Những người bị quên lãng ở nhà tù Guiana thuộc Pháp (Epilogue)

Trần Giao Thủy

Chúng ta là những phần tử của một tập hợp, hiện thân của những thay đổi liên tục. Mỗi thế hệ đều có trách nhiệm truyền tải sự thật, bồi đắp cho nền tảng trung thực của lịch sử, cùng lúc phát huy giá trị đạo đức và trách nhiệm của người tri thức.

Ông ‘Hoang Van Dao’ lãnh án 10 năm khổ sai, bị đầy sang nhà tù ở Guiana thuộc Pháp từ 30 tháng 6, 1931 đến ngày 4 tháng 9, 1940 mới được trả tự do.

Lịch sử không cần tô son, điểm phấn, đánh bóng, bôi mờ. Đừng vẻ rắn thêm chân. Đừng gắn sừng cho thỏ. Xán lạn hay sần sùi, hãy để lịch sử là lịch sử.

Hoàng Văn Đào có bị giam tại nhà tù Guiana thuộc Pháp hay không?

Người viết và người đọc

Khi báo mạng và diễn đàn là còn là chuyện mới đối với người đọc thì hầu như tất cả bài viết đăng ở trang DCVOnline.net đều có hàng trăm ý kiến, khen chê, với đủ loại ngôn từ. Hiện nay, số blog, vblog, YouTube, mạng xã hội và báo trên mạng nhiều không thua gì báo đài trong nước và vì thế bạn đọc đã có nhiều diễn đàn khác nhau để chọn đọc, xem cũng như phát biểu nhiều hơn xưa. Đó là một trong những hệ quả tốt nhờ kỹ thuật thông tin ngày nay.

Cầm bút, hay gõ phím, dường như vẫn là một cái nghiệp. Những tưởng loạt bài “Những người bị quên lãng ở nhà tù Guiana thuộc Pháp” đăng trên DCVOnline từ tháng 10, 2019 và xếp thành eBook từ giữa tháng 12, 2019 đã đi vào quên lãng, nhưng thực tế không hẳn như vậy. Gần hai năm sau người viết loạt bài đó, rất may, được một bạn đọc quan tâm đã trực tiếp viết thư góp ý, và yêu cầu trả lời, vì “nội dung có nhiều điểm sai lạc” nếu không “sẽ phải đưa … lên các diễn đàn và các trang mạng xã hội…

Một trong những “điểm sai lạc” vị bạn đọc quan tâm đã đề cập đến là nhận định của người viết, cho rằng “Hoàng Văn Đào “chưa khi nào bị đi tù” tại đảo Guyane Nam Mỹ” là không đúng với sự thật. Nhưng bạn đọc quan tâm đó cũng nghĩ rằng có thể đó “chỉ là sự nhầm lẫn của người làm báo chuyên nghiệp, thì với lương tâm của người cầm bút chân chính, gia đình cụ Hoàng văn Đào và độc giả của ông rất mong có lời cải chính về những lỗi lầm của mình.”

Vì nhiều lý do khác nhau người viết đọc được thư góp ý và phân tích của vị độc giả quan tâm đó khá trễ nhưng đã trả lời, và hẹn sẽ bổ túc loạt bài đã viết sau khi nhận được tài liệu do bạn đọc cung cấp. Ngày nay, viết mà có người đọc là may, có bạn đọc phê bình, dù gần 2 năm sau, vẫn là điều đáng trân trọng, nhất là khi bài viết về những người đã bị lãng quên gần cả trăm năm.

Những điểm thượng dẫn là nguyên nhân người viết phải đi tìm và đọc lại, học thêm ở những tài liệu chưa biết, chưa xem để có bài viết này – trọng tâm đặt vào thân thế và hành tung của tác giả Hoàng Văn Đào, nhưng không bỏ qua những dữ kiện quan trọng, có liên hệ và chưa trình bày, trong giai đoạn thực dân Pháp đàn áp và đầy người Việt Nam sang nhà tù ở Guiana – cho đúng với việc của một học trò của lịch sử và trách nhiệm đối với tất cả bạn đọc, nhất là độc giả đã quan tâm góp ý và với cả những người Việt Nam bị quên lãng ở nhà tù Guiana.

Trở lại nội dung cuốn Những người bị quên lãng ở nhà tù Guiana thuộc Pháp”, eBook này gồm năm tiểu mục:

  1. Tài liệu Việt Nam viết về những phạm nhân bị đầy sang Guiana
  2. Lý Liễu và Nguyễn Quang Diêu
  3. Ba mươi năm “địa ngục trần gian” của người tù Việt Nam ở Guiana
  4. Từ Saigon đến Cayenne: Người thật, chuyện thật
  5. Những trắc trở khi đọc về lịch sử Việt Nam

Dù đã tham khảo 24 tài liệu của các tác giả viết tiếng Việt, Anh, Pháp, cũng như ấn phẩm của chính quyền thuộc địa Pháp và phim ảnh cùng hơn 60 cước chú, người viết, một học trò của lịch sử, hẳn vẫn còn nhiều thiếu sót và có thể sai lầm khi viết “Những người bị quên lãng ở nhà tù Guiana thuộc Pháp”.

Lịch sử là tri thức tích lũy của con người đã ghi nhận hoặc hoặc khám phá được trong tiến trình lịch sử thế giới (ở mọi hình thức, trọng tâm, tác động, cách phổ biến, sử dụng, bối cảnh và điều kiện xã hội). Đối tượng chính của loạt bài nói trên là những người tù Việt Nam, bất kể thường phạm hay những người tù chính trị, bị đầy khổ sai, biệt xứ sang Guiana thuộc pháp và đã bị lịch sử bỏ quên.

Năm trong 24 tài liệu tham khảo[1] viết bằng tiếng Việt là hai cuốn sách của tác giả Hoàng Văn Đào, “Từ Yên-Bái Đến Các Ngục-Thất Hỏa-Lò, Côn-Nôn, Guy-An”, Nhà xuất bản Sống Mới, Saigon, 1957, và “Việt Nam Quốc-Dân-Đảng, Lịch-sử đấu-tranh cận-đại 1927-1954” (1964), tái bản lần thứ hai, Saigon, 1970; từ đây tên hai cuốn sách sẽ viết tắt là “Từ Yên-Bái” và “Việt Nam Quốc-Dân-Đảng”.

Người viết không có thói quen đi tìm thêm chi tiết về thân thế của tác giả, ngoài những thông tin trong sách khi đọc những tài liệu tham khảo vì tin rằng nội dung của tài liệu quan trọng hơn tiểu sử của tác giả. Và nội dung cuổn “Từ Yên-Bái” được chú ý hơn cuốn “Việt Nam Quốc-Dân-Đảng” vì chủ đề đã chọn

Về tiểu sử của tác giả Hoàng Văn Đào, dù đã cố gắng hết sức nhưng không tìm được gì hơn ngoài vài tài liệu thu thập được và phần lớn thông tin dựa theo cuốn “Từ Yên-Bái” xuất bản năm 1957, và một phần ít hơn ở cuốn “Việt Nam Quốc-Dân-Đảng”, xuất bản năm 1964[2], tái bản lần thứ hai, Sài Gòn, 1970.

Những người sáng lập Nam Đồng Thư Xã (Từ trái): Nguyễn Hữu Đạt, Nguyễn Thái Học, Hoàng Phạm Trân (Nhượng Tống), Nguyễn Thế Nghiệp.. Nguồn: OntheNet.

Những chi tiết về Hoàng Văn Đào trong sách của tác giả Hoàng Văn Đào và một số thông tin và tài liệu đã tìm được bằng tiếng Việt

Tác giả “Từ Yên-Bái” cho biết ông (Hoàng Văn Đào) viết tập sách theo lời kể[3] của nhiều tù nhân vừa trở về Việt Nam (1955) chứ không phải là hồi ký trong tù của một đảng viên VNQDĐ.

Tài liệu của nhật báo “Bạn Dân” số ra ngày 24/03/1953 ghi “Chủ-nhiệm Quản-lý” là Hoàng Văn-Đào[4].

Theo lời giới thiệu cuốn “Việt Nam Quốc-Dân-Đảng” của Nguyễn Đắc Lộc thì Hoàng Văn Đào không những là đảng viên mà còn là “một trong các nhà sáng lập ra VNQDĐ”. Cần nhắc lại, đây không phải là tài liệu tham khảo chính để người viết tìm hiểu về những người Việt Nam bị quên lãng ở nhà tù Guiana; nó chỉ là tài liệu phụ cho một số ít chi tiết về thân thế của tác giả cuốn “Từ Yên-Bái”.

Tác giả cuốn “Việt Nam Quốc-Dân-Đảng” ngụ ý cho biết Hoàng Văn Đào đã gia nhập VNQDĐ vào cuối tháng 10 đến cuối tháng 11 năm 1927 sau khi những ủy viên của “Chi bộ Nam Đồng Thư xã” đi liên lạc với những người yêu nước khác ở Bắc Ninh (Nguyễn Thế Nghiệp), Thanh Hóa (Hoàng Văn Đào[5]), Hưng Yên (Đoàn Mạnh Chế, Hàn Kều), Phủ Lạng Thương, Bắc Giang (Nguyễn Khắc Nhu), Thái Bình (Đặng Đình Hiển), v.v..

Cũng trong cuốn “Việt Nam Quốc-Dân-Đảng”, tác giả viết Hoàng Văn Đào được Tỉnh bộ Thanh Hóa cử lên thay thế Trung úy Hoàng Văn Tùng trong phiên họp bầu cử lại ban chấp hàng Tổng bộ nhiệm kỳ II ngày 1 tháng 7, 1928 tại nhà Nguyễn Ngọc Sơn ở Gia Lâm. Đến 7 tháng 8, 1928, Hội đồng Tổng bộ họp ở Hà Nội buộc Hoàng Văn Đào nhận trọng trách Trưởng Ủy ban Kinh tài và phải đi mượn tiền, vì quỹ đảng eo hẹp, để thuê địa điểm mở nhà trọ tên là “Khách sạn Việt Nam”. Tuy nhiên Hoàng Văn Đào không được phép đứng tên xin phép mở nhà trọ và bán rượu vì những hoạt động chính trị và đã có tên trong “sổ đen” của mật thám Pháp[6]. Sau đó Hoàng Văn Đào đã bị phòng dự-thẩm Tòa Án Đại-hình hỏi cung nhiều lần, trong vụ án Bazin, cùng với Lê Thành Vị, Nguyễn Thái Thác, và Nguyễn Hữu Đạt[7] nhưng không xác định chính xác ngày tháng dù cho biết việc đó xảy ra trước phiên tòa của Hội đồng Đề hình ngày 2 tháng 7, 1929.

