Trò chuyện với Minh Võ (I)

Trò chuyện với Minh Võ (I)
Sách Lược Xâm Lăng Của Cộng Sản”. Nguồn: Minh Võ

Mộc Lan

Một ngày kia, tôi vào thư viện, thấy quyển “Sách Lược Xâm Lăng Của Cộng Sản” (SLXLCCS), mượn về đọc. Lật vài trang đầu sách, những dòng chữ đập thẳng vào mắt tôi:

Sách lược Cộng-sản là một sách-lược linh-động, hư hư, thực thực,thiên biến vạn hoá. Cán bộ Cộng-sản áp-dụng lý-thuyết Mát-xít , có thể nói , mỗi nơi một cách, mỗi thời một cách. Ðối với Cộng-sản, lời nói với việc làm, lý-thuyết với thực tế không cần và cũng không thể đi đôi với nhau. Gian dối, lật lọng là thủ-đoạn thường xuyên. Bạo-động , khủng-bố đi kèm với vuốt ve, hứa hẹn. Hoà đấy nhưng rồi chiến đấy. Mục đích của họ là bành-trướng thế-lực, lấn đất, thu hút dân. Ðể đạt được mục đích đó, phương-tiện nào cũng tốt hết, kẻ cả những phương tiện trái ngược với chủ thuyết Mát-xít. Ðó là ưu-điểm nhất thời, mà cũng là khuyết-điểm căn-bản của Cộng-sản Quốc-Tế.

Minh Võ, “Sách Lược Xâm Lăng Của Cộng Sản”

Đoạn văn trên như viết thay cho những gì tôi hiểu về cộng sản. Tuy không trực tiếp nhìn thấy cuộc chiến Việt Nam, nhưng qua sách báo và những điều chính quyền cộng sản Việt Nam, Trung Quốc đang làm với người dân của họ từ trước tới nay, tôi thấy mình sẵn sàng đồng ý với tác giả về nhận xét trên.

Ý muốn được hỏi chuyện người viết quyển sách bỗng chợt đến. Tuy Minh Võ là một tác giả không xa lạ với bạn đọc DCVOnline, nhưng phải mắc cỡ thú thiệt rằng tôi hăm hở đọc Mai Thảo hơn tìm đọc Minh Võ.

Sau vài email nhờ giới thiệu qua lại, tôi đã liên lạc được với Minh Võ. Buồn thay, sức nặng thời gian đang đè nặng lên ông; Minh Võ không thể ngồi lâu trước máy, cũng không nói nhiều, nhưng ông vẫn vui vẻ trả lời những thắc mắc của tôi, hết câu hỏi này tới câu hỏi khác. Giọng Minh Võ qua điện thoại rõ ràng, rành mạch. Mỗi lần tôi quên, hỏi lại, ông vẫn nhớ và nhắc lại điều mình đã nói mấy ngày trước.

Vì tất cả sách biên khảo công phu của Minh Võ đều được viết sau khi ông đã đến Hoa Kỳ, nên tôi muốn biết ông đã làm những gì trước đó.

MLLà tác giả của những chuyên khảo kỹ lưỡng và chi tiết như “Ngô Đình Diệm và Chính nghĩa dân tộc” hay “Hồ Chí Minh ‒ Nhận định tổng hợp”… thế thì lúc còn trẻ có bao giờ anh Minh nghĩ rằng mình sẽ đi vào con đường của những người cầm bút không?

MV: Nói theo nghĩa đen, thầy tôi bắt đầu dạy tôi cầm bút để tô mấy chữ cái mẫu tự ABC rất muộn, lúc tôi đã tám tuổi. Vì thuộc loại trẻ “chậm phát triển” lại sống ở thôn quê. Nhưng nhờ người lớn thường khuyến khích hơn là chê bai nên tôi ráng sức học. Vì thế sau các lớp sơ học tại trường làng, tôi được gửi đến một trường tiểu học địa phương của các sư huynh Thiên chúa giáo dòng La San. Mấy tháng đầu là tôi khóc ròng vì trường dậy hoàn toàn theo chương trình Pháp. Trong lớp các thầy cô giảng tất cả các môn đều bằng tiếng Pháp. Ra chơi các học sinh cũng phải nói chuyện bằng tiếng Pháp. Nhưng sau ba năm cố gắng tôi thi đậu bằng tiểu học (Certificat d’Études Primaire Complémentaire Indochinoise, CEPCI).

