Phía bên kia Đường 110

Angela Kökritz | Phạm Hồng-Lam dịch

Black Lives Matter trước đây 100 năm: Cuộc phục hưng ở Harlem, khu phố phía bắc Manhattan, là một hạt mầm cho phong trào tranh đấu dân quyền của người Mỹ gốc châu Phi. Cuộc phục hưng này đã châm ngòi cho một ngòi pháo văn hoá, và ánh sáng của ngòi pháo này chưa bao giờ lại toả mạnh như hôm nay.

Nhảy múa trên đường phố: Schülerinnen ở Harlem, New York, 1925 © New York Daily News / Getty Images

Harlem năm 1921: Nơi đây mỗi lần dạo phố là một cuộc phiêu lưu kỳ thú: „Ta khoác vào mình bộ đồ vía, để thong thả dạo chơi với bạn bè, người quen và – nhất là – với người lạ, mà chắc chắn ta sẽ gặp trên đường“, đó là lời kể của nhà văn James Weldon Johnson đã ghi lại trong cuốn sách Black Manhattan của ông vào năm 1930. Nhởn nhơ qua lại trên các đường phố là những người Mỹ gốc châu Phi, những người Jamaica, Cuba, Haiti, những người từ các hải đảo Brahama và Curaçao. Hai bên đường, các nhà băng, quán sách báo, phòng mạch bác sĩ, văn phòng luật sư, văn phòng bảo hiểm và khách sạn do người da đen làm chủ chào mời khách hàng. Các nhà thờ của người da đen, có tới 160 ngôi vào năm 1928, mở rộng cửa đón tín đồ.

Có lẽ khách đi dạo cũng bắt gặp nhà tiên tri chân đất, một người đàn ông cao to với mái tóc dợn sóng và bộ râu trắng, suốt mùa đông hay mùa hè nào cũng có mặt, lang thang hết đường này tới phố kia để rao giảng Tin Mừng. Hoặc gặp bà buôn Lilian Harris, người chào bán chân heo hầm đặt trong một chậu thau giặt quần áo lớn, và nhờ đó về sau đã trở thành một doanh gia địa ốc giàu nứt vách. Gần như mỗi tuần đều có một cuộc diễn hành ở Harlem. Các nghệ nhân, các văn thi sĩ đi tìm bản sắc cùa mình. Bessie Smith, Luis Armstrong và Duke Ellington chơi nhạc trong các phòng trà. Josephine Baker đang chuẩn bị ra mắt trong vở nhạc kịch Shuffle Along, một cuộc ra mắt rồi sẽ đưa cô lên đài danh vọng. Mỗi vài tuần người ta lại khám phá ra một điệu nhảy mới: Swing, Charleston và Lindy Hop, Black Bottom, Truckin và Snakehips. Trong các hộp đêm lậu (Speakeasies) rượu vẫn chảy, dù có lệnh cấm. Thời đại nhạc Jazz mở đầu, và không đâu ở Harlem nhảy nhót siêng như tại Black Metropolis, vốn là Mekka (trung tâm hành hương) của New Negro, như triết gia Alain LeRoy Locke nói tới trong một tập sách xuất bản năm 1925. Đó là một thập niên đầy sáng tạo: cuộc phục hưng của Harlem.

Thà làm người rửa chén ở New York còn hơn làm hiệu trưởng một trường trung học ở Kansas City”, đó là câu nói cửa miệng trong thập niên 20´của hàng ngàn người, trong đó có nhiều người Mỹ gốc châu Phi đến từ miền nam Mỹ quốc. Tự khởi thuỷ Harlem là một khu phố của người giàu da trắng. Nhưng doanh gia địa ốc Philipp A. Payton Jr., một người Mỹ gốc châu Phi, đã cho những người da đen đến Harlem thuê nhà, bất chấp mọi chống đối, nên rốt cuộc đã biến khu này thành nơi trú ngụ của đa số dân da đen.

Nhưng giá thuê nhà không rẻ, dù người thuê là dân thuộc tầng lớp trung lưu. Để có thể có tiền trả, nhiều người vì thế đã bày ra những rent parties: người ta tổ chức những buổi dạ hội có bán vé vào cửa ngay tại nhà riêng của mình, trong đó khách được ăn bữa tối với nhạc sống, sau đó được phép khiêu vũ hay chơi bài. Có những người thuê một tay canh cửa lực lưỡng, để làm nản lòng những thực khách nào đó có ý định khiêng luôn bàn ghế về nhà mình. Nguồn gốc của cuộc sống sinh hoạt văn hoá sinh động của Harlem cũng khởi đi từ những cuộc hội họp gia đình này.

