Đánh giá sự chân thành về khí hậu trong cuộc bầu cử năm 2021 ở Canada

Mô hình của một chuyên gia khí hậu đã khiến chương trình đối phó với biến đổi khí hậu của Đảng Tự do được xếp hạng cao dựa trên các mục tiêu, chính sách và chi phí theo các lời hứa về khí nhà kính (KNH). Những đảng khác điểm thấp hơn nhiều.

Một cuộc biểu tình chống thay đổi khí hậu ở Toronto vào tháng 9 năm 2019. Ảnh: Shutterstock.com, Shawn Goldberg.

Cử tri Canada muốn bầu cho những chính khách  chân thành về vấn đề khí hậu nhưng việc nhận diện họ không dễ, đặc biệt là khi mỗi đảng đều quảng cáo về giá trị của kế hoạch khí hậu của mình. Vì vậy, giới chuyên gia phi đảng phái như tôi cố giúp đỡ bằng cách đánh giá những kế hoạch khí hậu, công việc mà tôi đã làm trong hơn hai mươi năm. Trong cuộc bầu cử liên bang năm 2021, ở đây tôi sẽ đánh giá các mục tiêu, chính sách và chi phí của các hứa hẹn về khí hậu về KNK của bốn đảng Tự do, Bảo thủ, NDP và Greens.

Xin lưu ý, tôi phân biệt các mục tiêu KNK với chính sách và chi phí. Những người làm chính trị từ lâu đã nhận biết rằng một số cử tri đã lầm khi đánh đồng mục tiêu KNK với mức độ thành thực về vấn đề khí hậu. Vì mỗi chính đảng trong cuộc bầu cử này có một mục tiêu khác nhau cho năm 2030, điều này sẽ khiến sự lựa chọn của cử tri ngây thơ trở nên đơn giản. Chân thành nhất là Đảng Xanh (giảm 60%), tiếp theo là đảng Tân Dân chủ NDP (50), Đảng Tự do (40) và Đảng Bảo thủ (30).

Nhưng như tôi đã giải thích trong cuốn sách phát hành năm 2020, The Citizen’s Guide to Climate Success, chỉ với mục tiêu thôi không cho chúng ta biết gì về sự chân thành về khí hậu của họ. Chúng ta cần biết liệu các chính đảng đó có  chính sách để đạt được mục tiêu hay không và chúng ta cần biết họ có trung thực về chi phí hay không. Mục tiêu KNK càng tham vọng thì chi phí càng cao, để lại ít tiền hơn cho việc trợ giúp chuyển tiếp cho các gia đình có thu nhập trung bình và thấp, người lao động trong các ngành kỹ nghệ gặp khó khăn và người bản địa.

Công dân nên tập trung vào giá carbon và các quy định trong chính sách tổng thể của mỗi đảng vì chỉ những chính sách đó mới làm giảm KNK một cách đáng kể. Vào năm 2018, đảng Tự do đã đưa ra mức giá carbon quốc gia tăng cao, nếu họ được bầu lại, nó sẽ lên 170 đô la/tCO2 vào năm 2030. Họ cũng đã và đang thực hiện các luật lệ, quy định buộc đóng cửa các nhà máy than vào năm 2030. Ngoài ra, đảng Tự do kể cả các khoản trợ cấp để giúp người tiêu dùng cách nhiệt nhà cửa, các thành phố cải tiến hệ thống giao thông và thay đổi trong kỹ nghệ sản xuất. Trợ cấp chỉ có ảnh hưởng khiêm tốn, nhưng chúng có thể dân đến việc chấp nhận nhiều hơn của công chúng và những ngành kỹ nghệ đối với giá cảbon tăng và các quy luật nghiêm ngặt.

Làm thế nào để chúng có thể ta ước tính ảnh hưởng của những chính sách khác nhau đối với việc phát thải KNK? Thật đơn giản nếu bạn là người lập mô hình về chính sách khí hậu như tôi.

