoài ra, ông còn là một chuyên gia nghiên cứu về chế độ cộng sản tại phía bắc vĩ tuyến 17 của chương trình Việt ngữ đài VOA. Sau khi cộng sản thôn tính miền nam Việt Nam, cùng với hàng trăm ngàn quân cán chính thuộc chế độ cũ, ông phải ở tù ngót 10 năm cho đến năm 1993 mới qua định cư tại Mỹ theo chương trình HO.

Là người người chỉ huy trực tiếp và chịu trách nhiệm những bộ phận đầu não của đài trước tháng Tư năm 75 như các phòng Kiến Thức Phổ Thông, Giáo Dục Ðại Chúng và nhất là phòng Bình Luận Thời Sự thuộc Sở Chương Trình trong một thời gian dài, khả năng, kiến thức và cái nhìn sâu sát của tác giả Minh Võ đã cho thính giả biết bản chất gian manh, xảo trá xuyên qua sách lược tuyên truyền, xách động hết sức tinh vi của chế độ Hà Nội. Tác phẩm “Sách Lược Xâm Lăng Của Cộng Sản” của ông từng được nhà văn Nguyễn Mạnh Côn đánh giá rất cao trong những cuốn sách cùng loại. Năm 1963 tác phẩm được in thành sách và được trích đọc trên đài Tiếng Nói Hoa Kỳ trong nhiều tháng liên tiếp.

Sau những năm dài bị cộng sản giam giữ trong những nhà tù mệnh danh trại cải tạo, qua định cư tại Mỹ, ông vẫn không ngừng ưu tư về vận mạng quê hương và dân tộc vẫn bị kìm kẹp. Theo ông, ngày nào những người quốc gia chưa nhìn ra ngón đòn xảo trá trong sách lược tuyên truyền mị hoặc của cộng sản thì ngày ấy, hy vọng trở về quang phục đất nước của người quốc gia chỉ là ảo vọng!

Ông nói, không chỉ riêng chúng ta bị lừa mà tuồng như cả thế giới tự do đã bị chế độ bạo tàn, gian trá cộng sản Việt Nam mà đứng đầu là Hồ Chí Minh cho vào xiếc. Sở dĩ ngày nay, sau khi cái nôi của quốc tế cộng sản ở Liên Xô cũ, ở Ðông Âu bị tan ra từng mảng mà cộng sản Việt Nam vẫn còn tồn tại chính là vì chúng còn bám víu vào cái mà chúng gọi là “tư tưởng Hồ Chí Minh” mà trong suốt hơn nửa thế kỷ, bằng những hành vi gian trá, chúng đã tìm hết cách để tô vẽ cho họ Hồ một khuôn mặt bề ngoài đầy vẻ yêu dân thương nước. Vì thế, không phải ngẫu nhiên mà ngày nay bóng ma Hồ Chí Minh vẫn còn là lá bùa hộ mệnh cho đảng và nhà nước Cộng sản Việt Nam tiếp tục thống trị quê hương. Trong suốt hơn nửa thế kỷ qua, không phải chỉ có bồi bút của chế độ nhận chỉ thị để tô lục chuốt hồng cho họ Hồ, mà chính đương sự cũng tự đánh bóng, dưới bút danh Trần Dân Tiên, để tôn mình lên làm một thứ Cha-Già-Dân-Tộc, đến nỗi ngay cả những nhà văn, nhà báo quốc tế, trong đó có những nhân vật danh tiếng, cũng tranh đua viết sách xưng tụng Hồ Chí Minh!

Từ cái nhìn thống nhất, không đổi đó, tác giả Minh Võ đi tới kết luận là muốn thắng cộng sản trong trận chiến quyết liệt cuối cùng này chúng ta không có con đường nào khác hơn là phải hiểu rõ những mánh lới tuyên truyền gian trá của cộng sản, để từ đấy hạ bệ thần tượng Hồ Chí Minh. Muốn làm được công việc này, một mặt những nhà văn, nhà báo, những trí thức Việt Nam yêu mến quê hương, dân tộc phải phản biện những giọng điệu tuyên truyền của cộng sản, mà họ Hồ là một tay nghề số một. Mặt khác, những người Việt quốc gia còn phải can đảm nói [bằng ngôn ngữ của họ] với những tác giả, không phải người Việt, có sách ca tụng họ Hồ, rằng họ lầm. Có thế mới mong thuyết phục được những thành phần chưa có kinh nghiệm về cộng sản, nhất là những thế hệ trẻ Việt Nam ở trong nước cũng như ở hải ngoại.