MLVậy anh có thích văn học Pháp không?

MV: Thích lắm. Từ khi biết tiếng Pháp tôi bắt đầu đọc một cách thích thú, đúng ra là say mê, những tác phẩm của các văn sĩ Pháp, từ Chateaubriand, đến Alphonse Daudet, Alexandre Dumas, Alfred de Musset, Alfred de Vigny, rồi Victor Hugo, Corneille, Molìere, Boileau, nhất là Racine với những kịch thơ trữ tình của Andromaque, Esther, Judith, Ephigenie, v.v…

MLNói thật, ML không thích văn chương Pháp lắm; có cái gì trong đó mà anh Minh thích đến vậy?

MV: Văn chương Pháp có bốn đặc điểm tôi rất ngưỡng mộ: “bình dị, sáng sủa, chuẩn xác và súc tích” (Simplicité. Clarté. Précision. Concision) Không kể nội dung phong phú đa dạng chứng tỏ óc tưởng tượng và sáng tạo của các tác giả thật tuyệt vời, đối với tôi lúc ấy.

Khi Minh Võ nói tới đây tôi chợt nhớ đến cuốn SLXLCCS, bốn đặc điểm Minh Võ vừa nói được thể hiện khá rõ trong ấy, khiến một người ít đọc các tư liệu về chính trị như tôi cũng cảm thấy “dễ nuốt”.

MLVậy sau này khi học lên thì sao, anh học trường Tây hay trường Ta?

MV: Lúc đó trường Tây ở Hà Nội có Albert Sarraut, Puginier,… nhưng tôi làm sao đủ tiền trả học phí, nên vào Chu Văn An. Nhưng ở đó lại may mắn gặp được những giáo sư Việt văn uyên bác như Nghiêm Toản, Nguyễn Tường Phương. Tôi đâm ra thích Việt văn. Tôi thích Tự Lực Văn Đoàn, nhất là Khái Hưng. Tôi mê “Đợi Chờ” và “Hồn Bướm Mơ Tiên”. Tôi cũng mê đọc tạp chí Tri Tân của Bùi Kỷ. Rất thích lối văn cân đối sâu sắc và đanh thép của Phạm Quỳnh, một trong nhóm bốn ngôi sao văn học: Quỳnh Vĩnh Tố Tốn. Tôi cũng mê đọc “Thượng Chi văn tập” và “Ca dao tục ngữ Việt Nam” nữa.

MLThích “Hồn Bướm Mơ Tiên” thì coi bộ lúc trẻ anh cũng lãng mạn ghê chứ?

MV (cười): Thì lúc nhỏ tôi đã mơ mình sẽ là một thi sĩ hay tiểu thuyết gia viết những truyện tình lãng mạn bằng Pháp văn đó chứ. Lâu lâu còn nằm mơ thấy những điều kỳ thú như đi trên mặt nước, bay bổng lên cao hay đi trên đất mà chân không đụng mặt đất … nữa đấy. Thế là tôi bắt đầu viết nhật ký hàng ngày bằng Pháp văn, để luyện tập. Tôi cố diễn tả tâm trạng mình, và những giấc mơ đẹp, hay kể lại những điều quan sát được trong đời sống.

ML (cũng cười): Trời ơi, thời đó mà có viết blog rồi a? Sao bây giờ anh không viết nữa?

MV: Lúc này sức khoẻ yếu lắm. Không những lưng đau mà ngón tay gõ chữ cũng rất khó khăn. Cái bài “Sám Hối” vừa rồi tôi đã mất cả tuần lễ mới viết xong đấy.

Nghe Minh Võ nói tới đau lưng làm tôi nghĩ tới chính mình, tôi bị chứng gai cột sống hơn năm năm nay, không đau lưng, chỉ đau bắp chân nhưng cái đau âm ỉ vẫn rất khó chịu. Người trẻ còn như vậy huống chi… Vậy mà Minh Võ đã như thế trong bao nhiêu năm?

MLKhi theo ban Văn ở Chu Văn An anh có viết gì không?