Ngay sau đó tác giả liệt kê danh sách 47 người bị án ‘tù cấm cố’ từ hai đến 15 năm[8], trong số có tên Hoàng Văn Đào, người thứ 35. Ông cũng viết “Ngoài án tù, mỗi người còn đèo thêm cái án 5 năm biệt xứ (interdiction de séjour).”

Ở chương XI, Từ Hà -Nội đến Côn-Lôn Guyane Français, tác giả cho biết chiến sĩ VNQDĐ bị án tương đối nhẹ từ Guyane đã trở về Việt Nam năm 1936 như Thái Văn Sạ, Nho, Đính, Già Nam, Hóa… Một số khác đã tự sát vì lao khổ như Nguyễn Văn Phú (Giáo Phú), Nguyễn Văn Liên, Sư Trạch… và những người đã chết vì bệnh tật, kiệt sức như Nguyễn Văn Hoạt (Tý Hoạt), Nguyễn Đình Hiếu, Nguyễn Văn Duyên (giáo Duyên), Nguyễn Văn Hợp, Vũ Văn Mô, Mai Duy Xứng, Nguyễn Văn Ất… Năm 1941 một số nghĩa quân VNQDĐ quá cực khổ trong tù đã vượt biển sang lãnh thổ Guyane Anglaise[9] như Nguyễn Đắc Bằng, Hòa Quang Ơn… Cuối năm 1954 có 3 đảng viên VNQDĐ từ Guiana về lại Việt Nam là Trần Ngọc Uẩn (qua đời ở hải cảng Colombo), Nguyễn Tường, và Lương Như Truật. Trong tất cả những đảng viên VNQDĐ bị tù ở Guiana[10] được nhắc đến ở chương XI không có tên Hoàng Văn Đào.

Đến đây tác giả cuốn “Việt Nam Quốc-Dân-Đảng” cho biết Hoàng Văn Đào là một trong 47 người bị án tù cấm cố từ 2 đến 15 năm nhưng không cho biết tên từng người bị tù 2, 5, 10 hay 15 năm; ngày 24 tháng 8, 1929 chính quyền thực dân ra lệnh những người bị án từ 2 đến 5 tù cấm cố bị đưa đi giam tại các nhà tù ở miền cao nguyên Bắc Phần[11], và những người bị kết án cấm cố lưu đầy từ 5 đến 15 bị đưa ra giam ở Côn Đảo. Trong số những đảng viên VNQDĐ bị tù ở Guiana trở về nước năm 1936, hay 1954 hay đã chết hoặc vượt trốn sang nước khác, tác giả không ghi tên Hoàng Văn Đào.

Tài liệu mới về người tù ‘Hoang van Dao’ ở Guiana thuộc Pháp

Như đã đề cập ở phần Người viết và người đọc, một bạn đọc quan tâm đã gởi đến cho người viết một tài liệu, hình chụp lại hồ sơ về một tù nhân Việt Nam tại Guiana thuộc Pháp; từ đây sẽ gọi là “hồ sơ người tù 103”. Trước khi đi vào chi tiết về hồ sơ này, người viết đã tìm những tài liệu khác, với hy vọng chúng có thể cho thấy thêm một số thông tin khác về tác giả 2 cuốn “Từ Yên-Bái” và “Việt Nam Quốc-Dân-Đảng” trong thời Pháp thuộc và sau đó.

Dù ở thập niên 1960 hay những năm đầu thế kỷ 21, người quan tâm, kể cả giới nghiên cứu, cũng khó thể có được thông tin về các chính đảng Việt Nam hoạt động kín trong thời kỳ chống thực dân Pháp, hay những tài liệu đảng viên giữ bí mật, chưa kể đến sự biến mất, tiêu hủy những tài liệu quan trọng hoặc những mâu thuẫn giữa đảng viên cùng một đảng như trường hợp Hoàng Văn Đào với Vũ Hồng Khanh dù cả hai đều ghi chép về lịch sử VNQDĐ[12].

Tuy nhiên, các kho lưu trữ, đặc biệt là Trung tâm Lưu trữ Quốc gia Hải ngoại của Pháp tại Aix-en-Provence, Thư viện Quốc gia Pháp, tài liệu lưu trữ của báo chí xuất bản trong những năm Việt Nam còn bị Pháp cai trị đã cho phép giới nghiên cứu, người quan tâm tìm hiểu có thể tìm được một phần của những thông tin nói trên.

Hoàng Văn Đào và VNQDĐ theo báo chí đương thời và tài liệu của Pháp – Một số tài liệu tham khảo và tóm lược

Tài liệu ở Trung tâm Lưu trữ Quốc gia Hải ngoại (Archives nationales d’Outre-mer, ANOM) tại Aix-en-Provence – Phúc trình ngày 2-3 tháng 7, 1929 của Jules Bride[13], thanh tra chính trị và hành chính ở Bắc Kỳ về phiên tòa xử những người “âm mưu” gây bất an chính trị, lật đổ chính quyền thực dân Pháp; từ đây sẽ gọi là “Tài liệu của Pháp”.

Tài liệu lưu trữ tại Thư viện Quốc gia Pháp – báo Le Colon français républicain[14] (những số ra ngày 26 tháng 2, 4 và 6 tháng 7, 1929); từ đây sẽ gọi là “báo Le Colon”.

Dù khác nhau ở vài chi tiết, nhưng nói chung nội dung “Tài liệu của Pháp” và những bài đăng trên “báo Le Colon” hai ngày 4 và 6 tháng 7, 1929 phần lớn đi sát với nhau. Báo Le Colon có rất nhiều lỗi chính tả trong phần ghi chép tên người Việt Nam.

Một điểm khác cần lưu ý, dù thông tin của mật thám Pháp liên quan đến các hoạt động của những người Việt Nam yêu nước thường khá chính xác, nhưng những nguồn tài liệu của chính quyền thực dân Pháp và báo chí dù dùng tiếng Pháp hay tiếng Việt, ở một mức độ thấp hơn, thời Việt Nam còn là thuộc địa đều ít nhiều mang những thành kiến của riêng họ ở những nhận định và phê bình. Tương tự, hồi ký cách mạng Việt Nam hay lịch sử của các chính đảng Việt Nam do đảng viên viết tất nhiên có khuynh hướng ca ngợi hành động của những người đi làm cách mạng và đảng của họ. Tuy nhiên, nội gián đã có mặt trong hàng ngũ của nhiều tổ chức chính trị kể cả VNQDĐ. Trên thực tế, tài liệu của chính quyền thuộc địa tiết lộ cho thấy đã có nội gián kể từ khi VNQDĐ thành lập vào năm 1927. Vì vậy mật thám Pháp biết gần như tất cả các phiên họp của VNQDĐ, những người tham dự, và những quyết định trong những phiên họp đó như đã được báo Le Colon tường thuật.

Báo Le Colon – tiếp theo những số 465, 465, 466, 467 ra ngày 16, 19, 21, và 23 tháng Hai, 1929 –  số ra ngày 26 tháng 2 tiếp tục đăng tin về vụ Bazin bị ám sát. Bản tin, “UN FRANÇAIS EST ASSASSINÉ à Hanoi” đăng ngày 26 tháng 2, 1929 cũng nhắc đến một phó bản cương lĩnh VNQDĐ do mật thám Pháp thu được; đó là một bìa đỏ gồm 18 trang, 7 điều và một phụ lục, cũng việc như 12 đảng viên VNQDĐ (Hà Nội) và 4 người khác ở Nam Định và Ninh Bình đã bị bắt giam.

Báo Le Colon số ngày 4 tháng 7, 1929, trang 12.151-12.152, đăng bài tựa đề “LE VIET NAM  QUOC DAN DANG” nội dung phiên họp Hội đồng Đề hình do Jules Bride, thanh tra chính trị và hành chính ở Bắc Kỳ chủ tọa. Bride đã tóm lược mục đích, tổ chức, và hoạt động của VNQDĐ kể cả việc lập Khách sạn Việt Nam để kinh tài.

Sau bài “LE VIET NAM  QUOC DAN DANG” đã đăng hôm 4 tháng 6, 1929, báo Le Colon số ngày 6 tháng 7, 1929, trang 12.157-12.161, đăng bài tựa đề “La ‘Nam-Dong Thu-Xa’ berceau du ‘Viet-Nam Quoc-Dan-Dang’ LES AGISSEMENTS DU PARTI” (Nam Đồng Thư xã cái nôi của Việt Nam Quốc dân Đảng | Hành động của Đảng)

Bài báo dài 4 trang, tóm tắt một cách cô đọng về nguồn gốc của Việt Nam Quốc Dân Đảng và ghi lại những hoạt động của chính đảng này, cho là có thể gây nguy hại đến an ninh của chính quyền thực dân Pháp. Bài báo cũng nói qua, một cách sai lầm, về tương quan và mục đích của Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội[15] (VNTNCMĐCH) với VNQDĐ, và vụ ám sát hai chị em Trịnh Thị Nhu và Trịnh Thị Uyển ở Hải Phòng.

Bài trên báo Le Colon đã kể đến những người sau đây theo thứ tự hoạt động, từ Nam Đồng Thư Xã (NĐTX) đến VNQDĐ: Phạm Tuấn Tài, Phạm Quế Lâm (anh của ông Tài), Hoàng Phạm Trân (tức Nhượng Tống, chủ bút tờ Dân Báo), Nguyễn Thái Học, Nguyễn Thế Nghiệp, Hoàng Văn Tùng, Nguyễn Ngọc Sơn, Tú Tiềm (tức Phạm Tiềm), Lê Văn Phúc, Hồ Văn Mịch, Nguyễn Kim Ngữ.

Tờ báo cũng ghi lại những phiên họp của VNQDĐ.

Phiên họp 3 ngày 24-26 tháng 11, 1927 tại nhà Nguyễn Thái học, thành lập VNQDĐ.

Phiên họp ngày 1 tháng 7, 1928 tại Gia Lâm (cuối cùng họp ở NĐTX) có tất cả đại biểu tham dự.

Phiên họp ngày 2 tháng 9, ở số 5 đường Sơn Tây, do Nguyễn Thái Học chủ tọa, ghi nhận đảng viên đã can đảm bất chấp pháp luật ngăn cấm đã tập hợp đông hơn 13 người như vậy Đảng đã gây tiếng vang lớn. Ông kêu gọi những người có mặt hãy hy sinh vì sự nghiệp của đất nước, hy vọng một ngày nào đó lá cờ độc lập sẽ tung bay, vĩnh viễn thay thế lá cờ tam tài.

Phiên họp ngày 1 tháng 11, 1928 tại ngõ cụt Bourrin S. do Nguyễn Thái Học chủ tọa quyết định mở cuộc quyên góp để huy động tài chính để gửi các đại biểu sang Trung Hoa. Do chưa có báo cáo tài chính nên đã quyết định có phiên họp bất thường vào ngày 11/11.

Phiên họp ngày 11 tháng 11, 1928 tại Khách sạn Việt Nam.