Sau khi đọc cuốn “Những Mẩu Chuyện Về Ðời Hoạt Ðộng Của Hồ Chủ Tịch”, do chính Hồ Chí Minh viết từ năm 1948 dưới bút danh Trần Dân Tiên để tự đánh bóng mình, Minh Võ đã viết đoản văn “Ai Giết Hồ Chí Minh?” (Ðộc giả có thể tìm đọc đoản văn này trong Tác phẩm “Tâm Sự Nước Non. Ai Giết Hồ Chí Minh?” do Tủ Sách Tiếng Quê Hương ấn hành năm 2002). Mới đọc qua tiêu đề, người đọc lầm tưởng là nội dung bài viết hẳn sẽ vén màn bí mật về một cái chết bất thường của họ Hồ do một âm mưu nào đó. Nhưng khi đọc hết người ta mới vỡ lẽ là trước cái chết đột ngột của Hồ Chí Minh đến nỗi những tay đầu sỏ ở Bắc Bộ Phủ tỏ ra lúng túng khi công bố ngày chết của y khiến dư luận hồi ấy xôn xao, bàn tán cho là họ Hồ bị bức tử, Minh Võ đã huỵch toẹt cho người đọc ông hiểu là chính họ Hồ đã tự đào huyệt chôn mình bằng cuốn tự truyện – nhưng không nhận là tự truyện – mà lại gian dối núp dưới một bút hiệu vô danh! Và hành vi này của họ Hồ đã khiến Minh Võ cho rằng chính y đã tự giết mình, không phải giết thể xác, nhưng là giết, là làm tan biến đi cái hào quang giả tạo lâu nay.

Trong suốt thời gian tìm tòi sách vở, tài liệu về Hồ Chí Minh trong các thư viện để viết bản thảo cuốn “Hồ Chí Minh, Nhận Ðịnh Tổng Hợp”, có lần Minh Võ đã than thở với bạn bè là ông đã hết lời thuyết phục những anh chi em sinh viên trẻ, giỏi ngoại ngữ viết sách để mở mắt cho những tác giả Âu Mỹ và giới trẻ Việt Nam sinh trưởng ở hải ngoại thấy rõ những trò bịp bợm của cộng sản, cụ thể là Hồ Chí Minh, nhưng dường như mọi người đều bỏ ngoài tai.

Nói tới những nỗ lực của mình, ông coi cái gọi là thần tượng Hồ Chí Minh giống như một cây cổ thụ được cả thù lẫn bạn che chống, muốn đốn ngã cần phải có những phương tiện tân tiến như cưa máy, cần trục, thì cố gắng của mình ông khác gì lấy dao cắt tiết gà đốn cây cổ thụ! Ông tâm sự, dù biết rằng việc làm của mình tuồng như vô ích, như dã tràng xe cát, nhưng ông mong nó sẽ là động cơ đánh động lương tâm giới trí thức khoa bảng Việt Nam còn nặng lòng đối với quê hương, dân tộc, để hy vọng một ngày nào đó họ sẽ nối tiếp con đường của ông.

Tiên liệu những ngộ nhận khó tránh về phía người đọc.

Trao tập bản thảo cho chúng tôi, tác giả Minh Võ ân cần căn dặn là nên đọc thong thả, đừng vội vã. Bởi vì ông biết trước là nếu chỉ đọc thoáng qua, độc giả, nhất là những người vốn dĩ có thành kiến xấu đối với Hồ Chí Minh, sẽ không khỏi ngộ nhận khi đọc những đoạn trích dẫn từ tác phẩm của những tác giả cộng sản hoặc những tác giả nước ngoài, trong đó họ đã vận dụng mọi lý chứng để tâng bốc họ Hồ.

Ông tâm sự, đối tượng cuốn sách này không phải là những người đã thấu rõ cái tẩy gian ác của Hồ Chí Minh mà là giới trẻ Việt Nam sinh ra, lớn lên ở hải ngoại, từng có cơ hội đọc những tác phẩm của những trí thức, những nhà văn, nhà báo danh tiếng Âu Mỹ mà vì lý do thời thượng hoặc vì chỉ căn cứ vào sách vở, tài liệu do Hà Nội ngụy tạo, đã đề cao thần tượng Hồ Chí Minh. Mà muốn thuyết phục những thành phần này, chúng ta phải tỏ ra là chúng ta vô tư. Giản dị là trước khi đọc những trang trích dẫn trong tác phẩm Việt ngữ này họ đã được đọc nguyên tác.

Với thái độ lo xa và cẩn trọng hơn, trong một e-mail gửi cho một số bằng hữu đang có trên tay tập bản thảo cuốn sách mới của ông, Minh Võ đã chu đáo căn dặn:

“Mục tiêu của tác phẩm nhằm góp phần vào việc phá hủy huyền thoại Hồn Chí Minh là “cha già dân tộc”, là anh hùng cứu nước. Ðối tượng chính: Nhắm vào giới trẻ không có kinh nghiệm về cuộc chiến tranh Việt Nam và người ngoại quốc [biết đọc tiếng Việt] vốn bị tuyên truyền của cộng sản và sự hướng dẫn dư luận một chiều của báo chí phản chiến. Ðối tượng phụ là những độc giả Việt Nam chưa hiểu rõ về mưu mô xảo trá của cộng sản…”

Trong hai chuyến bay dài vào trung tuần tháng 5-2003 vừa qua, chúng tôi đã đọc đến trang chót của tập bản thảo dày hơn 400 trang giấy khổ lớn. Quả thật tác giả đã có lý phần nào khi tiên liệu những ngộ nhận về phía một số độc giả khi đọc Tác phẩm của ông. Chỉ cần lướt qua chương đầu đề cập nội dung cuốn “Ho Chi Minh (a life)” của W. J. Duiker là đủ rõ.

