30 Tháng Tư, nên nhớ hay quên?

Caubay

Đã 37 năm sau, ngày 30 tháng Tư năm 1975, người Việt Nam, đặc biệt là đối với đồng bào tỵ nạn cộng sản tai hải ngoại, vẫn là ngày không thể nào quên.

Không thể quên là điều không ai chối cãi được, dù sang hèn hay vô tâm đến mấy đi nữa. Hằng năm cứ đến tháng Tư, nhớ về ngày cuối tháng bi thảm ấy đã trở thành phản xạ tự nhiên. 

Nhưng có nên giữ “nỗi nhớ” ấy hay cố gắng để quên đi, hay để thời gian làm cho nó phai mờ trong ký ức? Với tôi, nêu câu hỏi ấy là một điều ngớ ngẩn nếu không có một sự kiện mới xảy ra trong cộng đồng người Việt hải ngoại chúng ta. Đó là việc tổ chức show ca nhạc “Tình ca Mùa Xuân” dự trù vào ngày 30 tháng 4 năm nay tại thành phố Berlin, Đức quốc; và nhất là sự lên tiếng của nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn, người theo chương trình sẽ là MC cho show này.

Tình ca mùa xuân. Nguồn: OntheNet
Sài Gòn 30 tháng 4, 1975. Nguồn: OntheNet

Tôi biết đến show này từ trang facebook. Thoạt đầu, theo link dẫn, nhìn tấm poster quảng cáo (xin xem hình), tâm trạng của tôi thật là khó chịu. Điều làm tôi khó chịu hơn là tôi thấy hình ông Nguyễn Ngọc Ngạn lớn nhất, ở chính giữa.

Từ lâu đã có những hoạt động ca nhạc vào tháng Tư ở hải ngoại; những sinh hoạt văn nghệ ấy đã không gây ồn ào và tôi cũng đã không chú ý nhiều. Nhưng vì sao với show này và sự có mặt của ông Nguyễn Ngọc Ngạn lại làm tôi quan tâm và cảm thấy buồn phiền hơn?

Lý do vì từ bấy nay, với tôi, trong giới nghệ sĩ hải ngoại, ông Nguyễn Ngọc Ngạn là một trong số ít những người tôi kính trọng và quí mến. Có thể kể thêm vài người khác là nhạc sĩ Nam Lộc và Việt Dũng. Tôi quí mến họ không chỉ về tài năng, mà phần lớn vì tin tưởng. Tin tưởng rằng những nghệ sĩ này là những người rất rạch ròi về lập trường chống cộng sản. Ở đây phải mở ngoặc để nói rằng chống cộng sản là điều tiên quyết và dứt khoát. Còn chống như thế nào là tùy ở mỗi người, nhưng với người Việt Nam ta ở giai đoạn này mà không chống cộng thì không còn gì để bàn luận nữa. Có thể nói chống cộng chính là lương tri của thời đại.

Chính vì có niềm tin về cá nhân ông Nguyễn Ngọc Ngạn như vậy, sau khi xem tờ quảng cáo trên, tôi đã tỏ sự bất bình trên trang facebook của mình như sau (nguyên văn, không sửa cả lỗi typo): 

“Thấy cái poster quảng cáo cho show này mà tôi ngán ngẩm quá. Tục ngữ ta có câu “làm đĩ chính phương cũng chừa một phương lấy chồng.”

Mùa xuân có cả trăm ngày, hà cớ gì hát mừng xuân (đại thắng?) vào ngày 30/4 lại còn “nhân ngày 1/5.” Bầu show và ca sĩ thì tôi không trách lắm vì trình độ họ có hạn, họ lại cần tiền, cần đám đông; nhưng người như nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn thì thật là… ê chề! Tôi không muốn dùng lời nặng hơn vì vẫn còn chút kính trọng ông qua vài cuốn tiểu thuyết ông viết trước đây .”

Lời lẽ của tôi không nhã nhặn, có thể làm buồn lòng một số người như ca sĩ, bầu show, nhưng đó là sự thật của lòng tôi. Tuy không có ý xem thường giới ca sĩ, nhưng qua những gì xảy ra trong những năm qua đã làm tôi bảo lưu suy nghĩ của mình. Cũng cần nói thêm rằng nhóm chữ “trình độ có hạn” không ăn nhập gì tới bằng cấp; cần tiền và cần khán giả là điều phổ biến trong giới ca sĩ mà không ai phủ nhận. Cũng cần nhấn mạnh rằng có nhiều ca, nhạc sĩ mà tôi rất kính trọng. Tôi nhìn tôi trong gương mà viết như thế, đó là sự thực mà không nhằm xoa dịu hay lấy lòng ai.