Tôi ái ngại khi xác nhận điều này bởi vì trong suốt đời làm việc, tôi đã được nói cho biết hai chữ “mô hình” khiến những người không phải chuyên gia xa lánh. Hãy tưởng tượng tôi bị sốc, khi tôi xem các chính khách, giới truyền thông và công chúng thảo luận về công việc của những người lập mô hình COVID (vâng, họ đã sử dụng hai chữ này), những người dự báo ảnh hưởng của những chính sách như hạn chế đi lại, yêu cầu đeo mặt nạ và chương trình chích ngừa. Nếu muốn làm phẳng đường cong lây nhiễm để ngăn chặn đại dịch, bạn đọc phải chuyển sang giới lập mô hình chính sách y tế. Nếu muốn làm phẳng đường cong KNK để ngăn chặn biến đổi khí hậu, bạn phải chuyển sang giới lập mô hình chính sách khí hậu.

Mô hình mà tôi sử dụng có tên là gTech, mà tôi và một nhà nghiên cứu tài năng, Emma Starke, đã mượn từ Navius ​​Research Inc. ở Vancouver. Đây là một trong những mô hình tốt nhất được các chính phủ và viện nghiên cứu ở Canada sử dụng để ước tính ảnh hưởng KNK của các chính sách khí hậu. Ngoài ra, nếu mô hình nhận thấy rằng các chính sách của một đảng không đạt được mục tiêu KNK của họ đặt ra, tôi có thể mô phỏng các chính sách bổ túc trong mô hình (tăng giá carbon, siết chặt quy luật nghiêm ngặt hơn) cho đến khi nó giảm đủ lượng KNK để đáp ứng mục tiêu. Mô hình cũng tính toán chi phí để đạt được mục tiêu trong điều kiện GDP giảm.

Đảng Tự do

Vào tháng 12 năm 2020, chính phủ Tự do tuyên bố thuế carbon dự phòng của họ sẽ tăng hàng năm lên đến 170 đô la mỗi tấn vào năm 2030. Điều này áp dụng cho các sản phẩm nhiên liệu hóa thạch tiêu thụ trong toàn nền kinh tế. Nhưng đối với ngành kỹ nghệ tiếp xúc với thương mại, nó chỉ áp dụng cho một tỷ lệ phần trăm khí thải để ngăn chặn sự gia tăng chi phí sản xuất quá đáng, vì nó sẽ gây ra việc đóng cửa nhà máy và mất nhiều việc làm trong ngành thép, xi măng, nhôm, hóa chất, bột giấy và giấy, phân bón, lọc dầu, luyện kim, khai thác mỏ và các ngành kỹ nghệ dầu khí. Những ngành này phải cạnh tranh với những ngành kỹ nghệ ở các nước có chính sách khí hậu yếu hơn, vì vậy việc áp đặt chi phí giảm phát thải khí nhà kính lên cao đối với ngành kỹ nghệ trong nước là hành động tự sát (và không có ích gì cho trái đất) về mặt kinh tế trước khi đủ các quốc gia hàng đầu tham gia với chúng ta trong việc áp dụng mức thuế carbon đối với hàng nhập cảng gây ô nhiễm.

Đầu năm 2021, Navius ​​đã dùng gTech để đánh giá các chính sách về khí hậu của đảng Tự do (định giá carbon, quy định, trợ cấp) và nhận thấy rằng những chính sách này sẽ gần đạt được mục tiêu 30%. Đây là lần đầu tiên. Chưa bao giờ các chính sách tiên tiến của chính phủ liên bang Canada được chuyên gia độc lập xác nhận có thể đạt được mục tiêu KNK. Nhìn chung, chính sách của đảng Tự do sẽ làm GDP giảm khoảng 2%, có nghĩa là nền kinh tế sẽ tăng trưởng 23 thay vì 25% vào năm 2030.