Chương I với tiểu đề: Cuốn Tiểu Sử HCM Ðầy Ðủ Nhất, Minh Võ viết:

“Ngoài lời tán tụng của một số sử gia Mỹ nổi tiếng như Douglas Pike, Marilyn Young, tờ Washington Post đã gọi tác phẩm ‘Ho Chi Minh (a life)’ của William J. Duiker là cuốn sách nói về Hồ Chí Minh ‘có lẽ đầy đủ và uy tín nhất từ trước đến nay trong các sách nói về Hồ Chí Minh’. Stanley Karnow, nhà báo lão thành trở thành sử gia tên tuổi với cuốn ‘Vietnam, a History’ cũng viết: ‘Người ta đã viết nhiều về Hồ Chí Minh, nhưng chưa có cuốn nào bằng (equals) cuốn của W. J. Duiker’. Chữ bằng đây có thể được hiểu theo nhiều nghĩa: hay, hấp dẫn, nhiều chi tiết mới mà các cuốn khác không có, hay nhiều trang nhất (…) đúng 700 trang khổ lớn.

“Ðể viết cuốn sách này, Duiker đã mất 20 năm để đọc, gặp gỡ những tác giả đi trước, những nhân chứng (…) ở Mỹ, Úc, Âu và Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản (…)”

Sau khi nói tới thái độ trân trọng của dư luận đối với cuốn tiểu sử họ Hồ được coi là hết sức đồ sộ của Duiker như trên, Minh Võ lại kèm theo đoạn trích sau đây trong chính Tác phẩm của Duiker:

“Bất kể cuối cùng người đời phán xét về di sản của ông để lại cho dân tộc mình ra sao, ông Hồ đã chiếm được một chỗ trong ngôi đền thờ những anh hùng cách mạng đã từng đấu tranh mạnh mẽ để những người cùng khổ trên thế giới có được tiếng nói đích thực của họ.”

Trích đoạn trên đây quả là thùng xăng tạt vào mồi lửa đang âm ỉ cháy trong tâm não những thành phần chống cộng, những nạn nhân vốn thù họ Hồ (gã đồ tể được coi là căn nguyên gây ra những thảm cảnh mà 80 triệu đồng bào Việt Nam phải gánh chịu trong chế độ độc tài toàn trị cộng sản lâu nay) đến tận xương tủy. Từ suy nghĩ này, người viết hiểu được những tiên liệu của tác giả khi ông ân cần nhắc người đọc nên đọc thong thả, luôn liên kết những trích đoạn với lý luận trước hoặc sau đó của ông. Và điều quan trọng là phải biết đối tượng ông nhằm vào. Nếu thận trọng đọc kỹ độc giả có thể dễ dàng chia sẻ quan điểm và lập trường của tác giả khi gấp cuốn sách lại.

Từ ngoài nhìn vào tác phẩm

Sau khi trích dẫn những lời lẽ xưng tụng họ Hồ một cách quá đáng và lố bịch của Duiker như trên, chỉ mấy chục dòng kế tiếp, tác giả viết:

“Khi xây dựng tác phẩm, Duiker đã được tài trợ để qua Việt Nam, qua Liên Xô thu góp tài liệu, đồng thời lại có sẵn tài liệu của nhiều tác giả đi trước (…). Khi phân tích tài liệu, Duiker luôn tỏ ra vô tư bằng cách nêu lên nhiều giả thuyết trái ngược, nhưng phần lớn kết luận của ông bao giờ cũng ngả theo tài liệu chính thống trước các nghi vấn đang gây tranh cãi.

Chẳng hạn trong nghi vấn về vụ nhà cách mạng lão thành Phan Bội Châu bị Pháp bắt, Duiker đưa ra rất nhiều lời biện bạch để cho rằng chính cụ Nguyễn Thượng Hiền, một người thân tín của cụ Phan, đã báo cho Pháp bắt cụ Phan chứ không phải Lâm Ðức Thụ là kẻ cộng tác mật thiết với Hồ Chí Minh như sử gia Phạm Văn Sơn hay tác giả Hoàng Văn Chí và nhiều tác giả khác đã viết. Riêng tác giả Việt Thường, một nhà báo cộng sản hoạt động cho đến 1976 tại miền Bắc đã quả quyết người âm mưu bán đứng cụ Phan chính là Hồ Chí Minh. Khi nói về nghi vấn này, Duiker cũng không nhắc tới cái chết của Lâm Ðức Thụ mà theo một số tác giả là do Hồ Chí Minh chủ mưu để giữ bí mật việc ông ta có dính vào vụ báo cho Pháp bắt cụ Phan Bội Châu, mặc dù Duiker từng nhắc tới mối liên hệ khăng khít giữa Lâm
Ðức Thụ và Hồ Chí Minh.”

Tác gỉa Minh Võ cũng trưng dẫn nhiều chi tiết trong cuốn “Ho Chi Minh (a life)’ cua Duiker mà vì vô tình đã kể lại một cách thoải mái theo tinh thần phóng khoáng của người dân phương tây khi tường thuật nhiều chi tiết liên quan tới cuộc đời tình ái lăng nhăng của họ Hồ với những tên tuổi như Tăng Tuyết Minh, Ðỗ Thị Lạc, Nông Thị Xuân, Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Thị Phương Mai v.v. Và điều này đã dẫn tới những tranh cãi trong bộ máy kiểm duyệt của Hà Nội khi muốn chuyển ngữ Tác phẩm 700 trang khổ lớn của Duiker ra Việt Ngữ.