Cũng giống như New York, nhiều thành phố kỹ nghệ miền bắc nước Mỹ từ 1910 trở đi cũng tiếp nhận nhiều đợt người da đen đến từ các tiểu bang miền nam. Và cuộc đại di cư (Great Migration) này kéo dài cho tới năm 1970. Những đợt di cư được tăng nhanh bởi cuộc Thế Chiến Thứ Nhất. Từ lâu, các nghiệp đoàn công nhân đã tìm mọi cách để ngăn cản không cho người da đen vào làm trong các nhà máy. Nhưng chiến tranh đã làm gián đoạn phong trào di dân từ Âu Châu sang Mỹ, nên các xí nghiệp tại đây thiếu hụt trầm trọng nhân công, để tiếp tục sản xuất vũ khí cho chiến tranh.

Hàng triệu người da đen đã chớp lấy cơ hội, để chạy trốn khỏi những cuộc sát hại vì kỳ thị chủng tộc tại các tiểu bang miền nam. Các sử gia ướm chừng đã có tới hơn 2500 người da đen bị thanh toán chỉ từ 1889 cho tới 1913. Tại một số nơi, người ta thích lấy cảnh người da đen bị treo cổ làm hình mẫu in trên các tấm thiệp bưu điện của họ. Người đấu tranh dân quyền  William Edward Burghardt (W.E.B.) Du Bois nói rằng, sau “những cuộc rối loạn chủng tộc” năm 1906 tại Atlanta, ông thấy sau cửa sổ một tiệm bán thịt, bên cạnh những miếng thịt chào hàng, có một khúc xương mắt cá của một người bị treo cổ bị vằm chặt bằng một thanh gươm.

William Edward Burghardt Du Bois (23 tháng 2 năm 1868 – 27 tháng 8 năm 1963) là một người hoạt động dân quyền người Mỹ, người lãnh đạo, nhà xã hội học, nhà giáo dục, sử gia, nhà văn, biên tập viên, nhà thơ và học giả. Ông sinh ra và lớn lên ở Great Barrington, Massachusetts. Ông có hai con với vợ là Nina Gomer. Ông nhập tịch Ghana vào năm 1963 ở tuổi 95 – năm ông qua đời. Nguồn:  NAACP

Bạo lực man rợ đó là một chuyện. Chuyện thứ hai là việc tước bỏ có hệ thống các quyền của người da đen: Với khẩu hiệu trơ trẽn “Phân cách, nhưng đồng đều” các tiểu bang miền man đã dùng cái gọi là Luật Jim Crow để loại người da đen ra khỏi nhiều lãnh vực đời sống công và tước quyền công dân của họ, những quyền mà luật bãi bỏ nô lệ năm 1865 đã cho phép họ được hưởng.

Chính tinh thần đấu tranh chống lại chủ trương kỳ thị chủng tộc đã dấy lên cuộc phục hưng nơi các tri thức và nghệ sĩ ở Harlem. Du Bois là một trong số những người đó; ông là một trí thức nhạy bén, đã học ở Harvard và ở Berlin. Năm 1909, ông là một trong những người thành lập National Association for the Advancement of Colored People (NAACP). Năm sau đó, ông dời tới Harlem và ra tờ nguyệt san của NAACP có tên là The Crisis. Du Bois không muốn làm một công dân hạng hai.

Như vậy, chủ trương của ông đi ngược lại với đối thủ của mình là Booker T. Washington, người vốn chủ trương chỉ nâng cao sự thu nhập kinh tế cho người da đen mà thôi (B. T. Washington lập ra Tuskegee Institut để dạy nghề thủ công cho người da đen). Washington cho rằng, việc đòi bình đẳng là “chuyện điên rồ cực đoan nhất”; ông bảo, chẳng có gì nguy hiểm hơn chống đối và nổi loạn.

Du Bois cũng mâu thuẫn sâu sắc với một người cùng có lối nghĩ triệt để như ông nhưng đã đi tới những kết luận hoàn toàn khác, đó là Marcus Garvey, người Jamaica, tới Harlem năm 1916.