MV: Giáo sư chủ nhiệm Nguyễn Tường Phượng thấy tôi cũng khá nên giao cho tôi cùng với một bạn cùng lớp làm tờ đặc san của trường với tư cách tôi vừa đươc bầu làm trưởng lớp 12. Lúc ấy nguyên trưởng lớp Phạm Xuân Vị vừa tự tử vì thất tình. (Vị là con trai thứ của giám đốc học chánh Bắc Việt Phạm Xuân Độ, yêu thứ nữ của hiệu trưởng CVA Vũ Ngô Xán là Vũ Thị Thanh Thủy, nhưng bị cự tuyệt). Với đặc san này tôi đã chập chững bước vào ngưỡng cửa nghề cầm bút.

Tôi những tưởng với năng khiếu và hoài bão của tôi, sau khi đậu tú tài Hai Sinh Ngữ tôi sẽ thi vào đại học Văn Khoa để thực hiện giác mơ văn học bị bỏ dở. Nhưng mấy ai học được chữ Ngờ.

MLLà sao?

MV: Tôi vừa đậu Tú tài Hai thì quân cảnh đến nhà bắt đưa lên xe để vào trường Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức. (mấy năm sau đổi thành Liên Trường Võ Khoa Thủ Đức). Vì năm trước, khi thi tú tài Một tôi đã đổi địa chỉ để “trốn lính”. Nhờ vào danh sách trúng tuyển họ tìm ngay được địa chỉ mới. Nhưng tôi tới quân trường ở Thủ Đức cũng đã trễ hơn nửa tháng. Giấc mơ thi văn sĩ đã dẫn đến hiện thực võ quan bất đắc dĩ. Cây bút của tôi đã bị bẻ gẫy. Từ nay kè kè bên mình là khẩu súng trường Garant M1 nặng ôi là nặng đối với thân hình một cậu học trò nặng 48 kí lô, cao 1m70.

Trong gần sáu tháng học tập và thao dượt quân sự, nhiều lúc tôi đã ọe ra máu. Chỉ mong được trả về đời sống thường dân. Nhưng khí hậu miền Nam và cuộc sống đời lính vui nhộn với những cảnh huống mới lạ đã khiến sức khỏe mau hồi phuc. Và tôi đã có thể tốt nghiệp mãn khoá với cấp bậc thiếu úy, mặc dù điểm số thi tác xạ của tôi ghi bằng số không, phải được đặc ân thi lại mới đủ điểm trung bình. Con số zero tác xạ này đã theo suốt 22 năm binh nghiệp của tôi khiến “thành tích chiến đấu” duy nhất của tôi là có lần bắn trúng một con chó trên sân tập bắn.

ML (cười): Anh Minh hên còn con chó bị xui. Nói vậy lúc đó miền Nam có vẻ thanh bình và tốt đẹp quá hả, ML chỉ nghe người ta nói thôi, với lại nghe những bản nhạc như Tình Bắc Duyên Nam, Duyên Quê, Đất Lành, Tiếng Hò Miền Nam… của Phạm Duy, Phạm Đình Chương… cũng thấy sự trong sáng, giản dị nhưng đầy niềm tin, lòng phấn khởi của người dân thời lúc ấy, như trong bài Tiếng Hò Miền Nam có những câu:

Đường chiều gió thổi vi vu
Tình nghèo vẫn nở như hoa
Ai nghe chăng tiếng hò bao la.
Những tiếng cười đôi ta, Nam Bắc một nhà.

MV: Đúng rồi. Lúc đó lòng người phấn khởi lắm vì không còn người Pháp nữa. Lúc trước trong trường Sĩ Quan tất cả tài liệu giảng dậy đều bằng tiếng Pháp và huấn luyện viên chỉ nói tiếng Pháp. Các trung đội trưởng có thể là người Việt, nhưng đại đội hay tiểu đoàn trưởng đều là người Pháp. Nhưng chỉ một tháng sau khi ông Diệm về làm thủ tướng, mọi sự đã khác: Chỉ huy trưởng, giám đốc Quân Huấn, tham mưu trưởng và toàn bộ cán bộ ở trường đều là người Việt Nam và chương trình huấn luyện cũng như bài giảng và các văn thư đều hoàn toàn bằng Việt ngữ.