Trong đoạn mở đầu chương I, Minh Võ viết:

“Tuần báo Far Eastern Economic Review (Viễn Ðông Kinh Tế) số ra ngày 8/8/2002 đã bị hạn chế phổ biến ở Hà Nội vì có đăng bài tựa đề ‘Các nhà kiểm duyệt bàn cãi về tiểu sử ông Hồ”. Sự việc này đã dẫn tới lời qua tiếng lại giữa hãng Thông tấn Reuters và phát ngôn viên ngoại giao Phan Thúy Thanh của Hà Nội. Chung quy cũng chỉ vì tác phẩm Ho Chi Minh (a life) của William J. Duiker mà một số người tại Hà Nội có ý định dịch ra tiếng Việt”.

Ðể đóng lại chương sách này, ông viết:

“Chúng tôi nghĩ rằng sự việc xảy ra vào tháng 8, 2002 về việc phổ biến cuốn sách tại Việt Nam có thể đã gợi nhắc tác giả về một ý nghĩ nào đó. Duiker nghĩ sao khi những người Cộng Sản Việt Nam đặt thẳng vấn đề phải cắt bỏ một số chi tiết trong cuốn sách mới được phép phổ biến tại Việt Nam? Trong lá thư gửi cho nhà xuất bản Hyperion Books, New York, nhà xuất bản Chính Trị Quốc Gia tại Hà Nội đã ghi rõ ‘cần bỏ đi một vài đoạn không phù hợp với những thông tin hiện có trong hồ sơ của chúng tôi’.

Duiker đã viết cuốn sách dựa trên phần lớn tài liệu chính thức và nhận định từ những nhân vật của chế độ. Nhưng sách vẫn không thể phổ biến vì cách khai thác tài liệu không phù hợp với cái nhìn của chế độ và chế độ cũng không giấu kín ý đồ muốn kiểm duyệt mọi lời phát biểu của tác giả. Chế độ đó liệu có thể phù hợp với mong mỏi của toàn thể những người dân Việt Nam vẫn đòi hỏi dân chủ tự do từ 1945 tới nay không và chế độ đó là di sản của ai?”

Chỉ một vài trích dẫn kể trên, theo chúng tôi, ngoại trừ những người đọc theo kiểu ‘cưỡi ngựa xem hoa’, nếu đọc chậm rãi một cách có ý thức có lẽ không ai hiểu lầm dụng ý của tác giả. Vả chăng ngày nay con người đã bước chân vào thiên niên kỷ thứ ba với những bước nhảy vọt về phương diện tin học. Do đó ai cũng hiểu rằng, chủ trương bưng bít thông tin hoặc thông tin một chiều ngày càng tỏ ra lỗi thời, không còn đất đứng. Hơn thế, nó chỉ tạo nên những phản tác dụng mà thôi. Thái độ vô tư, trung thực của những người làm công tác văn hóa, kể cả trong lãnh vực thông tin tuyên truyền, thường dễ dàng thuyết phục được cảm tình của đám đông quần chúng.

Những sách vở, tài liệu viết về chiến tranh Việt Nam, về nhân vật Hồ Chí Minh, của những tác giả ngoại quốc có tiếng xuất hiện nhan nhản trong các tiệm sách và thư viện khắp nơi. Những người trẻ Việt Nam sinh ra và lớn lên tại Âu Châu, tại Bắc Mỹ không chỉ có dịp đọc những sách vở, tài liệu vừa nói mà họ còn được chính các ông bà giáo giảng dạy môn sử ảnh hưởng tại các trường lớp họ đang theo học. Do đó khi viết về những đề tài lớn liên quan tới cuộc chiến tranh Việt Nam, về tiểu sử những nhân vật cỡ Hồ Chí Minh, nhất là khi trưng dẫn những tác giả danh tiếng nước ngoài, người viết bắt buộc phải chọn lựa thái độ công bằng và vô tư mới mong thuyết phục được người đọc. Ðiều quan trọng là mục tiêu tối hậu của người viết và luận điểm nêu ra để lý giải những khúc mắc, đối nghịch của vấn đề hầu đạt được mục tiêu tối hậu đã vạch ra.

Ðể hiểu được quan điểm, chủ trương của tác giả Minh Võ khi thực hiện cuốn “Hồ Chí Minh, Nhận Ðịnh Tổng Hợp”, trong đoạn trên, chúng tôi đã chọn chương I như một điển hình để làm chuẩn khi đọc 54 chương kế tiếp trong toàn bộ cuốn sách. Dĩ nhiên, ngoài những chương trưng dẫn những chứng cớ, những lý luậnhỗ trợ cho thái độ khen chê của những tác giả, tác phẩm viết về Hồ Chí Minh, người đọc không thể bỏ những chương phê bình, nhận định, những đoạn tổng kết, kể cả những lời tự bạch của tác giả trong Lời Nói Ðầu.

Ở đây, tác giả đã cắm một cái mốc rõ rệt: khác với những nhân vật lịch sử khác, kể cả những loại bạo chúa như Néron, Tần Thủy Hoàng, Hitler là những con người chỉ sống và hành động một thời, ngoại trừ những hình tích còn để lại trong sách vở, phim ảnh, trong tâm trạng hoặc chán ghét hoặc hâm mộ của một số người, họ Hồ dù đã chết mấy chục năm trước, nhưng những huyền thoại về cuộc đời hoạt động của nhân vật này không chỉ có giá trị như những chuyện tích. Trái lại nó vẫn còn đang tác động từng ngày từng giờ trong cuộc sống o ép, tù túng, sợ hãi của tám chục triệu người dân trên đất nước chúng ta hôm nay. Những khuôn mặt thừa kế sự nghiệp của ông ta ở hà Nội cho đến bây giờ, lúc này, vẫn còn không ngừng đánh bóng cái quá khứ vừa mơ hồ, vừa huyền hoặc của một con người mà ngay từ cái tên, từ ngày sinh tháng đẻ, từ đường đi nước bước, kể cả ngày chết, cách chết cũng đã trở thành một thứ huyền thoại lạ lùng, kỳ bí.