Phiên họp ngày 25 tháng 12, 1928 tại số 3 đường Charron nối dài do Nguyễn Thái Học chủ tọa, sửa đổi quy chế, bầu Tổng bộ mới, lập hai ủy ban Lập pháp và Hành pháp. Tổng bộ mới sẽ họp vào ngày 1 tháng 1 năm 1929.

Phiên họp ngày 1 tháng 1, 1929 cũng tại số 3 đường Charron nối dài. Có 2 phiên họp của Ủy ban Lập pháp và Hành pháp. Ủy ban Lập pháp do Nguyễn Khắc Nhu chủ tọa, Lê Xuân Hy[16] là phó chủ tịch. Ủy ban Hành Pháp do Nguyễn Thế Nghiệp chủ tọa, Lê Văn Phúc là phó chủ tịch. Sẽ phải vay nợ cho Khách sạn Việt Nam.


Ủy Lập pháp: Nguyễn Khắc Nhu, trưởng ban, Lê Xuân Hy, phó. Ủy ban Hành Pháp, Nguyễn Thế Nghiệp, trưởng ban, Lê Văn Phúc, phó. Nguồn: Trung tâm Lưu trữ Quốc gia Hải ngoại của Pháp tại Aix-en-Provence (Centre des archives d’outre-mer (CAOM))

Phiên họp ngày 20 tháng 1, 1929 tại nhà Hoàng Thúc Gị đường Goussard ngoài những tiết mục quan trọng khác, vì tình trạng tài chính của Khách sạn Việt Nam rất bi đát, VNQDĐ đã quyết định kêu gọi đảng viên đóng góp để giải cứu.

Phiên họp ngày 2 tháng 2 (cũng tại nhà của Hoàng Thúc Gị). Đây là phiên họp sau cùng… Quan trọng hơn hết là nghi vấn về tình trạng quản lý yếu kém của khách sạn Việt Nam do Mỹ Hữu Đào (Hoàng Văn Đào) gây ra. Một số đảng viên đang đứng trước việc có thể phải lập các khách sạn tự trị ở mỗi tỉnh. Đã có sự chia rẽ trong Đảng.

Ngoài ra báo Le Colon ngày 6 tháng 7 tường trình khá chi tiết về phiên xét xử của HĐĐH ngày 2 và 3 tháng 7, 1929. Cuộc thẩm vấn những bị cáo của HĐĐH gián tiếp cho người đọc thấy được độ quan trọng của vai trò của mỗi đảng viên VNQDĐ và và trình độ của họ.

VNQDĐ chiêu mộ người yêu nước

Bản phúc trình năm 1929, của Jules Bride[17], một Thanh tra chính trị và hành chính của Pháp, không phải là luật gia, người chủ tọa phiên tòa đại hình Bắc Kỳ (HĐĐH) hai ngày 2 và 3 tháng 7, 1929, tóm lược những hoạt động của Việt Nam Quốc Dân Đảng (VNQDĐ) dựa trên báo cáo của mật thám Pháp đã theo dõi NĐTX / VNQDĐ từ ngày thành lập năm 1927 có đoạn ghi,

“Tháng 12/1927, Nguyễn Thế Nghiệp đi Nam Kỳ nghiên cứu tình hình chính trị. Tại Thanh Hóa, ông đã giao trách nhiệm tuyên truyền trong vùng cũng như ở Bắc Trung Kỳ cho Hoàng Văn Tùng. Nguyễn Ngọc Sơn đi Ninh Bình cùng với Phạm Tiềm[18], Nhượng Tống đi Thái Bình, Nguyễn Thái Học và Hồ Văn Mịch lên Lào Cai. Phạm Tuấn Tài đi Tuyên Quang.”

Trong đoạn này mật thám Pháp không có ghi chú gì về Hoàng Văn Đào trong khi tác giả cuốn “Việt Nam Quốc-Dân-Đảng” viết Hoàng Văn Đào gia nhập VNQDĐ trước đó.

Phiên họp thành lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Báo Le Colon số ra ngày 6 tháng 7, 1929 ghi vắn tắt, phiên họp kéo dài ba ngày 24-26 tháng 11, 1927 tại nhà Nguyễn Thái học có mặt Nhượng Tống, Phạm Tuấn Tài Nguyễn Thế Nghiệp, Nguyễn Ngọc Sơn và một số người khác. Mỗi người đã trình bày suy nghĩ và kế hoạch và đã thành lập VNQDĐ (“Le ‘Viet-Nam Quoc-Dan-Dang’ est créé”).

Phiên họp bầu cử lại ban chấp hành Tổng bộ nhiệm kỳ II

Báo Le Colon[19] ghi cuộc họp ngày 1 tháng 7, 1928 dự định họp ở Gia Lâm, có mặt tất cả đại biểu, cuối cùng đã diễn ra ở NĐTX. Đại biểu các cấp được trao quy chế đã đánh máy. VNQDĐ thảo luận về các những điều khoản trong quy chế, điều kiện kết nạp đảng, ngày họp và phê chuẩn việc cử ba đại biểu sang Xiêm (Thái Lan) để liên lạc với nhóm người di cư từ Nhương Khai, Ou bon. Thực ra Nguyễn Ngọc Sơn, Hồ Văn Mịch và Tú Tiềm (Phạm Tiềm) đã đi Thái Lan từ tháng 6 để làm công tác này.

Nguyễn Thái Học, Nguyễn Thế Nghiệp lần lượt được cử làm Chủ tịch và Phó Chủ tịch VNQDĐ.

Nếu không giải quyết được với chính quyền thực dân một cách thỏa đáng, Đảng sẽ dùng đến bạo lực. Đã có những quan tâm về việc lập nhà buôn để kinh tài, tổ chức ám sát. VNQDĐ đã phân phối báo cáo tài chính.

Khách sạn Việt Nam


Ngôi nhà số 38 phố Hàng Bông Hà Nội hiện nay trước đây là cơ sở kinh tài của VNQDĐ, do Hoàng Văn Đào quản lý, tên là Khách sạn Việt Nam (l’Hôtel Viet-Nam). Ảnh: Nguyễn Thượng Thành

Theo báo Le Colon[20], sáu tháng cuối năm 1928, tình hình tài chính của đảng là vấn đề được Ban Thường vụ VNQDĐ thường xuyên quan tâm.

Tháng 8, 1928 ngân quỹ của đảng còn 640 đồng. Việc xuất bản các tập tài liệu tuyên truyền không đem lại lợi ích gì vì chúng bị cấm và tịch thu ngay lập tức. Trong các phiên họp đặc biệt tại NĐTX Nguyễn Thái Học và Nguyễn Thế Nghiệp nghĩ rằng kinh doanh ngành khách sạn có thể sẽ tạo ra nguồn tài chính thường xuyên cho đảng mà không phải dùng đến niên liễm của đảng viên. Đề nghị này được đưa ra thảo luận trong phiên họp tháng 7, 1928 và được chấp nhận, bất chấp một số ý kiến ​​phản đối.

Tháng 9, 1928 Nguyễn Thái Học đi Thanh Hóa để thuyết phục Mỹ Hữu Đào[21] (Hoàng Văn Đào), một người thạo nghề và có kinh nghiệm buôn bán, phụ trách việc kinh doanh khách sạn.

Khách sạn Việt Nam khai trương vào ngày 26 tháng 10, 1928 tại số 38 đường Coton. Tú Chế (?)[22], được chỉ định thành lập một khách sạn ở Hà Nội, nhưng không coi trọng việc này.

Khi Mỹ Hữu Đào bị chính quyền thành phố Hà Nội không cho đứng tên[23], Nguyễn Thái Học đã dùng phép trung gian. Lê Thành Vỵ đứng tên, với hai đảng viên khác, hư cấu hợp đồng thuê Hoàng Văn Đào làm quản lý. Theo lời thẩm vấn của Bride thì hai người làm hợp đồng với Lê Thành Vị Là Dương Miễn và Ngô Dương. (Nguồn: Hà Thành Ngọ Báo, những số ngày 3 đến 7 tháng 7, 1929.)

Sau một thời gian ngắn kiếm được lời, khách sạn Việt Nam đã chóng rơi vào tình trạng thâm hụt.

Nguyên nhân của sự thất bại này được liệt kê trong một đơn khiếu nại của thủ quỹ khách sạn Nguyễn Đức Lung (Ký Cao) gởi đến Tỉnh bộ Hà Nội. Ông viết như sau:

Khách sạn nợ nần chồng chất; quầy thu ngân trống rỗng; không có khách hàng; trước đây vào Chủ Nhật và Thứ Năm, doanh thu vượt quá 200 đồng. Ngày nay không thu được 100 đồng.

Không có lãi, phần ăn được tính là 80 xu khi giá vốn bằng 70 xu không có cà phê. Không biết lấy đâu ra tiền để trả tiền nhà, tiền điện, tiền nước; hầu bàn, nhân viên không tận tâm. Họ được các đảng viên tuyển chọn; họ rời khách sạn lúc 9 giờ tối. Nhân viên nhà bếp hoang phí, quản lý lấy hoa hồng quá cao, mua thức ăn từ Thanh Hóa, dù giá cả cao hơn giá ở Hà Nội.

Cựu thu ngân viên Nguyễn Văn Kính phạm lỗi nhiều lần. Đảng viên VNQDĐ đến ăn, ba, bốn, đến mười lần mà không chịu trả tiền.

Phòng của khách sạn không đáp ứng được tiêu chuẩn phục vụ; đảng viên tổ chức truy hoan ở đó với tình nhân của họ; thức uống không phải lúc nào cũng được đảng viên trả tiền.

Ai cũng muốn làm sếp. Hoàng Văn Đào và Hoàng Văn Tùng đối xử thô lỗ với đảng viên làm việc trong khách sạn. Một số đảng viên lấy tiền trong két thanh toán chi tiêu của riêng mình. Khách sạn nợ hơn 2.000 đồng, trong đó có nhiều khoản đã quá hạn phải trả.

Ở nhà nghỉ này, lãng phí quá mức, tình yêu và cách mạng luôn đồng hành.

Với 10.000 đồng trong quỹ đảng bỏ ra để thành lập và kinh doanh khách sạn thì đã chi tiêu 6.000 đồng trước ngày khai trương.

Ban Thường vụ đã bù thêm 3.250 đồng vào những tháng 7, 8, 9, 10, và 11 nhưng vẫn phải chi 1.334 đồng trong tháng 12 và tháng 1, tổng cộng 4.584 đồng [tính từ khi bắt đầu kinh doanh].


Nguồn: Le Colon français républicain, 04 juillet 1929

Đến tháng Giêng, VNQDĐ vẫn còn nợ quầy thu ngân của khách sạn 1.416 đồng (6.000 đồng – 4.584 đồng) và không thể thanh toán vì đã cạn kiệt nguồn tài chính.