Vào tháng 4 năm 2021, Đảng Tự do đã tăng mục tiêu giảm khí phát thải lên 40%. (Họ cho biết 40-45%, nhưng 45% chỉ để phô trương. Nếu chỉ đạt được 40%, họ sẽ tuyên bố rằng họ đã đạt được mục tiêu của họ.) Ban đầu, Đảng Tự do im lặng về cách họ sẽ đạt được mức cắt giảm thêm, nhưng vào ngày 29 tháng 8, họ đã công bố một số quy định mới, kể cả việc bắt buộc xe không phát thải (50% doanh số xe bán vào năm 2030), tiêu chuẩn điện sạch (tất cả doanh số bán hàng vào năm 2035) và giới hạn phát thải dầu và khí giảm dần. Mặc dù tôi không có thời gian để lập mô hình chính xác với những chính sách mới nhất này, nhưng sự phân tích theo phép đạc tam giác giữa nhiều mô phỏng của chúng tôi cho thấy chúng có khả năng đạt được mục tiêu 40, mặc dù với tác động GDP lớn hơn khoảng 2,5%. Đây là những chính sách hiệu quả về mặt kinh tế.

Đảng Bảo thủ

Vào tháng 4 năm 2021, Đảng Bảo thủ yêu cầu tôi giám sát và phê bình (điều gì đó tôi giúp cho tất cả các chính đảng, miễn phí, khi được yêu cầu) trong khi họ yêu cầu Navius ​​kiểm soát các quy định chính sách thay thế để đạt được mục tiêu 30% của họ. Bởi vì họ có ý định đóng băng giá carbon ở mức 50 đô la, họ cần các quy định chặt chẽ hơn để đạt được mức giảm 30% tương tự như Đảng Tự do ở mức 170 đô la. Chúng gồm có tiêu chuẩn xe không phát thải, tiêu chuẩn nhiên liệu carbon thấp và quy định pha trộn nhiều khí methane sinh học hơn vào khí tự nhiên. Chúng cũng gồm cả những khoản trợ cấp, góp phần khiêm tốn vào việc giảm KNK. Hiệu ứng GDP cũng giống như đối với mục tiêu 30% của đảng Tự do.

Việc sử dụng Navius ​​của đảng Bảo thủ với sự giám sát của tôi cũng là một sự kiện khác lần đầu xảy ra. Cả hai đảng liên bang lớn nhất của Canada đều thừa nhận giá trị của việc đánh giá chuyên môn đối với các chính sách của họ. Đây là điều đáng khích lệ, nhưng cần nhiều hơn nữa để hoàn toàn tin tưởng vào sự chân thành của chính sách về khí hậu. Ví dụ: Đảng Bảo thủ dự định thay thế thuế carbon của Canada bằng một chương trình tín dụng, trong đó mỗi khoản thanh toán thuế carbon của mỗi người tiêu dùng sẽ được chuyển vào trương mục ngân hàng của mỗi người và được trả lại để tài trợ cho việc mua các sản phẩm có vẻ ít phát thải. Tôi e rằng chính sách này sẽ không hiệu quả như thuế carbon đơn giản 50 đô la. Tôi cũng ngại rằng đảng Bảo thủ sẽ không giữ lời hứa thực hiện ngay lập tức các quy định của họ, lặp lại chiến thuật trì hoãn của chính phủ liên bang của đảng Bảo thủ trước đây.