Thật ra lối tô vẽ hình tượng lãnh tụ theo kiểu vẽ rồng trên mây như thế chỉ đánh lừa được một số khuôn mặt trí thức, nhà văn, nhà báo phương tây có thói quen nhìn ngắm, phê phán, nhận định về người và việc theo nhãn quan trong sáng, chân thành – thứ chân thành quá độ để trở thành ngây thơ, ngớ ngẩn – hoặc những người trẻ Việt Nam sinh sau đẻ muộn. Nó không qua được cặp mắt và khối óc tinh tường, mẫn cảm của những người như Minh Võ. Chính nhờ thế mà cái hình tượng hào nhoáng, chợt biến chợt hiện của họ Hồ được đảng và nhà nước độc tài toàn trị cộng sản ở Hà Nội, kể cả chính đương sự tự tạo nên và được sự hưởng ứng của những nhà văn, nhà báo phương Tây phụ họa, đã bị ông phá vỡ bằng những luận điểm vững vàng, khả tín, dù ông vẫn không ngần ngại trích dẫn nguyên văn những gì mà đối phương thường trân trọng để gồng mình bảo vệ cái gọi là “tư tưởng Hồ Chí Minh”.

Tóm lại, tác giả không chỉ nói về nhân vật này như một con người với cá tính thiện, ác theo quan điểm bạn thù được nhào nặn, biến hóa qua những huyền thoại, những lý luận thậm xưng từ nhiều phía. Ði xa hơn thế, ông còn cố gắng đặt họ Hồ vào bối cảnh lịch sử đích thực không tô vẽ, không thêm thắt trong từng biến cố, từng giai đoạn mà đương sự đã kinh qua, và dĩ nhiên không trốn đựơc trách nhiệm đối với những hệ quả tàn hại mà quốc gia, dân tộc phải gánh chịu.

Người viết những dòng này muốn nói tới những âm mưu sát hại các lãnh tụ cách mạng, những cái chết oan của cả trăm ngàn người trong cuộc cải cách ruộng đất, những ác quả tạo nên thảm cảnh cả triệu nạn nhân mất xác trên đường mòn Hồ Chí Minh do chủ trương lấn chiếm miền Nam, và hơn hết thảy, tội biến dân tộc thành một con cờ, một thứ chư hầu của chủ nghĩa Mác-xít Lê-nin-nít bạo tàn và không tưởng. Tất cả đã được Minh Võ đưa vào Tác phẩm của ông.

Hồ Chí Minh: nhiều mặt. Nguồn: DCVOnline tổng hợp
Hồ Chí Minh: nhiều mặt. Nguồn: DCVOnline tổng hợp

Ngoài ra, tác giả cũng khơi lên những câu hỏi, những nghi vấn chung quanh những thời điểm, khi thì ba năm, khi thì năm năm bỗng dưng nhân vật này biến mất trong cuộc đời giống như chuyện phong thần. Và bằng phương pháp đối chiếu, tổng hợp để rút ra kết luận, qua những nguồn sách vở, tài liệu phong phú từ nhiều phía, với tác phẩm thứ năm mang một trọng lượng đáng kể cả về phẩm lẫn lượng này, Minh Võ đã giúp độc giả có được một cái nhìn xuyên suốt về cuộc đời Hồ Chí Minh để từ đấy làm bộc lộ cái chân diện trí trá, thâm độc của y.

California, 2003

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”


Nguồn: Bài do tác giả gởi. DCVOnline biên tập và minh hoạ và đăng lần đầu ngày 15 tháng Chín, 2016.

1 Comment on “Minh Võ: “Thần tượng Hồ Chí Minh”?

  1. LỊCH SỬ VÀ NHÂN VẬT LỊCH SỬ

    Lịch sử là những gì đã diễn ra trong quá khứ và còn được ghi lại. Cái diễn ra là cái bây giờ không còn nữa. Cái bây giờ còn lại là những cái ghi lại. Tât nhiên lịch sử luôn gắn với yếu tố con người, hay gọi là nhân vật lịch sử. Yếu tố con người có hai phương diện : phương diện tác động và phương diện chịu tác động. Phương diện tác động có thể tốt hay xấu, từ đó phương diện bị hay chịu tác động cũng mang ý nghĩa tốt hay không tốt. Tốt có nghĩa tích cực, không tốt có nghĩa tiêu cực. Có nghĩa khi nhân vật lịch sử làm tốt cho xã hội theo nghĩa nào đó, điều đó gây tác động tốt hay tích cực đến đối tượng bị tác động theo nghĩa tích cực. Nếu ngược lại như thế có nghĩa chỉ là kết quả tiêu cực. Nói rộng hơn yếu tố hay đối tượng bị tác động hoặc được tác động không gì khác hơn là mọi con người trong phạm vi đó, hay nói trắng ra yếu tố đó là toàn dân hay xã hội đương thời trong một dân tộc hay đất nước nào đó.