Garvey có biệt tài ăn nói, một người của quần chúng, rực lửa và độc đoán. Du Bois kinh sợ Garvey, không phải chỉ vì anh này ít học hơn mình, mà cả vì anh ta loan truyền một thứ chủ nghĩa dân tộc cho người da đen, trong lúc Du Bois triệt để chống lại mọi hình thái kỳ thị. Garvey cùng các đồng chí bận đồng phục tuần hành khắp dường phố Harlem. Anh ta muốn đưa tập thể thiểu số da đen bị áp bức về định cư trở lại ở một Phi Châu đã được giải phóng khỏi chế độ thực dân. Để thực hiện mục tiêu này Garvey thành lập Black Star Line, một công ty hàng hải cho người da đen. Nhưng công ty này đã kết thúc với một thảm hoạ tài chính: Năm 1923 Garvey phải vào tù về tội lừa đảo, và năm 1927 bị trục xuất khỏi nước Mỹ. Dù vậy, những người theo vẫn tiếp tục trung thành với ông.

Cả Du Bois lẫn Garvey đều thuộc vào Harlem. Cho dù chủ trương khác biệt, cả hai đã góp phần nâng cao niềm tự tin của người da đen. Sự tự tin này đã được thể hiện rõ ràng qua cuộc phục hưng ở Harlem sau cuộc Thế Chiến Thứ Nhất.

New York, ngày 17 tháng Hai 1919: Những đám đông tụ tập hai bên đại lộ số 5 hoan hô binh sĩ của trung đoàn 369 bộ binh vừa chiến thắng từ chiến trường Âu châu trở về. Trung đoàn 369 gồm hầu hết người Mỹ gốc châu Phi xen lẫn một vài người lính tự nguyện từ Puerto Rico. Lính của binh đoàn này cũng được người dân ở đây gọi là những “Harlem Hellfighters”.

Soldiers of the 369th (15th N.Y.), awarded the Croix de Guerre for gallantry in action, 1919. Left to right. Front row: Pvt. Ed Williams, Herbert Taylor, Pvt. Leon Fraitor, Pvt. Ralph Hawkins. Back Row: Sgt. H. D. Prinas, Sgt. Dan Storms, Pvt. Joe Williams, Pvt. Alfred Hanley, Cpl. T. W. Taylor. US National Archives website

Cuộc chào đón không phải chuyện đương nhiên: Bộ tổng tham mưu lính Mỹ ở Âu Châu  đã gặp khó khăn với những đoàn quân người Mỹ gốc châu Phi. Họ không thể nào tưởng tượng được việc để những đoàn quân này cùng chiến đấu ngang hàng bên cạnh những binh đoàn da trắng. Vì thế, họ đã để cho các đoàn quân da đen kết hợp chiến đấu với quân đội Pháp – nhưng trong một tài liệu mật họ cảnh báo quân Pháp không được coi những người lính Mỹ đa đen là đồng đội. Ngoài ra “những tiếp xúc thân mật giữa các anh lính da đen với các phụ nữ da trắng cũng đã khiến cho đám lính Mỹ da trắng điên tiết”.

Nhưng lính Pháp lại mến các tay Harlem Hellfighters, nhất là yêu nhạc Jazz do ban James Reese Europe[1] Kompanie của họ chơi. Chính phủ Pháp trao huy chương Croix de Guerre cho Trung đoàn 369 Bộ binh và vinh danh đặc biệt 171 chiến binh của Trung đoàn Bộ binh này. Khi đang đóng quân ở Brest để chờ tàu chở về lại quê hương, binh sĩ của đoàn 369 này đã bị các quân cảnh da trắng của Mỹ ở đây làm nhục một cách tàn bạo. Nhưng ngày 17 tháng Hai này dân New York đã hân hoan đón đoàn quân trở về như những người hùng. Với đội hình chỉnh tề đoàn quân diễn hành qua Đại Lộ số 5. Nhưng khi vừa tiến vào Harlem và nghe ban nhạc James Europes Brass trổi lên bản Here Comes My Daddy Now, đội hình vỡ và đoàn quân nhún nhảy theo điệu nhạc. Harlem như oà vỡ.

Thiếu úy James Reese Europe và ban nhạc Trung đoàn bộ binh 369 (Những người lính địa ngục Harlem/Harlem Hellfighters), năm 1919. Nguồn: National Archives, Washington, D.C. (533506)

Trong chiến tranh các binh sĩ da đen cũng có những phận vụ như lính da trắng. Nhưng tại sao họ lại không có những quyền như lính da trắng? Và phải chăng tổng thống Woodrow Wilson đã không hứa hẹn về quyền tự quyết của các dân tộc? Lời hứa đó cũng đã nhóm lên nơi những người lính da đen niềm hy vọng về quyền tự quyết, về sự bình quyền và tự do.