Đảng NDP

Mục tiêu 50% của NDP thể hiện một sự chuyển đổi năng lượng đầy tham vọng chỉ trong chín năm. Họ tuyên bố rằng họ sẽ đạt được điều này bằng cách khiến kỹ nghệ phải trả cho tất cả lượng khí thải của nó, loại bỏ trợ cấp nhiên liệu hóa thạch và cung cấp các khoản trợ cấp chuyển đổi nhiên liệu chính và hiệu quả năng lượng, đặc biệt là cho các gia đình có thu nhập thấp và những người có hoàn cảnh khó khăn. NDP nói rằng chính sách chính của họ là ngân sách carbon, rất khó để hình thành khái niệm, chưa nói đến mô hình. Chỉ trong một nhàn nước công an trị, đảng Tân Dân chủ mới có thể thực thi ngân sách cho từng người và từng công ty, vì vậy đây có lẽ là ngân sách của từng ngành, chẳng hạn như giới hạn về lượng khí thải từ các tòa nhà, xe vận tải nhẹ, ngành kỹ nghệ xi măng, v.v. Giới lập mô hình trong 30 năm đã cho thấy rằng cách dùng ngân sách khiến nền kinh tế tốn kém hơn đáng kể so với thuế carbon trên toàn nền kinh tế quốc gia. Tạm chấp nhận chương trình của NDP là khả thi, trước tiên tôi mô phỏng các chính sách họ đã nêu và khi những chính sách này không đạt được 50% như lời hứa, tôi đã mô phỏng lại cới giá carbon tăng, dùng doanh thu để tài trợ chuyển tiếp cho những người bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Ngay cả với cách giải thích thuận lợi này về các chính sách của đảng NDP, mục tiêu KNK tích cực của NDP và việc không sẵn sàng gisp đỡ những ngành phải cajnnh tranh thương mại (ngay cả khi không có thuế carbon toàn cầu) dẫn đến việc sút giảm sản lượng kỹ nghiệp và việc làm đáng kể, đặc biệt trong giới nghiệp đoàn có xu hướng ủng hộ NDP. Thật khó để tưởng tượng rằng một chính phủ NDP sẽ thực hiện một chính sách như vậy. Nhưng nếu đúng như vậy, mô hình gTech cho thấy giá carbon tiềm ẩn đạt mức 500 đô la/tCO2 với mức thiệt hại GDP lớn là 6,5% vào năm 2030. Một mục tiêu đầy tham vọng kết hợp với các chính sách kinh tế kém hiệu quả tàn phá nền kinh tế.

Đảng Xanh

Mặc dù Đảng Xanh ít nhất cũng công nhận sự cần thiết phải bảo vệ ngành kỹ nghệ phải cạnh tranh thương mại, nhưng việc đạt được mục tiêu 60% đầy tham vọng của họ sẽ tạo ra chi phí cao nhất. Để đạt được mức giảm nhanh chóng như vậy, giá carbon vào năm 2030 phải lên đến 580 đô la/tCO2, mức tăng hàng năm cần có là 55 đô la để kích hoạt thay thế sớm hoặc trang bị thêm phần lớn dụng cụ, xe, cao ốc và thậm chí cả nhà máy và cơ sở hạ tầng của nền kinh tế. Ví dụ, mục tiêu 60% yêu cầu giá xăng dầu phải tăng quá nhanh, nó không chỉ thuyết phục tất cả những người mua ô tô mới mua xe không khí thải, mà còn thuyết phục những người mới mua ô tô chạy xăng phải bỏ xe của họ sơm hơn dự định (xe cĩ sẽ không còn giá trị). Do những chi phí khổng lồ này, gTech ước tính thiệt hại GDP là 7,5%.

Đánh giá chung

Bảng 1 (bên dưới) đưa ra đánh giá của tôi về mức độ chân thành đối với khí hậu của từng chính đảng trong số bốn đảng liên bang dựa trên (1) liệu các chính sách của họ có đạt được mục tiêu hay không, (2) những mục tiêu và cách áp dụng chính sách của họ sẽ khiến người Canada phải trả giá như thế nào, và (3) họ thành thật đối với cử tri Canada ra sao.

Kết tóan của tác giả.

Đảng Tự do đạt điểm cao (8/10) so với các đảng khác về thành tích của họ từ năm 2015 đến năm 2021 trong vai trò chính phủ liên bang đầu tiên trung thực về các biện pháp kiểm soát cần thiết và chi phí của chúng. Tuy nhiên, họ không đạt được điểm tuyệt đối vì họ đã tăng mục tiêu lên 40% mà không đồng thời công bố các chính sách để đạt được mục tiêu đó. Trong cuộc vận động bầu cử này, họ đã công bố những chính sách đó và họ có khả năng đạt được mục tiêu của mình, đây là việc thật tốt. Nhưng lẽ ra họ phải nỗ lực thực hiện những chính sách này khi là một chính phủ thiểu số trước khi gọi cuộc bầu cử.