    Tất nhiên không một nhân vật lịch sử nào là hoàn toàn độc lập trong hoàn cảnh khách quan của người đó. Có hàng loạt những con người tương tự như thế, nhưng chỉ những con người nào nổi trội lên cả thảy hay cầm chịch được hoàn cảnh lịch sử sau cùng, những người như thế mới trở thành nhân vật lịch sử. Nhưng mặt khác, có nhân vật lịch sử cũng là nhờ vào đám quần chúng hay đối tượng xã hội mà nhân vật đó tác động. Như người xưa nói nhất tướng công thành vạn cốt khô. Chính yếu tố vạn cốt khô đó mới là đối tượng tạo nên sự xuất hiện của nhất tướng công thành nào đó, tức là nhân vật lịch sử được biết đến. Đó là nói về quân sự và chiến trận. Nhưng nếu nói chung toàn xã hội thì cũng thế. Có nhân vật lịch sử là nhờ có các lực lượng xã hội đã phải chịu hi sinh nhiều mặt khác nhau để tạo ra chính họ. Sự keo sơn hay gắn bó giữa nhân vật lịch sử và đối tượng lịch sử, tức các lực lượng quần chúng tạo ra họ qua bao hi sinh mất mát là như thế. Nhưng kết quả sau cùng đều có hai khía cạnh, là khía canh tiêu cực và khía cạnh tích cực. Tính cách tiêu cực là tính cách xấu hay mất mát về các mặt. Tính cách tích cực là tính cách tốt hay tính cách được của những mặt phản ngược lại. Nhưng ở đây lại có hai điều phải cần nói đến, hoàn cảnh lịch sử thông thường và hoàn cảnh lịch sử được cho là cách mạng, đặc biệt khi tính cách cách mạng đó lại mang ý nghĩa ý thức hệ thì cán cân kết toán của họ lại hoàn toàn khác.

    Nói cách khác, những biến cố hay sự kiện lịch sử khắp nơi trên thế giới tự cổ chí kim thì có quá nhiều, trong đó những cuộc cách mạng cũng có quá nhiều, nhưng đó đều là những biến cố hoặc sự kiện lịch sử thông thường hay bình thường. Duy trong thế giới thời cận đại, chỉ có hai cuộc cách mạng mang tính cách ý thức hệ chính trị đặc biệt không giống đâu, đó là chế độ quốc xã theo học thuyết chủng tộc ưu liệt của Hitler và chế độ cộng sản mác xít theo thuyết cách mạng vô sản toàn thế giới của Các Mác. Hitler và Các Mác đều là người Đức, nhưng cuộc cách mạng chủng tộc của Hitler đã chết yểu chỉ trong 6 năm, dù nó gây ra cả cuộc thế giới chiến tranh lần thứ hai, còn cuộc cách mạng vô sản quốc tế của Mác từng tồn tại trong thế giới cộng sản cũ mà đứng đầu là Liên Xô trong suốt 70 năm rồi cuối cùng cũng sụp đồ và tan rã, tất nhiên nó tuy suýt gây ra cuộc chiến tranh thế giới lần thứ ba ở Cuba vào năm 1957 nhưng may mà kịp dừng lại, nhưng các cuộc chiến tranh gọi là chiến tranh cách mạng do nó phát động trên toàn thế giới ở nhiều nơi thì nhiều lắm. Có điều cuộc cách mạng chủng tộc của Hitler chỉ tạo nên được một nhân vật lịch sử nổi tiếng nhất là chính Hitler, nhiều lắm là các nhân vật thân cận của Hitler cũng đã đi vào lịch sử, nhưng cuộc cách mạng vô sản của học thuyết Mác thì tạo ra nhiều nhân vật hơn, rãi rác khắp toàn cầu trong suốt bảy thập niên và hơn nữa, và những nhân vật lịch sử đó có mặt trong khắp các dân tộc như Lênin, Stalin, Trotsky, Kim Nhật Thành, Mao Trạch Đông, Pon Pốt v.v… không thể nào kể hết.

    Song có điều đáng nói nữa, cả hai cuộc cách mạng chủng tộc của Hitler và cuộc cách mạng theo thuyết vô sản của Mác có hai sự nổi trội đặc biệt mà bất kỳ cuộc cách mạng nào khác hay những biến cố lịch sử nào khác từ cổ chí kim đều hoàn toàn không có : đó là phương pháp bạo lực và thủ thuật tuyên truyền. Do thủ thuật tuyên truyền, tính cách bạo lực của chúng thật sự bị che giấu đi, nhưng vì bản chất là bạo lực nên bạo lực đó vẫn cứ tồn tại khách quan. Còn thủ thuật tuyên truyền thì khỏi phải nói, nó sử dụng hầu như mọi phương cách, không từ phương cách nào nếu thấy có lợi, điều đó càng làm cho tính cách bạo lực phát huy hiệu quả mà không ai nhận thấy bên ngoài được, tuy dù bên trong thì không có gì thay đổi. Cho nên tuyên truyền và bạo lực giống như hai yếu tố keo sơn hay yếu tố cơ cấu của cuộc cách mạng quốc xã và cuộc cách mạng bôn sê vích là hai điều mà chính lịch sử các nước cũng như lịch sử toàn thế giới sau này đều không thể nào phủ nhận được. Một yếu tố nữa là yếu tố tổ chức, yếu tố huấn luyện. Cả hai yếu tố này cũng là yếu tố hữu cơ liên kết với yếu tố tuyên truyền và yếu tố bạo lực như trên đã thấy. Và cả hai phương diện đó, cuộc cách mạng quốc xã của Hitler và cuộc cách mạng vô sản toàn cầu của Mác khởi xưởng thật ra cũng chẳng bên nào thua bên nào, tuy rằng trong thực tế, quốc xã và cộng sản đã từng choảng nhau trên đất Liên Xô quyết liệt nhất được tuyên truyền dưới tên gọi là chiến tranh xâm lược và chiến tranh vệ quốc vĩ đại. Đó chính là hai ý nghĩa nổi bật nhất mà giai đoạn lịch sử nhân loại trong thời cận đại cũng như trong nhiều nước khác nhau Á cũng như Âu đều từng xảy đến.

