Sự thất bại của Chủ nghĩa bảo hộ của Trump

Phil Gramm và Pat Toomey | DCVOnline

Việc cắt giảm thuế và bãi bỏ quy định đã thúc đẩy phát triển. Thuế nhập cảng không ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế cũng như những tiểu bang chính.

Donald Trump là ứng cử viên tổng thống đầu tiên của Hoa Kỳ thời hậu suy thoái đã biến chủ nghĩa bảo hộ trở thành một kế hoạch chính trong cương lĩnh của ông. Trong cuộc vận động tranh cử năm 2016, ông đã trình bày nó, cùng với việc cắt giảm thuế và bãi bỏ quy định, như một liều thuốc giải độc để phục hồi nền kinh tế yếu kém của Tổng thống Obama — giai đoạn yếu nhất trong thời kỳ hậu chiến. Trong hai năm đầu tiên trên cương vị tổng thống, ông Trump đã dỡ bỏ gánh nặng pháp lý và thúc đẩy việc cắt giảm thuế lớn, chính sách này này đã kích hoạt sự gia tăng thu nhập và việc làm. Sau đó, ông chuyển sang chương trình nghị sự theo chủ nghĩa bảo hộ của mình, vốn làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế và không thắng được ở  Michigan, Pennsylvania hoặc Wisconsin trong cuộc bầu cử năm 2020. Chủ nghĩa bảo hộ đã thất bại cả về cả hai mặt, chính sách kinh tế và chiến lược chính trị.

Ảnh: David Klein

Phần lớn sức hấp dẫn của chủ nghĩa bảo hộ của Hoa Kỳ thời hậu chiến đến vì nỗi nhớ về một huyền thoại lâu đời: “thời kỳ vàng son của ngành sản xuất Hoa Kỳ.” Đã có một thị trường sản xuất vào những năm 1950 và 60, nhưng khi đó nó không được giới hoạch định chính sách thiết kế và không thể tái tạo ngay bây giờ. Đó là một sự bất thường không bền vững xuất hiện vì Thế chiến thứ hai.

Hoa Kỳ nổi lên sau cuộc chiến với một nền tảng kỹ nghệ gần như hoàn toàn mới, một phần tiếp theo từ vai trò thời chiến là “kho vũ khí lớn của nền dân chủ.” Với phần lớn phần còn lại của thế giới phát triển nằm trong đống đổ nát, Mỹ đã tận hưởng vị thế độc quyền ảo trong lĩnh vực sản xuất kỹ nghệ nặng trong một phần tư thế kỷ. Trong những năm 1950, thu nhập trung bình hàng giờ thực tế trong lĩnh vực sản xuất tăng vọt 34,5% — gấp nhiều lần mức tăng trưởng của họ trong những năm 1970.

Vào giữa những năm 1970, châu Âu và Nhật Bản đã trỗi dậy từ đống tro tàn của chiến tranh và Nam Hàn và Đài Loan đã kỹ nghệ hóa. Đến năm 1976, xuất cảng hàng sản xuất của Hoa Kỳ đã trở lại mức thời tiền chiến, tính theo tỷ lệ phần trăm của mức xuất cảng toàn cầu, và sau năm 1979, số việc làm trong lĩnh vực sản xuất của Hoa Kỳ giảm trên do nỗ lực đã thực hiện để tự động hóa, giảm chi phí lao động và lấy lại khả năng cạnh tranh. Trong khi số việc làm trong lĩnh vực sản xuất giảm từ 32% tổng số việc làm vào năm 1953 xuống còn 8,7% vào năm 2015, thì số việc làm chế tạo trong tổng sản phẩm quốc nội thực tế hầu như không đổi do năng suất tăng lên.

Như Trump nhận thấy khi ông đánh thuế nhập cảng vào thép và nhôm, kết quả là sự gia tăng việc làm trong những ngành này là rất nhỏ. Điều này không có gì đáng ngạc nhiên: Vào năm 1980, phải mất 10,1 giờ công để sản xuất một tấn thép. Nhờ tự động hóa, con số này đã giảm xuống 1,5 giờ công để sản xuất một tấn vào năm 2017, với một số xưởng sản xuất thép đạt đến 0,5giờ công/1 tấn thép. Việc làm đạt được trong ngành thép và nhôm sau khi đánh thuế  nhập cảng thua xa số việc làm đã mất trong các ngành sử dụng thép và nhôm trong tiến trình sản xuất của họ, chưa kể những việc làm bị mất do sự trả đũa ngoại thương.

Sự không chắc chắn về ngành kỹ nghệ nào sẽ bị tổn thương tiếp theo đã khiến giới đầu tư tư nhân giảm trên toàn nền kinh tế. Tăng trưởng GDP, vốn đã tăng vận tốc trong năm 2017 và 2018, đã giảm 20% trong năm 2019, từ 2,9% xuống 2,3%, phù hợp với ước tính của Văn phòng Ngân sách Quốc hội về tác động tiêu cực của các chính sách bảo hộ.

Chủ nghĩa bảo hộ thậm chí còn làm tổn hại đến hoạt động sản xuất ở những tiểu bang mà nó được cho là có ích. Theo Cục Thống kê Lao động, việc làm trong lĩnh vực sản xuất ở Michigan, Pennsylvania và Wisconsin, vốn đã tăng trong năm 2017 và 2018, bắt đầu giảm vào năm 2019 khi chiến tranh thương mại gia tăng.