Trong phạm vi nghệ thuật xem ra người da đen đã gần có được sự công nhận và bình đẳng. Nhiều nghệ nhân âu châu hướng về Phi Châu với cái nhìn mới: Pablo Picasso, Georges Braque và Henri Matisse đi tìm hứng khởi nơi nghệ thuật điêu khắc phi châu. Paris ngợi ca nhạc Jazz, nghệ thuật châu phi và điệu nhảy của Josephine Baker.

Ở Mỹ, người da đen lúc này không những đòi được bình quyền. Họ cũng muốn từ đây được sống mà không phải đeo mặt nạ.

Mặt nạ là những lối nhìn (Klischees) qua đó người da trắng dùng để định nghĩa người da đen. Ai chịu khuất phục trước họ, người đó mới được sống tương đối bình yên. Các Blackface Minstrel Shows, trong đó các kịch sĩ da trắng vẽ đen mặt mình một cách kệch cỡm, trình bày cho khán thính giả thấy cái hình ảnh đặc trưng đầy định kiến đó. Theo các màn trình diễn này, một “Nigger” tiêu biểu là một thằng con nít có bộ mặt buồn bã hay dị hợm với dáng chậm chạp và lười biếng, nhưng trong lòng lại căng đầy dục vọng xác thịt; một mẫu hình để cho người dân Mỹ da trắng chế diễu và kinh hãi, bởi vì mẫu hình này trái ngược lại hoàn toàn mẫu người chăm chỉ và đạo đức theo thanh giáo (Puritanismus) của những cư dân lập quốc da trắng ban đầu của họ.

Hình ảnh méo mó của các màn diễn Minstrel đã ấn dấu nơi tâm trí và cơ thể của người dân da đen như thế nào? Điều này được W.E.B. Du Bois mô tả rõ như sau:

Đó là một cảm giác kỳ lạ, một sự ý thức kép, luôn nhìn mình qua con mắt của người khác, luôn đo hồn mình bằng những tiêu chuẩn của một thế giới vốn cười cợt nhìn mình với sự khinh miệt và thương hại.”

Các nam nữ nghệ sĩ da đen ở Harlem – và không lâu sau đó cả ở nơi các thành phố khác trên nước Mỹ – hết nhìn mình bằng con mắt của người ngoài. Họ không còn mang mặt nạ nữa khi hát, viết hay vẽ. Một khuôn mặt nổi bật nhất trong họ là thi sĩ Langston Huges. Thơ của ông thường nói về những con người bình dị với những phẩm giá cơ bản của họ. Như một ca sĩ nhạc buồn (Blues) Huges kể những tình cảnh buồn da diết, nhưng chân thực và đầy sinh động. Bài thơ Song for a Dark Girl của ông là một thí dụ. Nó kể chuyện một cô gái trẻ da đen thương khóc người yêu của mình vừa bị treo cổ ở một ngã tư gần đó.

Phẫn nộ, thất vọng và vui sống là những hoạt cảnh đan xen nơi nghệ thuật phục hưng của Harlem; và nghệ thuật này luôn luôn đi tìm cho mình một chân dung ở phía bên kia những chân dung mang chất bài chủng tộc do người ngoài gán cho mình. Thời đó, rất ít người Mỹ gốc châu Phi có thể kể về lịch sử gia đình mình quá hai thế hệ, vì mối liên hệ của họ với quê hương phi châu đã bị cắt lìa. Sử gia Nathan Huggins năm 1971 kể trong cuốn sách của ông viết về sự phục hưng Harlem: nhiều người tỏ ra hổ thẹn, khi hồi tưởng về thời nô lệ của họ; điều này cho thấy, các giá trị của người Mỹ da trắng đã thấm nhiễm vào họ đến mức nào, những giá trị vốn coi sự tự quyết và tự do cá nhân vượt trên tất cả mọi thứ khác.