Tưởng đó chỉ là thêm một “chuyện buồn tháng Tư” rồi sẽ chóng qua đi, nhưng hôm nay được xem ông Nguyễn Ngọc Ngạn “tâm sự” về vấn đề này trên youtube, tôi xin trình bày cảm nghĩ của mình với bạn đọc và hy vọng sẽ đến tai nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn để chia xẻ cùng ông.

Như trên đã trình bày, tôi là người tin tưởng ở ông một thái độ chính trị; xuất phát từ nhận địnhcủa tôi về kiến thức và hoàn cảnh cá nhân của ông. Tôi thích văn ông qua các tiểu thuyết viết về đời sống dưới chế độ cộng sản. Châm biếm nhẹ nhàng nhưng sâu sắc và hấp dẫn. Tôi không thích ông viết chuyện ma vì tôi nghĩ, dẫu hay, nó vẫn làm giảm đi phần nào văn cách của ông. Với tôi ông là người MC duyên dáng và truyền cảm. Rào đón như thế minh định rằng tôi viết những giòng này không nhằm tung hô hay đả kích cá nhân ông mà chỉ vì những quan niệm của ông về ngày 30 tháng Tư. 

Trong phần trả lời phỏng vấn, ông có nói rằng người ta dị ứng với ông chứ không phải vì ngày 30 tháng Tư. Tôi tin điều ông nói là sự thực, nhưng chỉ một số người nào đó thôi. Một người nổi tiếng như ông thế nào cũng có nhiều kẻ thương người ghét. Đó là sự thường tình. Tôi cũng hoàn toàn đồng ý với ông về việc chỉ trích những kẻ nặc danh chửi bới ông. Núp sau màn hình mạ lị người khác với ngôn từ tục tĩu là những kẻ hèn hạ. Nếu muốn đối thoại, thậm chí chửi nhau, hãy cứ ra mặt.

Tôi tin rằng ông không bao giờ có ý định, dù mảy may, làm theo ý định của bọn cộng sản, dù đó là sứ quán hay của chính quyền trong nước. Những ai chụp cho ông cái mũ ấy là sai quấy, thậm chí tôi tin có thể chính bọn cộng sản đã “đội mũ” cho ông để lập lờ đánh lận con đen nhằm hạ uy tín của ông và làm cộng đồng người Việt hải ngoại thêm phân hóa. 

Nhưn g tôi cho là ông đã vô ý, hay có quan niệm sai lầm khi tham gia show diễn đã nói trên. Tôi cũng không đồng tình với ông về những gì ông trình bày. 

Ông Nguyễn Ngọc Ngạn cho rằng đó không chỉ là một show đơn thuần nhằm vào ngày oan nghiệt 30 tháng Tư, mà là một trong chuỗi trong 3 show nhằm vào “long weekend” cuối tháng Tư , đầu tháng Năm (lễ Quốc tế Lao động) và vì vậy nó không liên hệ hay mang ý nghĩa gì về ngày 30 tháng 4. Lập luận đó, nếu chấp nhận được, cũng chỉ có giá trị với người trong cuộc, tức là những người tổ chức và tham gia show đó bởi vì chỉ có họ hiểu lịch trình ấy. Đối với đại đa số đồng bào, ngay cả đồng bào tại Berlin, có mấy ai quan tâm về việc đó. Na Uy và Paris không phải sát vách với Berlin để biết rằng đây chỉ là show cuối cùng trong chuỗi lưu diễn. Họ chỉ biết rằng ngày 30 tháng 4 có đại nhạc hội “Tình ca Mùa Xuân.” Ngay như tôi là kẻ “cả ngày ở trên internet”, khi xem cái poster cũng chỉ biết có thế và lấy làm bất bình về những gì nhìn thấy. Tôi có đáng trách không khi không tìm hiểu cặn kẽ bước chân lưu diễn? Tôi có đáng trách không khi bất bình về sự vui chơi đúng vào ngày đau thương của dân tộc? Khi xem báo trong nước, Tháng Tư này đây đó tổ chức ca nhạc mừng “Đại thắng Mùa Xuân”, thi đua “mừng Đảng mừng Xuân”; tôi có nhạy cảm quá không khi liên hệ hai sự kiện với nhau? 