Doanh thu của đảng ước chừng 2.000 đồng mỗi quý cho đến ngày 1 tháng 1, đảng quyết định lấy 5% lương hay thu nhập của đảng viên[24]. Trên thực tế, kinh doanh là để có ngân sách cho công tác tuyên truyền, khách sạn Việt Nam đã hút gần hết nguồn tài chính của Đảng và cạn kiệt nguồn tiền đảng viên đóng góp.

Sau vụ Bazin bị ám sát

Trùm mộ phu Alfred François Bazin bị ám sát tối Giao thừa năm Mậu Thìn, khoảng 7-8 giờ chiều ngày 9 tháng 2, 1929. Theo báo chí lúc đó, Lê Thành Vị (Vỵ), Nguyễn Thái Thác, và Nguyễn Hữu Đạt đã bị Pháp bắt giam cùng với 9 người khác trước ngày 26 tháng 2, 1929. Theo báo Le Colon[25], trong 12 người đó không có Hoàng Văn Đào.

Nguồn: Le Colon français républicain, 1929-02-26. Bibliothèque nationale de France, département Droit, économie, politique, JO-94309.
  1. Hoàng Thúc Gị[26]
  2. Nguyễn Hữu Đạt[27]
  3. Nguyễn Ngọc Sơn[28]
  4. Lê Văn Phúc[29]
  5. Hoàng Văn Tùng[30]
  6. Tưởng Dân Bảo[31]
  7. Nguyễn Thế Nghiệp[32]
  8. Nguyễn Trọng Vỹ
  9. Đào Hinh tức Đào Nam Hinh[33]
  10. Lê Thành Vỵ
  11. Nguyễn Thái Thác[34]
  12. Hồ Văn Mịch[35]

Bốn người khác bị bắt là

  1. Chu Dưỡng Bình[36], 37 tuổi, thương nhân, quê ở làng Hạc Châu, tỉnh Nam Định.
  2. Phạm Văn Chinh[37] tự Việt Dân, 32 tuổi, giáo viên, ở Yên Mô, tỉnh Ninh-Bình.
  3. Hoàng Trác[38], 28 tuổi, buôn bán, ở làng Phú Khê, tỉnh Nam Định.
  4. Dương Ngọc Thủy, 28 tuổi, thư ký tại toà thị chính Nam Định, cư ngụ tại 81, đại lộ Francis-Granier, Nam Định.

Đa số trong 16 người bị bắt sau vụ ám sát Bazin như báo Le Colon đã đăng đều thuộc Tổng bộ lâm thời (25-12-1927) hay yếu nhân của VNQDĐ.

Phiên tòa ngày 2 và 3 tháng 7, 1929 xét xử các đảng viên của VNQDĐ và một số người của VNTNCMĐCH trong “âm mưu” chống chính quyền thực dân, gây bất an chính trị, theo tài liệu của Pháp và báo Le Colon français républicain

Nguồn: Centre des archives d’outre-mer (CAOM), 7F37, dos. GGI, Commission criminelle du Tonkin, 1929, pièce : RF, Protectorat du Tonkin, Commission criminelle des 2 et 3 juillet 1929

Ngày 2 và 3 tháng 7, 1929, phiên tòa Đại hình (Hội đồng Đề hình, HDĐH) Bắc Kỳ xét xử 227 người bị bắt trong phong trào gây bất an chính trị, tranh đấu chống lại chính quyền thực dân, trong số đó 147 người được miễn tố[39]; theo báo Le Colon số ra ngày 6 tháng 7, có 82 người bị kết án, 2 người được tha bổng. Hầu hết những bị cáo đảng viên VNQDĐ là những người Việt Nam trẻ, dưới 30 tuổi, theo tây học, như sinh viên, giáo viên, nhân viên văn phòng, công tư chức, và nhà báo. Tuy nhiên, VNQDĐ cũng  có đảng viên trong giới thương nhân và quân nhân. Một số nhỏ, 5 người, là thành viên của VNTNCMĐCH.

HĐĐH Bắc Kỳ do Thanh tra chính trị và hành chính, Jules BRIDE[40] chủ tọa với 3 thành viên là Pierre-Abel DELSALLE[41] giám đốc Văn phòng Thống sứ Bắc Kỳ, công tố viên chính phủ NICOLAS, và đại úy pháo binh GUET. Năm luật sư biện hộ là Mandrette, Jean Pierre Bona, Manshon, Pascalis, Bordaz.

HĐĐH thẩm vấn những bị cáo có luật sư biện hộ trước những người không có luật sư bào chữa.

Phiên tòa ngày 2 tháng 7

Sau đây là nội dung phiên tòa hai ngày 2 và 3 tháng 7, năm 1929 do báo Le Colon số ra ngày 6 tháng 7 tường thuật.

Đinh Xuân Tùng – 27 tuổi, giáo viên, phủ nhận đã tham gia vào “âm mưu” và cho ông bị vu khống.

Hồ Văn Mịch – 26 tuổi, cựu sinh viên trường Sư phạm Đại học Đông Dương.

Trương Văn Tân – 29 tuổi, giáo viên, nhận là một đảng viên của VNQDĐ do Nguyễn Hữu Đạt giới thiệu.

Chu Văn Phác – 29 tuổi, giáo viên, than oán đã sai lầm và xin được khoan hồng.

Lê Đức Phong – 26 tuổi, giáo viên, phủ nhận tất cả và có bằng chứng xác nhận không tham dự các cuộc họp như bị cáo buộc.

Lê Văn Quyền – 32 tuổi, giáo viên nhận lỗi và xin được khoan hồng.

Phạm Tiềm (Tú Tiềm) – 34 tuổi, giáo viên bị cáo buộc đã qua Thái Lan, đã dự buổi tưởng niệm Phạm Hồng Thái và đọc diễn văn. Ông nhận tất cả là sự thật.

Nguyễn Ngọc Sơn – 28 tuổi, công nhân đã ở Pháp, và qua Thái Lan, nhận là một thành viên tầm thường của VNQDĐ và dự lễ tưởng niệm Phạm HồngThái chỉ để tỏ lòng kính trọng.

Tưởng Dân Bảo – 22 tuổi, buôn bán, quản lý đầu tiên của khách sạn Việt Nam, và trong ủy ban trinh sát[42] của Tổng bộ kỳ II.

Nguyễn Thế Nghiệp – 23 tuổi, Chủ tịch Ủy ban Hành pháp. HĐĐH đặt nhiều câu hỏi quan trọng nhất với ông vì vai trò của ông trong VNQDĐ. Không phủ nhận vai trò của mình, ông nói nói mục đích của VNQDĐ không phạm pháp. Hơn nữa, những kế hoạch bạo động do một số đảng viên chủ trương đã bị phủ quyết. Mục đích thực sự của VNQDĐ trên hết để nâng cao trình độ dân trí của người  Việt Nam. Và cáo buộc VNQDĐ có khuynh hướng cộng sản là sai lầm. Ủy ban Lập pháp đã ngăn chặn bất kỳ đề nghị nào có khuynh hướng này. Ông nói ý tưởng cách mạng là tình cảm tự nhiên của các dân tộc bị áp bức. Nó là kết quả của sự tiến hóa của loài người. Các thành viên của VNQDĐ là những người buôn bán, công nhân, nhân viên mà lòng trung thành của họ là điều bất khả tranh luận.

Báo Le Colon ngày 6 tháng 7 cũng thuật lại mẩu đối đáp trước tòa Đại hình giữa người thanh niên cách mạng Việt Nam 23 tuổi với Chủ tịch HĐĐH của chính quyền thuộc địa Pháp, 58 tuổi, dầy kinh nghiệm xử tù người dân bản xứ.

Jules Bride: Đúng, nhưng các phần tử ôn hòa bị các phần tử cực đoan lấn át. Đã đã nghiên cứu lịch sử của Cách mạng Nga, ông phải biết điều đó chứ?

Nguyễn Thế Nghiệp: Tổng bộ mới thành lập trong phiên họp ngày 8 tháng 9 năm 1928, đã dập tắt mọi âm mưu dùng bạo lực. Cũng chính Tổng bộ đó đã phản đối kế hoạch tấn công ông Pasquier. Làm thế nào để ngăn chặn những ý tưởng bạo lực của một số đảng viên được?

Jules Bride: Đúng vậy. Nhưng trách nhiệm thuộc về người lãnh đạo, đúng không?

Nguyễn Thế Nghiệp: Đảng viên VNQDĐ đều bình đẳng, không có ai thực sự là lãnh tụ.

Jules Bride: Sự can thiệp của các vị tướng Trung Hoa,  Phi Long, Phi Hổ dù sao cũng là chuyện rất thật, phải không?

Nguyễn Thế Nghiệp: Về điểm này, xin mời quý tòa tham khảo biên bản cuộc họp ngày 2 tháng 2. Tôi đã chính thức ghi vào đó những ý định ôn hòa của mình. Bức thư của Nhu xác định sự thật này bắt nguồn từ sự hiểu lầm cá nhân với Hoàng Văn  Đào của khách sạn Việt Nam. (Phát biểu này của ông Nghiệp làm mọi người cười rộ).

Chu Dưỡng Bình – 40 tuổi, học giả, đã bị kết án 2 năm tù vào năm 1921 và 2 năm tù vào năm 1926 cũng vì tội “âm mưu” và 2 năm tù vào năm 1920 vì tội tàng trữ vũ khí. Ông bị cáo buộc là người đã thành lập chi bộ Thất Khê với người Thổ trong vùng và là người liên lạc với các thủ lĩnh băng đảng Trung Hoa Phi Long và Phi Hổ. Chu Dưỡng Bình không được lòng tin của các đồng chí.

Ông Bình xin được khoan hồng vì hoàn cảnh túng quẫn của gia đình, phủ nhận mọi việc nhưng công nhận đã bị đảng viên VNQDĐ nghi ngờ. Bride nói,  “Nghiệp đúng khi nghi ngờ ông.”

Pham Hữu Chinh – nông dân, thư ký của VNQDĐ, phủ nhận tất cả những cáo buộc.

Hoàng Phạm Trân tức Nhượng Tống – 28 tuổi, nhà xuất bản. Phần thẩm vấn Nhượng Tống  được khán giả đặc biệt quan tâm. Ông đúng là nhà báo, dịch giả nổi tiếng, tác giả của một số tiểu thuyết hấp dẫn. Ông bị cáo buộc là một trong những người hợp tác đầu tiên với Phạm Tuấn Tài, người sáng lập NĐTX. Nhượng Tống phủ nhận đã tham gia vào vụ “âm mưu” nhưng công nhận đã viết một số sách, lấy cảm hứng từ tình yêu nồng nàn của ông đối với quê hương.

Là một nhà báo, cho đến nay ông vẫn tuân giữ các quy định về báo chí. Nhận thấy ông có vẻ như muốn đọc diễn văn, Bride ra lệnh đưa ông trở về chỗ ngồi.