Nhưng dù những kẻ chủ trương chế độ nô lệ có tìm mọi cách lấy đi khỏi người nô lệ căn cước và lịch sử của họ, nỗ lực này đã không hoàn toàn thành công. Những nghệ nhân gốc châu Phi vẫn còn có thể múc lấy hứng khởi cho mình từ những minh triết truyền kỳ của dân tộc, từ năng khiếu âm nhạc và tính chất hài hước của ngôn ngữ, từ bi kịch tôn giáo, từ truyền thống âm nhạc và truyện kể. Nghệ nhân Aaron Douglas, một trong những khuôn mặt ấn dấu mạnh nhất của thời phục hưng Harlem, đã viết trong những năm 1920´:

Chúng ta hãy xắn tay áo lên, và hãy băng xuyên qua tiếng cười, nỗi đau, sự buồn rầu, hy vọng và thất vọng, để đi vào chiều sâu của hồn dân tộc.”

Aaron Douglas
Aaron Douglas (26 tháng 5 năm 1899 – 2 tháng 2 năm 1979) là một họa sĩ, người minh họa và thày dạy hội họangười Mỹ. Ông là một nhân vật quan trọng trong thời kỳ Phục hưng Harlem. https://kentakepage.com

Harlem trong những năm đó cũng đã lôi cuốn các cư dân New York da trắng và khách du lịch vào trong những hộp đêm, những Party lậu và những buổi diễn trò hài hước (Cabarets). Harlem vốn thanh lịch, là một liều thuốc chống lại chủ nghĩa thanh giáo; nó cung cấp đủ thứ: nhảy nhót, ca nhạc, tình dục, rượu và ma tuý; nó giải toả mọi ngượng ngập, chào mời khách một chút của lạ, mà chẳng cần phải đi đâu xa. Đã có lúc các văn thi sĩ da đen được các mạnh thường quân da trắng tài trợ; thoảng hoặc các mạnh thường quân này còn cổ võ cho quan điểm của họ về cuộc sống “sơ khai và chân thật” của dân tộc châu Phi. Sora Neale Hurston, một nhà dân tộc học và nhà văn, thời đó đã châm biếm gọi họ là những “Negrotarians”, những người da trắng có tiền đang ngồi bàn tiệc với dao nĩa bằng bạc và trứng cá muối nhâm nhi các nỗi khốn khổ của những người lao động da đen. Thời kỳ phục hưng của Harlem kéo dài cho tới cuộc vỡ sàn chứng khoán vào tháng Mười 1929. Nhưng mãi về sau, khu phố này vẫn là khối nam châm thu hút các nghệ nhân da đen. Và gia sản của Harlem thời phục hưng vẫn tiếp tục sống cho tới ngày nay: Nó đặt nền móng cho phong trào tranh đầu dân quyền sau Thế Chiến Thứ Hai và cho sự chiến thắng hoàn vũ của văn hoá người Mỹ gốc châu Phi. Tiếng vang của nó vẫn vọng lên từ những cuộc phản kháng hiện nay chống lại bạo lực và kỳ thị chủng tộc. Bài thơ nổi tiếng Cả Tôi Nữa của Langston Hughes có những câu:

 „Tôi là người anh em có nước da đậm hơn, / Người ta đẩy tôi vào nhà bếp để ăn, / khi các thực khách tới. / Nhưng tôi cười / Và ăn no / Và trở nên mạnh mẽ.“

Langston Hughes (1902 – 1967)
Impossible Paradise. Langston Hughes đọc.

Tác giả | Kökritz là ký giả của „Die Zeit“ ở Đức. Từ 2011 tới 2014 Bà là phóng viên cho Die Zeit tại Peking. Vì những bài phóng sự gây nhức nhối cho chế độ tại đây, công an và mật vụ Trung Hoa cộng sản đã muốn ám hại bà, sau khi đã bắt cô phụ tá người Hoa của bà. Với sự giúp đỡ kín đáo của Toà Đại Sứ Đức ở Beijing, Kökritz đã thoát được khỏi Hoa lục trong đường tơ kẽ tóc. Từ 2017 tới nay Bà là phái viên của Die Zeit tại Phi Châu.  

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”


Nguồn | Nguyên tác: Angela Kökritz, Jenseits der 110. Straße. Die Zeit, số 1, ngày 30.12.2020.
Bài do người dịch gởi đến DCVOnline. Đã đăng trên Diễn Đàn Việt Nam 21, ngày 10 tháng 1, 2020. DCVOnline biên tập, phụ chú và minh họa.

[1] Đường 110 chạy giữa Harlem và Công viên Chính ở thành phố, là ranh giới không chính thức của chủng tộc và giai cấp vào những năm 1970 của Thành phố New York.

[2] Thiếu úy, trưởng ban nhạc (369th Infantry Regiment (United States), Wikipedia)