Quan điểm cho rằng chủ nghĩa bảo hộ có thể mang lại hàng triệu việc làm trong lĩnh vực sản xuất và thu hút một số lượng phiếu bầu đáng kể ở các tiểu bang kỹ nghệ đã lỗi thời, cũng như chính cuộc tranh luận thương mại. Ví dụ, thâm hụt thương mại trở nên vô nghĩa khi có quá nhiều phụ phẩm của Hoa Kỳ trong tổng giá trị của hàng nhập cảng như sản phẩm kỹ nghệ và khi hầu hết hàng nhập cảng từ Mexico, Canada và thậm chí Trung Hoa đã được chính các công ty Hoa Kỳ của các quỹ hưu trí của Hoa Kỳ sản xuất — và do đó mặt hang nhập cảng đó, nói cách khác, do chính công nhân Hoa Kỳ chế tạo.

Hầu hết người Mỹ không còn coi chủ nghĩa bảo hộ là hữu ích hoặc khả thi. Vào năm 2016, 72% người Mỹ coi ngoại thương là cơ hội để tăng trưởng kinh tế hơn là một mối đe dọa, mức đánh giá chấp thuận cao nhất kể từ khi Gallup bắt đầu thăm dò. Đến năm 2020, sự chấp thuận đã tăng lên 79%.

Nếu thông điệp thương mại của ông Trump giúp ích cho ông trong cuộc bầu cử năm 2016, đó là vì ông bày tỏ lo lắng về hoàn cảnh của những người dân lao động đã phải thua thiệt một cách không cân xứng trong thời kỳ Obama “trì trệ thế tục”, chứ không phải vì chủ nghĩa bảo hộ đã phổ biến. Ngay cả trong số những người ủng hộ Trump, một cuộc thăm dò sau bầu cử năm 2020 của YouGov cho thấy 60% tin rằng ngoại thương giúp ích cho nền kinh tế. Dữ kiện về hình thức bỏ phiếu của Lordstown, Ohio — nơi ông Trump hứa vào năm 2017 sẽ cứu việc làm của công nhấn sản xuất ở địa phương — cho thấy rằng chính mối quan tâm mà ông Trump bày tỏ, chứ không phải khả năng cứu nhà máy General Motors, đã thu hút phiếu bầu của họ ngay từ đầu.  Dù sao thì nhà máy cũng đã đóng cửa và cử tri khu vực đó bỏ phiếu cho ông Trump vào năm 2020 thậm chí còn lớn hơn năm 2016.

Vì mức lương trả cao hơn cho việc làm cần có bằng đại học so với bằng tốt nghiệp trung học gần như tăng gấp đôi từ năm 1967 đến Năm 2017, giới công nhân lao động Mỹ bị bỏ lại phía sau nhiều hơn. Trong cùng thời gian, sự bùng nổ của các khoản thanh toán chuyển nhượng đã khiến tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của nhóm những người có thu nhập thấp nhất giảm xuống. Đến năm 2017, các khoản thanh toán chuyển nhượng của chính phủ đã tăng lên đến hơn 91% trong thu nhập trung bình $ 49,613 của họ. Các khoản thanh toán của chính phủ cho những người không làm việc đã gần bằng thu nhập sau thuế của những người lao động tay chân, gây ra sự phẫn nộ. Những biểu hiện khinh thường của Hillary Clinton chỉ làm tăng thêm cảm giác rằng nước Mỹ đã không còn quan tâm và tôn trọng người lao động nữa, đồng thời giúp việc bày tỏ mối quan tâm của ông Trump trở nên cộng hưởng.

Đối với những người lao động này, nỗ lực cắt giảm thuế và bãi bỏ quy định của Trump đã mang lại hiệu quả, vì lương của công nhân lao động tăng nhanh hơn lương của giới lao động trí óc. Năm 2019, tỷ lệ nghèo đói ở mức thấp kỷ lục. Thu nhập thực tế của một gia đình tăng 4.379 đô la, gấp 13 lần mức tăng thu nhập trung bình hàng năm sau chiến tranh. Nếu đà tăng trưởng của giai đoạn 2017-18 tiếp tục kéo dài đến năm 2019, thì những thành tựu kinh tế mang tính bước ngoặt này sẽ còn mạnh mẽ hơn — có lẽ đủ mạnh để vượt qua vào năm 2020 những tác động chính trị của việc đóng cửa sinh hoạt vì coronavirus và ác cảm cá nhân của cử tri đối với ông Trump.

Nước Mỹ hiện đã hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu đến mức không thể tạo ra hoặc bảo vệ việc làm bằng những chính sách bảo hộ. Đổi mới, phát triển kỹ thuật và khả năng của nền kinh tế thị trường để thích ứng với sự thay đổi là con đường chắc chắn duy nhất của chúng ta để tạo việc làm và thịnh vượng. Đây là một bài học mà tất cả các chính khách, đặc biệt là đảng viên Đảng Cộng hòa, cần phải học hỏi từ thất bại kinh tế và chính trị của chủ nghĩa bảo hộ trong thời Trump.

Tác giả | Ông Gramm là cựu chủ tịch Ủy ban Ngân hàng Thượng viện và là học giả thỉnh giảng tại Viện Doanh nghiệp Hoa Kỳ. Ông Toomey, một đảng viên Đảng Cộng hòa, là một thượng nghị sĩ Hoa Kỳ tcủa tiểu bang Pennsylvania. Mike Solon đã đóng góp cho bài viết này.

© 2021 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”


Nguồn: Trump’s Protectionist Failure | Phil Gramm and Pat Toomey | WSJ | March 2, 2021.