MLVị chỉ huy trưởng người Việt Nam đầu tiên là ai vậy?

MV: Đại tá Phạm Văn Cảm. Tuy mấy năm sau thuyên chuyển đi nơi khác (nghe nói vì đã có hành động ủng hộ Tướng Nguyễn Văn Hinh chống Thủ tướng Diệm) nhưng đại tá Cảm vẫn là một trong những sĩ quan VN lên thay các sĩ quan Pháp vào những tháng đầu tiên của thủ tướng Diệm.

MLVậy thì với một tâm hồn thoải mái trong một thân thể khoẻ mạnh, chắc anh sĩ quan Minh Võ mới có sức để viết văn chứ? Ở trường Sĩ Quan Thủ Đức anh có dịp cầm bút trong khi dậy cầm súng không?

MV: Sau gần một năm làm huấn luyện viên, tôi được cử làm trưởng phòng 5. Với cương vị này tôi có một tờ báo tháng, một chương trình phát thanh hàng tuần trên đài Quân Đội ở Saigon và nhiều lớp học tập chính trị cho sinh viên sĩ quan, v.v…Trong khi kiêm nhiệm chức phụ tá thông dịch viên cho cố vấn Mỹ, đại tá Callaway, đại tá chỉ huy trưởng có trao cho tôi dịch cuốn “Leadership” (Thuật Lãnh đạo).

Về cuốn SLXLCCS thì quả là lúc ấy tôi còn trẻ, trí khôn còn minh mẫn. Nhưng viết được nó cũng do tôi may mắn được có môi trường thuận lợi.

ML“Môi trường thuận lợi” là sao?

MV: Sau hai năm làm việc ở quân trường, tôi được nha Chiến Tranh Tâm Lý là cơ quan trung ương của các phòng 5 trên toàn quốc điều về làm trong thuyết trình đoàn. Tôi thường cùng với mấy bậc đàn anh như nhà thơ Hà Thượng Nhân giầu kiến thức và kinh nghiệm sống về Cộng Sản đi nói chuyện với quân nhân tại các đơn vị gần Saigon, có khi thuyết trình tại các quân trường, kể cả trường đại học quân sư bộ Tổng Tham Mưu hay các khoá Chiến Tranh Tâm Lý. Nhờ thế tôi thu thập được một số tài liệu hữu ích.

Rồi giữa năm 1960, nhờ phụ trách phòng Tài Liệu Nha Chiến Tranh Tâm Lý, tôi có dịp tiếp cận với những tài liệu hiếm qúy về Cộng Sản tại thư viện bộ Quốc Phòng thuộc phạm vi trách nhiệm của trưởng Phòng Tài Liệu nha CTTL. Ông giám đốc CTTL dặn tôi “Chỉ cho những ai có giấy phép do ông cấp đọc những sách này”.

MLĐó là những tài liệu gì? Bí mật quốc gia chắc?

MV: Đại khái như vậy. Vì từ trước người ta coi chúng như độc được không được đụng tới. Trong nửa năm ở đó tôi đã ngốn hầu hết các bộ toàn tập của Lenin, Stalin, Mao Trạch Đông, Hồ Chí Minh, và những bài xã luận quan trọng của Trường Chinh (được coi như lý thuyết gia số một của miền Bắc) in trên nguyệt san Nhân Dân coi như bản tóm tắt và đúc kết của nhật báo Nhân Dân. Ngoài ra còn những cuốn về lịch sử đảng CS Trung Quốc, đảng CSVN, v.v…

MLĐúng là toàn“hàng độc” nha. Mà làm sao có được hay vậy?

MV: Lúc đó tôi nghĩ những sách này do sở Nghiên Cứu Chính Trị Xã Hội của bác sĩ Trần Kim Tuyến cung cấp. Nhưng mãi sau này sang Mỹ, gần đây (2007) tôi mới nghe ông Cao Xuân Vỹ cho biết, ngay khi vừa về nước, thủ tướng Ngô Đình Diệm đã chỉ thị cho ông Bùi Công Văn, Tổng Lãnh Sự tại Hồng Kông mua các tác phẩm của Mao Trạch Đông, Bành Đức Hoài, Chu Đức, Diệp Kiếm Anh … Cho nên có lẽ những tài liệu trong thu viện Quân Đội này cũng do tổng lãnh sự quán ở Hồng Kông cung cấp, nếu không tất cả, thì cũng phần lớn. Lúc ấy Hồng Kông còn là hải cảng tự do.