Hà Đức Vượng – 40 tuổi, tốt nghiệp Nho học. VNQDĐ liên lạc với ông để làm người hành động ở Hảo Điên, đại biểu của đảng ở Thái Bình. Vì có là người học thức nên ông đã có ảnh hưởng nhiều với các đồng chí. Ông Vượng phản đối Bride bằng những lời lẽ trang trọng nhất.

Hoàng Văn Đào – 35 tuổi, buôn bán, người quản lý thứ 2 của Khách sạn Việt Nam và trưởng ban Kinh tài của VNQDĐ, bị cáo buộc đã dự lễ tưởng niệm Phan Chu Trinh. Ông nhận tất cả là sự thật.

“Hoang-van-Dao 35 ans, Commerçant. Il fut le 2e gérant du V. N. Hôtel et Chef du Service Économique. Il est en outre accusé d’avoir assisté à l’anniversaire de Phan-chu-Trinh. Il reconnaît les faits.”

Le Colon français républicain, 1929-07-06.

Bị cáo Hoàng Văn Đào trong cuộc thẩm vấn của HĐĐH tại phiên tòa chiều ngày 2 tháng 7, 1929 tại Tòa Đại hình Hà Nội kết thúc lúc 7g30 chiều cùng ngày. Nguồn: Le Colon français républicain. 1929/07/06 (A4,N521)-1929/07/06.

Bị cáo Hoàng Văn Đào trong cuộc thẩm vấn của HĐĐH tại phiên tòa chiều ngày 2 tháng 7, 1929 tại Tòa Đại hình Hà Nội kết thúc lúc 7g30 chiều cùng ngày. Nguồn: Tạ Thu Phong ghi lại tường thuật trên tòa Hà Thành Ngọ Báo các số 537-9 từ 3 đến 5 tháng 7, 1929.

Lê Xuân Hy tức Cử Hy – 39 tuổi, là một nhân cách thực sự của VNQDĐ. Bị cáo khẳng định ông vô tội vì bị Tổng đốc Thái Văn Toản cho khám xét nhà nhưng không chứng minh được ông phạm pháp. Ông kêu gọi sự sáng suốt của HĐĐH. Bride ngắt lời ông bằng cách nói rằng họ sẽ đánh giá cao lời khai của ông.

Nguyễn Văn Năng – 23 tuổi, giáo viên. Ông bị cáo buộc đã thành lập một trường học truyền bá tư tưởng cộng sản và tham gia vào việc lập kế hoạch tấn công toàn quyền Pasquier. Bị cáo phủ nhận toàn bộ sự việc.

Nguyễn Văn Loan – 43 tuổi, nông dân, không nhận bất kỳ cáo buộc nào.

Nguyễn Triệu Luật – 26 tuổi, giáo viên, giữ nguyên những lời khai trước đây.

Trần Văn Môn – 39 tuổi, Trung sĩ không quân, bị cáo buộc đã lập một dịch vụ hàng không và đã cung cấp vũ khí cho VNQDĐ. Ông nói 3 khẩu súng lục tìm thấy trong nhà ông là súng của một trung sĩ người châu Âu. Người đó được gọi ra làm nhân chứng. Ông nhận thức được đã phạm lỗi nặng và xin một mình gánh chịu mọi hậu quả.

Đặng Xuân Tiếp – 32 tuổi, Trung sĩ, nhân viên tại Hải Phòng, nhận hết mọi chuyện và xin được khoan hồng.

Phạm Hữu Phong – 20 tuổi, trung sĩ thuộc Trung đoàn 2 lính khố đỏ Bắc Kỳ tại Hải Phòng là một trong những thành viên tích cực nhất trong cuộc “âm mưu”. Ông nhận đã tham gia VNQDĐ nhưng là để tôn vinh nước Pháp, nơi đã khiến ông theo tà giáo yêu nước (cười). Đang định phát biểu tiếp thì ông bị đuổi về chỗ.

Nguyễn Kim Ngữ – 28 tuổi, thợ đóng giày, phủ nhận mọi cáo buộc.

Phạm Tuấn Tài – 20 tuổi, nhà giáo, là người sáng lập ra NĐTX và sau đó là VNQDĐ. Bên cạnh, vợ ông đã lập ra một Hội Phụ nữ tên là Nữ công học Hội, như Đạm Phương nữ sử (Hội trưởng Nữ công học Hội) ở Huế. Bằng giọng nói dễ chịu, ông ghi nhận hành vi vu khống bỉ ổi của Nguyễn Triệu Luật … Ông rất ngạc nhiên vì bị cáo buộc đã thành lập VNQDĐ. Sáng tạo duy nhất của ông là NĐTX và ông làm sách để kiếm sống.

Phiên tòa tạm ngưng lúc 7g30 chiều 2 tháng 7, 1929.

Phiên tòa sáng ngày 3 tháng 7

Cho đến khi thẩm vấn Ngô Thúc Địch, lời khai của các bị cáo trước đó đều trần tục, không có gì đáng chú ý. Một số thừa nhận sai lầm của họ vì tham gia vào một tổ chức như VNQDĐ một cách vô thức, những người khác cho mình vô tội và yêu cầu thẩm phán xét xử họ một cách công minh, kể cả những chi tiết trong bản cáo trạng của họ.

Ngô Thúc Địch – 30 tuổi, Thư ký Lục sự. Nói thạo  tiếng Pháp, có thái độ bình tĩnh trước các thẩm phán. Sau câu hỏi của Bride, bị cáo nhận đã tham gia VNQDĐ. Không tìm cách minh oan hoặc giảm nhẹ trách nhiệm, ông tuyên bố đã tự nguyện tham gia tổ chức chính trị. Để biện hộ, ông đã trích dẫn mục tiêu vô tội, thậm chí đáng khen ngợi của VNQDĐ. Từ đó, ông suy ra ý định ôn hòa của đảng viên, dựa trên những lý do tương tự như những người thành lập đảng đã đề ra. Điểm chính trong lời khai của ông là cuộc cách mạng về ý tưởng “âm mưu” bị quy cho bị cáo. Ông Địch nhắc lại định nghĩa của  chữ “âm mưu” chiếu theo điều 87 và 89 của Bộ luật Hình sự, và kết luận rằng không thể áp dụng thuật ngữ này đối với họ.

Ngô Văn Triện, 28 tuổi, nhân viên thương mại, thừa nhận đã từng là thành viên của VNQDĐ và nếu quy chế số 1 của nhóm không được sửa đổi để mang tính chất bạo lực nhất định, thì ông đã là một tuyên truyền viên rất tích cực của VNQDĐ. Trước khi gia nhập, ông đã ấp ủ dự án thành lập một tổ chức gọi là Tân Dân Đảng, nhằm tăng cường sự cộng tác giữa người Pháp và người Việt Nam, nhưng khi biết tin thành lập VNQDĐ ông liền đề nghị với Thái Học để ông cùng tham gia. Ông ta đã rút lui khi thấy ý tưởng của các đảng viên không còn giống nhau. Ông than thở về số phận của Afima, nơi ông đã từng quan tâm và sau đó đã trở thành một xã hội của những người uống rượu và đánh bạc. Ông đã hỏi HĐĐH, và Chính phủ công nhận ý định cao cả của VNQDĐ. Bride trả lời, “Vâng, sự cao cả của chương trình hành động mà tôi đã đọc.” Cuối cùng bị cáo xin được Ủy ban cho phép giải thích liên hệ của ông với vợ của Thái Học. HĐĐH trả lời rằng chính bà ấy đã yêu cầu bị cáo viết thư cho Nguyễn Thái Học, khuyên ông ta nên đến và chịu sự xét xử của HĐĐH như những đồng chí của mình, thay vì bỏ chạy và làm nặng thêm tội của ông ấy.

Đặng Đình Hướng – 19 tuổi, học nghề cơ khí, bị bắt vì bán một túi có chứa những cuốn sách nhỏ mang tính cách mạng từ Quảng Châu. Ông có 2 thẻ căn cước. Những người bị bắt trong vụ ám sát chị em Thị Nhu và Thị Uyển ở Hải Phòng đã tố cáo ông. Bị cáo kể một câu chuyện ngụ ngôn. Hoàn toàn không đề cập đến VNQDĐ, ông ta không bận tâm đến 2 chữ “Cách Mệnh” mà ông ấy chưa thể hiểu được. Ông không có vinh dự là một người làm cách mạng, nhưng nếu người ta xem ông là một, ông ấy sẽ tự chúc mừng về chuyện đó.

Sau đó, là lời khai không đâu vào đâu của một vài người lính. Đó là: Nguyễn Văn Đàm – 20 tuổi, trung sĩ thuộc Trung đoàn 2 lính khố đỏ Bắc Kỳ, biệt phái tại Trường Thiếu Sinh Quân ở Đáp Cầu, là đối tượng, khi ở Strasbourg, trong cuộc điều tra của Bộ Chiến tranh; Trung sĩ Trần Đình Hưng, 24 tuổi, Hạ sĩ Lê Tường Đăng, 21 tuổi thuộc Trung đoàn 2 lính khố đỏ Bắc Kỳ, Hạ sĩ Lê Văn Tô, 20 tuổi thuộc Trung đoàn 2 lính khố đỏ Bắc Kỳ, đốc công Lê Văn Tô, 26 tuổi, Trung sĩ Trần Văn Sinh, 30 tuổi, pháo thủ Lê Duy Châu, 20 tuổi, đốc công Nguyễn Văn Tâm 28 tuổi.

Mai Ngọc Thiện – 24 tuổi, nhân viên thương mại, anh em họ[43] của 2 chị em Thị Như và Thị Uyển. Ông bị cáo buộc có liên hệ với VNTNCMĐCH và là một người cộng sản trung kiên. Ông bị đuổi ra khỏi kỳ bộ do Dương Hạc Đính đứng đầu, vì đã vi phạm quy chế của Hồng môn (cộng sản) vì theo chế độ đa thê. Bị cáo phủ nhận toàn bộ sự việc.

Sau khi các bị cáo Nguyễn Khánh Hoàn, 31 tuổi, Nguyễn Huy Yến, 23 tuổi, Trần Đình Kim 23 tuổi, Phùng Văn Đê, 27 tuổi, Nguyễn Danh Đối[44], 29 tuổi, làm việc tại Hải Phòng, HĐĐH xét xử Phạm Minh Đức,  bị cáo cuối cùng có mặt. Bride tuyên bố rằng Đức đã bỏ trốn sau khi sát hại 2 chị em. Gần đây ông đã đích thân đến để thú nhận với HĐĐH. So sánh  với Abd-el Krirn, ông yêu cầu nước Pháp phải có sự khoan hồng thương tương tự như đã đối với Abd-el Krirn, đặc biệt vì, không giống như Abd-el Krim, ông đã không sử dụng vũ khí. HĐĐH trả lời rằng họ sẽ đánh giá cao điều đó và nói thêm rằng tội ác giết 2 chị em ở Hải Phòng là một vấn đề thuộc tòa án Hình sự.