    Thế thì trong tính cách đặc điểm và đặc thù như vậy, những nhà viết sử nơi các dân tộc, đất nước, và cả trên thế giới sẽ hay phải viết sử như thế nào mới là điều đáng nói nhất. Bởi lịch sử nguyên bản thân nó là một khoa học khách quan, khoa học về quá khứ để phục vụ cho đời sống hiện tại và tương lai mỗi nước cũng như toàn nhân loại. Đó là điều mà từ cổ chí kim ở mọi nơi đều tôn trọng. Thế những chỉ riêng trong hai cuộc cách mạng chủng tộc của Hitler và cuộc cách mạng vô sản mác xít là hoàn toàn phe lờ hết. Không những tính độc tài ở đây nó thể hiện ra bắt buộc như thế, mà còn cả tính ý thức hệ chính trị cũng chủ trương và khuyến khích làm điều đó. Ý thực hệ của Hitler là thuyết chùng tộc ưu việt của giống dân Nhật nhĩ man tưc dân Đức, còn ý thức hệ của Mác là chủ trương giai cấp vô sản tiên tiến và cuộc cách mạng cộng sản toàn cầu tiên tiến mà lý tưởng của Mác theo đuổi. Tất nhiên ai cũng hiểu ý thức hệ chẳng bao giờ là ý nghĩa khoa học, vì nó chỉ do những cá nhân bình thường xướng xuất ra, nó không hề là kết quả khoa học nào nghiêm túc mà cả thế giới loài người chứng minh và chấp nhận nếu không nói là hoàn toàn bị cưỡng chế và ép buộc. Đấy tính cách bất bình thường hay lạ thường của hai biến cố lịch sử hay hai cuộc cách mạng đó là như vậy, và cuối cùng chúng đều thất bại trước sau cũng đều là như thế. Có nghĩa nhiều kết quả tiêu cực của chúng mang lại cho xã hội và nhân loại là nhiều hơn những kết quả tích cực nào đó mà chúng có thể tưởng tượng hoặc có số ít người nào đó tin tưởng như thế. Đó chính là sự thực lịch sử hay chân lý lịch sử mà không phải ai cũng thấy và cũng không phải mọi nhà viết sử đây đó trên toàn thế giới trong quá khứ đều đã nói lên hết được. Đấy tính cách đặc biệt của những nhân vật lịch sử có liên quan đến chính thời kỳ các biến cố lịch sử này là như vậy. Nói chung nó đặc biệt hơn bất kỳ các giai đoạn lịch sử nào khác, và các nhân vật lịch sử của nó cũng mang tính khác thường hơn bất kỳ những nhân vât lịch sử ở khắp nơi nào khác.

    Có điều phải nói nữa là chế độ quốc xã Hitler chỉ tồn tại trong vòng 6 năm (1939-1945) rồi chấm dứt khi Đức bại trận trong thế chiến thứ hai, mọi sự độc tài, mọi quyền lực chính trị, mọi sự tuyên truyền giả tạo về nó, mọi khía cạnh ý thức hệ chính trị của nó cũng chấm dứt theo, không còn để lại các dấu vết công khai nào nữa. Nhưng riêng cuộc cách mạng vô sản bôn sê vích ở Nga năm 1917 thì tồn tại đến mãi bảy mươi năm sau tại Liên Xô và ngày nay vẫn còn tồn tại ở một số nhỏ các nước sau khi vào năm 1990 về sau khối Liên Xô và Đông Âu cũ đã giải thể và không còn nữa. Có nghĩa các nhân vật lịch sử có liên quan với chúng trước kia ngày nay thì không còn tác dụng nữa, nhưng ở các nước thể chế cộng sản ngày nay vẫn còn tồn tại thì các nhân vật lịch sử có liên quan tới nó trong quá khứ vẫn y như không hề thay đổi. Họ vẫn tiếp tục được tuyên truyền và được củng cố, đó là thói quen tự nhiên hầu như đã trở nên bản chất và quán tính không khi nào thay đổi được trong mọi chế độ cộng sản, và đó cũng là điều kỳ quái nhất mà thật sự mọi người cộng sản đều không biết hay không cần biết đến.