Mặt khác, dẫu thông cảm là một sự trùng hợp “long weekend” thuận tiện, nhưng thiết tưởng điều đó cũng không biện minh được cho việc tổ chức show vui chơi như thế. Dẫu sẵn kèn sẵn trống, phỏng có nên bày ra ca hát trước của nhà có đám tang? Để biện minh cho điều này, ông Nguyễn Ngọc Ngạn viện dẫn lý do “làm business” và một lý do khác mà tôi cho là đáng trách hơn, là tại sao phải kiêng dè ngày 30 tháng Tư. 

Khi được hỏi “tại sao người ta lại dị ứng với “30 tháng Tư”” thì ông Nguyễn Ngọc Ngạn rất tự tin bảo rằng: “Không, người ta dị ứng với chú, chứ không phải với 30 thángTư.” Tôi tin bình thời có thể có nhiều người dị ứng với ông, nhưng trong trường hợp này, lấy cá nhân tôi mà suy, thì điều ông nói đó không đúng. Tôi chỉ dị ứng với “30 tháng Tư” mà thôi. Nói rõ ra, cho đến ngày nào mà bọn cộng sản còn cầm quyền, còn đàn áp dân chúng, còn tham nhũng, còn bán nước, khi mà nỗi đau phân ly, mất mát và ngay cả hận thù trong lòng người Việt hải ngoại chưa được xoa dịu thì mọi việc làm trong ngày 30 tháng Tư cần phải được cân nhắc kỹ lưỡng. Đó là tính nhạy cảm của ngày 30 tháng Tư. Và dĩ nhiên nhạy cảm thì dễ sinh dị ứng.

Ông Nguyễn Ngọc Ngạn dẫn chứng một trường hợp trước đây của Trung tâm Asia tổ chức buổi ca nhạc “Hát với thần tượng” nhằm vào ngày 19 tháng 5 và đã bị một số người phản đối. Tôi là người không phản đối việc đó của trung tâm Asia và tôi tin cũng có người không ưa trung tâm Asia rồi tìm cách hạ uy tín. Tuy vậy, tôi cũng thông cảm với một số lập luận chống đối vì đúng ngày 19 tháng 5 mà show diễn lại mang tên “Hát với thần tượng.” Đó là một sự trùng hợp nhạy cảm nên tránh, ít nhất là tránh chữ “thần tượng.” Yếu tố quan trọng khiến tôi nghĩ rằng đó chỉ là sự “vô tình” vì tôi tin ở tinh thần chống cộng của những người cầm chịch trung tâm Asia như nhạc sĩ Trúc Hồ… Khi ông Nguyễn Ngọc Ngạn viện dẫn trường hợp đó để suy diễn rộng ra là chúng ta (người Việt không cộng sản) đều kiêng kỵ mọi ngày có dính tới lễ lạc của Cộng sản và vô hình chung đã “nhường” những ngày ấy cho chúng. Ông cho rằng ngày 30 tháng Tư cũng chỉ là một ngày bình thường như mọi ngày.

Lập luận như vậy theo tôi là không đúng, nếu không nói là ngụy biện. Trong thực tế, cho đến nay tôi thấy chỉ có hai ngày mà cộng đồng chúng ta “dị ứng” là ngày 30 tháng Tư và ngày 2 tháng Chín mà thôi. Những ngày khác liên quan đến cộng sản, như ngày thành lập Mặt trận Giải phóng Miền Nam như ông nhắc (mà tôi không nhớ là ngày nào), thậm chí ngày 3 tháng 2 là ngày thành lập đảng Cộng sản Việt Nam mà nào có ai để ý. Nói như thế để nhấn mạnh rằng ngày 30 tháng Tư là một ngày đặc biệt, không giống những ngày khác. Lịch sử dân tộc ta có nhiều ngày mất nước, vào giặc Tàu, giặc Tây mà nay không ai nhớ vì vết thương đã lành. Hậu quả của ngày 30 Tháng Tư còn đang nhức nhối hành hạ đồng bào chúng ta. Ông Nguyễn Ngọc Ngạn còn nói rằng tại sao có bao nhiêu điều tốt đẹp để nhớ mà lại cứ nhắc cho con em chúng ta phải nhớ tới ngày đó. Tôi mong rằng ông Nguyễn Ngọc Ngạn có thể xem lại video về lời phát biểu của mình và suy nghĩ lại. Tôi cho rằng với tất cả người tỵ nạn tha phương như chúng ta, giải thích điều đó là thừa. Và càng thừa hơn nữa, lố bịch hơn nữa, nếu đi giải thích với người như nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn.