MLNếu đúng như thế thì ông Diệm đã chú ý tới việc nghiên cứu những chiến lược, sách lược của cộng sản ngay từ lúc đầu?

MV: Đúng thế. Ông Ngô Đình Diệm đã ý thức rất rõ về tầm quan trọng của sự tìm hiểu về đường đi nước bước của cộng sản nên ông đã mời rất nhiều người đến làm cố vấn cho ông. Trong đó có linh mục Raymond De Jeagher (tác giả “Kẻ Nội Thù”) lúc đó là cố vấn riêng của Tổng Thống Diệm. Có thể nói Lm. De Jeagher là tự điển sống về các vấn đề Cộng Sản Á Châu, nhất là Trung Cộng. Ngoài ra còn có phái đoàn của tướng Vương Thăng,Trung Hoa Dân Quốc, phái đoàn Sir Robert Thompson và Dennis Duncanson của Anh Quốc, Tướng Vanuxem và nữ sĩ Suzanne Labin của Pháp, v.v… Và cả nhóm người Nga chống Cộng thường được gọi là tổ chức NTS. Còn những phái đoàn Phi, Nam Hàn chống Cộng nữa, tiếc rằng tôi không còn nhớ rõ chi tiết.

MLAnh Minh ơi, nói một hồi thế nào anh cũng lại quay về Tổng thống Diệm! Thôi mình nói về cuốn SLXLCCS đi nhé. Cuốn sách đầu tay phải không? Tại sao lại nghĩ chuyện viết nó vậy?

MV (cười): Nói về ông Diệm vài câu ăn thua gì. Về con người đặc biệt này tôi đã viết gần một ngàn trang sách mà thấy vẫn chưa đủ đấy.

Còn về cuốn Sách Lược, thì đó là khi tôi rời nha CTTL theo anh Hà Thượng Nhân sang đài phát thanh, giám đốc CTTL có nói nửa đùa nửa thật, “Anh sang bên dân sự rồi đừng quên anh em quân nhân bên này đấy nhé. Phải viết cái gì để lại làm kỷ niệm đi.” Nhớ lại những điều tôi học được khi làm trưởng phòng 5 trường Thủ Đức và hai năm phục vụ tại trung ương Nha CTTL, nhất là những tài liệu về CS đọc được khi tạm coi phòng Tài liệu trong sáu tháng, tôi thầm hứa trong đầu là sẽ cố đáp ứng. Thế là chỉ vài tháng sau tôi bắt đầu viết cuốn SLXLCCS.

Thật lấy làm xấu hổ phải nói rằng, nếu không kể vài tác phẩm viết ở Mỹ, đây là cuốn duy nhất tôi viết sau mấy tháng về làm việc ở đài Phát Thanh Saigon, đầu năm 1961. Một cuốn sách mỏng, 200 trang, chẳng thể nào gọi là quan trọng.

MLAnh có thường tiếp xúc với cơ quan mật vụ của ông bác sĩ Trần Kim Tuyến không?

MV: Khi coi phòng tài liệu nha CTTL và cả sau này khi làm ở đài Phát Thanh tôi đều có dịp tới trung tâm thẩm vấn, lấy cớ sưu tầm tài liệu CTTL hay thăm dò dư luận miền Bắc về hiệu quả của các chương trình phát thanh. Tôi đích thân hỏi những người mới “vượt tuyến” đi tìm tự do qua sông Bến Hải. Kiên nhẫn, khéo léo, từ tốn hỏi họ một cách thân mật thì nhiều khi có được những tin tức có giá trị. Đây là những tài liệu sống qúy giá. Sở Nghiên Cứu CT và XH cũng có thể cung cấp những tài liệu học tập chính trị hay nghiệp vụ tình báo trong những sổ tay ghi chú tỷ mỷ của những cán bộ VC bị bắt sống hay trên các tử thi của VC bị giết trong các cuộc hành quân bình định.