Đảng Bảo thủ có mục tiêu thấp hơn, nhưng họ có kế hoạch chính sách để đạt được mục tiêu đó và họ trung thực về chi phí, đã đưa chính sách của họ thử nghiệm với gTech. Tuy nhiên, tôi xếp hạng họ thấp hơn đáng kể so với Đảng Tự do, vì họ có vấn đề lớn về uy tín. Các chính phủ Bảo thủ liên bang và cấp tỉnh trong quá khứ đã không thành khẩn trong việc giảm phát thải KNK. Người ta hy vọng đảng Bảo thủ liên bang năm 2021 sẽ khác, nhưng cử tri Canada nên cảnh giác.

Điểm số của 2 đảng Greens và NDP thấp hơn trên tất cả mọi mặt. Thật sai lầm khi nói với người Canada rằng chúng ta có thể loại bỏ một cách kỳ diệu 50% và nhiều hơn nữa lượng phát thải khí nhà kính của chúng ta chỉ trong chín năm, mà không gây ra chi phí lớn và gián đoạn, đặc biệt là đối với một số công nhân và khu vực nhất định. Điểm của NDP thậm chí còn thấp hơn Greens về sự chân thành với khí hậu bởi vì không thể tin được rằng họ sẽ phá hủy các ngành kỹ nghệ của Canada như là phương tiện để đạt được mục tiêu của họ. Những chính phủ dân chủ xã hội ở Bắc Âu không thực hiện các chính sách mà NDP liên bang đang đề xuất. Các chính phủ NDP gần đây ở Alberta và B.C. không thực hiện các chính sách khiến kỹ nghệ phải chịu toàn bộ chi phí do ô nhiễm carbon, hoặc loại bỏ ngay lập tức tất cả các khoản trợ cấp nhiên liệu hóa thạch. (Cả hai tỉnh đều sử dụng gTech để giúp thiết lập và đánh giá những lời hứa và chính sách của họ.)

Những người Canada quan tâm đến khí hậu phải đối phó với một nhiệm vụ khó khăn khi bỏ phiếu, nhưng có những điểm hữu ích cần lưu ý.

Hãy cẩn thận với các chính khác nhiều hứa hẹn to lớn nhưng không chịu để giới lập mô hình chính sách khí hậu độc lập đánh giá những lời hứa và kế hoạch của họ. Về mặt này, rất đáng ngờ với những chính phủ NDP gần đây ở Alberta và B.C. Cả hai hứa chuyển đổi kỹ nghệ sâu sắc chỉ trong 9 năm như đã hứa mà sẽ không hây thiệt hại  nền kinh tế và những người yếu thế. Tuy nhiên cả hai chính phủ Tân Dân chủ đó chưa bao giờ dể giới lập mô hình khảo sát kỹ lưỡng những lời hứa của họ.

Hãy cẩn thận với các chính khách hứa rằng chi tiêu của chính phủ đồng nghĩa với sự chân thành của họ về khí hậu. Trên thực tế, các chỉ số chính sách chính về sự chân thành là mức giá carbon và tính nghiêm ngặt của quy định. Những điều này ảnh hưởng đến quyết định chi tiêu và đầu tư của các hộ gia đình và doanh nghiệp, vốn chiếm ưu thế trong nền kinh tế của chúng ta. Chi tiêu của chính phủ có thể giúp chúng ta vượt qua quá trình chuyển đổi. Nó không thể là quá trình chuyển đổi.

Hãy cẩn thận với những chính khách hứa hẹn rằng ai đó khác — ngành kỹ nghệ nặng, công ty nhiên liệu hóa thạch, tập đoàn nước ngoài, công ty ô tô — sẽ trả tiền để khử cacbon nền kinh tế của chúng ta. Tất cả chúng ta đều phải trả tiền. Nhưng nó đáng là giá để trả.

Tác giả | Mark Jaccard không thuộc bất kỳ chính đảng nào và hoàn toàn chịu trách nhiệm về nhận định này. Ông là giáo sư có tiếng và là giám đốc của Trường Quản lý Tài nguyên và Môi trường tại Đại học Simon Fraser. Ông cũng là thành viên của Hội Hoàng gia Canada và là tác giả chính (chính sách khí hậu) của Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu.

© 2021 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net


Nguồn: Assessing climate sincerity in the Canadian 2021 election | Mark Jaccard | Polici Option Politiques | Sept 3, 2021.