Một điểm khác, ông Nguyễn Ngọc Ngạn cho rằng nhiều người chống cộng chỉ để hả giận và không cần biết kẻ thù có hề hấn gì không? Tôi cho rằng mọi người chống cộng để hả giận là có lý, bởi ai chả giận bọn cộng sản. Còn về phần kết quả ra sao thì tôi nghĩ công việc chống cộng của người Việt nói chung, hải ngoại nói riêng còn rẩt nhiêu khê, kết quả chưa như mong muốn nhưng không phải là không có hiệu quả. Khi nghe ông nói về đoạn này, tôi cũng nảy sinh ra sự tò mò, là không biết phương thức chống cộng của ông ra sao? Điều đó chỉ có ông và những người thân cận mới hiểu được. Truyền đạt về văn hóa Việt, như ông nói là đã và đang làm, là điều đáng quí, nhưng làm thế nào để thế hệ mai sau giữ được nguồn cội khi chúng không nhớ ngày 30 tháng Tư là ngày gì? 

Về khía cạnh riêng tư, tôi mạo muội góp ý với thêm một vài điểm khác liên quan đến những điều ông nói. 

Thứ nhất, ông thổ lộ là được mời nhiều về nước biểu diễn. Nếu ông về, có thể ông được một số tiền lớn, nhưng sẽ mất rất nhiều thứ quí giá khác mà không có tiền bạc nào mua được. Cộng Sản có nhiều thủ đoạn tuyên truyền và phương cách cũng thay đổi theo từng giai đoạn. Như cách đây vài chục năm, việc cho nghệ sĩ, thương nhân hải ngoại về nước rất chọn lọc vì khi đó cánh cửa còn tương đối khép kín. Họ cần kiểm soat gắt gao thông tin từ bên ngoài.

Người dân chạy tị nạn cộng sản tràn về Vũng Tầu, 25 dặm về phía nam Sài Gòn, ngay trước ngày 30 tháng 4, 1975. Nguồn: Jack Cahill / Toronto Star.

Ngày nay, khi không còn đóng cửa được nữa, phương cách của họ thay đổi 180 độ. Họ chào đón hầu hết mọi thành phần, chỉ trừ những người mà họ nắm chắc là nguy hiểm cho chế độ. Sự “mở cửa” là một mũi tên có hai tác dụng. Với những người “bình thường” thì đó là một phương tiện để giao lưu và tuyên truyền. Với thành phần có uy tín, có ảnh hưởng rộng rãi trong quần chúng, như Thiền sư Nhất Hạnh hay như chính ông nhà văn, họ mở rộng cánh cửa cho đến khi nào miếng chanh đã khô nước. Đó là cách hủy diêt tốt nhất mà chẳng cần giết người. Tôi tin là ông biết điều này hơn ai hết. 

Nói chuyện với Nguyễn Ngọc Ngạn. Nguồn: YouTube

Thứ hai, tôi đề nghị ông nên xử dụng internet. Ông cho biết là ông không dùng, dẫu biết rằng internet có nhiều thuận tiện, nhưng vì không muốn thấy “cái thùng rác” của nó. Tôi đề nghị như thế bởi khi nghe ông kể về trường hợp hủy show có Đàm Vĩnh Hưng ở Atlanta trước đây. Tôi tự hỏi nếu các vị bên Cộng đồng Atlanta không thông báo cho ông biết về Đàm Vĩnh Hưng thì ông đã phạm sai lầm khi dẫn chương trình có anh ta. Nếu ông dùng internet, ông có thể nhân rộng hơn nữa kiến thức vốn đã phong phú của ông và nhờ vậy có thể gần gũi hơn với tâm tư nguyện vọng của đồng bạo tỵ nạn cộng sản. 

Cuối cùng, tôi thông cảm nỗi buồn phiền mà ông thể hiện trên video nhưng xin nhớ ông là người của công chúng.

30 tháng 4, 1975 — ngày mất Sài Gòn. Nguồn: PennLive.com

© 2012-2021 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net


Nguồn: Bài đăng lần đầu trên DCVOnline ngày 22 tháng 4, 2012. DCVOnline hiệu đính và minh họa.