Những tài liệu này cộng với những bộ sách đồ sộ mà tôi được đọc ở Thư Viện Bộ Quốc Phòng đã cho tôi một nhận thức khá sâu xa, phong phú về hoạt động tác chiến, tuyên truyền, và chiến lược sách luợc của CS. Chúng cũng cung cấp nhiều bằng chứng về mưu đồ xâm lăng miền Nam.

Cũng nên thêm rằng ngoài những tài liệu mật nói trên, thời Đệ Nhất Cộng Hoà còn có nhiều tài liệu, sách báo công khai nói về Cộng Sản mà ai cũng có thễ mua đọc. Ví dụ cuốn “Bí Danh” (The Secret Name) của nhà văn Trung Hoa Dân Quốc nổi tiếng, Lâm Ngữ Đường, cuốn “Nước đã đến trôn” (Il Est Moins Cinq) của nữ sĩ Suzane Labin, hay cuốn “Trăm hoa đua nở trên đất Bắc” của kỹ sư Hoàng Văn Chí, cuốn “J’ai vécu dans l’enfer communiste et j’ai choisi la liberté” của Gérard De Tongas, và những tác phẩm trứ danh khác của Victor Kravchenko, George Orwell, Arthur Koestler, v.v… mặc dù hai tác giả này là những tiểu thuyết gia viết truyện dựa vào sự việc có thật sống động.

MLQuá trời tài liệu vậy thì làm sao nhét vào nổi tập sách chỉ vài trăm trang?

MV: Lấy một hình ảnh hơi thô thiển, tôi ví trí óc tôi lúc ấy như cái dạ dầy hai ngăn của con trâu cộng với dạ con của bà bầu. Tôi nhai đi nhai lại những kiến thức đã thâu nhận được cho đến khi chúng thấm vào máu thịt tôi, biến nó thành tôi. Và tôi đã cưu mang nó 3 tháng (không phải 9 tháng 10 ngày) trước khi cho nó ra chào đời dưới hình thức đứa con tinh thần đầu tiên và duy nhất của tôi.

Tôi nhớ kỹ vần thơ của Boileau trong tác phẩm trứ danh “L’art poétique”, được đọc khi còn rất nhỏ, là “ Ce qui se concoit bien s’énonce clairement”. Tôi hiểu động từ concevoirtheo cả nghĩa đen và nghĩa bong là thụ thai, thai nghén và quan niệm trong óc. Xin ML đừng cười. Vì phương pháp viết văn này, ai đã ở trong nghề đều biết áp dụng, chẳng có gì lạ. Tại sao tôi lại quan trọng hoá nó vậy? Thú thực vì đây là lần đầu tôi “mang thai”, tôi cưng đứa con của tôi, tôi muốn nói lên những ưu tư và sự săn sóc của tôi đẻ chứng tỏ bổn phận của người làm cha.

MLAnh Minh mẻ chút chút về kỹ thuật viết văn cho mấy người mới vô nghề như ML nghe được không?

MV: Sau mỗi bữa cơm tối, tôi ra ngồi ở một cái bàn ngoài hiên, không cho vợ con quấy rầy (vợ tôi mới 25 tuổi nhưng đã có 4 con từ 4 năm đến 4 tháng tuổi), rồi moi xấp tài liệu liên quan đến một chương hay một đoạn mà tôi tính sẽ viết hôm đó ra xem lại một lần chót. Rồi ra khỏi nhà, đi bách bộ trên con đường trước nhà. Vừa đi vừa suy nghĩ thêm về đề tài sẽ viết. Có lúc thấy tư tuởng chưa thông, tôi vừa vung tay làm một cử chỉ dứt khoát, vừa nói lớn lên ý nghĩ trong đầu. Làm như vậy nhiều lần cho đến khi lới nói diễn đạt đúng ý mình định viết mới thôi. Sau đó tôi vào bàn, viết ra trên giấy. Mỗi tối chỉ viết đầy hai trang.