Cuộc thẩm vấn các bị cáo đã kết thúc.

Tờ Le Colon cho rằng, nhìn chung, những người cách mạng mặc dù có tính cách bài ngoại, mặc dù có tầm quan trọng rõ ràng trong tổ chức của họ, nhưng ngoài một số người lãnh đạo, hầu hết những kẻ đi theo, đều không tỏ ra thông minh.

Những bất đồng của họ, những lời tố cáo lẫn nhau của họ, sự rụt rè, nhút nhát của họ, là nguyên nhân dẫn đến sự thất bại của họ. Tại buổi điều trần, một số những người đó là những con người thực sự tả tơi: những ông già ngã gục trước tòa. Hoàng Mô phải được phép ra ngoài hiên thở không khí trong lành để tránh bị ngất.

Sau đó, lục sự đọc bản cáo trạng của những người không có mặt: Nguyễn Thái Học, người lãnh đạo VNQDĐ; Dương Hạc Đính[45], trưởng ban giám sát, kẻ đã ra lệnh và chỉ đạo vụ ám sát 2 chị em[46] Trịnh Thị Nhu và Trịnh Thị Uyển ở Hải phòng; Nguyễn Tường Loan[47], một giáo viên tự do, đã táo bạo đe dọa  HĐĐH nếu đối xử tệ với những người bị giam giữ.

HĐĐH ghi nhận Trung sĩ Trần Văn Môn khai rằng khẩu súng được tìm thấy trong nhà của ông là của Trung sĩ Casson Maurice, người đã hướng dẫn ông thử dùng loại vũ khí này. Trung sĩ Casson bị thẩm vấn xác nhận những tuyên bố của Môn.

Hội đồng Đề hình (HĐĐH) đã làm việc suốt ngày Thứ Tư, 3 tháng 7, 1929. Giữa trưa, phần thẩm vấn bị cáo đã kết thúc trước đông đảo dân chúng nhưng có rất ít người châu Âu. Đến 15 giờ 30, luật sư bắt đầu biện hộ. Đầu tiên, luật sư Manshon, bào chữa cho Hà Đức Vượng và Đoàn Mạnh Chế đã dai dẳng năn nỉ, cầu xin HĐĐH hết sức khoan hồng cho thân chủ của ông; Manshon  nói họ là những người vì thiếu hiểu biết đã tham gia một hội kín, nhưng không biết mục tiêu hội theo đuổi. Sau phần biện hộ của luật sư Manshon, Chủ tịch HĐĐH hỏi hai bị cáo xem họ có điều gì cần bổ túc trong phần bào chữa của mình không. Họ trả lời không.

Sau đó là luật sư Pascalis, với trọng trách biện hộ cho Đinh Xuân Tùng, Lê Thành Vỵ, Trần Bích và Hoàng Thục Gị; Pascalis đã xin miễn tội cho hầu hết các thân chủ, nói họ xứng đáng nhận được sự khoan dung. Hai luật sư Bordas và Maudrette sau đó lần lượt ra trước tòa; họ cũng có trách nhiệm bào chữa cho nhiều bị cáo khác và yêu cầu HĐĐH nhân từ, vì tội trạng của những bị cáo này không nặng lắm. Sau phần trình bầy của những luật sư biện hộ, HĐĐH đã lui vào phòng nghị án.

Cuối cùng, vẫn theo báo Le Colon số ngày 6 tháng 7, 1929, HĐĐH đã tuyên án tất cả 84 người, kể cả 7 người vắng mặt [Nguyễn Thái Học, Nguyễn Khắc Nhu, Dương Hạc Đính, Nguyễn Văn Viên (Hà Nội), Nguyễn Tường Loan, Nguyễn Văn Viên (Bắc Ninh)].

20 năm tù (de détention), 3 người; 15 năm tù (de détention), 2 người; 10 năm tù (de détention), 9 người; 5 năm tù (de détention), 19 người; 5 năm tù (de prison), 13 người; 2 năm tù (de prison), 9 người; 5 năm tù treo (de prison avec sursis), 4 người; 2 năm tù treo (de prison avec sursis), 23 người; tha bổng, 2 người.

Trong số những người bị kết án tù, một số nhỏ là thành viên của VNTNCMĐCH như Dương Hạc Đính, Nguyễn Tường Loan, Nguyễn Danh Đối, Đặng Đình Hướng, Mai Ngọc Thiệu.


Những bản án của HĐĐH Hà Nội ngày 3 tháng 7, 1929. Nguồn: Le Colon français républicain, 06 juillet 1929

20 năm tù (“20 ans de détention”): Nguyễn Thái Học, Nguyễn Khắc Nhu, Dương Hạc Đính (Cả 3 người đều vắng mặt)

15 năm tù (“15 ans de détention”): Phạm Tuấn Tài, Nguyễn Văn Viên (Hà Nội, vắng mặt)

10 năm tù  (“10 ans de détention”): Hoàng Thúc Gị, Nguyễn Ngọc Sơn, Lê Văn Phúc, Tưởng Dân Bảo, Nguyễn Thế Nghiệp, Đào Khắc Hùng, Hoàng Trác, Nguyễn Tường Loan (vắng mặt), Nguyễn Văn Viên (Bắc Ninh, vắng mặt)

5 năm tù (“5 ans de détention”): Nguyễn Thái Trác, Hồ Văn Mịch, Hoàng Phạm Trân (Nhượng Tống), Lê Xuân Hy (Cử Hy), Nguyễn Văn Năng, Trần Văn Môn, Đặng Xuân Tiếp, Phạm Hữu Phùng[48], Nguyễn Kim Ngữ[49], Hoàng Hồ, Lê văn Chu, Đoàn Mạnh Chế, Trần Bích, Phạm Duy Kiêu (Hàn Kiêu), Nguyễn Danh Đối, Đặng Đình Hướng, Nguyễn Văn Đàm, Nguyễn Văn Kính, Nguyễn Như Hy (vắng mặt).

5 năm tù[50] (“5 ans de prison”): Lê Thành Vị, Trương Văn Tân, Nguyễn Văn Kệch, Đoàn Tiệp, Nguyễn Văn Khoa, Đào Danh Hợi, Đào Viết Chuyên, Trần Hưng Long, Đặng Ngọc Như, Nguyễn Canh Hoan, Nguyễn Trọng Phú, Trần Bình Kim, Phùng Văn Đê.

2 năm tù (“2 ans de prison”): Hoàng Văn Đào, Chu văn Phát, Vũ Tá Chu, Nguyễn Văn Vỵ, Nguyễn Duy Cường, Lê Duy Châu, Mai Ngọc Thiệu, Nguyễn Đăng Đóa[51], Phạm Minh Đức.

5 năm tù treo (“5 ans de prison avec sursis”): Phạm Hữu Chinh, Phạm Tiềm, Đặng Đình Diên, Chu Dưỡng Bình.

2 năm tù treo[52] (“2 ans de prison avec sursis”): Nguyễn Hữu Đạt, Hà Đức Vượng[53], Nguyễn Văn Loan, Nguyễn Triệu Luật, Vũ Đức Hữu, Trần Văn Ngưỡng, Trần Văn Chinh, Ngô Thúc Địch, Lê Văn Quyền, Đặng Minh Phụng, Lê Đức Phong, Liêu Bá Dũng, Trịnh Thế Hưng, Lê Trọng Đăng, Nguyễn Văn Tôn, Nguyễn Thư Hoàng. Nguyễn Văn Tâm, Phó Đức Chính, Nguyễn Đức Phương, Nguyễn Huy Viên, Nguyễn Hữu Mùi, Phạm Liên Hoa, Ngô Văn Triện (Trúc Khê).

Tha bổng: Đinh Xuân Tùng và Trần Văn Sinh.

Tất cả những người bị kết án đều kháng cáo lên Hội đồng Bảo hộ Bắc Kỳ (Conseil du Protectorat) ngoại trừ những người được hưởng án tù treo.

Tài liệu của Pháp và báo Le Colon không hề đề cập đến những bản án “5 năm biệt xứ” (interdiction de séjour) như tác giả Hoàng Văn Đào đã ghi ở trang 70, cuốn “Việt Nam Quốc-Dân-Đảng”.

Tóm lược thông tin về Hoàng Văn Đào, đảng viên VNQDĐ, theo báo Le Colon và tài liệu của Pháp

Báo Le Colon và tài liệu của Pháp cho biết Hoàng Văn Đào, 35 tuổi (năm 1929), một người buôn bán có biệt danh là Mỹ Hữu Đào được Nguyễn Thái Học — trong chuyến đi Thanh Hóa vào tháng 9, 1928 — giao cho trách nhiệm kinh doanh khách sạn. Khách sạn Việt Nam do Hoàng Văn Đào quản lý bắt đầu hoạt động từ 26 tháng 10, 1928.

Vẫn theo những tài liệu kể trên, phúc trình của Nguyễn Đức Lung, thủ quỹ khách sạn Việt Nam, gởi lên Tình bộ Hà Nội nêu rõ nguyên nhân khiến kinh doanh của khách sạn Việt Nam thất bại là do quản lý yếu kém (không có khách, nhân viên lười biếng, bè phái, lạm quyền, chi tiêu hoang phí, đảng viên ăn không trả tiền, v.v.)

Trong vụ HĐĐH xét xử những người “âm mưu” gây bất an chính trị, chống lại chính quyền thực dân Pháp ngày 2 và 3 tháng 7, 1929, báo Le Colon ngày 6 tháng 7, 1929, trang 12.161, viết vắn tắt về ông khi bị thẩm vấn ngày 2 tháng 7, như sau

“Hoang-van-Dao 35 ans, Commerçant. Il fut le 2e gérant du V. N. Hôtel et Chef du Service Économique. Il est en outre accusé d’avoir assisté à l’anniversaire de Phan-chu-Trinh. Il reconnaît les faits.”

“Hoàng Văn Đào35 tuổi, buôn bán, người quản lý thứ 2 của Khách sạn Việt Nam và trưởng ban Kinh tài của VNQDĐ, bị cáo buộc đã dự lễ tưởng niệm Phan Chu Trinh. Ông nhận tất cả là sự thật.”

Cuối ngày 3 tháng 7, 1929, HĐĐH tuyên án ông Hoàng Văn Đào bị hai năm tù. (“Hoang v. Dao,… 2 ans de prison;”)


Nguồn:Báo Le Colon ngày 6 tháng 7, 1929, trang 12.161, cuối cột thứ 1.

Tiếp theo là phần nhận xét về ông Hoàng Văn Đào bị HĐĐH ở Hà Nội kết án hai năm tù ngày 3 tháng 7, 1929 với những gì tác giả Hoàng Văn Đào viết về phiên tòa này và quan trọng hơn nữa là so sánh với “hồ sơ người tù 103” ở Guiana thuộc Pháp.