    Như vậy kết luận vấn đề con người và vấn đề xã hội đều là những ý nghĩa đáng nói nhất và nó cũng liên quan đến lịch sử hay sử học nhiều nhất. Con người thực chất không mấy ai thánh thiện, như tiểu sử của Hitler và tiểu sử của Mao Trạch Đông, Stalin đều cho thấy như thế. Khuynh hướng ham danh vọng, ham quyền lực, lợi lộc là khuynh hướng chung của tất cả mọi người, chỉ trừ ra những người làm khoa học chân chính, triết học chân chính, hay nghệ thuật chân chính. Thế thì mọi nhân vật lịch sử tất yếu cũng đều không thể thoát ra khỏi thói thường đó. Có điều khi họ đã trở thanh các nhân vật lịch sử vì các lý do nào đó, thường quần chúng tầm thường hay kinh sợ họ, từ đó thần thánh hóa thực lòng hay giả tạo đối với họ, đặc biệt trong các chế độ độc tài thì bộ máy tuyên truyền chính thức với bao nhiêu quyền lực của nhà nước thì hoàn toàn tha hồ làm điều đó. Thế nên mọi sự thần thánh hóa trong các xã hội độc tài là điều tự nhiên thường có. Điều đó tất nhiên bị nhiễu rất nhiều về mặt nhận thức trong hiện tại của chính bản thân lịch sử nhưng không có nghĩa trong tương lai dài lâu hay tương lai lịch sử nói chung muôn đời nó vẫn là như thế. Có điều nếu mọi nhân vật lịch sử không tự ru ngủ họ một cách sai trái, quần chúng chắc cũng không có ai sẳn sàng ru ngủ họ hay các công cụ của chế độ cũng tích cực ru ngủ mọi người và ru ngủ họ. Tâm lý đó tức bắt đầu từ chủ quan đi đến khách quan nhưng là thứ khách quan hoàn toàn giả tạo. Nhưng điều đáng tiếc là những cách thức như thế thực chất đều không ích gì cho họ về mặt cao quý, không ích gì cho xã hội về mặt thực tế, cũng không ích gì cho lịch sử về mặt chân lý. Thế nhưng những điều tệ hại đó tại sao vẫn tiếp tục và thường xuyên tồn tại. Đó chính là cái nhược điểm hay là tính xấu của con người, tính xấu thích phô trương mà cóc cần gì thực chất, chẳng màng gì đến thực chất. Thế nhưng chân lý lịch sử lại hoàn toàn khác. Bởi lịch sử thật ra kết hợp bởi những sự kiện thật tức có thật, và sử học do vậy cũng kết hợp bởi các kiểu thông tin như thế. Có nghĩa mọi tuyến thông tin đều liên thông nhau, mọi dữ liệu thông tin chân xác đều phản ảnh những khía cạnh khách quan nào đó. Có nghĩa thông tin có thể bị bóp méo, bị ức chế, bị cưỡng chế, bị hạn chế ở những mặt nào đó nhưng chỉ có thể tạm thời hoặc nhất thời, về lâu về dài chúng đều phải trả về lại cho lịch sử khách quan khi mọi tầm ảnh hưởng của những nhân vật lịch sử đều qua hết.

    Vậy để kết luận, không bất kỳ nhân vật lịch sử nào có thể vượt ra hay vượt qua khỏi được tính khách quan của lịch sử và của sử học. Chính tâm lý bản thân, tâm lý quần chúng, tâm lý những người viết sử đều chỉ chịu tầm kiểm soát của họ trong thực tại quyền hành của họ, nhưng chúng đều thoát khỏi họ trong tương lai, nhất là trong tương lai xa. Bởi các nhân vật lịch sử đều chỉ như những cái cây trên đường đi mà mọi người đều thấy. Nếu đứng sát cạnh nó có thể thấy đó là cái cây cao nhất, nhưng càng đi xa nó hơn, nó càng lùi dần để có thể bằng hay thấp hơn cả những cái cây khác. Nên thần thánh hóa những nhân vật lịch sử theo cách giả tạo hoặc có ý đồ nào đó, đó chỉ là sự tầm thường hóa mình, coi thường người khác và coi thường xã hội. Đó cũng là tính chất coi thương lịch sử mà chỉ những tâm lý tâm thường, kém học hay hạ đẳng mới làm như thế. Bởi mọi nhân vật lịch sử thật ra chỉ là con đẻ của lịch sử mà không bao giờ là cha đẻ của lịch sử. Nói cách khác họ luôn chỉ là công cụ của lịch sử và chính họ lại sử dụng những người khác hay nhiều khi cả xã hội như công cụ của họ. Sử học bởi vậy là một khoa học, và chỉ những ai có đầu óc khoa học mới thấy hết ra được những điều đó. Chính trị hóa lịch sử, chính trị hóa sử học đều là sự giả tạo ngu ngốc, bởi vì nó luôn chỉ là những ảo tưởng nhất thời cũng như sai trái. Nhưng mọi cái nhất thời và sai trái đều luôn luôn cũng như tất yếu không tồn tại được lâu. Như học thuyết Mác tự bản chất nó là một sự sai trái về mặt khoa học khách quan, nên nó không thể tồn tại lâu là như thế, và mọi giai đoạn lịch sử, mọi sự kiện lịch sử, mọi yếu tố lịch sử cũng như mọi nhân vật lịch sử chỉ cốt yếu gắn liền với nó về thời gian lâu dài cũng không thể nào tồn tại được lâu cũng chính là như thế.

    THƯỢNG NGÀN
    (15/9/16)