Cuốn sách tuy nhỏ nhưng chứa đựng những vấn đề lớn là nhờ tôi luôn tâm niệm hai chữ xúc tích (concise) của Pháp. Tôi chọn những từ bình dị, sáng sủa, chuẩn xác. Môt từ đã đủ, thì không dùng hai từ. Một câu đã rõ nghĩa, thì không dùng thêm một câu nữa. Một đoạn đã đủ, thì không thêm một đoạn nữa, v.v… Nhất là tôi rất khắt khe khi chọn một câu hay một đoạn của các tác giả khác đễ dẫn chứng. càng vắn tắt càng tốt. Không được tham. Dĩ nhiên vấn đề suy nghĩ là tối quan trọng. Không thể bàn chi tiết ở đây.

Khi viết xong tôi mang bản đánh máy đưa cho giám đốc CTTL. Ông vui mừng đón nhận, và trao cho ban tu thư chuẩn bị in làm tài liệu học tập của cán bộ tâm lý chiến. Ông chỉ thị phòng kế toán xuất 20 ngàn đồng (khoảng hơn 300 đô la) trả tác quyền cho tôi. Số tiền bằng cả tháng lương của tôi, một đại úy có vợ, 4 con.

MLSách viết xong năm 1961, nhưng tại sao mãi tới tháng Năm 1963 mới xuất bản, còn ghi, “Tác giả xuất bản”?

MV: Vì mấy tháng sau giám đốc CTTL được cử giữ chức vụ khác, Ban tu thư không rõ vì lẽ gì đã không trình lên tân giám đốc. Cuốn sách bị xếp xó. Đợi mãi không thấy sách in ra, tôi đến văn phòng tân giám đốc hỏi. Nhưng chỉ có ông phó tiếp tôi. Ông nói ban tu thư quên. Tôi liền nảy ra ý xin nha CTTL cho phép tôi đứng ra in, viện lẽ, “sợ để lâu mất thời gian tính”. Không ngờ yêu cầu của tôi được chấp thuận ngay. Sách vừa ra khỏi nhà in thì toà đại sứ Anh cho biết đơn của đài Phát Thanh đề cử tôi đi tu nghiệp tại đài BBC đã được chấp thuận. Tôi chuẩn bị gấp để kịp lên đường vào cuối tháng 7. Chính quyền lúc ấy đang phải đối phó với vấn đề Phật Giáo, chẳng ai ngó ngàng tới đứa con tinh thần của một anh đại úy. Duy nhất chỉ có bộ trưởng ngoại giao Vũ Văn Mẫu mua 50 cuốn để các cơ sở ngoại giao ở ngoại quốc sử dụng.

MLAnh có cho giới thiệu, trích đọc một vài đoạn trên đài phát thanh để quảng cáo không?

MV: Không. Tôi rất vụng về giao tế. Ngay anh Hà Thượng Nhân, giám đốc đài, cũng chẳng biết tôi viết cuốn SLXLCCS. Còn tôi chả lẽ lấy quyền trưởng phòng bắt một nhân viên nào đó viết “bình luận” về sách của mình? Cho đến khi nguyệt san Tin Sách của Văn Bút Việt Nam đăng bài của anh Nguyễn Mạnh Côn điểm cuốn sách, thì tôi đã đang chuẩn bị lên đường sang Luân Đôn rồi. Khi viết bài điểm sách, anh Côn còn chưa biết tác giả là ai.

ML (cười): Vậy là anh Minh chưa học được “nghệ thuật” tự vái của Trần Dân Tiên rồi.

MV: Xin đừng nói vậy. Tự vái cũng có nhiều cách. Chẳng hạn ML chẳng đang ép MV tự vái đây hay sao? Vả lại cũng đừng chê Hồ Chí Minh đã dùng bút hiệu Trần Dân Tiên để đúc cốt cho pho tượng của mình. Chẳng những mãi 30 năm sau người ta mới biết TDT chính là HCM, mà cho đến tận ngày nay nhiều sử gia và học giả danh tiếng thế giới vẫn còn tin những gì Trần Dân Tiên viết cách nay trên 60 năm. Xin hãy đọc mấy chương đầu cuốn “HCM-Nhận Định Tổng Hợp” của MV thì rõ. Vì thế tôi đã bảo cuốn sách do Trần Dân Tiên viết là kiệt tác về tuyên truyền của Hồ Chí Minh.

(Còn 1 kỳ)

©2010-2021 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”


Nguồn: Bài đăng lần đầu 11-12/06/2010