Hoàng Văn Đào và “hồ sơ người tù 103” ở Guiana thuộc Pháp

Theo tác giả cuốn “Việt Nam Quốc-Dân-Đảng”, ngày 24 tháng 8, 1929 chính quyền thực dân ra lệnh những người bị án từ 2 đến 5 tù cấm cố bị đưa đi giam tại các nhà tù ở miền cao nguyên Bắc Phần. Đó là những nhà tù ở Cao Bằng, Hà Giang, Thái Nguyên, Sơn La and Lai Châu. Những người bị kết án cấm cố lưu đầy từ 5 đến 15 bị đưa ra giam ở Côn Đảo.

Theo tài liệu của Pháp và báo Le Colon thì Hoàng Văn Đào, 35 tuổi năm 1929 (sinh năm 1894), đảng viên VNQDĐ, người sinh cư ở Thanh Hóa trước khi về Hà Nội làm quản lý khách sạn Việt Nam, bị kết án 2 năm tù.

Tuy tác giả hai cuốn “Từ Yên-Bái” và “Việt Nam Quốc-Dân-Đảng” không cho biết ông bị án tù ra sao và đã bị giam ở đâu, những thông tin nói trên giúp người đọc có thể hiểu rằng ông đã bị đưa đi tù ở vùng cao nguyên Bắc Phần, ít nhất từ tháng 7, 1929 đến tháng 7, 1931.

Hồ sơ người tù 103 “Hoang Van Dao” là tài liệu do bạn đọc HS/VL cung cấp. Ảnh chụp bằng máy Nikon D70s, ngày 18/07/2011 tại Thư Khố Cayenne 2 (Archives départementales), L’ININI E.P.S. (Les Établissements Pénitentiaires Spéciaux du Territoire de L’Inini – Hệ thống nhà tù đặc biệt ở Khu tự trị Inini,  Guiana thuộc Pháp).


Nguồn: Hồ sơ người tù 103 “Hoang Van Dao”, trang trước. Nguồn: Tài liệu do bạn đọc HS/VL cung cấp. Ảnh chụp bằng máy Nikon D70s, ngày 18/07/2011 tại Thư Khố Cayenne 2 (Archives départementales), l’Inini E.P.S (Les Établissements Pénitentiaires Spéciaux du Territoire de l’Inini – Nhà tù đặc biệt ở Lãnh địa Inini, Guiana thuộc Pháp).

Hồ sơ người tù 103, số tù nhân số 3782, trang trước cho biết những thông tin sau đây

Tên Tù nhân: Hoang Văn Dao dit Suu. Tiếng Việt có thể là Hoàng Văn Đào (Đao, Đáo, Đảo hoặc Đạo) tự Sửu.
Cha là Hoàng Văn Hát, mẹ là Thị Giai.
Sinh năm 1891 tại Xã Thái Sơn, Huyện Hiệp Hòa, Tỉnh Bắc Giang; 40 tuổi (năm 1931).
Nghề nghiệp: Nông dân.
Vợ là Hoàng Thị Vân, có 6 con

Bị Tòa phúc thẩm Hà Nội (Tòa nhì) kết án ngày 1 tháng 12, năm 1930, 10 năm tù khổ sai vì tội cướp  của và giết người. Nguyên văn:

“Condamné par la cour d’appel de Hanoi (2ième chambre), le 1er décembre 1930, à la peine de dix ans de travaux forcés pour vol qualifié suivi de meurtre.”

Hồ sơ người tù 103

Lên tầu La Martinière ngày 17 tháng 5, 1931 sang Khu tự trị Inini.
Được trả tự do vào tháng 9, 1940.

<
Hồ sơ người tù 103 “Hoang Van Dao”, trang sau. Nguồn: Tài liệu do bạn đọc HS/VL cung cấp. Ảnh chụp bằng máy Nikon D70s, ngày 18/07/2011 tại Thư Khố Cayenne 2 (Archives départementales), l’Inini E.P.S (Les Établissements Pénitentiaires Spéciaux du Territoire de l’Inini – Nhà tù đặc biệt ở Lãnh địa Inini, Guiana thuộc Pháp).

Trang sau của hồ sơ người tù 103 ghi những thông tin sau đây.

Học vấn: Mù chữ (Illettré).
Hạnh kiểm: Tốt.
Chi tiết khác: Con dòng chính, dân thôn quê, làm việc nuôi thân và phụ giúp gia đình, không nghiện rượu (Non adonné à l’ivrognerie)

Trang kế ghi:

Đến Cayenne ngày 30 tháng 6, 1931 bằng tầu La Martinière, chuyển sang trại (St-Laurent-du-) Maroni.
Vào bệnh xá từ 14 tháng 8, 1931 đến 21 tháng 8, 1931.
Trốn khỏi trại tù la Forestière ngày 1 tháng 11, 1931, trở lại nhà tù ngày 13 tháng 11, 1931.
Chuyển sang tại tù Sinamary ngày 8 tháng 9, 1934.
Chuyển sang trại Crique Anguille ngày 27 tháng 7 năm 1935.
Được thả ngày 4 tháng 9, 1940            

16 tháng 1, 1932 | Trại La Forestière | Phòng biệt giam số 60 | Vượt ngục.
16 tháng 1, 1932 | Trại La Forestière | Phòng biệt giam số 20 | Không làm việc.
20 tháng 7, 1933 | Trại La Forestière | Phòng biệt giam số 8   | Obtenu la mention “non malade”.
20 tháng 8, 1933 | Trại Crique Anguille | Phòng biệt giam số 10  | Không chịu làm việc nặng (lao dịch)

Các trại tù trong hệ thống nhà tù đặc biệt (EPS) vào năm 1933 tại khu tự trị Inini, Guiana. Nguồn: Yvan MARCOU, Les ombres du bagne

Như vậy, hồ sơ người tù 103 ở Guiana thuộc Pháp cho thấy chính trị phạm Hoàng Văn Đào – tác giả 2 cuốn sách “Từ Yên-Bái” và “Việt Nam Quốc-Dân-Đảng”  –  sinh năm 1894 (35 tuổi năm 1929), đảng viên VNQDĐ, một người buôn bán sinh cư ở Thanh Hóa trước khi về Hà Nội làm quản lý khách sạn Việt Nam, bị HĐĐH kết án 2 năm tù, ngày 3  tháng 7, 1929, và bị giam ở miền cao nguyên Bắc Phần, không thể là thường phạm Hoàng Văn Đào tự Sửu sinh năm 1891 tại Bắc Giang, một nông dân mù chữ bị tòa phúc thẩm Hà Nội kết án 10 năm khổ sai ngày 1 tháng 12 năm 1930 vì tội cướp của giết người trong lúc chính trị phạm Hoàng Văn Đào đang thọ án ở một trong những nhà tù ở miền cao nguyên Bắc Phần.

Ông Hoàng Văn Đào tự Sửu lãnh án 10 năm khổ sai, bị đầy sang nhà tù ở Guiana thuộc Pháp từ 30 tháng 6, 1931 đến ngày 4 tháng 9, 1940 mới được trả tự do. Sau đó, không ai biết tung tích ông ở nơi nào như ông Trần Ngọ bị đưa đi đầy ở Guiana từ năm 1914. Ông có ở lại Guiana nhận đó là quê hương, sinh con, có cháu như các ông Trần Tử Yến, Lương Như Truật, Lâm Mãnh Hổ hay đã bỏ đi xứ khác như Đinh Hữu Thuật đã sang Trinidad rồi biệt tích? Lớp hậu duệ họ Hoàng, Trần, Lương, Lâm, v.v. đang góp phần xây dựng xứ Guiana nơi có nhà tù đầy đọa tổ tiên của họ và cả nước Pháp nơi đã áp đặt chế độ thuộc địa tại Việt Nam cả trăm năm. Cũng có thể ông Hoàng Văn Đào tự Sửu đã về lại quê cũ, như, Lý Liễu, Nguyễn Quang Diêu, Lương Duyên Hồi, tìm lại vợ con sau 10 năm đầy ải. Nhưng chắc chắn ông không không phải là Chủ-nhiệm Quản-lý nhật báo Bạn Dân (1953) hay là tác giả hai cuốn “Từ Yên-Bái” (1957) và “Việt Nam Quốc-Dân-Đảng” (1964).

Mối quan tâm của bạn đọc HS/VL lớn hơn sơ xuất khi đọc hồ sơ người tù 103 và/hay vì thiếu thông tin. Quan tâm đó đã gúp người viết có dịp tìm đọc, học thêm để làm sáng một góc tối của lịch sử đã bị lãng quên dù đó những câu chuyện quanh những bản án của HĐĐH ngày 3 tháng 7, năm 1929 ở Hà Nội hay lịch sử vắn tắt của một thường phạm đã trải qua gần 10 năm bị tù đầy ở Guiana thuộc Pháp. Trân trọng cám ơn bạn đọc HS/VL.

Chúng ta là những phần tử của một tập hợp, hiện thân của những thay đổi liên tục. Mỗi thế hệ đều có trách nhiệm truyền tải sự thật, bồi đắp cho nền tảng trung thực của lịch sử, cùng lúc phát huy giá trị đạo đức và trách nhiệm của người tri thức.

Lịch sử không cần tô son, điểm phấn, đánh bóng, bôi mờ. Đừng vẻ rắn thêm chân. Đừng gắn sừng cho thỏ. Xán lạn hay sần sùi, hãy để lịch sử là lịch sử.

Tác giả Hoàng Văn Đào chưa khi nào đi tù ở Guiana thuộc Pháp.

© 2021 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net


Nguồn: Bài của tác giả. DCVOnline hiệu đính.

