Học làm người

Canh Le

Xã hội Việt Nam ngày nay, mắng–quát–chửi–đánh–cướp–giết–hiếp–đốt … tràn lan chính là hậu quả nhãn tiền từ nguyên nhân là kiểu tuyên truyền và kêu gọi “lòng căm thù”, dựng “bia căm thù” của những người cộng sản.

Bài chính tả Chính Tả TÌNH NHÂN LOẠI, trong sách Tân Việt Văn Lớp Nhất của nhà giáo Bùi Văn Bảo (1964, VNCH) Facebook

Ngồi nhậu nhẹt với mấy ông lính Cộng Hòa cũ, rượu say mấy ổng chửi um:

“Đ.m, lính tráng tụi tao đổ xương đổ máu chiến đấu ngoài tiền tuyến, mà tụi tâm lý chiến làm ăn gì như con c…, để hậu phương rối loạn, dân chúng biểu tình tùm lum, ủng hộ Việt cộng, che giấu Việt cộng và nhảy núi theo Việt cộng hà rầm thì quánh đấm cái con mẹ gì nữa mà hổng thua …”

Quả thực là … đúng.

Giới tâm lý chiến của chế độ Việt Nam Cộng Hòa chỉ có một “chiến công” nổi bật nhất là … “Chiêu Hồi”. Họ chỉ dùng những lời văn, câu thơ, nhất là các bài hát thấm đẫm tự tình dân tộc, tình yêu quê hương, hay cùng lắm là dùng các “chương trình Phượng Hoàng”, “biệt đội Thiên Nga” để khiến các chiến binh cộng sản phải mềm lòng mà buông vũ khí, đầu hàng, “hồi chánh”, “trở về với chánh nghĩa quốc gia” …

Nhạc hiệu cho chương trình phát thanh “Chiêu Hồi” là bài hát “Ngày Về” của nhạc sĩ Hoàng Giác :

“Tung cánh chim tìm về tổ ấm, nơi sống bao ngày giờ đằm thắm

Nhớ phút chia ly ngại ngùng bước chân đi, luyến tiếc bao nhiêu ngày xanh” …

Hoàng Giác, Ngày Về

Có lẽ, trong một xã hội có nền Giáo Dục mang triết lý “Nhân Bản – Dân Tộc – Khai Phóng”, người ta không thể và cũng không muốn giáo dục lòng căm thù cho dân chúng. Nếu sàng lọc ca từ trong số lượng lớn những bài hát Nhạc Vàng thì số từ “căm thù”, “quân thù”, “giặc thù” chỉ đếm được trong khoảng mười đầu ngón tay … Hoặc có khi từ “thù” lại được đặt trong ngữ cảnh ngược lại:

“Hãy nhìn lại, người anh em trên chiến trường xa

Hãy nhìn lại, tìm đâu ra những nét mặt thù” …

Trịnh Công Sơn , Hãy Nhìn Lại

Nếu như dưới chế độ cộng sản, “bia căm thù” được dựng lên khắp nơi cả ở Miền Bắc trong thời gian chiến tranh lẫn ở Miền Nam sau chiến tranh, thì dưới chế độ Cộng Hòa hầu như không có một tấm “bia căm thù” nào.

Đánh bom nhà hàng nổi Mỹ Cảnh – 1965 …, không có “bia căm thù.”

Thảm sát Dak Son – 1967 …, không có “bia căm thù.”

Thảm sát Huế – Mậu Thân 1968 …, không có “bia căm thù.”

Thảm sát Đại Lộ Kinh Hoàng – Mùa Hè Đỏ Lửa 1972 …, không có “bia căm thù.”

Pháo kích trường tiểu học Cai Lậy – 1974 …, không có “bia căm thù.”

Cũng không có một chiến dịch tuyên truyền rầm rộ và dài hơi nào để nhắc nhớ và kêu gọi “lòng căm thù” sau những vụ thảm sát đó, chỉ có một số bài báo tường thuật lại ngay sau sự kiện rồi mau chóng chìm lắng vào nhịp sống thường ngày …

Có một câu nói của tổng thống Nguyễn Văn Thiệu:

“Đừng nghe những gì cộng sản nói, mà hãy nhìn kỹ những gì cộng sản làm.”

T.T. Nguyễn Văn Thiệu

Nhưng chế độ Cộng Hòa đã không có những chiến dịch tuyên truyền rầm rộ và dài hơi để cho dân chúng “nhìn kỹ những gì cộng sản làm” mà biết, mà nhớ …

Dân chúng không bị nhắc nhớ và “căm thù” Việt cộng, trong khi Việt cộng lại rất giỏi tuyên truyền và dối trá, nên dân chúng cứ biểu tình phản chiến, ủng hộ Việt cộng, che giấu Việt cộng và nhảy núi theo Việt cộng, khiến hậu phương rối loạn thì binh lính ngoài tiền tuyến cũng hoang mang, thua là cái chắc!

Nhìn kỹ những gì cộng sản làm. Nguồn: Facebook

Ờ, mà nếu dân chúng cứ biểu tình phản chiến, ủng hộ Việt cộng, che giấu Việt cộng và nhảy núi theo Việt cộng, thì Việt Nam Cộng Hòa chấp nhận thua, để cho dân chúng được toại nguyện sống với cộng sản cho “sáng mắt sáng lòng” …

Nếu chế độ Việt Nam Cộng Hòa cứ khoét sâu vết chiến thương thảm sát, dân chúng bị nhắc nhớ và “căm thù” Việt cộng thì có thể không thua, nhưng sau chiến tranh thì hậu quả của “lòng căm thù” là gì?

Liệu có thể xây dựng được một xã hội lành mạnh với “lòng căm thù”?

Chuyện gì cũng có nguyên nhân và hậu quả.

– “Gieo suy nghĩ, gặt hành động; Gieo hành động, gặt thói quen; Gieo thói quen, gặt tính cách; Gieo tính cách, gặt số phận.”

– “Phàm làm điều gì trước phải nghĩ kỹ đến hậu quả của nó.”

– “Nghiệp báo không có lựa chọn. Bạn sẽ nhận lãnh những gì mà bạn xứng đáng.”

Xã hội Việt Nam ngày nay, mắng–quát–chửi–đánh–cướp–giết–hiếp–đốt … tràn lan chính là hậu quả nhãn tiền từ nguyên nhân là kiểu tuyên truyền và kêu gọi “lòng căm thù”, dựng “bia căm thù” của những người cộng sản.

Nghe nói, gần đây, bộ giáo dục cộng sản bắt đầu tập tành “dạy làm người”. Nó chính là triết lý “Nhân Bản” trong nền Giáo Dục Việt Nam Cộng Hòa mà những người cộng sản đã đạp đổ xóa tan từ mấy chục năm trước!

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”


Nguồn: Canh Le, Facebook, 18 October 2019. DCVOnline biên tập minh họa và đề tựa.