[1] Trần Giao Thủy, Những người bị quên lãng ở nhà tù Guiana thuộc Pháp”, eBook, DCVOnline, 13 tháng 12, 2019, trang 48.
[2] Hoàng Văn Đào, “Việt Nam Quốc-Dân-Đảng”, 1970, “Tựa” do Mai Lâm Nguyễn Đắc Lộc viết ngày 24 tháng 3, 1964, trang 14.
[3] Trần Giao Thủy, ibid, trang 8.
[4] Trần Giao Thủy, ibid, trang 11.
[5] Hoàng Văn Đào, ibid., trang 28-29.
[6] Hoàng Văn Đào, ibid., trang 44-45.
[7] Hoàng Văn Đào, ibid, trang 69
[8] Hoàng Văn Đào, ibid, trang 70, cước chú (4).
[9] Hiện nay là nước Cộng hoà Hợp tác Guyana (Co‑operative Republic of Guyana).
[10] Hoàng Văn Đào, ibid, trang 179-80.
[11] Cao Bằng, Hà Giang, Thái Nguyên, Sơn La and Lai Châu (Tonkin).
[12] Trần Giao Thủy, ibid, trang 20-22[13] Centre des archives d’outre-mer (CAOM), 7F37, dos. GGI, Commission criminelle du Tonkin, 1929, pièce : RF, Protectorat du Tonkin, Commission criminelle des 2 et 3 juillet 1929, p. 1-8 (87 noms).
[14] Le Colon français républicain. Journal de défense des intérêts français et annamites. Publisher: (Haïphong). Bibliothèque nationale de France, département Droit, économie, politique, JO-94309.
[15] Tiền thân của Đảng Cộng sản, do Hồ Chí Minh thành lập vào tháng 6 năm 1925, dựa trên lý thuyết Marxist-Leninist, từ 9 thành viên của Tâm Tâm xã đặt trụ sở ở Quảng Châu.
[16] Báo Le Colon ghi là “Le-xuan-My”
[17] Jules-Joseph Bride, không có ‘s’, (sinh 01/08/1871; hưu trí), chính là Chủ tịch HĐĐH xử cụ Phan Bội Châu bắt đầu từ ngày 29 tháng 8, 1925 và kết án khổ sai chung thân ngày 23 tháng 11, 1929. Toàn quyền Alexandre Varenne, trước áp lực của quần chúng, đã xóa bản án của Bride, phóng thích cụ Phan Bội Châu khỏi nhà tù Hỏa Lò và đưa về an trí (quản thúc tại gia) ở Huế. (Nguồn: Walter de Gruyter, “Commission française du Guide des Sources de l’Histoire des Nations”. Oct. 25, 2012, Papier BRIDE (13 PA), page 213. Matthew A Berry, “Confucian Terrorism: Phan Bội Châu and the Imagining of Modern Vietnam”, Ph.D. Dissertation, University of California, Berkley, 2019, page vi). Khai sinh: https://www.leonore.archives-nationales.culture.gouv.fr/ui/notice/55720#show.
[18] Tức Tú Tiềm, 34 tuổi, giáo viên, cùng trong ban Trinh sát với Tưởng Dân Bảo trong Tổng bộ lâm thời VNQDĐ, 25 tháng 12, 1927. Hoàng Văn Đào, ibid, trang 38.
[19] Le Colon français républicain. 1929/07/06 (A4,N521)-1929/07/06.
[20] Le Colon français républicain. 1929/07/04 (A4,N520)-1929/07/04.
[21] (a) Centre des archives d’outre-mer (CAOM), 7F37, dos. GGI, Commission criminelle du Tonkin, 1929, pièce : RF, Protectorat du Tonkin, Commission criminelle des 2 et 3 juillet 1929, p. 1-8. (b) Tạ Thu Phong, “Tiếng thét Yên Bái: Lịch sử đẫm máu và bi hùng của Việt Nam Quốc dân Đảng” (2/2020), NXB Thế Giới.
[22] Báo Le Colon ghi là “Tu Che”; Có thể là Đoàn Mạnh Chế một trong hai đảng viên phụ trách tiểu ban tài chính của Tổng bộ lâm thời được đề cử ngày 25 tháng 12, 1927. Hoàng Văn Đào, ibid, trang 38.
[23] Đốc lý Hà Nội Auguste Tholance không cho phép vì Mỹ Hữu Đào nằm trong “sổ đen” của mật thám Pháp. (Tạ Thu Phong, ibid, “Việt Nam Khách sạn”).
[24] Le Colon français républicain. 1929/07/04 (A4,N520)-1929/07/04. p 12.151.
[25] Le Colon français républicain. Publication date: 1929-02-26. Bibliothèque nationale de France, département Droit, économie, politique, JO-94309.
[26] Người tổ chức hai cuộc họp của VNQDĐ tại nhà ở đường Goussard vào cuối tháng 1 và tháng 2, 1929.
[27] Ban Giám sát Tổng bộ lâm thời VNQDĐ, 25 tháng 12, 1927 (Hoàng Văn Đào, “Việt Nam Quốc-Dân-Đảng”, trang 38).
[28] 28 tuổi (Le Colon 06//7/2019); ban Ngoại giao, Tổng bộ lâm thời VNQDĐ, 25 tháng 12, 1927 (Hoàng Văn Đào, ibid, trang 36).
[29] 19 tuổi (theo Tài liệu của Pháp); phó trưởng ban Tổ chức, Tổng bộ lâm thời VNQDĐ, 25 tháng 12, 1927 (Hoàng Văn Đào, ibid, trang 36).
[30] Ban Ám sát Tổng bộ lâm thời VNQDĐ, 25 tháng 12, 1927 (Hoàng Văn Đào, ibid, trang 38).
[31] 22 tuổi, buôn bán (Báo Le Colon 06/07/1929). báo Le Colon ngày 25 tháng 2, 1929, trang 11735 ghi là Trương Văn Bảo. Ban Trinh sát Tổng bộ lâm thời VNQDĐ, 25 tháng 12, 1927 (Hoàng Văn Đào, ibid, trang 38).
[32] 23 tuổi, Chủ tịch Ban Hành pháp VNQDĐ (Báo Le Colon 06/07/1929); Phó chủ tịch Tổng bộ lâm thời VNQDĐ, 25 tháng 12, 1927 (Hoàng Văn Đào, ibid, trang 36).
[33] Đào Khắc Hùng, Đào Hùng hay bí danh khác là Đào Hinh Nam (Le Colon français républicain. Publication date: 1929-07-06. Bibliothèque nationale de France, département Droit, économie, politique, JO-94309.
[34] Báo Le Colon français républicain, Publication date: 1929-02-26, “ UN FRANÇAIS EST ASSASSINÉ(1) à Hanoi” ghi là “Nguyen-thai-Trac”. Bibliothèque nationale de France, département Droit, économie, politique, JO-94309.
[35] 26 tuổi, cựu sinh viên trường Sư phạm Đại học Đông Dương (Báo Le Colon 06/07/1929); ban Ngoại giao, Tổng bộ lâm thời VNQDĐ, 25 tháng 12, 1927 (Hoàng Văn Đào, ibid, trang 36).
[36] Báo Le Colon 26/02/1929 ghi là Chu-diem-Binh. Báo Le Colon số 06/07/1929 ghi 40 tuổi, học gỉa, đã bị tù nhiều lần.
[37] Có thể là Phạm (Huy/Hữu) Chinh
[38] Ban Giám sát, Tổng bộ lâm thời VNQDĐ, 25 tháng 12, 1927 (Hoàng Văn Đào, ibid, trang 38).
[39] Tài liệu của Pháp.
[40] Jules Brides (không có chữ ‘s’ như báo chi và nhiều sách đã ghi sai), thanh tra chính trị và hành chính ở Bắc Kỳ. Quyền Thống sứ Bắc Kỳ từ 27 tháng 7, 1933 đến 10 tháng 9 1933. Hưu trí 11 tháng 4, 1934.
[41] Pierre-Abel Delsalle (sinh 02/12/1886; làm việc với chính quyền Đông Dương từ 21/10/1905). Nguồn: Gouvernement Général de L’indochine, Annuaire administratif de l’Indochine 1936.
[42] Báo Le Colon ghi lầm là 32 tuổi và là trưởng ban tài chính.
[43] Thành viên của VNTNCMĐCH trong kỳ bộ của Dương Hạc Đính, người mà hai chị em Nhu và Uyển liên lạc để thăm dò về việc chỉ điểm Nguyễn Thái Học cho mật thám Pháp.
[44] Không phải Nguyễn Danh Đới như một số tài liệu đã ghi lầm. Nguyễn Danh Đối là một thành viên khác của VNTNCMĐCH trong kỳ bộ của Dương Hạc Đính là người cùng Nguyễn Tường Loan, với Phạm Văn Đồng Trần Văn Cung, Trương Quang Trọng, Nguyễn Sĩ Sách, Đỗ Ngọc Du, Nguyễn Đức Cảnh, Trịnh Đình Cửu, Nguyễn Sơn, Phùng Chí Kiên,…  đã dự lớp huấn luyện chính trị thứ ba do Nguyễn Ái Quốc tổ chức ở Quảng Châu, Trung Hoa. (Nguồn: Phạm Văn Đồng, Tiểu sử, Nhà Xuất Bản Chính trị Quốc gia, Hà Nội-2007.)
[45] Khoảng 24-24 tuổi, đứng đầu Kỳ bộ (Bắc Kỳ) của VNTNCMĐCH, gồm Dương Hạc Đính và Nguyễn Danh Đối, Mai Lập Đôn, Nguyễn Công Thu, Mai Ngọc Thiệu (Nguồn: [a] Danh Phiệt Nguyễn, Kim Ngọc Đặng, Duy Hinh Nguyễn, “Lịch sử Việt Nam”, Tập 8. Trang 560. [b] Hà Thành ngọ báo, Số 895, 1 Tháng Tám 1930, trang 1-2). Thư việt Quốc Gia Việt Nam
[46] Theo Hà Thành ngọ báo, Số 895, 1 Tháng Tám 1930, trang 2 thì hai chị em Uyển và Nhu là người của VNTNCMĐCH có anh là đảng viên VNQDĐ. Tuy nhiên, theo Lê Mạnh Hùng, “Việt Nam Quốc Dân đảng và người lãnh đạo Nguyễn Thái Học (Phần 2), RFA, 2006-02-10, thì Trịnh Đình Chiêm, anh của Nhu và Uyển, và hai em gái đều là người của VNTNCMĐCH, cùng quê và là chỗ thân quen với Nguyễn Thái Học, Nguyễn Thị Bắc và Nguyễn Thị Giang. Khi Chiêm bị bắt, mật thám Pháp đề nghị sẽ thả Chiêm nếu Nhu và Uyển giúp mật thám Pháp bắt Nguyễn Thái Học. Hai chị em bị VNTNCMĐCH tuyên án tử hình.
Người mà hai chị em Nhu và Uyển liên lạc để thăm dò, Mai Ngọc Thiệu, là đảng viên trong kỳ bộ của Dương Hạc Đính vốn là xứ ủy Bắc Kỳ của VNTNCMĐCH.
[47] Theo Hà Thành ngọ báo, Số 895, 1 Tháng Tám 1930, trang 1 thì Loan gia nhập VNTNCMĐCH cùng với Dương Hạc Đính.
[48] Báo Le Colon ghi là Tran huu Hung”.
[49] Tài liệu của Pháp ghi Nguyễn Kim Ngữ bị 2 năm tù treo.
[50] Không ghi tên Nguyễn Công (Ngọc) Riêu như trong tài liệu của Pháp nhưng có tên Nguyễn Văn Kính không ghi trong tài liệu của Pháp.
[51] Báo Le Colon ghi là “Ng. dang Khoa” và tài liệu của Pháp ghi bị 5 năm tù.
[52] Báo Le Colon không ghi tên “Phạm Hữu Nữu” và “Le Văn Tô” trong danh sách 2 năm tù treo như trong tài liệu của Pháp.
[53] Báo Le Colon và tài liệu của Pháp ghi là “Ha duc Vong”.